Khát vọng Chu Thần Cao Bá Quát!
Bài học lớn nhất từ cuộc đời Cao Bá Quát (tự Chu Thần, quê Gia Lâm, Hà Nội) là bài học về ý chí, khát vọng, hoài bão vươn lên thực hiện lý tưởng vì dân, vì nước.
Là người nổi tiếng văn hay chữ tốt, học rộng, biết nhiều nhưng trở đi trở lại trong trước tác thơ Cao là hai chữ “dân đen”. Trong bài “Đối vũ”, nhà thơ thốt lên: “Mặt trời đỏ lẩn đi đằng nào?/ Để dân đen than thở mãi...”. Hình tượng “mặt trời đỏ” - biểu trưng cho khát vọng công lý, cho ước mơ cháy bỏng của nhân dân về một chính thể thương dân, yêu dân, vì dân. Nhưng khát vọng ấy đối lập hẳn với khí quyển chính trị phản động đương thời mà Cao cùng “dân đen” đang phải sống.
Khát vọng đứng trên và vượt khỏi tầm thời đại mình, Cao mâu thuẫn một cách gay gắt, triệt để, quyết liệt với thời đại ấy. Là nhà thơ của dân đen, bênh vực, thông cảm với dân đen, Cao mong muốn được vạch trần, phơi bày cái tàn bạo, thối nát của cường quyền. Nhưng trong con người Cao lại là một khối mâu thuẫn lớn. Là “con đẻ” của Nho học cũng là “con đẻ” của triều đình nên Cao hăm hở đi thi để làm quan với mong ước lấy tài năng giúp rập chính sự để dân đen đỡ khổ. Cũng vì một tình thương yêu lớn với dân nên Cao cứ dần dần trở thành một “nghịch tử” của chế độ phong kiến.
Bắt đầu là việc chữa bài thi, cũng là vì thương người và quý người tài mà chữa. Rõ ràng cái thương, cái quý ấy mạnh hơn rất nhiều bao nỗi sợ hãi và mạnh hơn cả cái chết. Vì chắc chắn Cao biết nếu sự việc lộ ra sẽ bị trả giá thảm khốc. Sau này thành lãnh tụ khởi nghĩa, xét đến cùng cũng là vì niềm yêu thương dân đen và căm thù cái ác, cái xấu mà cụ thể là cái triều chính phản động đáng ghét kia.
Một tài năng, một nhân cách, một ý chí lớn như Cao nên mâu thuẫn với thời đại là đương nhiên. Cao lãnh đạo nông dân nghèo khởi nghĩa chống lại triều đình như là một tất yếu. “Sông dài như kiếm dựng trời xanh” không chỉ là một câu thơ tỏ chí, còn là lý tưởng, là mơ ước và khát vọng, cũng là tuyên ngôn muốn “dựng” lại “trời xanh” thời đại. Còn toát lên một tuyên ngôn nghệ thuật văn thơ phải như kiếm sắc ngăn trừ cái xấu cái ác để cho đời chỉ còn những nụ hoa mai! Có lý tưởng thay trời đổi đất giúp dân lành nhưng chưa ở tầm vĩ nhân nên Cao không thể vượt thoát khỏi thời đại đang sống. Vượt lên trên tầm thời đại mình có chăng chỉ ba người kiệt xuất, trước đó là Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi và sau này là Hồ Chí Minh.
Trước khi khởi nghĩa, Cao vẫn muốn làm quan nghĩa là vẫn muốn làm tôi tớ cho triều đình. Nhưng với khí phách ấy thì không thể làm kẻ nịnh hót cũng không thể thẳng tay quyết liệt vạch trần cái xấu xa của chế độ. Mâu thuẫn ấy giải thích vì sao tiếng cười của Cao không bật thoát ra ngoài mà cay đắng nén vào trong.
Cũng vì thế mà Cao cười mình nhiều nhất, tự cười mình, tự giễu mình. Vì mình có khát vọng lớn mà vẫn còn “thói đa tình”, như đã thể hiện trong bài thơ “Phục giản Phương Đình” (Lại đưa thơ cho Phương Đình): “Tự tiếu đa tình tiêu vị đắc/ Phù danh hoàn khước ngộ tri âm” (Tự cười chưa bỏ được thói đa tình/ Hai chữ phù danh còn làm nỗi hẹn tri âm).
“Thói đa tình” hiểu theo nghĩa rộng là những ham muốn lợi lộc công danh trần tục. Chưa dứt bỏ được hai chữ “phù danh”, Cao tự nhận mình vẫn còn là kẻ tầm thường, như trong bài thơ “Dữ gia nhân tác biệt…” (Từ biệt người nhà…) đánh giá bản thân chưa đạt đến độ “vong tình”, tức vẫn còn vương vấn với cái hư danh: “Vong tình tự tiếu ngã hà năng” (Tự cười mình chưa tới được bậc “vong tình”). Đi thuyền trên sông, Cao cười thấy mình chậm chạp như con thuyền quẩn gió.
Trong bài “Thập lục nhật yết đính Lữ Thuận, thứ Trần Ngộ Hiên” (Ngày 16, neo thuyền ở bến Lữ Thuận, họa thơ của Trần Ngộ Hiên), có câu: “Tiếu trì tương mộ ý/ Phi tả hướng đông lưu” (Mỉm cười muốn đem nông nỗi chậm chạp này/ Viết ra bày tỏ với dòng nước chảy về đông). Không “bày tỏ” được với người, đành “bày tỏ” với dòng nước chảy ra biển cả, Cao đã coi dòng nước và biển cả là nơi để tâm sự, giãi bày. Tứ thơ đặc sắc nâng gửi hồn thơ hòa vào thiên nhiên, vũ trụ.
Phải là người có bản lĩnh, phải biết nhiều, biết người biết ta, biết thời cuộc, biết xã hội mới tự trào được, vì tự trào là “phơi bày” ra cái đáng cười đáng chê của bản thân. Ở trường hợp Cao lại càng phải thận trọng, kín đáo vì cái án “văn tự” ở thời buổi ấy nhiều người đã mắc. Tự trào cũng là một cách “tỏ chí”. Dưới góc nhìn này, bài “Bệnh trung” là một trong những tác phẩm tiêu biểu: “Vị tử tàn hình nhất hủ nho/ Cưỡng chi quyện cốt thiến nhân phù/ Trắc thân thiên địa bi cô chưởng/ Hồi thủ yên tiêu khuất tráng đồ/ Hà nhật quy sầu đồng yến yến?/ Tha thời tập uyển quý ô ô/ Ái đồng bất thức Duy Ma bệnh/ Sát vấn yêu vi sấu tổn vô” (Là một hủ nho thân tàn mà chưa chết/ Cố gượng mang bộ xương mòn còn phải nhờ người nâng hộ/ Nép mình giữa khoảng trời đất, thương nỗi bàn tay cô đơn/ Ngoảnh nhìn con đường mây khói, chí cả chưa được vẫy vùng/ Biết bao giờ được trở về yên trong tổ như chim én/ Một ngày kia lại thẹn với đàn quạ xám đậu trong vườn tươi tốt/ Chú bé không hiểu cái bệnh Duy Ma của ta/ Cứ hỏi đai lưng có gầy đi nhiều không?).
Cao mơ được là con chim én trở về cái tổ ấm của mình. Căn cứ nội dung và xuất xứ, có thể bài này Cao làm khi ở Huế (Viện Hàn lâm), thời gian bệnh nhiều, cả thân bệnh và tâm bệnh mà tâm bệnh nhiều hơn. Bài thơ giản dị, chỉ khó hiểu ở câu “Một ngày kia lại thẹn với đàn quạ xám đậu trong vườn tươi tốt”. “Đàn quạ” biểu trưng cho kẻ xấu, cơ hội, tham lam. Tại sao lại thẹn với chúng? Đây là một ẩn dụ, có thể hiểu cả câu: một ngày kia (ta) lại thẹn với những kẻ cơ hội đang ở trong môi trường thuận lợi (vườn tươi tốt).
Thì ra Cao tự xấu hổ vì chưa thể hiện được ý chí hoài bão để rồi có ngày lại thẹn với chính những kẻ cơ hội đố kỵ, kèn cựa với mình. Cao đã nung nấu thật sâu sắc về thân phận kẻ sĩ, về trách nhiệm và bổn phận cá nhân. Cao đã mắc cái bệnh khó chữa vì thương chúng sinh như Duy Ma (nhà thơ Vương Duy nổi tiếng đời Đường ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo) nên người đời (chú bé) đâu có hiểu! Nhưng người đời sau thì thấy Cao vĩ đại ở khát vọng đem tài năng của mình phụng sự cuộc đời với mục đích đi tìm thái bình, ấm no cho dân lành.
Ở bài thơ “Độc dạ” (Đêm ngồi một mình), Cao cười mình, thậm chí khinh mình vì mang tiếng là nhà Nho mà chẳng làm được gì “cho đời thái bình”: “Thái bình vô nhất lược/ Lộc lộc sỉ vi nho” (Không có cách gì làm cho đời thái bình/ Thẹn mình là nhà Nho lại tầm thường đến thế)… Thế nên dễ hiểu trong bài thơ “Đề sát viện Bùi Công Yên Đài anh ngữ khúc hậu” (Đề sau khúc Yên Đài anh ngữ của Đô sát họ Bùi), Cao phủ nhận mình, tiếc cho mình: “Ta ngã bế hộ điêu trùng, xỉ khẩu giảo văn tự/ Hữu như xích hoạch lượng thiên địa” (Đáng phàn nàn cho ta chỉ đóng cửa mà gọt rũa câu văn/ Lải nhải nhai lại từng câu từng chữ/ Khác nào con sâu đo muốn đo cả đất trời). Ví mình như con sâu, giễu mình chỉ biết nhai văn nhá chữ chẳng có gì ghê gớm mới mẻ, thế nhưng lại có tham vọng “muốn đo cả đất trời” quá lớn. Văn nhân thời hiện đại mấy ai dám tự nhận mình như thế!?
Cũng trong bài thơ trên, Cao đã thật sự hiện đại khi quan niệm cuộc đời cao hơn văn chương: “Tự tòng phiếm hải lịch Ba Sơn/ Thủy giác lục hợp hà mang mang/ Hướng tích văn chương đẳng nhi hý/ Thế gian thuỳ thị chân nam tử/ Uổng cá bình sinh độc thư sử” (Từ khi vượt bể qua đất Ba Sơn/ Mới cảm thấy vũ trụ là bao la/ Chuyện văn chương trước đấy thực là trò con trẻ/ Trong thế gian có ai thực là bậc tài/ Mà lại phí một đời đọc mấy pho sách cũ).
Nhưng cao hơn, ở đây còn thể hiện một quy luật nhận thức: phải trải nghiệm, đi nhiều, biết nhiều (từ khi vượt bể) mới thấy kiến thức là vô cùng (vũ trụ bao la), nhờ thế mới có nhận thức chuyện văn chương là trò trẻ con nên những bậc tài năng không mất thì giờ vào những điều đã cũ. Nghĩa là phải biết tìm tòi, sáng tạo để tìm cái mới. Quan niệm của Nam Cao sau này “Sống đã rồi hãy viết” không mới hơn Cao Bá Quát. Vĩ nhân thường đi trước thời đại là như thế chăng?
Ôm mối hận đi vào thiên cổ cùng bi kịch một tài năng không gặp thời, chắc hôm nay Cao cũng mỉm cười vì được người đời hiểu, ghi nhận, khẳng định.