Lý Hữu Lương, cúi xin mẹ cho ta được khóc

Thứ Sáu, 15/10/2021, 13:24

Phải gần 5 năm nay tôi không gặp nhà thơ trẻ người Dao, khoác áo lính Lý Hữu Lương. Hôm rồi thấy Lương inbox: "Chú cho cháu địa chỉ, cháu tặng chú tập thơ mới". Cảm động vì hai chú cháu mới gặp nhau ngoài đời một lần. Lý Hữu Lương, là nhà thơ 8X "đời cuối", quá trẻ nhưng đã kịp thành danh. Và rồi Lương tin cho tôi ngay.

Cầm "Yao", NXB Hội Nhà văn quý 4/2021, tôi cứ nghĩ mãi. Hẳn là một ẩn số. Rồi rất may tôi đọc được bài giới thiệu của Lý Hữu Lương. "Yao - mượn âm từ tiếng Hán (#ô#° - phiên âm: Pinyin (Yáo zú), nghĩa là Dao tộc). Từ Yao cũng được cộng đồng người Dao Việt Nam ghi nhận như một cách viết tên tộc người mình", anh chia sẻ trên trang cá nhân. Điều này làm tôi thích thú.

Trong số bạn bè văn chương, tôi quen biết một số nhà văn nhà thơ người dân tộc như nhà thơ Y Phương (Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật), nhà văn Phạm Mai Hương, nhà thơ Phạm Thị Kim Khánh... Một lần đọc một tác phẩm thơ của nhà thơ gốc Mường, Phạm Kim Khánh, tôi không giấu được sung sướng và bình luận ngay: "Em cứ giọng điệu tâm hồn của cộng đồng mình, thơ em sẽ rất khác biệt". Đúng thế, đọc thơ Y Phương, Phạm Kim Khánh...tôi thích ở sự khác biệt, nhịp điệu tâm hồn không lẫn. Lòng phấp khởi "Yao" của Lý Hữu Lương cũng đưa tôi đến miên cảm ấy.

Người Dao mình
Ăn xôi ngũ sắc
Cúng gia tiên bằng lợn bằng gà
Trai lớn thì cấp sắc
Cho bảng văn dài mấy nét thêu áo người
Sống thẳng ngay như lòng vỏ dao tay
Ăn trăm năm bồ hóng trên vách

(Người Dao)

 Lý Hữu Lương - Cúi xin mẹ cho ta được khóc -0
Nhà thơ Lý Hữu Lương.

Tôi chọn đọc bài thơ này đầu tiên, nhờ Lý Hữu Lương giải thích, nhờ tò mò về dân tộc Dao mà tôi ít có cơ hội. "Ăn xôi ngũ sắc" là ẩm thực riêng biệt của người Dao, trước hết là ở Yên Bái quê nhà thơ; còn "cúng gia tiên bằng lợn bằng gà" thì người Kinh cũng thế. Nhưng, ngay khổ thơ đầu đã có chỗ để tò mò. "Trai gái lớn lên thì cấp sắc", vậy "cấp sắc" là gì? Hóa ra, đó là mốc đánh dấu trưởng thành.

Trong văn hóa người Dao, đàn ông nếu chưa trải qua Lễ cấp sắc thì dù già vẫn chưa được coi là trưởng thành vì chưa có thầy cấp sắc, chưa được cấp đạo sắc, chưa có tên âm. Người đã qua cấp sắc dù ít tuổi vẫn được coi là người trưởng thành, được tham gia vào các công việc hệ trọng của làng, được giúp việc cho thầy cúng và được cúng bái. Người Dao quan niệm rằng có trải qua Lễ cấp sắc mới biết lẽ phải, trái ở đời, mới đích thực là con cháu Bàn Vương, khi chết hồn mới được đoàn tụ với tổ tiên. Do vậy, người đàn ông Dao nào cũng phải làm Lễ cấp sắc. Lễ hội này đã được công nhận là Di sản Phi vật thể quốc gia.

Chắc chắn, nhà thơ Lý Hữu Lương đã qua Lễ cấp sắc. "Người Dao mình/ Bằng đầu gối bò trên đá/ Bằng cái đầu đi trên núi/ Người Dao không biết đường/ Mài cho sắc rựa rìu mở núi" (Người Dao). Người Dao chân chất, gắn bó với núi rừng, quê hương, "sống ngay thẳng như lòng vỏ dao tay/ Ăn trăm năm bồ hóng trên vách" và "Mài cho sắc rựa rìu mở núi". Và, còn biết bao cơ cực "Lầm lũi dáng người/ Trôi trôi như lá vàng mái nóc". Những câu thơ dung dị nhưng phác thảo đủ lên một câu hỏi cuộc đời, bao giờ miền núi tiến kịp miền xuôi, bao giờ bà con dân tộc bớt đói nghèo, lam lũ.

Trong "Yao", Lý Hữu Lương còn dành cho Lễ hội, đời sống văn hóa tâm linh cấp sắc hẳn một bài thơ cùng tên.

...

Ơi, người đã sống
Người đã chết
Và cả những người đang chết
Tìm về

(Cấp sắc)

Trong Lễ cấp sắc của người Dao bao giờ cũng tái hiện sinh động những phân khúc độc đáo nhất của nghi thức cấp sắc như lễ trình báo đón tổ tiên, lễ lên hương, lễ phát lương, lễ xin treo tranh nhỏ... Lễ vật dâng cúng gồm có thịt lợn, rượu và cơm. Mâm lễ được bày trước bàn thờ tổ tiên của dòng họ. Tôi để ý khổ thơ thứ ba, trong đó có câu "Và cả những người đang chết" trong bài "Cấp sắc", bởi tôi nhớ câu thơ của nhà thơ quá cố Nguyễn Trọng Tạo "Có những người sống mà như qua đời" (Đồng dao cho người lớn).

Không nghi ngờ gì nữa, bên cạnh những yếu tố tôn giáo, tín ngưỡng, Lễ cấp sắc có tính giáo dục, khuyến cáo con người đang sống hướng tới việc thiện, không làm điều ác, sống đề cao nhân cách, đạo đức, trách nhiệm. Sống ích kỷ, thiếu trách nhiệm xã hội...hẳn là "những người đang chết". Lễ cấp sắc như một lần thức tỉnh.

 Lý Hữu Lương - Cúi xin mẹ cho ta được khóc -0
Tác phẩm mới của nhà thơ Lý Hữu Lương.

Lý Hữu Lương cũng là người từ quê ra phố, vì thế, thơ anh viết về làng quê, hồi ức về nơi sinh ra lớn lên, trăn trở về cộng đồng dân tộc mình. "Khuôn mặt làng", "Trăng quê mình", "Gửi người em nhỏ" đến những vấn đề lớn hơn như "Viết cho dân tộc tôi".

Con người nào cũng thuộc về một làng quê nhất định, có nơi chôn nhau cắt rốn nhất định, Lý Hữu Lương luôn nặng lòng, anh viết cho anh trong "Chân trần", "Ngày tôi lớn lên", viết về những nơi, tưởng như khó tìm lại trong đời sống nhưng vẹn nguyên trong ký ức, đó là "Chái bếp". Tất cả những gì thuộc về quê hương, gắn bó với tuổi thơ đều là một khoảng trời hoài niệm, chỉ cần một ngữ cảnh nào đó, tâm hồn bị rung chấn là thành thơ thôi. Đã từ lâu Lý Hữu Lương đã là công dân Thủ đô, nhưng tâm hồn anh dường như đã "chung thân" cùng làng bản. Nhìn mái phố thâm nâu Hà Nội, anh nhớ "Chái bếp" nhà mình.

...

Cho tôi về chái bếp nhà tôi
Cùi lửa non đêm đầy sương giá
Tiếng ngô giòn tiếng mẹ giòn hơn
Cho tôi về chái bếp nhà tôi

(Chái bếp)

Đọc thơ Lý Hữu Lương, tôi hiểu thêm vì sao nhà thơ Raxun Gamzatop "tuyên ngôn" trong tác phẩm "Đaghextan của tôi" là "Không có gì có thể đổi được làng". "Tôi xin làm con chim nhỏ làng tôi/ Cất giọng vang sâu xa rừng thẳm/ Ngực nóng từng lần thơm trước gió/ Mang khuôn mặt làng rải khắp muôn nơi" (Khuôn mặt làng).

Đọc Yao của Lý Hữu Lương, dễ nhận ra dù là người rất trẻ nhưng anh cả nghĩ, đau đáu với quê hương, dân tộc, trăn trở với phận người, phận núi, phận sông...Yêu làng, một phần hồn trao gửi ở bản nhưng trong khá nhiều bài thơ, Lý Hữu Lương dùng đến động từ "thiên di" như "Chảy từ nghìn năm thiên di" (Khuôn mặt làng), "Mặt lá vàng đợi cuộc thiên di" (Gửi người em nhỏ), "Ngủ suốt hai ngàn năm / Vẫn một mộng thiên di" (Chiến mã), "Nước mắt rơi đầy ngày thiên di truyền thuyết" (Lam chướng), "Bài ca về cuộc thiên di mười hai họ người Dao" (Sinh mệnh)... kể cả có hẳn một bài mang tên "Thiên di". Từ đỉnh núi Bàn Mai quê mình, Lý Hữu Lương như con ngựa muốn hí lên trước khi phi nước đại về phía trước, như cánh chim của núi rừng cất tiếng hót trước khi bay đến chân trời, góc bể. Để làm gì? Để mang tiếng nói của quê hương mình, cộng đồng dân tộc mình đến cộng đồng chung trong hành trình kết nối.

Trong "Yao", Lý Hữu Lương có hai bài thơ mang tên "Sinh mệnh" ở trang 67 và trang 82. Lý Hữu Lương, tự hào về dân tộc mình "Một người nói với tôi/ Chúng mày ở nơi rừng thiêng nước độc/ Khỉ ho cò gáy/ Thế giới của chúng mày. Buồn nhỉ/ Bạn so vai chun mũi/ Và nhìn tôi. Tôi chỉ cười" (Sinh mệnh, trang 67). Nụ cười rất tự tin và khảng khái. "Mỗi đêm tôi đều gặp tổ tiên của mình/ Người nói/ Đất như là sinh mệnh/ Đất như là sinh mệnh" (Sinh mệnh). Đất không chỉ là đất ở, đó là không gian văn hóa, tín ngưỡng, nơi hiện thực và siêu linh giao phó "sinh mệnh".

...

Dân tộc tôi ơi
Trên những con đường rừng
Có màu lá
Màu mây
Màu nước mắt
Và máu

(Viết cho dân tộc tôi).

Phải là người thuộc về dân tộc mình, chiêm cảm của Lý Hữu Lương mới đong đầy hiện thực và "những lời đồn đoán", tức là huyền sử về dân tộc mình. "Người làng không biết ta là nhà thơ/ danh xưng không có trong từ điển tộc người", với Lý Hữu Lương "Trời cho ta làm thơ/ bài thơ này để lạy tổ tiên/ bài thơ này để lạy mẹ ta/ bài thơ cho những người vừa đi vừa lau nước mắt/ những người đi xa khỏi cõi linh hồn" (Phả hệ).

"Yao" là tác phẩm thứ 4 của nhà thơ mặc áo lính Lý Hữu Lương. Lý Hữu Lương in ít, gia tài mới có 2 tập thơ, 1 trường ca, 1 bút ký nhưng anh là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ khá sớm. Điều đó cho thấy, câu thành ngữ "Quý hồ tinh bất quý hồ đa", đúng với anh. "Yao" chỉ 35 bài, tập thơ xinh xắn, có giá trị "thông điệp" cội nguồn.

* (Đọc tập thơ "Yao" của nhà thơ Lý Hữu Lương)

Ngô Đức Hành
.
.