Khi văn nhân lâm bệnh

Thứ Năm, 01/06/2023, 15:24

Đại phàm, đã là con người, chẳng ai tránh được bệnh. Bệnh nặng, bệnh nhẹ, bệnh lâu, bệnh mau, bệnh cấp thời, bệnh mãn tính, bệnh bám ở ngoài da, bệnh ăn tận trong xương cốt tạng phủ v.v và v.v... Cả trăm thứ bệnh có tên và không tên luôn rập rình chực sẵn, chờ cơ hội để đột kích và phát tác trong những tấm thân tứ đại. Có bệnh là khổ. Khổ vì nỗi khó chịu đau đớn thân xác. Khổ vì sự lo âu dày vò trong tâm tưởng. Khổ vì phải tốn tiền thuốc men, mất thời gian chạy chữa...

Thế nhưng, nhà văn Dumbadze, tác giả của “Quy luật của muôn đời”, lại tuyên bố: trong cuộc đời của một con người, rất cần thiết phải có ít nhất một trận ốm dài, thật nặng, ốm đến liệt giường liệt chiếu, ốm đến thập tử nhất sinh. Vì rằng sau trận ốm như vậy, người ta sẽ có cơ hội nhìn thế giới bằng một cái nhìn khác, với những giá trị khác, mới mẻ hơn.

Không phải không có lý: kinh nghiệm cận kề cái chết, nỗi sợ hãi khủng khiếp khi cảm nhận được hơi lạnh từ địa phủ chậm chạp vờn trên thân thể mình, điều đó sẽ khiến người ốm dậy thấy yêu quý cuộc sống gấp bội, anh ta sẽ nâng niu trân trọng, hân hưởng giá trị của từng giây phút sống.

Khi văn nhân lâm bệnh -0
Nhà văn Dostoievsky.

Và nếu là như vậy, ít nhất, bệnh tật đã có thêm một lý do để biện minh cho sự cần thiết của nó đối với con người nói chung. Với văn nhân thì sao? Người ta có thể dễ dàng dẫn ra vô số ví dụ về việc nhà văn, bằng sức mạnh của nghị lực và niềm đam mê to lớn, đã vật lộn, đã chạy đua, và đã chiến thắng bệnh tật ra sao để làm nên các tác phẩm có giá trị.

Tuy nhiên, ở đây tôi không định bàn sâu về những nhà văn như những “tấm gương vượt qua số phận”, mà chủ yếu quan tâm đến chuyện: bệnh, cái chẳng ai muốn, có thể “thấm” vào thế giới nghệ thuật của người sáng tác văn học và tạo ra hiệu quả như thế nào trên tác phẩm? Ít nhất, có hai “ca” khá đặc biệt để xem xét.

“Ca” 1: F.Dostoievsky (1821 - 1881). Trong một tiểu luận tuyệt vời về văn hào người Nga, Stefan Zweig khẳng định: “Chúng ta đừng quên rằng Dostoievsky là một con bệnh: tác phẩm bất hủ của ông sinh ra từ tứ chi tàn tạ, từ những dây thần kinh co quắp và run rẩy; cơ thể ông mang vết tích của cơn bệnh trầm trọng nhất, của hình ảnh tồi tệ nhất của cái chết là bệnh động kinh. Dostoievsky bị động kinh trong suốt ba mươi năm nghề viết văn của mình”.

Điều kỳ lạ là, không giống với nhiều con bệnh - nghệ sĩ thiên tài khác, mặc dù bị bệnh động kinh quật cho tơi tả, chưa bao giờ Dostoievsky lên tiếng than phiền về nỗi thống khổ của mình. Trái lại là đằng khác, ông ca tụng nó bằng những lời nồng nhiệt nhất: “Hỡi người khỏe mạnh, các người không hay biết cái cảm giác mê ly thấm vào người động kinh một giây trước khi lên cơn... Tôi không biết là giây lát mê ly đó kéo dài bao lâu, nhưng hãy tin tôi, tôi sẽ không nhường nó để có tất cả những niềm vui của cuộc đời”.

Dostoievsky thuyết phục người đời tin vào cái cảm giác “mê ly” đặc hữu mà ông, con bệnh động kinh, thường xuyên được trải qua. Nhưng nếu chỉ như vậy, không chắc đã có mấy người tin vào điều đó, vì rất có thể, nó chỉ là sự tự an ủi của nhà văn, sự mỹ hóa nỗi bất hạnh, một kiểu thắng lợi tinh thần nào đó mà thôi. Thế nhưng, hãy nhìn vào thế giới nhân vật của ông: hình như đúng là Dos đã thành thực khi bộc lộ niềm biết ơn sâu sắc trước bệnh động kinh.

Một nhà văn Pháp đã gọi tiểu thuyết của Dos là nhà thương của những người bị bệnh thần kinh. Những Kirilov, Satov, rồi Raskolnicov, Ivan Karamazov v.v... những nhân vật được Dos đóng dấu ấn bất tử vào lịch sử văn chương nhân loại, những nhân vật ấy, không gì khác, sẽ cho ta hình ảnh rõ rệt của người bị bệnh động kinh trước, trong, và sau khi cơn bệnh “thăm viếng”.

Họ đột ngột lao mình từ thái cực này sang thái cực khác, không có giai đoạn chuyển tiếp, không thèm biết đến tính mức độ: từ tội ác sang thú tội, từ coi sinh mạng con người như rơm rác đến trân trọng sự sống của từng mầm cây, từ ác quỷ thoắt cái thành đấng cứu thế nhân từ, từ kẻ tăm tối trở thành triết gia. Họ luôn sống, tư duy và hành động, nếu không trong những cơn sốt, thì cũng như trong những trận co giật cuồng nộ. Một cách uyên bác, đầy tinh tế, Stefan Zweig đã lý giải những nhân vật của Dos từ việc xem xét căn cước dân tộc của họ: họ là người Nga, khởi phát từ một dân tộc bị đẩy từ sự vô thức man rợ ngàn năm vào nền văn minh châu Âu.

Ông viết: “Người Nga của thế kỷ XIX, của thời đại Dostoievsky, đã đốt cháy cái lều bằng gỗ của quá khứ man rợ của mình và chưa xây được nhà mới... Những vấn đề, mà câu giải đáp đã từ lâu được kết tinh nơi chúng làm rực cháy các giác quan của họ... Họ là những người của sự bắt đầu lại... Họ không có mức độ, họ vượt các giới hạn...”.

Có thể nói, Dos là nhà văn sống và nắm bắt hoàn hảo cái sống của dân tộc mình, “những người của sự bắt đầu lại” của thế giới. Nhưng như thế chưa đủ. Với sự trải nghiệm đau đớn và siêu việt của con bệnh động kinh, người luôn phải chịu những cái chết giữa lòng cái sống, Dos còn là nhà văn chứng minh với chúng ta về sự tồn tại của những trạng thái không ngờ giữa sự sống và cái chết, những đối cực không có lằn ranh giới. Đây có lẽ là những yếu tố không hề nhẹ cân trong sự hình thành tính chất kỳ lạ của các nhân vật trong tiểu thuyết Dostoievsky. Nói như Stefan Zweig: “Nhờ bệnh tật, ông đã đạt tới tuyệt đỉnh của nghệ thuật, mà theo cách diễn đạt của Stendhal, là tạo ra những cảm xúc chưa từng xuất bản”.

Khi văn nhân lâm bệnh -1
Nhà thơ Hàn Mặc Tử.

“Ca” 2: Hàn Mặc Tử (1912 - 1940). Có lẽ Trần Thanh Mại là người đầu tiên nói đến tầm ảnh hưởng của bệnh cùi trên thi nghiệp của Hàn. Là một nhà phê bình văn học theo phương pháp tiểu sử học, chủ trương “lấy đời người để cắt nghĩa tác phẩm”, Trần Thanh Mại nghiên cứu rất kỹ những chi tiết tiểu sử của Hàn Mặc Tử. Và ông cho rằng, cùng với đàn bà và tôn giáo, chính bệnh tật là một nguồn “cảm thụ lực”, là yếu tố góp phần tạo nên những đặc điểm nghệ thuật trong thơ Hàn.

Theo ông, với người bị bệnh cùi, vào mỗi kỳ trăng sáng, có thể có những tác động bí mật nào đó khiến vi trùng hoạt động mạnh hơn, người bệnh trở nên đau đớn hơn, và vì thế, trăng đã trở nên một ám ảnh lớn của hồn thơ Hàn Mặc Tử. Tỷ mẩn hơn nữa, Trần Thanh Mại đã “soi kính hiển vi vào thơ” Hàn và nhặt ra những câu có nhiều từ ngữ chỉ dấu hiệu của người mắc bệnh cùi, như: “Người trăng ăn vận toàn trăng cả/ Gò má riêng thôi lại đỏ hườm”, như: “Tình đã húp, sao ý vẫn còn sưng/ Sao giấy lại tháo mồ hôi ra thế?”, hay: “Thịt da tôi sượng sần và tê điếng/ Tôi đau vì rùng rợn đến vô biên”.

Tuy nhiên cách Trần Thanh Mại tạo sự nối kết giữa bệnh cùi và thơ Hàn Mặc Tử không khỏi khiến người đọc cảm thấy khiên cưỡng. Quan điểm của nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thuý tỏ ra thỏa đáng hơn: “Bệnh phong, rõ ràng đã đưa Hàn Mặc Tử và thơ ông rẽ theo một hướng khác. Vốn là một người làm báo, thích hoạt động, ưa giao tiếp, nhìn đời một cách lãng mạn, nay Hàn Mặc Tử phải trốn tránh (vì sợ Sở Vệ sinh hốt đi) trong cô độc và trong cảm giác nhục nhã của kẻ bị Thượng đế trừng phạt. Nhà thơ đã thu toàn bộ thế giới thực tại vào bản thân mình để có thể từ đó mở ra một thế giới khác, rộng lớn đến vô biên. Thế giới của mộng mị, tiềm thức và xuất thần”.

Đọc thơ Hàn, không khó để thấy ở thi sĩ một sự phân đôi giữa Xác và Hồn. Hồn thoát khỏi Xác, đó là motif xuất hiện dày đặc trong thơ Hàn. Như: “Ta khạc hồn ra ngoài cửa miệng/ Cho bay lên hí hửng với ngàn khơi/ Ở trên kia có một người/ Ngồi bến sông Ngân giặt lụa chơi/ Nước hóa thành trăng, trăng ra nước/ Lụa là ướt đẫm cả trăng thơm” (Say trăng). Hoặc: “Há miệng cho hồn văng lên muôn trượng/ Chơi vơi trong khí hậu chín tầng mây/ Ánh sáng lạ sẽ tan vào hư lãng/ Trời linh thiêng: cao cả gợi nồng say” (Hồn lìa khỏi xác). Một thi giới kỳ lạ như thế này, quả thực là đã vượt ra ngoài, rất xa, những thứ “tầm thường mực thước” (chữ của Chế Lan Viên khi viết về thơ Hàn) đang phổ biến trong Thơ Mới.

“Bệnh trọng thường làm rạn nứt bề mặt hữu thức cho vô thức trào phun. Mà, hình như mọi sáng tạo đều bị thúc đẩy bởi những xung lực của vô thức. Bệnh trọng, nếu không phải là bà đỡ của vô thức như vậy, thì ít nhất cũng là điều kiện để người sáng tạo có một góc nhìn riêng, một cửa sổ riêng quan sát cuộc đời”. Dẫn lại và chia sẻ sự đồng tình với quan điểm này, tôi còn muốn thêm: Ít nhất, với người viết văn, bệnh không phải bao giờ cũng chỉ kéo theo rặt những bi kịch. Nó cũng giống như câu chuyện “Tái ông thất mã” mà người Trung Hoa thường hay kể vậy.

Hoài Nam
.
.