Đọc tập tản văn “Vinh phố của tôi” của Phạm Thùy Vinh, Nhà xuất bản Nghệ An, 2023

Xanh lên trong nắng lửa gió Lào

Thứ Sáu, 08/03/2024, 14:22

Phạm Thùy Vinh chọn mở đầu tập tản văn "Vinh phố của tôi" bằng bài thơ mang tên "Vinh", chỉ một chữ nhưng nói lên tất cả: "Vinh của ta, Vinh của giấc mơ dài/ Ta có phố từ những ngày thật nhất/ Của ngọn gió Lào thổi bao nhiêu chát mặn/ Của chợ Vinh những ngã giá sớm chiều/ Chỉ có tóc em vẫn mềm, da em ngần trắng/ Kệ cuộc đời bao vết dấu hư hao".

1. Tôi nhớ đêm lang thang cùng Vinh trong cơn say chếnh choáng, đó là những ngày cuối đông 2023, dưới cái lạnh the thắt 10 độ. Đêm phả vào lòng những bước chân miên mải cái nồng nàn của phố. Phố vọng vang những lời hát da diết. Phố âm trầm những lời thơ khắc khoải. Và phố hôm đó rộn ràng những ân tình. Đó là lần thứ 3 trong hành trình ruổi rong của mình tôi đến với Vinh, với những người bạn của xứ nắng lửa gió Lào hun hút này.

Phố Vinh trong tôi bỗng choàng thức dậy một cách thao thiết khi buổi đêm khó ngủ, lật từng trang viết của Phạm Thùy Vinh. Từ tầng 8 của một khách sạn ngó xuống đường phố vắng hoe. Phố ngủ yên trong đêm lạnh sâu. Tôi bắt đầu lang thang tâm tưởng vào từng trang viết. Phố Vinh hiện lên trong một tập sách đầy đặn in màu đẹp đẽ. Hơn 50 bài viết với gần 300 trang sách bày biện một thành phố đi từ hư hao của tháng ngày xưa xa đến xuân thời xanh lành hiện đại. Trong guồng quay của phát triển thành đô thị, Vinh trải qua những biến thiên thời cuộc của sự gạn lọc. Sự hiện đại trỗi lên, điều quá vãng chìm xuống.

Xanh lên trong nắng lửa gió Lào -0
Nhà thơ, nhà báo Phạm Thùy Vinh.

Trong dòng chảy dường như hối hả để hòa nhịp cùng thời cuộc, vẫn thấy một trầm tích ẩn dấu lưu hương giữa phố thị này. Vinh thẳng tắp đường sá. Vinh lấp lánh đèn hoa. Vinh ồn ã tiếng người, xe. Nhưng lang thang những ngõ ngách của Vinh, bỗng chạm một Vinh cũ càng với chợ quê quen tiếng mời chào đon đả của cô hàng xôi trước Rạp 12/9; bởi con phố Quang Trung ầm ì tiếng xe mà ngỡ như tiếng lóc cóc vọng về từ miền xa thẳm; thấy những mùa hoa thắm thía nỗi niềm luyến nhớ với cây gạo hoa đỏ thắp lửa trước sân C1, cây xoan rắc tím mái chợ sau dãy nhà C5… Thấy trong ký ức như một đốm lửa ấm để hong lòng mình giữa trời đông rét mướt và lướt thướt mưa phùn. Vinh hiện lên trong tâm trí tôi bàng bạc một màu bạc thếch của thời gian và không gian.

2. Tôi biết đến Phạm Thùy Vinh từ thơ, những bài thơ mới lạ, lắng sâu và nồng đượm một nỗi đàn bà trước dâu bể cuộc đời. Thoảng khi trên trang cá nhân của chị, tôi đọc những dòng tản văn trầm mặc những nỗi lòng. Dẫu chỉ trên không gian mạng nhưng là những câu chữ chỉn chu và thật nhất. Thường đó là những khoảng đêm, khi dòng chữ hiển thị lên, những rung cảm bất chợt dễ dàng chạm thấu người đọc. Cảm giác chuyện chị viết ra, đâu đó trong cuộc đời, luôn có người đã từng trải qua, nhưng có lẽ họ chẳng thể dùng chữ biểu đạt lên cảm xúc như chị.

Có một đêm giữa năm 2023, tôi và nhà văn trẻ Phan Đức Lộc, cũng là một người con xứ Nghệ, chúng tôi quyết liệt nói chị Phạm Thùy Vinh phải ra một tập sách tản văn. Phải ra là bởi lối viết tản văn của chị không chỉ giàu cảm xúc và thật sự độ lắng sâu chữ nghĩa như một thứ rượu được ủ đủ thời gian, khiến chúng tôi say và mê mẩn. Cái mà tản văn của Phạm Thùy Vinh chinh phục chúng tôi là độ thật, thật đến kiệt cùng của cảm xúc, của câu chuyện và thân phận. Thân phận trong tản văn Phạm Thùy Vinh mở rộng phạm vi không chỉ là thân phận con người mà còn là cỏ cây hoa lá, vùng đất, văn hóa. Tất cả đều có thân phận. Tất cả đều chuyển tải một nỗi niềm.

Tản văn của chị thật hệt như tính cách chị. Nếu ai đó đã từng có dịp làm việc chung hay gặp gỡ đều cảm nhận được tính cách quyết đoán của một người làm công tác lãnh đạo nơi chị. Hiện, Phạm Thùy Vinh đang là Tổng biên tập Tạp chí Sông Lam và là Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Nghệ An. Thế nhưng, bên ngoài cuộc sống, Phạm Thùy Vinh lại sống đầy bản năng của một người nghệ sĩ.

Tôi nhớ mãi giây phút xuất thần của đêm rét mướt, trong quán cà phê nhỏ, bên ngón đàn guitar của cây bút viết văn Tâm An, Phạm Thùy Vinh hát và đọc thơ, như rót vào đêm những giọt buồn thánh thót. Tiếng thơ vang lên giữa muôn trùng lặng ngắt. Lời thơ mênh mang, lúc bổng, lúc trầm, lúc như là lời của chính chị, lúc như là lời của tha nhân. Thơ và Phạm Thùy Vinh như nhập lại thành một. Tất cả hơn chục người bên dưới đều ngó về chị. Trong tiếng thơ ấy, trong sự trình diễn ấy, đâu là chị, đâu là thơ, hồ dễ chẳng ai phân định được. Khi tiếng thơ tắt lịm, nhà thơ Văn Công Hùng bất giác đứng lên ôm chị vào lòng. Phải ôm một cái mới thỏa chí tang bồng của một cuộc gặp gỡ đầy ngẫu hứng.

Phạm Thùy Vinh luôn tận tình với bạn văn chương, cho dù là thế hệ viết nào, bậc tiền bối đi trước hay thế hệ đàn em sau này. Có những cây bút trẻ được chị tạo điều kiện để xuất hiện trên các ấn phẩm văn chương mà mình phụ trách, sau này đều có những hành trình viết tỏa sáng như Ny An, Lê Đình Trung, Đào Thu Hà, Tạ Thanh Hải… Thậm chí ngay cả chính tôi, những bước đi chập chững với văn chương cũng đã từng được chị chọn truyện in trên Báo Nghệ An, trên Tạp chí Sông Lam. Cũng từ đó, chị mang xứ Nghệ đến gần với các cây bút trẻ trên khắp mọi miền đất nước. Và hễ mỗi lần chúng tôi có dịp ghé ngang thành phố Vinh, chỉ cần nhắn chị là thể nào cũng có những sự đón tiếp rất nồng ấm.

Xanh lên trong nắng lửa gió Lào -1
Cuốn tản văn của Phạm Thùy Vinh dẫn người đọc đi qua bốn mùa của thành phố miền Trung.

Vậy nên, cả hai lần đến với thành phố Vinh từ khi biết chị, đều là cả hai lần tôi dành trọn quãng thời gian có được với xứ Nghệ lang thang theo chị mọi ngóc ngách, nghe chị kể về Vinh bằng một nỗi yêu thiết tha tận tâm khảm. Thành phố này như một dòng máu len lỏi trong người chị, nuôi sống chị đi qua tháng tháng ngày ngày. Dù, Phạm Thùy Vinh quê gốc Nam Định, sinh ra và lớn lên ở Thái Bình, học ở Hà Nội và về Nghệ theo tiếng gọi của con tim. Nhưng, như chính cái tên mình là dấu hiệu báo trước cho phận đời náu nương ở thành phố này. Bởi thế, chúng tôi trêu chị: "Vinh là của Vinh". Trong chị luôn có Vinh, và hiển nhiên trong Vinh luôn có chị. Như một lẽ đời chẳng thể thiếu.

3. Phạm Thùy Vinh chọn mở đầu tập tản văn "Vinh phố của tôi" bằng bài thơ mang tên "Vinh", chỉ một chữ nhưng nói lên tất cả: "Vinh của ta, Vinh của giấc mơ dài/ Ta có phố từ những ngày thật nhất/ Của ngọn gió Lào thổi bao nhiêu chát mặn/ Của chợ Vinh những ngã giá sớm chiều/ Chỉ có tóc em vẫn mềm, da em ngần trắng/ Kệ cuộc đời bao vết dấu hư hao".

Có thể nói, đó là một tình yêu lớn lao để mặc kệ hết thẩy mà yêu. Yêu như giản đơn làm theo lời trái tim mách bảo. Cứ xanh chín lên trong nắng lửa gió Lào. Phải chăng thế mà lần lượt đi qua từng trang sách, Phạm Thùy Vinh dẫn người đọc suốt bốn mùa cùng thành phố này như "Phố bốn mùa"; rồi đến "Đôi bờ thương nhớ"; tìm ra "Có một con đường đi về phía biển".

Thậm chí yêu ngay cả những điều bình dị chân phương nhất của phố thị như: "Nơi thiên đường sách cũ", "Những biển hiệu", "Lao xao tiếng chợ", "Những cái cây bên đường Ngư Hải", "Đường Nguyễn Quốc Trị - hẻm nhỏ ký ức"… Cho đến những đổi mới đưa thành phố này xanh sáng giữa miền Trung nắng gió như: "Vinh - từ tầng 33", "Thư viết ở hẻm số 1", "Nơi dòng điện không bao giờ tắt", "Ánh sáng phù hoa", "C4, ngày gió bấc"…

"Vinh phố của tôi" gói vào trang sách những xưa xa cũ càng nhưng mở ra một khoảng trời thương tưởng. Là người thành Vinh, hay chỉ dợm bước chân lưu lạc đôi ba ngày, hoặc thể dăm ba tháng với phố thị này cũng sẽ nhặt lấy đôi chút kỉ niệm, hồi ức để nghe lòng mình thêm thương, thêm nhớ. Nhớ thương đó như một lý do để hẹn nhau ngày gặp lại tại Vinh, như chính tôi, nhà thơ Văn Công Hùng, hay cả nhà lý luận phê bình Hoàng Thụy Anh, cùng ôm nhau lúc chia tay, và rủ rê nhau một cuộc tương phùng nồng nàn như vậy nữa. Đời văn nhân mấy khi hữu duyên mà tao ngộ. Nhất là những tao ngộ đậm đà một chữ tình như thế. Ở Vinh, với Phạm Thùy Vinh, chúng tôi quý nhau bởi chính chữ tình này.

Tống Phước Bảo
.
.