Khi trái tim cất lên những thanh âm bất tận
Bùi Tiểu Quyên nhỏ nhẹ và mảnh mai. Bất cứ ai gặp cô gái trẻ này cũng đều cảm thấy một sự dịu dàng từ cử chỉ, điệu bộ lẫn giọng nói mỏng tang ấy.
Dạo gần đây, bạn bè hay thấy Quyên đưa những đoạn video mình múa lên trang mạng cá nhân. Sự uyển chuyển thanh thoát khiến mọi người những tưởng cô nàng đã lãng quên chuyện viết lách. Nhưng thoáng chốc, làng văn lại ngơ ngác khi Bùi Tiểu Quyên quay lại với tập truyện thiếu nhi “Hùm Xám qua sông” (NXB Kim Đồng), rồi lại xuất hiện giới thiệu 3 tập truyện tranh nằm trong dự án viết sách kỉ niệm 160 thành lập Thảo Cầm Viên, TP Hồ Chí Minh
. Chẳng biết một ngày vẻn vẹn 24 tiếng đồng hồ, Quyên lấy đâu ra thời gian vừa làm công việc một phóng viên của tờ báo mình đang công tác, vừa làm MC cho kênh truyền hình của báo, cho Đài truyền hình TP Hồ Chí Minh, rồi múa và viết. Trong mình hạc xương mai ấy là ngồn ngộn những năng lượng tích cực để sống và viết.
Có lần, tôi cùng Tiểu Quyên trốn cái nắng thành phố oi bức, tìm vào một quán cà phê nơi con hẻm nhỏ. Đó là lần đầu tiên chúng tôi ngồi cùng nhau, nói từ chuyện văn chương sang cả những câu chuyện đời. Cô gái nhỏ nhắn nhưng luôn đong đầy những dự định cho cuộc đời mình, đó là học những thứ Quyên thích, đi những nơi Quyên muốn và viết những điều Quyên cần trải lòng. Trang viết của Quyên vì thế luôn là những câu chuyện rất đỗi bình dị thân gần và luôn dạt dào sự yêu thương.
Bùi Tiểu Quyên thuộc lứa viết trẻ 8X của TP Hồ Chí Minh. Năm 2014, Quyên đoạt Giải thưởng Nhà văn trẻ của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh với Tập truyện “Cỏ đồi phương Đông”. Trong thế hệ viết ngày ấy, Quyên bền bỉ viết, sở hữu hàng loạt tập sách cá nhân ghi đậm một phong cách viết đi vào chiều sâu nội tại bằng những câu chuyện vốn dĩ người đọc luôn gặp đâu đó trong cuộc đời này. Nhưng, qua góc nhìn và ngòi bút của Quyên, các câu chuyện được chuyển tải bằng một giọng văn mềm mại, mượt mà, giàu cảm xúc và luôn nhân văn. Góc nhìn trẻ cộng với những chuyến đi luôn để lại trong văn chương của Quyên nhiều dấu ấn của văn hóa, bản sắc và tinh thần sống tích cực. Cứ vậy, Bùi Tiểu Quyên trong lòng độc giả là của tình yêu, người trẻ và văn hóa.
Nhưng, cho đến tập sách thứ 9, Quyên bất ngờ khi trình làng tập truyện dài thiếu nhi mang tên “Cà Nóng chu du Trường Sa”. Tập truyện nhanh chóng mang về cho Bùi Tiểu Quyên một sự xác tín mạnh mẽ với dòng văn học thiếu nhi. Năm 2021, với tập truyện dài được viết sau chuyến đi Trường Sa về, Bùi Tiểu Quyên giành giải thưởng Giải Văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh; Giải Mai Vàng của Báo Người lao động, hạng mục Văn học. Và “Cà Nóng chu du Trường Sa” của Bùi Tiểu Quyên cũng được vinh danh ở Giải C giải thưởng Sách Quốc gia năm 2022. Quả thật, với văn học thiếu nhi, Bùi Tiểu Quyên bước vào muộn mằn so với nhiều bạn bè cùng lứa, nhưng lại tỏa sáng một cách rực rỡ và mỹ mãn nhất.
Câu chuyện chiếc máy ảnh mang tên “Cà Nóng” với hải trình Trường Sa như gieo vào lòng tất cả độc giả, không kể là độc giả “nhí”, hay những người đã lớn tuổi một tình yêu quê hương biển đảo thật lớn lao. Cùng chiếc máy ảnh “Cà Nóng”, là các chiếc máy ảnh bạn bè như: Tê Lê, So, Ni… Các máy ảnh đã theo chân đoàn phóng viên đến với Trường Sa, từ đó câu chuyện được dẫn dắt đi qua các đảo lớn nhỏ trong quần đảo Trường Sa. Từng bước một, Song Tử Tây, Cô Lin, Sinh Tồn, Trường Sa Lớn, Đá Nam… và cả nhà giàn DK1/21 hiện lên trong tâm trí độc giả vô cùng hấp dẫn.
Mượn hình ảnh “Cà Nóng”, Bùi Tiểu Quyên đã vẽ lên một bức tranh đẹp về biển đảo quê hương ở mọi góc cạnh, soi chiếu theo chiều kích xa gần, sáng tối, to nhỏ, rộng hẹp… Tập truyện dài như một dấu ấn minh chứng cho một Bùi Tiểu Quyên giàu nội lực trong đường văn. Sự thành công của “Cà Nóng” lan tỏa đến mức hầu hết các trường học của TP Hồ Chí Minh liên tiếp mời cô đến giao lưu và chia sẻ. Thậm chí có lần, Bùi Tiểu Quyên phải ngồi xuống sân khấu, cùng đọc truyện thiếu nhi cho các em nghe, trong sự háo hức của tất cả mọi người có mặt tại Đường sách TP Hồ Chí Minh, dẫu đó đã là một buổi trưa nắng lên gắt.
Có lần tôi cùng Bùi Tiểu Quyên được mời lên giao lưu với các em học sinh ở Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Buổi chiều hôm ấy, cả đường sách Ban Mê phủ kín các em thiếu nhi. Quyên giao lưu và kí tặng sách trong hàng dài các em xếp hàng tưởng như bất tận. Tôi đứng phía xa quan sát, thấy nữ nhà văn trẻ luôn ân cần dịu dàng và tươi cười dù lúc đó vòng vây càng siết chặt với gần 200 em học sinh đến từ nhiều trường. Sức hút của cô gái này với thiếu nhi, tôi cho đó như duyên trời định, tựa hồ dòng văn học thiếu nhi lựa chọn Quyên, ấn vào tay Quyên một sứ mệnh là viết những câu chuyện cho các em.
Có thể nói, dòng Văn học thiếu nhi lâu nay khá lắng, chỉ vài năm gần đây bắt đầu khởi sắc khi có sự chăm chút, thúc đẩy của Hội Nhà văn Việt Nam bằng hàng loạt cuộc thi, và sự chung tay của nhiều đơn vị như NXB Kim Đồng, Báo Thể thao và Văn hóa của Thông tấn xã Việt Nam với Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn, Giải sách Quốc gia. Cũng từ những bước đệm đó, các tác phẩm thiếu nhi bắt đầu lan tỏa sâu rộng hơn, các nhà văn mạnh dạn viết cho thiếu nhi hơn. Nhưng, không phải cứ tác phẩm đoạt giải là sẽ được các em đón nhận nồng nhiệt. Riêng Bùi Tiểu Quyên với “Cà Nóng chu du Trường Sa” là đặc biệt.
Sau thành công của “Cà Nóng chu du Trường Sa”, Bùi Tiểu Quyên vừa tiếp tục trình làng một truyện dài thiếu nhi “Hùm Xám qua sông”. Thế giới của những chú chó đáng yêu lại mang đến cho độc giả nhí sự thích thú pha lẫn những bài học về giá trị của yêu thương. Câu chuyện đồng thoại có nội dung gần gũi, dung dị và dễ đọc, dễ cảm. Hùm Xám cùng những người bạn như Mèo Mướp, Đốm, Bi Béo, Rác, Tam Thể, Ốc Sên, chị Bồ Câu Trắng, Bác Giác (chú chó lão niên), mẹ con Vằn Vện, nhà Vịt Xiêm, nhà Mái Mơ, nhà Ngỗng Hoa… sẽ tạo nên thật nhiều câu chuyện dí dỏm, vui nhộn; những câu chuyện về tình bạn, sự chân thành và tình đoàn kết trong một tập thể.
Với tập truyện dài lần này, Bùi Tiểu Quyên đã lồng vào không gian mênh mang sông nước Tây Nam bộ những câu chuyện đậm đà bản sắc văn hóa, những dữ kiện lịch sự từ thời khẩn hoang cho đến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Đặc biệt với cô nàng thạc sĩ ngành Văn hóa học này, tập truyện “Hùm Xám qua sông” đã cho thấy kiến văn về các phong tục tập quán miền Nam như lễ hội Nghinh Ông, di tích miếu Bà, lăng Ông Thủy Tướng… được cô vận dụng khéo léo lồng vào hành trình của Hùm Xám một cách tự nhiên và rất hấp dẫn.
Bùi Tiểu Quyên viết cho thiếu nhi từ những cảm xúc bất chợt đến và làm dày lên trong tâm trí cô. Cứ vậy mà Quyên thả trôi mình theo dòng chảy của cảm xúc. Nhân vật cũng vì vậy mà tự sinh sôi nảy nở trên trang viết một cách đầy bất ngờ, tạo ra sự lý thú không thể đoán định được cho độc giả. Nếu như “Cà Nóng” đến từ chiếc máy ảnh theo Quyên trong chuyến công tác đi Trường Sa thì “Hùm Xám” lại đến trong một lần cô qua sông Lòng Tàu trên một chiếc tắc ráng. Một chiều cuối năm 2020, chú chó nhỏ đứng đầu tắc ráng dáng vẻ vững vàng, chắc nịch trước sóng gió, thế nhưng khi đến gần khách lạ lại thân thiện vẫy đuôi chào đón. Giản đơn của trái tim người viết là biết rung động từ những điều nhỏ nhoi nhưng bật dậy trong lòng mình cảm xúc. Chỉ cần vậy, cảm xúc sẽ là mạch nguồn cho mọi tác phẩm.
Đến với văn học thiếu nhi chỉ mới 3 năm nay, nhưng kỳ thực các tác phẩm của Quyên dưới sự hóa thân là các loài vật đều mang đến cho cô thành công. Đó không chỉ là sự ghi nhận bởi các giải thưởng, mà còn là sự đón nhận của độc giả qua các lần tái bản. Viết bằng cả trái tim dạt dào xúc cảm, như chính Quyên chia sẻ, những trang sách dành cho thiếu nhi này, hy vọng trong trái tim độc giả của mình, dù ở lứa tuổi nào cũng sẽ cất lời như những thanh âm bất tận của muôn loài.