Minh Quân - Nhà văn nữ đậm chất nhân văn

Thứ Năm, 25/05/2023, 14:17

Tôi gặp nhà văn Minh Quân lần đầu tại nhà nhà văn Võ Hồng ở Nha Trang năm 1973. Năm ấy chị vừa bước sang tuổi bốn lăm. Ấn tượng ban đầu, chị là một phụ nữ có nét đẹp rất "Tây", sang trọng, quý phái, nhưng cách ăn mặc giản dị, nói năng dịu dàng của một người phụ nữ Việt Nam bình thường.

Mới gặp nhưng chị hỏi chuyện thân mật, gọi em xưng chị như quen đã lâu, làm tôi cũng cảm thấy gần gũi. Nghe Võ Hồng giới thiệu tôi làm ở tuần Báo Tuổi ngọc, Minh Quân bảo, chị thích viết về tuổi thiếu nhi và thiếu niên! Chị cộng tác thường xuyên với Báo Tuổi hoa và tủ sách Tuổi hoa. Chị viết cho tủ sách "Hoa tím" dành cho lứa tuổi bắt đầu biết mơ mộng. Tôi mời chị cộng tác với Tuổi ngọc, nhưng chị lưỡng lự không trả lời…

download.jpg -0

Chị nói lảng sang đề tài khác, tự giới thiệu là em kết nghĩa của Võ Hồng. Chị bảo, ông anh khó tính lắm. Cám cảnh ông anh trước đây "gà trống nuôi con", còn bây giờ thì vò võ một mình, mười mấy năm qua chị đã giới thiệu mấy người bạn sống đơn thân của chị cho ông anh, nhưng ảnh vẫn chưa chịu ai! Nghe vậy, nhà văn Võ Hồng nói chen vào: "Không phải là qua khó tánh, mà vì qua chưa có duyên thôi!". Tôi thầm nghĩ, không phải chưa có duyên. Anh là nhà văn, rất cần sự tĩnh lặng để viết. Kể cả cô đơn…

Minh Quân sinh trưởng tại Nha Trang nhưng cha chị gốc Huế - dòng dõi Hoàng tộc - nên chị có tên là Công Tằng Tôn Nữ Bích Lợi, còn mẹ chị gốc Quảng Nam. Anh Vinh, chồng chị cũng người Huế, công tác trong ngành công chánh ở Nha Trang. Ngoài bút hiệu chính Minh Quân, chị còn ký nhiều bút hiệu khác: Lan Vinh, Bửu Lợi, Mặc Tâm… Minh Quân từng cộng tác với các Báo Dân Chủ, Nhân Loại, Thần Chung, Nữ Lưu, Phổ Thông… từ những năm 1950. Tên tuổi Minh Quân được nhiều người nhắc đến từ khi tập truyện "Những ngày cạn sữa" của chị đoạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn của Hội Bút Việt - tức Trung tâm Văn bút Việt Nam, năm 1966.

 "Văn là người" rất đúng trong trường hợp Minh Quân. Truyện "Những ngày cạn sữa" văn không trau chuốt, bóng bẩy nhưng trong sáng dễ đi vào lòng người đọc.

Sau " Những ngày cạn sữa" là hàng loạt truyện viết về thế giới trẻ em bất hạnh, khó khăn như: "Vượt đêm dài", " Giã từ bóng tối", "Máu đào nước lã" …- những tác phẩm mang tính xã hội và đậm chất nhân văn.

Minh Quân còn là dịch giả tác phẩm được nhiều thế hệ thanh thiếu niên yêu thích: "Túp lều của chú Tom". Chị cũng viết và phóng tác một số truyện phiêu lưu, mạo hiểm dành cho tuổi thiếu niên như: "Khi ông cậu quý bị đắm tàu", "Kẻ lạ mặt trên hải cảng", "Ngục thất giữa rừng già"…  Đọc chị, tôi có cảm giác Minh Quân hơi thiên tả. Chị không ồn ào nhưng vẫn công khai bày tỏ thái độ ghét Mỹ và không ưa những nhà văn chống cộng. Tôi rất quý trọng nhân cách và tính nhân bản trong văn chị. Trong một lần gặp sau này không có mặt Minh Quân, nhà văn Võ Hồng nói với tôi: "Hôm em mời Minh Quân cộng tác với Tuổi ngọc, cô lưỡng lự là do cô không ưa Duyên Anh"! Vậy là suy nghĩ về Minh Quân của tôi chính xác. Bời Duyên Anh nổi tiếng là nhà văn chống cộng cực đoan.

untitled-2.jpg -1
Nhà văn Minh Quân.

 Sau 1975, Minh Quân tiếp tục viết và cộng tác với Báo Phụ Nữ Việt Nam, Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, Kiến thức ngày nay... Năm 1991-1992 khi tôi tổ chức thực hiện tập san Tuổi hồng, tôi mời chị cộng tác. Tôi nói đùa: "Kỳ này không có Duyên Anh, chị không được từ chối nhé!". Chị cười giả lả: "Chị già rồi viết có khi không bằng hồi xưa, bọn trẻ cười cho". Tôi nói: "Võ Hồng - ông anh kết nghĩa của chị đã ngoài bảy mươi nhưng vẫn cộng tác chặt chẽ với Tuổi hồng. Cả truyện ngắn, truyện vừa đăng nhiều kỳ". Chị cười: "Thì chị cố gắng vậy". Khi tôi làm thêm chuyên đề "Du lịch Vòng quanh Thế giới" của nhà xuất bản Trẻ, chị Minh Quân cũng dịch giúp một số bài. Chị thường đạp xe đến căn - tin nhà xuất bản Trẻ đưa bài và gặp gỡ các cộng tác viên khác - trong đó có anh Trần Phong Giao cũng thường ghé chơi.

Một hôm, không hiểu chuyện gì gây tranh cãi giữa chị Minh Quân và anh Trần Phong Giao khá gay gắt. Tôi vừa đến thấy vậy vội vàng xin ông anh, bà chị bớt giận, dĩ hòa vi quý! Chị Minh Quân mặt còn đỏ gay nói, nể cậu Sa tôi bỏ qua cho ông… Anh Giao lẳng lặng ra về, bỏ ly bia uống dở. Tôi hỏi, chị nói: "Chả nói chị ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản, em nghĩ có điên tiết không? Chị ăn cơm của chị chứ cơm nào của quốc gia?".  Tôi cười xoa dịu chị.

Minh Quân là hội viên Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh. Trước khi đi Canada thăm con cháu, chị Minh Quân bảo tôi nên mời các cây bút kỳ cựu của Tuổi hoa ngày trước: Kim Hài, Hoàng Đăng Cấp, Trinh Chí… - những người em văn nghệ thân thiết với chị - cộng tác với Tuổi hồng. Các bạn rất nhiệt tình cộng tác với Tuổi hồng. Riêng Trinh Chí tức Nguyễn Tri Chính, bấy giờ là Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An, tôi nhờ anh giữ mục thường xuyên "Hoa hàm tiếu" - giới thiệu các cây bút mới cho Tuổi hồng. Chính và tôi thoạt nhìn thấy rất khác, nhưng chúng tôi rất hợp nhau và trở thành bạn thân thiết. Sau này anh Chính không làm Hiệu trưởng nữa mà chuyển sang làm Phó Tổng biên tập Báo Giáo dục TP Hồ Chí Minh. Anh mất vì bạo bệnh năm 2008. Tại đám tang Trinh Chí, chị Minh Quân vừa khóc mếu máo vừa nói với tôi:  "Em biết không, hồi đó chị đi đám cưới Tri Chính, giờ lại đi đám ma nó. Thằng em Tri Chính hiền lành tử tế thân thương của chị, sao em lại đi trước chị!".

Nghe chị mếu máo, tôi cũng rươm rướm nước mắt, muốn khóc theo. Và không ai ngờ, chỉ hơn một năm sau, chị Minh Quân bị tai nạn phải nằm một chỗ mấy tháng rồi mất. Chị đi tập thể dục sáng sớm về bị người chở nước đá tông ngã rồi bỏ chạy mất! Chị bị gãy chân và chấn thương phần mềm. Chị rất buồn phải nằm một chỗ, rồi khi lành đi lại khó khăn, trong khi chị là người thích hoạt động, dù có tuổi nhưng vẫn thích đi đây đó.

Chị đạp xe nay ghé tòa soạn báo này, mai ghé báo kia: Thanh niên, Phụ nữ, Văn nghệ, Kiến thức ngày nay… Có khi đưa bài viết hoặc có lúc chỉ ghé thăm biên tập viên, phóng viên quen. Hồi tôi làm ở Báo Thanh niên, thỉnh thoảng thấy chị đạp xe đến tòa soạn, ghé phòng Tổng biên tập nói năm ba câu với Nguyễn Công Khế, hoặc tạt qua phòng Vũ Đức Sao Biển - phụ trách tờ bán nguyệt san Thanh niên, có khi chị gặp tôi nói ba điều bốn chuyện. Tôi nhớ mãi lời chị nhắc: "Làm báo phải có cái tâm nha em. Đôi khi bài mình viết lỡ sai sót, dẫu vô tình cũng có thể làm tiêu tan sự nghiệp người ta hay phá nát hạnh phúc một gia đình đó em!".

Khi tôi nghỉ hưu từ Báo Thanh niên, thỉnh thoảng chị Minh Quân đạp xe ghé thăm tôi ở quán cà phê trên đường Ngô Thời Nhiệm. Chị em gặp nhau ít khi nói chuyện văn chương, báo chí mà thường chị hỏi thăm chuyện làm ăn, chuyện con cái. Chị thường nhắc tôi "bớt nhậu đi cậu". Nhưng cũng có khi chợt nhớ, chị lại nhắc mấy người bạn văn, báo chí, xuất bản trước kia. Chợt chị hỏi tôi, nhiều người làm sách, làm lịch phất lên quá, chị nhớ hồi đó em cũng có làm sách làm lịch sao lại chuyển sang làm báo để "nghèo vẫn hoàn nghèo"?.

Tôi kể với chị rằng năm 1988 - 1989, tôi chỉ hợp tác với vài người bạn trong giới làm sách làm chung mấy cuốn. Sau đó tôi tách ra thử làm riêng một cuốn chơi. Đó là cuốn : "Giã từ bóng tối" của chị. Trong khi thằng em trong nhóm làm riêng cuốn "Vượt đêm dài" cùng đề tài, cùng tác giả Minh Quân bán rất chạy, hình như in cả mười ngàn ấn bản. Còn "Giã từ bóng tối" tôi chỉ in hai ba ngàn mà bán mãi không hết! Sau này khi làm Tuổi hồng, tôi tiếp tục thử làm một bộ lịch đề tài tuổi mới lớn, cũng bị ế chất đống, chở đi tặng Trường THCS Hồng Bàng do người bạn làm Hiệu trưởng vẫn không hết. Nợ tiền nhà in mấy năm sau mới trả hết! Tóm lại tôi không có duyên với chuyện làm sách, làm lịch. Chỉ làm một cuốn sách và một bộ lịch, tôi đã bay đứt nửa căn nhà nhỏ trên đường Nghĩa Hòa, Tân Bình!…

Trong giới văn chương nữ trước 1975, tôi quen biết cũng nhiều, nhưng chỉ hai người tôi thân thiết và vô cùng yêu quý là nữ thi sĩ Mộng Tuyết và nữ văn sĩ Minh Quân. Cả hai đã ra người thiên cổ từ lâu, nhưng mỗi khi nhắc lại tôi vẫn cảm thấy ngậm ngùi.

Phạm Chu Sa
.
.