(Nhân đọc tác phẩm “Từ trang sách đến gương mặt văn chương” - NXB Hội Nhà văn - 2021)

“Nghĩ về một con đường viết” của Nguyễn Hoài Nam

Thứ Bảy, 18/09/2021, 08:05

Mượn tựa “Từ nàng Kim Liên, nghĩ về một con đường của viết” để đặt nhan đề cho bài viết của mình, cái tôi muốn là, thêm lần nữa giải mã quan niệm viết lại, viết tiếp mà Nguyễn Hoài Nam đã thực chứng ngay trên văn bản phê bình của anh. Trong quá trình đi tìm cái tôi đắm mình trong vẻ đẹp diệu vợi của “mùi chữ”, cái tôi tham/can dự vào đời sống văn học của Nguyễn Hoài Nam, “Từ trang sách đến gương mặt văn chương”.

Nguyễn Hoài Nam, Từ trang sách đến gương mặt văn chương, Nxb Hội Nhà văn (bản quyền thuộc về Công ty cổ phần Sách Tao Đàn), 2021 - (mọi trích dẫn trong bài đều lấy từ nguồn này) của anh đã thực sự chồng lên tôi những suy nghĩ về sự viết, viết về sự viết. Viết về sự viết, cái nhìn của anh bao quát từ văn học trong quá khứ đến văn học đương đại, và nhất là, mọi giá trị đều được nhìn nhận, đánh giá từ quan điểm đương đại. Đấy là nhãn quan phê bình viết tiếp chuyên nghiệp và học thuật mà không ít cây bút phê bình sẽ học hỏi, trong đó có tôi.

“Nghĩ về một con đường viết” của Nguyễn Hoài Nam -0
Nhà phê bình văn học Nguyễn Hoài Nam.

1. Nguyễn Hoài Nam nghĩ về sự viết

Trong “Từ trang sách đến gương mặt văn chương”, anh không dưới hai lần đưa ra quan niệm của G.Genette về “viết lại”: “viết lại là một truyền thống lớn của văn chương toàn thế giới, nó đặt căn bản ở sự cạo xóa hạ bản để viết thượng bản đè lên, như trên một miếng da”. Khi đặt các bài viết của anh trong cái nhìn liên văn bản sẽ dễ dàng thấy anh cũng chịu ảnh hưởng bởi quan niệm “viết lại”. Anh soi chiếu quan niệm “viết lại” ngay trong từng tác phẩm/tác giả, cụm tác phẩm/tác giả. Tôi thấy có nhiều mối liên hệ vừa khép vừa mở giữa hai phần của tập sách, tác giả này với tác giả khác, giai đoạn này với giai đoạn khác, đề tài này với đề tài khác, thể loại này với thể loại khác, trong nước và ngoài nước,…

Lấy ví dụ về chủ đề đô thị. Nguyễn Hoài Nam sinh ra tại Hải Phòng. Hiện tại anh đã nhiều năm sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Tôi nhắc đến điểm này vì tôi đồ rằng một người đã thực sự gửi hồn cho Hà Nội như anh cũng ít nhiều có sự hệ lụy, liên đới và chính kiến. Với tâm thế liên văn bản, anh xâu chuỗi từ Ma Văn Kháng, Lê Lựu, Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Hồ Anh Thái, Nguyễn Việt Hà, Đỗ Phấn,… đến Lê Minh Hà cho người đọc những cái nhìn đa chiều về Hà Nội và đưa ra một sự nhận định chắc chắn: “Không phải cứ hễ sống ở đô thị là ngay lập tức trở thành thị dân. Để trở thành thị dân, đó là cả một quá trình tập nhiễm lâu dài, về mọi mặt”.

Những bài anh viết cho tôi hình dung những lát cắt muôn mặt của đô thị không chỉ qua giác độ của nhiều nhà văn trong và ngoài nước, mà còn có sự đụng chạm, tương khắc ngay trong một nhà văn, ví dụ trường hợp Đỗ Phấn, Đỗ Phấn biệt ra một phái về cái viết, về cái được viết, về nhân vật, về tâm thế. Nếu theo Linda Lê “Viết, là tự lưu đày bản thân”, thiết nghĩ, phải có sự lưu đày trong cảm thức về đô thị mới cho anh những lý giải thú vị như thế trong các bài viết, kể cả sự lặp lại ở Đỗ Phấn, thì đó cũng là sự lặp lại tăng dần, mở rộng và đào sâu.

Hoặc bàn về sự viết, mỗi sự viết đưa đến những góc nhìn khác nhau, song chung quy lại đều hướng về ý thức viết tiếp. Văn Chinh dù ảnh hưởng của sự “viết lại” nhưng cái sự “viết lại” của ông “không giống ai” bởi ông đặt sự viết lại ở nhiều góc nhìn, trong tâm thế liên và xuyên văn bản. Với hai cây bút trẻ Đinh Phương và Huỳnh Trọng Khang, có thể thấy tính liên đọc-viết trong tác phẩm của họ có khả năng tạo ra những liên văn hóa khác, đòi hỏi người đọc phải có vốn trải nghiệm văn hóa chứ không thể chỉ là những trải nghiệm đời sống đơn thuần.

Trong dòng chảy văn xuôi đương đại về miền núi, nếu Cao Duy Sơn lạ hóa, cấp cho cuộc sống và con người những hơi thở mới mẻ, tránh lặp lại những điều xưa cũ thì ở Nguyễn Thế Kỷ, dù “Chuyện tình Khâu Vai” hòa vào/trở thành một phần trong dòng chảy “viết lại” của văn chương Việt Nam hiện đại và đương đại nhưng đó là “thượng bản” đã được ông nỗ lực “mới hóa”. Như vậy, cái nhìn liên văn bản đã cho Nguyễn Hoài Nam nghĩ sâu hơn về sự viết, gọi đúng tên, bản chất sự viết của mỗi nhà văn, nhà thơ, trường phái, thời kì,…

Đi qua “sự viết” và làm mới “sự viết” là trách nhiệm của mỗi cây bút, trong đó, có Nguyễn Hoài Nam.

2. Nguyễn Hoài Nam viết về sự viết

Viết về sự viết, bản thân Nguyễn Hoài Nam cũng là một trải-nghiệm-viết cho người đọc. Trong cuốn sách, thấy khá rõ một Nguyễn Hoài Nam cẩn trọng, dè chừng khi đưa ra vấn đề đang cần sự quán chiếu của thời gian, của tương lai, với các kiểu diễn giải: “với tầm hiểu biết còn rất hạn chế của mình”, “người viết xin được mạnh dạn”, “không dám mạo hiểm để đưa ra ý kiến xác quyết”…

“Nghĩ về một con đường viết” của Nguyễn Hoài Nam -0
Bìa cuốn “Từ trang sách đến gương mặt văn chương” của Nguyễn Hoài Nam.

Nhưng đằng sau cái vẻ cẩn trọng ấy là một Nguyễn Hoài Nam cực kì dũng cảm, tự tin trước kiến thức và những luận bàn sắc sảo của mình. Bởi, sự viết mà anh bàn luận đều là những tác giả, tác phẩm, giai đoạn, thời kì,… đã được đóng đinh như Thơ Thiền Lý Trần, Trương Tửu và Trương Chính trong nhóm Tự lực văn đoàn, Hoàng Cầm, Ma Văn Kháng, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Tuân, Nguyễn Minh Châu,… đến Hồ Anh Thái, Nguyễn Huy Thiệp, Văn Chinh, Cao Duy Sơn, Nguyễn Danh Lam,…; ở văn học nước ngoài như Diêm Liên Khoa, Irene Nemirovsky, Philip Milton Roth,…; hoặc chí ít cũng thể hiện được cá tính sáng tạo như hai cây bút trẻ Huỳnh Trọng Khang và Đinh Phương,…

Viết về sự viết ấy, bản thân anh cũng phải khách quan hóa bóng dáng “uy nghi” của người viết, có đối sánh bài bản trong hệ thống “sự viết” của người viết và trong chuỗi tác giả, chuỗi văn bản khác để đa dạng sắc thái cho chính “sự viết” của anh.Với anh, bảo toàn cho viết về sự viết sẽ giết chết khoái lạc của sự đọc, nên mọi thách thức bao giờ cũng hấp dẫn chính “sự viết” của anh và sẽ là yếu tố thu hút, vẫy gọi người đọc: “Nhưng chấp nhận đối mặt với thách thức, chiếm lĩnh thách thức và rồi thủ đắc được một cái gì đó có ích cho mình, há chẳng phải là một hạnh phúc, một khoái lạc của việc đọc hay sao?”.

Nhận định về Nguyễn Huy Thiệp, khi mọi người đang đứng về phía đông đảo, cho rằng sự ra đi của Nguyễn Huy Thiệp vừa qua đang tạo ra “khoảng trống không sao bù đắp được”, anh lại khác, lội ngược dòng với những lập luận, lý lẽ chặt chẽ: “Tôi thấy rằng Nguyễn Huy Thiệp chỉ thực sự viết và thực sự viết được những tác phẩm có giá trị đóng đinh vào văn học sử Việt Nam trong khoảng mười năm đầu của nghiệp viết”. Nên, “cái khoảng trống mang tên Nguyễn Huy Thiệp”… đã há miệng từ hơn 20 năm trước, khi bút lực Nguyễn Huy Thiệp cơ hồ không còn chút sức rướn nào”. Hay khi bàn đến tản văn, một thể loại dễ viết nhưng khó hay, sau những dẫn giải Nguyễn Hoài Nam thẳng thắn bày tỏ lập trường, đưa ra định nghĩa trên tiêu chí “viết tiếp” rất phù hợp, thể hiện bản lĩnh của anh.

Nhà phê bình vừa thẩm thấu vấn đề liên quan đến văn bản và tác giả, vừa biết vượt ra khỏi quỹ đạo đó, tránh sự phiến diện, ngộ nhận, để tạo cái nhìn khái quát, có những đóng góp về mặt lí thuyết. Những quan niệm, diễn giải khách quan của Nguyễn Hoài Nam lúc này sẽ gợi lên trong lòng người đọc những ham muốn tìm hiểu, khám phá. Ý thức viết về sự viết, kéo theo đó là ý thức về sự đọc trong văn bản của Nguyễn Hoài Nam đã phát huy hiệu ứng và sức hấp dụ cho “Từ trang sách đến gương mặt văn chương”.

Như thế, bản thân Nguyễn Hoài Nam, người viết về sự viết cũng là người “viết tiếp”. Anh không đơn giản chỉ là “thẩm văn ngửi chữ” như trước nữa mà đã có sự tương tác, đối thoại với người đọc. Cái sự giải mã của anh xuất phát từ nhiều hướng, luận bàn sắc sảo từ cuộc đời đến tác phẩm, từ tác phẩm này mở hướng ra tác phẩm khác và đặt trong dòng chảy đời sống văn học. Sau khi gây hấn với đủ đầy phương diện, anh mới đưa ra nhận định “viết tiếp ở đây luôn thường trực, thậm chí luôn biểu hiện ra thành sự đối thoại và phản biện của hậu bản với tiền bản”. Nếu ở “Mùi chữ”. Nguyễn Hoài Nam, Mùi chữ, Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 2013. vẫn còn đâu đó mùi của báo chí thì kiến giải của “Từ trang sách đến gương mặt văn chương” chắc chắn hơn, đã cung cấp những góc nhìn thấu đáo, cô đúc, thuyết phục và học thuật.

Kiến thức về lý luận phê bình của anh nhuần nhuyễn ngay trên/trong văn bản, chứ không theo kiểu trích dẫn, áp đặt. Đối với người đọc hàn lâm, vốn liếng về lý luận sẽ giúp họ thẩm sâu hơn vấn đề anh đặt ra và có thể phát kiến những góc nhìn khác qua sự khơi mở, dẫn dắt và có phần đụng độ của anh. Nhưng cái hay ở chỗ, đối với người đọc bình dân, họ vẫn đi cùng anh đến cuối văn bản, bởi lối mềm hóa, giản dị sự viết của anh. Vì vậy, từ “Mùi chữ” đến“Từ trang sách đến gương mặt văn chương”, phê bình của anh chấp nhận mọi tiệm cận, tiếp nhận. Theo tôi, đây là kiểu phê bình đã đạt đến sự giao thoa giữa “khoa học và nghệ thuật”, như Đỗ Lai Thúy đã từng bàn.

Có thể khẳng định, diễn ngôn “Từ trang sách đến gương mặt văn chương” của Nguyễn Hoài Nam đã mang đến luồng gió mới cho phê bình, vừa viết tiếp, vừa chừa những khoảng trống để tiếp tục tranh luận và đối thoại. Bởi, sự viết hay viết về sự viết đều có quyền “cạo xóa” để làm nên sự lạ cho đời sống văn chương. Như anh đã khẳng quyết: “Những cuốn sách gọi những cuốn sách. Những cuốn sách chồng lên những cuốn sách và lưu dấu. Chỉ cần thế, cùng với tài năng đặc biệt của sự xoay xở với những cái có sẵn từ trước, biết viết lại/viết tiếp, có thể đã là đủ đảm bảo cho văn chương yên tâm trên hành trình miên viễn”.

Hoàng Thụy Anh
.
.