Một đời khoa học, một đời thơ
Nhắc đến thế hệ những nhà khoa học đầu tiên của ngành nguyên tử hạt nhân nước ta, không ai không biết PGS.TS Nguyễn Mộng Sinh, người đã dành trọn cuộc đời cống hiến cho khoa học và là một nhà thơ tài hoa của xứ sương mù.
Lần đầu tôi gặp ông khi vừa chuyển về sống tại Đà Lạt, qua lời giới thiệu của anh Nguyễn Thanh Hồng, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Lâm Đồng. Khác với hình dung của tôi, ông thật giản dị, gần gũi, có phần hóm hỉnh. Tiếp tôi tại tư gia, một biệt thự thanh nhã nằm ven con suối trên đường Cô Giang, ông nói về thơ ca, suy ngẫm về đời, về người qua những bể dâu đổi dời và kể tôi nghe thời thanh xuân của mình.
Miệt mài học tập, cống hiến cho khoa học
PGS.TS Nguyễn Mộng Sinh sinh ra ở Cam Lộ, Quảng Trị, là con trai đầu của Chánh Văn phòng Ủy ban Hành chính Trung bộ lúc bấy giờ, từ nhỏ đã được đặt nhiều trọng trách lẫn kỳ vọng. Tuổi thơ chưa tròn 10 năm đầu sống cùng gia đình, còn lại đều đi xa học hành.
Ông có 5 năm học tập tại Trung Quốc nhằm chuẩn bị lực lượng cán bộ sau kháng chiến. Về nước 2 năm, đến năm 1959 ông thi đỗ Đại học Bách khoa Hà Nội khóa 4, đang học năm nhất thì được cử sang Liên Xô học chuyên ngành Hóa học Nguyên tố hiếm và Phóng xạ, Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Kiev Shevchenko, là một trong 3 trường đại học quốc gia hàng đầu của Liên Xô bấy giờ. Ông cũng là lứa học viên quốc tế đầu tiên của trường được đào tạo thành những cán bộ nòng cốt cho các quốc gia.
Quá trình học lắm gian truân, ông tự mày mò học tiếng vì thầy chủ nhiệm khoa dạy bằng tiếng Israel, hằng ngày mượn tập của bạn về chép lại bằng tiếng Nga, còn học thêm tiếng Anh để đọc tài liệu. Sự nỗ lực được đền đáp, khi tốt nghiệp, luận văn của ông xếp loại xuất sắc, lấy bằng đỏ, học lên nghiên cứu sinh. Năm 1968, ông bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ hóa học phóng xạ.
Sau khi tốt nghiệp, ông về nước công tác ở Viện Hóa của Ủy ban Khoa học Nhà nước (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ), rồi chuyển qua Viện Vật lý hạt nhân. Năm 1970, ông được cử sang làm việc tại Viện Liên hợp nghiên cứu hạt nhân Dubna do ông Florốp - viện sĩ Viện Hàn lâm chủ nhiệm, đến năm 1974 thì về nước.
Năm 1976, khi có quyết định thành lập Viện Nghiên cứu hạt nhân (nay là Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam), tiếp quản Trung tâm Nghiên cứu nguyên tử Đà Lạt, ông chuyển vào làm việc tại đây và gắn bó với vùng đất cao nguyên cho đến bây giờ. Ông kể, cuối năm 1976, ông Florốp đến Đà Lạt với vai trò là chuyên gia nguyên tử hạt nhân, ông Florốp vỗ vai ông nói một câu, tạm dịch là: "Này, con trai, đây là chỗ làm việc của con".
Năm 1985, khi các chuyên gia cuối cùng của Liên Xô về nước, ông cùng các nhà khoa học thế hệ đầu của Viện đã khẳng định trí tuệ, bản lĩnh của người Việt, nhanh chóng tiếp cận, làm chủ kỹ thuật, vận hành an toàn, khai thác hiệu quả lò phản ứng hạt nhân duy nhất của đất nước. Hơn 30 năm, ông đã trải qua nhiều chức vụ, Trưởng Phòng Hóa phóng xạ, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Môi trường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân... cùng cộng sự thực hiện nhiệm vụ, ứng dụng kỹ thuật hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Ông tham gia nhiều hội đồng khoa học cấp cơ sở của Viện Nghiên cứu hạt nhân, là tác giả của trên 40 công trình khoa học đăng tải trên các tạp chí có uy tín trong nước và quốc tế; tích cực trong công tác hợp tác quốc tế, đặc biệt với Liên Xô trước đây và Liên bang Nga hiện nay. Song song với công tác tại Viện, ông tham gia hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng. Năm 2007, nghỉ hưu, ông được bầu làm Chủ tịch nhiệm kỳ 2007-2012, ông cùng các cộng sự thiết lập bộ tiêu chí đánh giá chung, là bộ tiêu chí đầu tiên trong cả nước và cho đến nay vẫn được coi là bộ tiêu chí duy nhất đánh giá hiệu quả của các đề tài, dự án khoa học, công nghệ. Ông còn dạy các khóa cao học tại Trường Đại học Đà Lạt, trực tiếp hướng dẫn luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ trong lĩnh vực hạt nhân và phóng xạ, hóa phân tích.
Ông được trao tặng nhiều bằng khen các cấp, trong đó có 2 Bằng khen do Thủ tướng Chính phủ ký tặng, Huy chương Vì sự nghiệp hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nguyên tử, Huy chương 70 năm ngành nguyên tử nước Nga... Được biết, ông cùng với thạc sĩ Nguyễn Thanh Bình là hai nhà khoa học Việt duy nhất được tập đoàn nhà nước về công nghệ hạt nhân Nga Rosatom trao tặng nhân kỷ niệm 70 năm ngành nguyên tử Nga.
Đến giờ, dù đã ở tuổi 85, ông vẫn miệt mài đọc sách, nghiên cứu, viết và phản biện những vấn đề chính trị, xã hội. Ông tâm sự, suốt những năm chiến tranh, mọi người ở quê hương cầm súng, đổ máu để bảo vệ Tổ quốc, trong khi ông được đi học tập ở xứ người, cảm thấy mắc nợ quê hương đất nước, nên quyết tâm cống hiến tri thức, sự hiểu biết của mình như sự tri ân, đền đáp.
Niềm vui từ sách và thơ
Là một nhà khoa học nhưng ông Nguyễn Mộng Sinh lại có tâm hồn giàu rung cảm với thơ ca. Ông tham gia Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng từ sớm, sau đó được bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Văn học Đà Lạt. Ông nói, thơ không chỉ là một cách để giải tỏa nỗi niềm mà nhờ đó ngôn ngữ của mình chỉn chu hơn, để các bài báo cáo khoa học khi viết ra không quá khô khan, để người đọc dễ tiếp thu, dễ hiểu, đưa khoa học gần với mọi người.
Ông làm thơ từ năm học lớp 6, không nhớ con số chính xác nhưng phải vài trăm bài. Đã in 3 tập thơ riêng và 1 tập chung. Điều tôi rất khâm phục là ông nhớ hết những bài thơ đã làm, ngồi đâu cũng có thể đọc vanh vách, dù là bài của mấy chục năm về trước. Ông đùa, người ông gầy nhưng rất nặng, vì bụng chứa toàn thơ, đọc cả ngày chưa hết.
Ông có khá nhiều bài viết về nước Nga, thời gian sinh sống và học tập tại đất nước bạch dương đã để lại cho ông nhiều nhớ nhung, xúc cảm.
Nước Nga là một nửa của hồn tôi
Nửa còn lại tôi là người Đất Mẹ
Ơi Việt Nam thân thương hiền dịu thế
Tấm lòng Người có sắc đỏ hồn Nga...
Ở bất cứ vị trí nào, ông cũng say mê cống hiến. Khi sinh hoạt văn thơ, ông chỉ là người làm thơ, không cho nhắc đến học hàm, học vị. Ngày hội thơ năm trước của tỉnh, ông đứng sau rèm ngâm bài "Nam quốc sơn hà". Buổi họp cuối năm của Chi hội Văn học Đà Lạt, ông tự mình đi mua hoa tặng chào mừng hội viên mới, để lại nhiều xúc động.
Mẹ mất khi ông vừa lên 2. Ông nói đó là điều tiếc nhất, vì ông không nhớ được gì về mẹ của mình. Nỗi trống vắng ấy được ông gửi gắm vào thơ:
Ca sĩ hát lời yêu thương về mẹ
Tôi bồi hồi bỗng nhớ đến mẹ tôi
Người đã khuất dưới chân trời góc bể
Bao yêu thương lại trỗi dậy trong đời...
Ông kể, tên ông có dấu ấn của mẹ. Ngày trước ở làng có bà mụ đỡ đẻ, bà có thể nói chính xác về ngày sinh, là trai hay gái từ khi mang thai. Thế nhưng, mẹ ông lại nằm mơ khác lời bà. Và, ông được sinh ra đúng như giấc mơ của mẹ, nên được đặt tên là Mộng Sinh, tức là sinh ra như điểm mộng. Cái tên này khiến thời trẻ, nhiều người lầm tưởng ông là một cô nàng với nhiều chuyện dở khóc dở cười.
Sau vài lần gặp gỡ, tôi hỏi ông có gì đáng khoe nhất, ông liền dẫn tôi lên tầng áp mái của ngôi nhà, với tầng tầng lớp lớp những kệ sách xếp ngay ngắn, phân loại không khác gì thư viện chính thống. Có hơn 3.000 đầu sách, trong đó có những quyển sách quý mà ông rất tự hào, có những bộ nhờ cháu nội ở Mỹ sưu tầm gửi về, nhiều quyển tiếng Nga do chính tác giả tặng. Đi khắp căn nhà 2 tầng, đâu đâu cũng đầy ắp sách và sách. Ông tự nhận mình là mọt sách, đến giờ vẫn rất mê đọc.
Tháng 7 vừa qua, ông bị tai nạn, bị thương khá nặng, nằm một chỗ. Vậy mà, vừa trở dậy ông liền ngồi vào bàn viết thơ gửi bạn bè đọc. Những bài thơ trĩu nặng suy tư về đất nước, về con người. Lúc tôi đến thăm, ông đã đi lại được, đang quét sân. Ông mời tôi ly trà bốc khói, trên bàn đầy sách về tiếng Việt, tiếng Nôm. Ông cho tôi xem 12 chữ, đúc kết về phẩm chất người Việt, "Giàu tình nghĩa. Trọng đạo lý. Coi trọng phẩm chất con người".
Lúc tiễn tôi ra về, ông cười vui vẻ, nụ cười của người mãn nguyện với cuộc đời, không quên nhắn nhủ, còn trẻ còn nhiều thời gian, đọc càng nhiều càng tốt. Như ông bây giờ, trân quý từng phút từng giờ, để mỗi giây đều sống vui sống khỏe, có ích cho đời cho người.