Nhà thơ Chu hoạch: Màu sắc thi ca hòa điệu với màu sắc hội họa

Thứ Bảy, 30/11/2024, 22:09

Nhà thơ Chu Hoạch (SN 1941, quê Hoài Đức, Hà Nội) làm thơ từ đầu thập niên 60 của thế kỷ trước và nổi tiếng là một thi sĩ - họa sĩ tài hoa. Cuộc đời thi sĩ lãng tử và nghèo khó của Chu Hoạch gắn bó với nhiều văn nghệ sĩ và nhiều bài thơ của ông đã được các nhạc sĩ đương đại nổi tiếng phổ nhạc như: Đặng Hữu Phúc, Phú Quang, Phó Đức Phương, Nguyễn Cường, Ngọc Đại…

Với người viết bài này, có một kỷ niệm thật khó quên về nhà thơ-họa sĩ Chu Hoạch. Trong cuộc thi thơ toàn quốc của tuần Báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam năm 1989-1990, tôi với ông đều có thơ in và đều được trao giải của cuộc thi này. Những năm ấy, đời sống thi ca đất nước bước vào giai đoạn đổi mới có rất nhiều chuyển biến và sôi động. Những bài thơ khó in trước đây nay được dịp xuất hiện và công bố. Những bài thơ tưởng chỉ dám đọc cho nhau nghe bên các quán rượu chui nay lại thơm mùi mực in trên trang báo.

Đốt cháy mình bằng tình yêu thi ca, hội họa và rượu…

Một buổi trưa đầu tháng 1/1991, chúng tôi gặp nhau bên mấy cốc bia. Chu Hoạch cười mỉm: "Theo tin rò rỉ, thơ của anh và chú đều được trao giải cao của cuộc thi thơ Báo Văn nghệ lần này!". Bữa ấy, hết bia rồi rượu, bạn bè chúc mừng Chu Hoạch và tôi. Gương mặt trầm buồn như giãn ra, Chu Hoạch đọc cho chúng tôi nghe bài thơ "Một ngày" viết hồi ông còn phải đi nạo vét cống ngầm để mưu sinh:

Nhà thơ Chu hoạch: Màu sắc thi ca hòa điệu với màu sắc hội họa -1
Nhà thơ Chu Hoạch.

Đưa Em ra bến xong anh vòng về quán nước
Ở đấy - với năm xu - anh được thở dài
Mà ngắm những đốm Hè nồng nực
Nhấp nháy hiện màu nhấp nháy đổi thay

Ngồi hết cái năm xu cũng là kịp vào ngày lao động
Với một chiếc xô tay anh tụt xuống cống ngầm
Thành phố đi trên đầu anh không tiếng vọng
Trừ tiếng thở của mình trầm, chậm, có hồi âm…

Ở đầu cống đằng kia cách hai trăm thước
Người thợ cống lâu năm rủ anh vào cuộc chuyện trò
Và trong cõi âm u nửa bùn nửa nước
Mỗi tiếng thì thầm cũng trở nên to

Cả hai đã nói gì trong âm u bùn nước ấy?
Khi thì nói về những cô gái đến với đời mình để lại ra đi…
Khi thì nói về khẩu súng, về con dao, về hòn đá đợi chồng, về lòng con sông chảy
Về những mùi vị bất ngờ được nếm ở trong mơ khi thức dậy chẳng còn gì…

Bài thơ "Một ngày" nói trên là một trong những bài thơ hay nhất của Giải thơ Báo Văn nghệ những năm Đổi mới. Có lẽ Chu Hoạch là nhà thơ duy nhất ở nước ta viết được một bài thơ độc đáo về "đời sống cống ngầm" những năm tháng ấy. Con mắt thi sĩ của ông đã phát hiện, đã khắc họa "trong cái cõi âm u nửa bùn nửa nước ấy" câu chuyện của quá khứ và tương lai của con người thời đương đại được nhìn từ dưới cống ngầm. Bài thơ giản dị, khúc chiết và đầy ắp "ý tại ngôn ngoại". Chu Hoạch còn nhiều bài thơ tuyệt tác khác như: "Quê", "Gió đầu ô", "Chiều"… đã làm nên gương mặt thơ đặc sắc của ông.

Lần gặp sau, cũng tại một quán rượu, Chu Hoạch tặng tôi tờ báo in bài thơ "Tĩnh vật" mà ông cho rằng đây là bài thơ hay nhất viết về hội họa của ông. Nhấp một chút rượu, giọng trầm xuống, mắt như phủ một làn sương, ông đọc bài thơ cho chúng tôi nghe:

Trên cái mặt sần của tấm các tông đen
Tôi nhận vẽ những bông hoa Loa kèn trắng
Và những bông Loa kèn đã vươn cổ thổi lên điệu kèn im lặng
Bằng độ trắng đầu tiên bằng độ trắng cuối cùng
Và những bông Loa kèn vươn cổ thổi lên điệu kèn bí mật
Mặc những lời bình luận của người nghe
mặc những lời bình luận của người xem

Và những bông Loa kèn vươn cổ thổi lên điệu kèn bất tận
Trong khi giống loài của chúng ở ngoài đời đã tàn, đã héo úa hom hem…
Trên cái mặt sần của tấm các tông đen…

Khi Chu Hoạch đọc xong, tôi bắt bàn tay ấm nóng của ông thật chặt và chia sẻ: "Đúng là một trong những bài thơ hay nhất của anh rồi! Ở bài thơ này, màu sắc của hội họa đã hòa quyện với màu sắc của âm nhạc và màu sắc của triết lý trong bảng màu giàu nhịp điệu của thơ tự do, với hình tượng rất độc đáo khi những bông loa kèn vươn cổ thổi lên điệu kèn im lặng, điệu kèn bí mật và bất tận của giai điệu trắng trên cái mặt sần của tấm các tông đen. Tuy thi sĩ không phải là triết gia nhưng họ có quyền triết luận bằng ngôn ngữ thi ca như trong bài thơ độc đáo này". Đến mãi sau này, cứ mỗi lần gặp hoa loa kèn trắng là trong tâm tưởng tôi lại vang lên điệu kèn bí mật trong bài thơ trên của Chu Hoạch.

Các nhạc sĩ nói về thơ Chu Hoạch và cuộc đời ông

Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc, một người bạn thân chí cốt của Chu Hoạch cho biết, ông từng giữ nhiều bản thảo thơ viết tay của bạn, trong đó có một số cuốn sổ tay may còn giữ được, vì có thời gian, gặp bi kịch tình yêu, Chu Hoạch từng đốt hết thơ của mình. Đến khi Đặng Hữu Phúc mang trả lại ông mấy cuốn sổ tay thơ còn giữ lại, Chu Hoạch mới nhớ ra mình đã từng viết những bài thơ ấy. Một đệ tử khác của Chu Hoạch là họa sĩ Phan Vũ Khánh, người từng "cắp tráp" theo ông lang thang đi vẽ suốt mấy chục năm ở Hà Nội  phố cho biết, thầy trò họa sĩ những năm đói kém ấy, suốt ngày chỉ xơi mì ăn liền và rượu suông nhưng vẫn cháy bỏng tình yêu hội họa và thi ca.

Có lần tâm sự với tôi, nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc ân hận: "Do yêu mến bạn quá nên thỉnh thoảng tôi lại đem thuốc lá và rượu trắng đến cho Chu Hoạch, nhưng không ngờ rằng mình đang làm bạn mòn mỏi, héo rũ vì nicotin và cồn. Những năm cuối đời, Chu Hoạch sống độc thân một mình, suốt ngày chỉ có rượu, thơ và vẽ. Anh đốt cháy mình cho nghệ thuật tới phút tận cùng. Có đêm thức dậy, khát quá, Chu Hoạch phải uống rượu thay nước vì bình thủy đã cạn sạch. Thế thì gan, ruột thi sĩ làm sao mà không bị hủy hoại, hở ông!".

Trong một đêm nhạc "Hà Nội, em và thu chớm đông sang" của nhạc sĩ Phú Quang tại Hà Nội, khi giao lưu với khán giả, ông đã bật khóc khi nhắc về cố họa sĩ-nhà thơ Chu Hoạch mà ông đã phổ thơ: "Tôi có một ông bạn họa sĩ yêu thơ. Ông này có cuộc sống rất khổ. Khi gia đình khó khăn cũng là lúc vợ ông sang nước ngoài kiếm sống. Ở nhà, ông họa sĩ có khi phải đi kéo xe để nuôi con. Nhưng vì dáng quá gầy gò nên rồi không ai thuê ông ta nữa. Ông họa sĩ đành phải xin làm công nhân móc cống để mưu sinh. Cuối cùng chờ đợi bao nhiêu năm vợ ông cũng về nước. Ông rất mừng nhưng khi gặp lại được người vợ thì cũng là lúc người đàn bà đó đòi chia tay, sau những lúc buồn bã nhất ông đã làm một bài thơ và khi tình cờ biết được đọc thấy xúc động nên tôi đã phổ nhạc". Nguyên tác bài thơ "Thu" như sau: "Thu rất thật thu là cái lúc chớm Đông sang/ Em rất thật Em là lúc Em hoang mang lựa chọn/ Anh rất thật anh là sớm biết ra đi nhẹ gọn/ Để tránh cho Em mất một lời chào/ Và/ Bớt cho trời một chút gió xôn xao…".

Nhà thơ Chu hoạch: Màu sắc thi ca hòa điệu với màu sắc hội họa -0
Chân dung tự họa của nhà thơ Chu Hoạch.

Còn nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, lúc còn sống đã kể lại: "Chu Hoạch trước khi thành họa sĩ, anh đi bộ đội, trở về làm công nhân công trình đô thị chuyên đi vét cống ngầm dọc phố phường Hà Nội ban đêm. Ngày vẽ và làm thơ. Mười năm cuối đời, anh ở trọ quanh khu Kim Liên, Phương Mai. Tôi mấy lần đến xem anh vẽ, vừa uống rượu, vừa vẽ. Nhiều tranh vẽ thiếu nữ rất đẹp. Có lẽ vì thế mà nhiều "người mẫu" cũng đem lòng yêu anh. Và cũng vì thế mà anh viết nhiều thơ tình. Gần đây, tôi gặp lại một "người mẫu" của anh, một người đẹp Hà Thành mà bạn bè vẫn gọi là "P. tóc vàng". Cô P. đọc thuộc những bài thơ khoảng 30 năm trước Chu Hoạch tặng cô. Có những bài thật dễ nhớ: "Có một nấm mồ không đáy: - thời gian/ Có một nỗi buồn không tan trong thời gian không đáy/ Đó là nỗi buồn của chiếc giày chân trái/ Không tìm thấy chiếc giày chân phải để thành đôi…".

Nhiều người đã chép tay các bài thơ của anh như "Cống", "Quê" và "Gió đầu ô", những bài thơ khiến người ta gọi Chu Hoạch là "thi sĩ cống" hoặc "thi sĩ quê". Anh lặng lẽ ra đi vào ngày 4/10/2007 theo cách riêng như thơ anh báo trước: "Ngày hôm nay, tôi nhắc đến chữ chết nhiều/ Chết đâu phải là điều cần tránh/ Chết đó là phần chia tư chiếc bánh/ Mỗi đời người nên biết cách ăn...".

Nhà thơ-họa sĩ Chu Hoạch ra đi đã mười bảy năm, thơ in hai tập với mấy giải thưởng lớn của Báo Văn nghệ và Hội liên hiệp VHNT Hà Nội mà không đủ tiền cho ông uống rượu, tranh thất lạc nhiều phương với nhiều người tình say đắm, nhưng còn lại vô số thơ hay như bài thơ "Chiều" dưới đây:

Chiều như đám cháy trong không
Cháy xong ngọn nắng cuối cùng rồi thôi
Chiều trong cây đứng đá ngồi
Chiều trong lá biếc đang trôi giữa dòng
Chiều như đám cháy trong không
Cháy xong ngọn nắng cuối cùng rồi... trăng

Với bài thơ trên, hình như nhà thơ Chu Hoạch đã linh cảm thấy trước, buổi chiều của đời thơ ông như một đám cháy, và sau khi cháy đến ngọn nắng sự sống cuối cùng thì thơ ông vẫn còn lại như một ánh trăng cô đơn trên vòm trời thi ca mà những người yêu thơ sẽ vẫn mãi dõi tìm.

Nguyễn Việt Chiến
.
.