Cao Bá Quát: Cảm thức hoa mai

Thứ Sáu, 20/01/2023, 14:41

Cao Bá Quát là một thi tài. Không phải ngẫu nhiên mà người đời tôn vinh ông là bậc THÁNH THƠ. Thơ Chu Thần Cao Bá Quát chủ yếu được sáng tác bằng chữ Hán, hiện đã sưu tầm được khoảng hơn 1.500 bài. Riêng sáng tác bằng chữ Nôm, chỉ cần bài phú TÀI TỬ ĐA CÙNG cũng đủ để xếp tác phẩm này vào hàng kiệt xuất.

Thi pháp Cao Bá Quát có phong vị khác người, vừa có cái lãng mạn bay bổng mang tầm vóc vũ trụ của hồn thơ Lý Bạch, lại vừa hiện thực hồn nhiên, gần gũi đời thường như thơ Đỗ Phủ đời Đường bên Tàu. Nhân dịp Tết Quý Mão, trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một trong nhiều bài thơ hay của Thánh Thơ Cao Bá Quát.

thi nhân cao bá quát.jpg -0
Thi nhân Cao Bá Quát.

TÀI MAI

Thí tương mai tử trịch sơn gian
Nhất ác thanh tư ký bích loan
Ký thủ lai thời xuân sắc hảo
Dữ nhân cộng tác họa đồ khan

Dịch nghĩa:

TRỒNG MAI

Thử đem hạt mai ném lên trên núi
Một nắm giống thanh tao gửi lên ngọn đá xanh
Hãy nhớ lấy: Sau này, khi vẻ xuân tươi tốt
Sẽ thành một bức tranh cho đời soi chung!

Dịch thơ:

Vung hạt mai lên núi cao
Thanh tao nắm giống gửi vào đá xanh
Mai sau xanh lá tươi cành
Vẻ xuân thắm một bức tranh dâng đời.

(VŨ BÌNH LỤC- dịch)

Đây là bài thơ có lẽ Chu Thần họ Cao viết khi còn trẻ, còn đang tràn đầy sinh lực tuổi thanh xuân và khát vọng cống hiến. Hình như Cao Chu Thần đang trên đường vào Huế thi Tiến sĩ.

Có thể là một cảnh trồng mai có thật trong đời thường. Nhưng cũng có thể chỉ là một lần, một kiểu trồng mai trong giả tưởng, để từ đó mà bộc bạch, mà gửi gắm tâm tư thầm kín đang trào dâng tươi thắm trong lòng thi nhân.

Ở câu thơ đầu, thi nhân viết: “Thử đem một nắm hạt mai ném lên trên núi”. Đấy mới chỉ kể về một thao tác trồng mai có chủ định. Cũng có vẻ ngẫu hứng, tiện tay, chợt gặp thì làm. Một nắm hạt mai ném lên trên núi, có thể nó cũng chẳng thấm tháp vào đâu, nhưng cũng là một việc vui, hữu ích, rất nên làm.

Câu thứ hai, thể hiện rõ hơn ý tưởng và ý nghĩa của việc trồng mai trên núi: “Một nắm giống thanh tao gửi lên ngọn đá xanh” (Nhất ác thanh tư ký bích loan). “Một nắm hạt mai” là rất cụ thể, hữu hình. Nhưng “một nắm giống thanh tao” thì sự vật đã chuyển hóa từ lượng sang chất, từ hữu thể sang vô hình, khẳng định giá trị của vật chất, nâng cao tầm ý nghĩa của vật chất, của thao tác trồng mai.

Ý thơ còn được nâng cấp lên hơn nữa, ở ý tưởng một nắm giống thanh tao gửi lên ngọn đá xanh (ký bích loan) kia. “Một nắm giống thanh tao”, chính là phạm trù của cái đẹp, được “ký” (gửi gắm) lên ngọn đá xanh (bích loan), cũng lại là phạm trù của cái đẹp, tương ứng, cao vời tinh khiết. Quả là một ý tưởng tràn đầy tinh thần tôn giáo, thánh thiện và nhân văn, cũng chính là biểu hiện rất tinh tế của tâm hồn thi sĩ.

Ký thủ lai thời xuân sắc hảo
Dữ nhân cộng tác họa đồ khan

(Mai sau xanh lá tươi cành,
Vẻ xuân thắm một bức tranh dâng đời).

Đấy là hai câu thơ kết bài, đồng thời cũng gói trọn tứ thơ. Hãy nhớ lấy (ký thủ), sau này (lai thời) khi vẻ xuân tươi tốt (xuân sắc hảo). Câu thơ đã thấy có cái ý khẳng định, tin tưởng, chắc chắn, rằng rồi đây những hạt giống thanh tao mà ta đã tung lên ngọn đá xanh trên kia, nhất định sẽ nở ram bung ra một rừng mai rực rỡ, chẳng phải cho riêng ai, mà để cho tất cả mọi người được ngắm chung! …

Bài thơ bốn câu, cấu tứ chặt chẽ theo khuôn thước “Khai, thừa, chuyển, hợp” của luật thi, mà tình ý mênh mang, trong trẻo và sâu xa, thể hiện tầm vóc một hồn thơ lớn, cao khiết, tràn đầy tinh thần nhân văn đẹp đẽ.

Phải chăng, ở đây Cao Chu Thần cũng kín đáo gửi gắm niềm tin tưởng sáng tươi của mình vào tương lai rực rỡ, đồng thời tự tin khẳng định giá trị của tài năng mình, như rừng mai tràn đầy xuân sắc kia, sẽ dành để dâng hiến cho đời!

Cùng với Đại thi hào Nguyễn Trãi, Thánh thơ Cao Bá Quát đã thật tài tình khi sử dụng văn tự chữ Hán đương thời để chuyên chở tâm hồn, tình cảm và trí tuệ Việt! Tôi xin phép được khẳng định điều này thêm một lần nữa!

Vũ Bình Lục
.
.