Hoàng hôn - như một thi pháp...!

Thứ Năm, 27/10/2022, 15:33

"Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng" là câu thơ trong "Truyện Kiều" diễn tả chu kỳ lặp lại của thời gian cứ đều đặn, buồn tẻ, không thay đổi nhưng lại nói rất tinh tế tâm trạng Thúy Kiều trong hoàn cảnh "song sa vò võ phương trời", xót đời, thương phận mình đa đoan, bế tắc.

Mười lăm năm lưu lạc không biết bao nhiêu buổi chiều Kiều có tâm trạng cô đơn, bất an: "Buồn trông cửa bể chiều hôm/ Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa/ Buồn trông ngọn nước mới sa/ Hoa trôi man mác biết là về đâu?...".

Trong không gian buồn chiều tà vắng vẻ, trước cửa bể mênh mang, Kiều suy tư ngẫm ngợi: cánh buồm ấy đi về đâu, đời mình đi về đâu? Nàng giật mình thảng thốt nhìn giọt nước sa, nhìn hoa trôi: phận mình rơi vào đâu, trôi về đâu? Không vận dụng thi pháp không gian hoàng hôn và những thi ảnh rất gợi ấy không phải là Nguyễn Du!

image001.jpg -0
Hoàng hôn thảo nguyên.

Là một biểu trưng trong văn chương Việt và cả văn chương nhân loại, hoàng hôn còn các tên gọi khác như xế tà, chiều tà, xế chiều, bóng ngả về Tây, nhá nhem, chạng vạng... Hầu như tác gia lớn nào cũng ít nhiều tả cảnh hoàng hôn và cũng phần nhiều chung mục đích nghệ thuật là để nói về tâm trạng con người!

Hoàng hôn thường rất đẹp. Đó là thời khắc chuyển giao giữa ngày và đêm, giữa ánh sáng và bóng tối. Nghĩa của từ "hoàng hôn" là rất đúng với tính chất không gian về chiều: "hoàng" là màu vàng, "hôn" là tối, sắc vàng và sắc tối hòa quyện vào nhau. Cả góc trời phía Tây rực rỡ màu sắc, màu đỏ chói của mặt trời, màu vàng của ráng pha cùng các hình ảnh dãy núi mây pha ánh bạch kim... Hoàng hôn dễ gợi về nỗi buồn, xao xuyến, trống vắng, lẻ loi.

Có cả lý do khoa học là mỗi cá nhân con người đều mang một trường năng lượng, sau một ngày làm việc, đến khi hoàng hôn khép lại một ngày qua để mở ra một khoảng thời gian nghỉ ngơi. Thời điểm mang tính bản lề thường luôn nhạy cảm, dễ gợi ở người ta những cảm xúc chia ly cái đã qua, nên thường có tâm trạng nhung nhớ.

Lại có cả lý do tâm linh với quan niệm của người Việt xưa thì lúc nhá nhem là "giờ của ma quỷ". Ở những nơi xa, trên núi cao, trong rừng thẳm... lúc này bọn chúng đổ về nơi có người ở để kiếm ăn. Thế nên không được cho trẻ con ra ngoài đường chơi, không được gọi tên trẻ. Lúc này thường hay có trường hợp ma ám, vong nhập... 

Thế nên phân tích truyện ngắn "Hai đứa trẻ" của Thạch Lam cần phải được mở rộng góc nhìn từ phía mỹ học - một mỹ học của thiên nhiên; khoa học sinh học - con người và tâm linh - của thế giới mờ ảo, "bên kia", mới thấy hết cái hay, cái tinh tế của truyện.

Phần mở đầu cảnh không gian chiều hôm nơi phố huyện mang tính gợi dẫn đưa người đọc vào sâu thế giới của bóng đêm về khuya. Đáng chú ý hơn sự vật đều được nhìn từ cái nhìn của Liên - đứa trẻ đầy nhạy cảm với thời khắc hoàng hôn. Đó là âm thanh với tiếng trống thu không gọi chiều về, tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng, tiếng muỗi vo ve. Là hình ảnh, màu sắc đặc trưng của hoàng hôn "phương Tây đỏ rực như lửa cháy", "những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn". Là những đường nét dãy tre làng cắt hình rõ rệt trên nền trời.

Trên phông nền hoàng hôn, cảnh chợ tàn gây ấn tượng. Chợ đã vãn từ lâu, người về hết và tiếng ồn ào cũng mất, chỉ còn rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn và lá mía. Ấn tượng hơn cả là hình ảnh mấy đứa trẻ con nhà nghèo tìm tòi, nhặt nhạnh những thứ còn sót lại ở chợ. Mẹ con chị Tí và cái hàng nước đơn sơ, vắng khách. Bác Siêu với gánh hàng phở - một thứ quà xa xỉ. Gia đình bác xẩm mù sống bằng lời ca tiếng đàn và lòng hảo tâm của khách qua đường. Đặc biệt là âm thanh tiếng cười của bà cụ Thi hơi điên đến mua rượu lúc đêm tối rồi khuất lẫn vào bóng tối càng như gợi về một thế giới có gì đấy đầy "liêu trai" bí hiểm...

Rõ ràng phân tích sâu hơn cái nhìn của đứa trẻ là Liên - một tâm hồn còn non nớt, mong manh càng cho thấy thế giới hoàng hôn là sự đối lập của cái đẹp với sự héo úa, tàn tạ. Đặt trong văn hóa tập quán sẽ thấy những đứa trẻ ấy có gì thật đáng thương khi lẽ ra được ở trong nhà ấm áp, vì mưu sinh mà lúc thời khắc của ngày tàn phải ra giữa không gian của cảnh tàn... Tiếng cười ghê rợn của bà cụ nghiện rượu sẽ mãi xoáy vào tâm hồn thơ dại của chúng nỗi sợ hãi "mơ hồ, xa vắng"... 

Cách hiểu văn chương trong thời buổi liên văn hóa (intercultural) không độc tôn phương pháp mà kêu gọi nhìn từ nhiều phía, nhiều góc độ (liên ngành, xuyên ngành) để khám phá chiều sâu của hình tượng vốn tích lũy trong nó rất nhiều mã văn hóa. Soi vào "Tràng giang" của Huy Cận cũng phần nào thấy điều đó. Cần phải thấy vũ trụ không chỉ là bao la mênh mang bát ngát gợi về sự viên mãn, tròn đầy, phát triển. Vũ trụ còn là sự héo úa, tàn phai, gợi về sự quá vãng, mất mát, bi ai...

Cảm hứng vũ trụ trong thi phẩm "Tràng giang" thuộc về cả hai nhưng thiên về loại sau: "Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu/ Đâu tiếng làng xa, vãn chợ chiều". Các từ láy tượng hình "lơ thơ", "đìu hiu" càng gợi về sự buồn vắng, quạnh quẽ, cô đơn. Có âm thanh nhưng là âm thanh "lấy động tả tĩnh" xa hút gợi sự vắng vẻ, cô liêu. Vạn vật nằm trong sự tĩnh lặng, không gian được mở ra cả ba chiều bát ngát bề rộng, hun hút chiều sâu, thăm thẳm chiều cao: "Nắng xuống trời lên, sâu chót vót/ Sông dài trời rộng, bến cô liêu". Không chỉ còn là chữ nghĩa của văn chương nữa, còn là hội họa (hòa sắc, đường nét), điêu khắc (hình khối), điện ảnh (góc quay trên xuống)... Không chỉ "liên ngành" theo chiều ngang không gian đương đại (nghệ thuật), còn "liên văn hóa" chiều dọc lịch đại với cổ điển phương Đông: "Quê hương khuất bóng hoàng hôn/ Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai". Âm hưởng từ "Hoàng Hạc lâu" của Thôi Hiệu từ hơn ngàn năm trước vọng về nhập vào âm hưởng tiếng sóng "tràng giang" để hòa tấu thành một bản nhạc của hồn người vừa rất mực cổ điển vừa rất mực mới mẻ...

image003.jpg -0
Hoàng hôn biển.

Trong "Đoàn thuyền đánh cá" Huy Cận lại thêm một lần miêu tả thần tình cảnh tượng hoàng hôn trên biển: "Mặt trời xuống biển như hòn lửa/ Sóng đã cài then, đêm sập cửa/ Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi/ Câu hát căng buồm cùng gió khơi". Một thời khắc tuyệt đẹp của sự chuyển đổi giữa ngày và đêm thật kỳ vĩ. Hai câu thơ đầu là hình ảnh từ suy tưởng của chàng Uylitxơ trong "Iliat và ôđixê" (Hôme): Vũ trụ là một ngôi nhà, mặt trời là bếp lửa, mặt biển là cánh cửa, sóng là then cài. Con người là chủ của ngôi nhà vũ trụ ấy. Vũ trụ đi ngủ nhưng con người lại ra khơi. Hai câu thơ sau thì rất mới, hiện đại, phơi phới. Đây là bài thơ xuất sắc, tiêu biểu cho hồn thơ vũ trụ khỏe khoắn của Huy Cận sau Cách mạng Tháng Tám.

Mở đầu thiên kiệt tác "Vợ nhặt", Kim Lân tả cái "trước kia mỗi chiều, cứ vào lúc chạng vạng mặt người thì Tràng đi làm về". Không chỉ là cái cớ để gợi ở người đọc một nỗi buồn về cái thời nô lệ tối tăm mà còn là nét thi pháp mở ra những không gian "nhá nhem" với hình ảnh ghê rợn cảnh người chết đói la liệt đầy đường, không khí ảm đạm. Những đám người lũ lượt dìu dắt bồng bế nhau "xanh xám như bóng ma", "nằm ngổn ngang khắp lều chợ"… Trong cái chết là vô cùng sự sống. Cái nhìn lạc quan khỏe khoắn của nhà văn đã mở ra một không gian đối lập hẳn với không khí chết chóc có "mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người" cùng âm thanh  "tiếng quạ trên mấy cây gạo ngoài bãi chợ cứ gào lên từng hồi thê thiết" là hình ảnh của niềm tin về sự đổi đời: "...lá cờ đỏ bay phấp phới". Thì ra thi pháp của mọi thi pháp là tình yêu thương con người hướng con người đến những điều tốt đẹp, hạnh phúc, hòa bình!

Thơ tình yêu hẳn nhiên phải neo vào thi pháp các cung bậc tâm trạng tình yêu. Buổi chiều không chỉ là chia ly, gợi nhớ còn gợi về sự hẹn hò, sum vầy, gặp gỡ... Trong "Thơ viết ở biển", Hữu Thỉnh cũng mượn bóng hoàng hôn để nói về cái "nghiêng ngả" trong tâm hồn: "Gió không phải là roi mà đá núi phải mòn/ Em không phải là chiều mà nhuộm anh đến tím/ Sóng chẳng đi đến đâu nếu không đưa em đến/ Vì sóng đã làm anh/ Nghiêng ngả/ Vì em…". Câu thơ dài ra rồi ngắn dần theo nhịp sóng. "Không phải" mà là rất "phải": gió là roi, em là chiều! Thế nên "núi" mới "mòn", "anh" mới "tím". Màu "tím" là linh hồn của hoàng hôn biển. Nếu nói "tím" là linh hồn của tình yêu thì cơ chừng áp đặt, nhưng rõ ràng bóng chiều, em và sóng đã làm anh "nghiêng ngả"... Phải thật vững vàng, chắc chắn và làm chủ về thi pháp mới có cái "nghiêng ngả" ấy trong tình yêu!

Nguyễn Thanh Tú
.
.