Lê Minh Quốc: Từ câu thơ dẫn đến một con đường...

Chủ Nhật, 16/07/2023, 08:49

Lê Minh Quốc tuổi Kỷ Hợi, hiện sinh sống và viết báo, làm văn tại TP. Hồ Chí Minh. Thời gian dài, từ năm 1988, ông gắn bó với Báo Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh cho đến lúc nghỉ hưu. “Tôi ít đến cơ quan cũ, nếu không có sự kiện và anh chị em không nhớ tới để mời”, Lê Minh Quốc tâm sự. Đó cũng là tính cách của người mệnh Mộc, tương sinh là Hỏa và Thủy, tương khắc là Thổ và Kim, như ông.

1. Gọi Lê Minh Quốc là nhà văn hay nhà thơ thì đúng? Tôi phân vân, bởi địa hạt nào ông cũng có thành tựu. Trên khuôn mặt nam tính, mày tằm dữ dội, nhưng lắm khi cũng lơ ngơ như thường thấy ở những thi sĩ đa mang, giàu phẩm hạnh. Gặp Lê Minh Quốc ngoài đời, lần sau thú vị hơn lần trước.

Hôm tôi ở TP Hồ Chí Minh khi hỏi chuyện nhau về quê nhà, Lê Minh Quốc trả lời, ông cũng ít về quê hương Đà Nẵng, cố thổ của mình. Bố mẹ còn thì quê hương gần gũi và ngược lại. Tôi đọc cho Lê Minh Quốc câu thành ngữ Nghệ: "Chết một ngài, ngái một bậc". Thưa "ngài", "ngái" là hai phụ âm có vẻ "đối nghĩa" về hình thức, kỳ thực khác nhau. Người Đà Nẵng cùng “không gian” ngữ điệu Xứ Quảng, phát âm "dấu huyền" hơi khó, nên ban đầu ông chưa hiểu. Lê Minh Quốc, với sự trợ giúp của nhà thơ Trương Nam Hương phát âm lại hai lần. Ông thốt lên "hay" và mở sổ ra ghi lại.

lmq.jpg -0

Đó là tác phong người làm văn, làm báo... một thời mô phạm. Các cụ xưa đã dạy: "Học ăn, học nói, học gói, học mở" - trong nhân dân, ở các vùng miền có những cách nói khá đặc biệt. “Học nhân dân” góp phần làm phong phú thêm kiến văn, điều người viết cần.

Trước khi về Hà Nội, Lê Minh Quốc tặng tôi mấy tập sách. Trời à, ông còn là một nhà nghiên cứu về tiếng Việt, văn hóa Việt. Đó là ấn tượng đặc biệt đối với tôi. Tôi khá "cổ hủ" - dù có ý thức hội nhập. Ví dụ: tôi về quê Xứ Nghệ, biết những gia đình trong nhà thay đổi cách con gọi phụ thân từ "cha" sang "ba" là tôi không khoái lắm, dẫu tôn trọng khác biệt. "Cha" vừa là cách gọi phổ thông, vừa mang "bản sắc Nghệ". Trong lý lịch của bất cứ ai cũng có dòng khai "Họ và tên cha" chứ không phải là "Họ và tên ba", hoặc "Họ và tên bố"...Vì thế, tôi nâng niu cách đặt vấn đề của Lê Minh Quốc.

"Xin nói thật rằng, đã từ lâu, tôi nghĩ rằng, đã là người Việt chắc gì chúng ta đã hiểu tiếng Việt? Có những từ đã sử dụng từ xửa từ xưa, trải dài theo năm tháng, dần dần phai nghĩa, do đó thế hệ sau khó có thể hiểu trọn vẹn chữ nghĩa của nó", Lê Minh Quốc nhận định.

Riêng với ca dao, tục ngữ, thành ngữ.... theo ông đó là "Trí tuệ của dân tộc ta truyền miệng từ đời này qua đời khác" và theo anh: "Đó là cách giữ lửa tốt nhất đã có từ thời dựng nước, giữ nước... Đất nước phải luôn đối đầu với nạn ngoại xâm, cha ông ta đã chọn lối truyền miệng sẽ không có một kẻ thù nào tước đoạt hoặc tiêu diệt". Bộ sách “Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt”, gồm 3 tập, cả ngàn trang của Lê Minh Quốc đã ra đời, hiện đang được chào bán rộng rãi.

Đúng như cách đặt vấn đề của Lê Minh Quốc, thời giặc Minh sang xâm lược (đầu thế kỷ 15), họ săn lùng và đốt Thư tịch cổ của người Việt, hoặc chở hết về Trung Quốc. Thời hiện đại, vì tiếng nói, chữ viết mà bom rơi, đạn nổ ở nơi này, nơi khác; nhiều biến động địa chính trị đã và đang bất ngờ xảy ra.

Đối diện với Lê Minh Quốc, cầm trên tay trọn bộ “Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt”, ông tặng, tôi nghĩ, không phải tự nhiên, UNESCO lấy ngày 21/2 hàng năm là Ngày Quốc tế tiếng mẹ đẻ. Tôi hiểu vì sao nhà thơ Nga Gamzatov đã từng rất phản ứng với những người Đaghextan quê ông làm ăn ở Maxcova quên tiếng Avar và ông thốt lên: "Phải giữ gìn tiếng nói như giữ gìn đất nước, quê hương".

2. Lê Minh Quốc tuổi Kỷ Hợi, hiện sinh sống và viết báo, làm văn tại TP. Hồ Chí Minh. Thời gian dài, từ năm 1988, ông gắn bó với Báo Phụ nữ TP.Hồ Chí Minh cho đến lúc nghỉ hưu. “Tôi ít đến cơ quan cũ, nếu không có sự kiện và anh chị em không nhớ tới để mời”, Lê Minh Quốc tâm sự. Đó cũng là tính cách của người mệnh Mộc, tương sinh là Hỏa và Thủy, tương khắc là Thổ và Kim, như ông.

Năm 1977, khi đủ 18 tuổi, Lê Minh Quốc nhập ngũ và phục vụ tại chiến trường Campuchia, bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Năm 1983, anh ra quân và nhập học Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh. Ra trường cầm bút nghiên. Lê Minh Quốc là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam và hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Thơ - Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh.

Về gia tài văn chương, cho đến nay Lê Minh Quốc đã công bố 5 tiểu thuyết lịch sử về các nhân vật như Nguyễn Thái Học, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn An Ninh, Tôn Thất Thuyết, Bạch Thái Bưởi; 14 tùy bút văn học; 7 tác phẩm biên khảo; 12 tập thơ. Đấy là chưa tính tùy bút “Từng ngày ba mẹ thở theo con”, NXB Kim Đồng, năm 2022 và tập thơ “Tình thơ một thuở” (in chung), năm 2023, có ý nghĩa đặt biệt.

lmq2.jpg -0
Nhà thơ Lê Minh Quốc và con gái.

Lê Minh Quốc là trai nhân “chuẩn Man”, đẹp trai, vừa gai góc, mạnh mẽ vừa lãng tử, hóm hỉnh... nhưng trước “thềm” nghỉ hưu, Lê Minh Quốc mới “chịu” lấy vợ. Cháu gái có tên thân yêu Coco Mì - thiên thần bé nhỏ đến với vợ chồng Lê Minh Quốc. Từ đó, cuộc đời Lê Minh Quốc thay đổi hẳn, rẽ sang trang mới đầy giấc mơ thánh thiện, tổ ấm luôn ngập tràn sự mới mẻ yêu thương.

Hôm chờ Lê Minh Quốc ra quán Blue Caffe ở quận Phú Nhuận, nhà thơ Trương Nam Hương bảo: “Con gái Lê Minh Quốc còn bé lắm, nên kiên nhẫn chút”. Bận rộn với con cái, nhất là con gái mới tuyệt làm sao. Vì thế mà tôi mừng. “Môi hôn ghé xuống môi hôn/ Ôm lấy trái đất vuông tròn trong tay/ Mỗi ngày cúi xuống nghiêng tai/ Lắng nghe nhịp thở đất đai nảy mầm” (Thơ Lê Minh Quốc).

Với số đông, gần lục thập mới “đưa nàng về dinh” và có con được gọi là muộn, là “cha già con cọc”, nhưng Lê Minh Quốc quan niệm khác. Chính Lê Minh Quốc có lúc tự đặt câu hỏi: “Có trễ tràng quá không?” và tự trả lời: “Không gì muộn màng. Không gì quá sớm. Quan trọng nhất đúng lúc, đúng thời điểm. Tự an ủi như vậy, bởi hành trình nuôi con là một chặng đường dài. Bền lòng và nhọc lòng. Âu lo và hân hoan”.

“Khi ẵm bồng bé nhóc măng tơ, thơm ngon mùi sữa, oe oe tiếng khóc, chập chững bước đi, bi bô nói cười thì đó cũng là lúc tôi bắt đầu trưởng thành, chính thức trở thành “người lớn”. Người lớn ở đây hiểu theo nghĩa, mình không còn sống cho mình mà tự ý thức biết sống cho người khác, vì người khác, cụ thể là con mình. Con mình còn bé bỏng quá, thiên thần quá, thơ dại quá, vì thế mình phải chững chạc hơn, và có trách nhiệm hơn. Một trong những trách nhiệm lớn nhất, thay đổi tôi nhiều nhất vẫn là chọn lấy niềm vui, niềm vui sống, nhìn lấy sự vật/ sự việc theo chiều hướng tích cực hơn, lạc quan hơn. Với tôi, chính từ con đã đến cho tôi ý nghĩa của hạnh phúc như bạn đã nhận xét”, Lê Minh Quốc trải lòng.

Chính vì thế, trong “gia tài” văn chương của Lê Minh Quốc, tôi tin “Từng ngày ba mẹ thở theo con” có vị trí đặc biệt. Đây là tập tùy bút ông “dành cho các thiên thần nhỏ và người lớn”. Tác phẩm lấy cảm hứng từ con gái yêu, cháu Coco Mì.

3. Lê Minh Quốc là người đa ưu, đa cảm. Tác phẩm của ông đa dạng, từ đề tài lịch sử đến đề tài cuộc sống. “Lực đẩy” của sáng tạo chính là hiện thực, không quên quay lại làm lấp lánh những vẻ đẹp hiện thực. Thế nhưng, quan niệm cũng như cách sống, ông không thay đổi sự giản dị.

“Hạnh phúc đôi khi cũng nhỏ nhoi, ngồi bên nhau ăn hết một buổi chiều, uống hết thời gian bên dòng sông Sài Gòn lộng gió và những câu thơ vẫn bền một dấu rêu. Đêm khuya lại nồng nàn rượu ngọt bởi không gian ấm áp hương sen trên ngón tay ve vuốt một hình hài nõn nà lụa gấm này em ơi chết điếng linh hồn”. Đây là những dòng đầu tiên “Thay lời tựa” - không khác bài thơ văn xuôi cho tập thơ “Yêu một người là nuôi dưỡng đức tin”, nhưng tôi nghĩ đó là quan niệm của ông về hạnh phúc. Đây là tập thơ 88 bài, những cung bậc tự sự của Lê Minh Quốc về con người, cuộc đời, thế phận, thân phận.

Phải chăng, Lê Minh Quốc là người khởi xướng ra loại thơ tự vấn, như nhận định của Nguyễn Thị Hậu trên Tạp chí Nhà văn (nay là Nhà văn và Cuộc sống), số tháng 1/2021? Chỉ biết chắc chắn rằng, đọc tập thơ này, dễ nhất trí với ý kiến của nhà LLPB, TS. Lưu Khánh Thơ: “Những câu thơ giày vò, hành hạ người thơ này đến khốn khổ”.

Hôm gặp lại nhà thơ Lê Minh Quốc tại TP. Hồ Chí Minh gần đây, ông và nhà thơ Trương Nam Hương đồng ký tặng tôi tập thơ “Tình thơ một thuở”. Hóa ra là tập thơ mới nhất in chung của “bốn chàng ngự lâm” Hồ Thi Ca, Lương Minh Cừ, Trương Nam Hương, Lê Minh Quốc và nhà thơ, họa sĩ Lê Thị Kim. Đó là tập thơ của những người tri âm, tri kỷ ngoài cuộc đời, không thay lòng đổi dạ, được trân trọng như trong “Kinh Thiên Sanh” (Phật giáo).

Tôi biết Lê Minh Quốc đã và đang sống kỹ, tận hiến với cuộc đời cũng với “thế giới của những giấc mơ”. Ông đã và đang “từ câu thơ dẫn đến một con đường”. Hẳn nhiên đó là “con đường” nhân vị. 

Ngô Đức Hành
.
.