Hoa thường hay héo cỏ thường tươi
"Hoa thường hay héo cỏ thường tươi". Tôi liên tưởng tới cái thoáng chốc và cái mãi mãi trong câu thơ này của Nguyễn Trãi mỗi khi đọc thơ Lê Thành Nghị. Từng vạt mướt xanh, từng nhành, từng cọng, cỏ tắm nắng trời, cỏ rung rinh trong gió, cỏ ngậm sương, cỏ chẳng biết đau dẫu những bàn chân dẫm đè lên cỏ. Cỏ trải qua bốn mùa hiên ngang giông bão. Cỏ tạo nên điệp khúc tâm trạng bốn mùa vạn vật đổi thay, tình người chan chứa.
Điệp khúc cỏ để lại dư ba day dứt khi chạm những câu thơ hồn vía:
Có những câu thơ dù thiêu cũng không thể cháy
Như thể lửa càng to, thảm cỏ mọc càng dầy
(Thi sĩ)
Không gian "cỏ" trong thơ Lê Thành Nghị đầy những cung bậc tâm trạng của cái thường biến thường hằng. Ở bất kỳ vị trí quan sát nào, tâm trạng người thơ đều có góc nhìn phóng chiếu, quy nạp về với cỏ, cảm nhận tầm vóc của loài thân thảo thấp bé "nhòai" sát mặt đất, mà sức sống luôn báo hiệu những đổi thay bất tử trong thời gian, kích thích suy cảm của con người.
Có một lời thề âm ỉ dọc cuộc đời, từ "Thuở nằm chơi trên cỏ" cho tới "Giờ sắp nằm dưới cỏ" mà không sao/ không thể thực hiện được việc "đánh cắp của thượng đế một ngôi sao" để tặng người con gái. Sự không thành ấy, tất nhiên là thế, thể hiện trong bài thơ vỏn vẹn hai mươi bảy từ, phân phối không đều ở bốn câu (câu thứ hai mười hai từ), mà sao cấu thành nên một tứ thơ, biểu hiện sự ăn năn, dằn vặt mãi không thôi. Bởi, như chính câu thơ đầu tiên trong bài "Lời thề", nhà thơ xác định, cỏ đã ám ảnh ông từ thuở hoa niên mơ mộng. Hơn thế, cỏ là tác nhân để ông về với mẹ:
Lá rụng ngày đi như cuốn gió
Dế kêu tê dại cỏ trong vườn
Ai về tát cạn ao phiền muộn
Để mẹ thôi buồn, thôi ngóng trông
Cái "ao phiền muộn" ấy kết nối hai nỗi nhớ, của người mẹ nhớ con và của người con không nguôi ngoai nhớ mẹ, thành một sợi dây nghĩa tình mẫu tử. Chưa dừng lại ở đấy, sợi dây tiếp tục đan thành tấm lưới quan hệ đa chiều giữa cha và con, giữa mẹ và con, giữa cha và mẹ, giữa người và cảnh, giữa cảnh và cảnh, giữa động và tĩnh, giữa thực tại và quá khứ…
"Cỏ" trở thành ký ức, theo nhà thơ đi khắp mọi miền quê hương của Tổ quốc và vượt qua biên giới. "Cỏ ký ức" không chỉ để tác giả hòai niệm, mà tiếp sức cho nhà thơ chiêm nghiệm trên mỗi chặng đường, ở mỗi nơi dừng chân. Đường lên Chùa Đồng Yên Tử, nơi "Tiếng chuông tê buốt suốt mùa thu". Và, khi lên Xứ Lạng xót xa trước một chiêm nghiệm khác
Em từ thuở với đá ngầm ở lại
Giấu nỗi buồn trong suốt chảy trăm năm
(Trong suốt sông Kỳ Cùng)
Có khi cỏ là một thách thức:
Bờ muốn anh hóa cỏ tím chờ sông
Mà quên không buộc gió!
(Dự định)
Như một biến thiên của quy luật, những quy luật khắt khe, ràng buộc, bởi chỉ đi tới giác ngộ con người mới tìm được cách tồn tại trong đó. Ngẫm về mẹ là một giác ngộ:
Sớm muộn rồi ai cũng sẽ trở về với mẹ
Cho dù mẹ ta ra đi khi còn rất trẻ
Người mang theo những mùa tóc xanh vào biếc cỏ
…
Thôi kệ những thành bại, sang hèn, buồn vui, sướng khổ
Ta sẽ bay như mẹ giữa mây cao!
(Mẹ trên cao)
Đó là sự giác ngộ. Đã là giác ngộ thì uỷ mị, đớn hèn, bi luỵ không có chỗ chen chân. Bởi, như những chú dế kia:
Vui thì hát mà buồn cũng hát
Khi bờ sông cỏ tím đã vào thu
(Bờ sông tiếng dế)
Trên cây bàng mùa thu:
Những chiếc lá mùa thu sẽ viết
Sẽ đọc thầm trong cỏ suốt mùa thu
(Ký ức mùa thu Hà Nội)
Dọc dòng suối ban mai:
Cỏ bên bờ mơ mộng mọc lên
Hoa thơm ngát hình như vì nước chảy
(Nhớ suối tận nguồn)
Và ngay cả bản thân:
Ta về làm đất chờ hạt xuống
Hóa những cánh diều bay trăn
(Mùa thu đến rồi đi)…
Như nhiều câu thơ khác, những câu thơ này người thơ như đắm mình vào bản hòa tấu của cuộc đời, lắng nghe hợp âm chủ của thiên nhiên dẫn dắt con người lên nốt cao nhất và luyến xuống cung bậc trầm trong nhịp điệu không gian và thời gian, vừa xác định vừa vô định.
Ai xui mặt trời xuống vội
Trai gái đưa nhau về miền cỏ dại
(Nắng của ngày đã mất)
Cái thực, cái hư của lãng mạn, của xa xót náu ngay ở tên bài thơ - cái gì đã mất: "nắng của ngày" hay riêng "ngày" mà thôi (?); và, cái "dại" nơi cỏ hay ở hành động của người (?); tất cả đều có thể. Nhà thơ cảnh báo cô gái (em) đừng dẫm lên cỏ và:
Đừng ghen thầm với cỏ
Em xanh được mấy mùa?
(Trong cỏ)
Cái hữu hạn đời người trong cái vô hạn của tạo hóa khiến người ta cảm thấy chật chội, hờn dỗi vì tưởng bị lãng quên. Nhưng, cỏ nhắc người:
Vô hạn những triền sông, ngút ngát những chân đê
Một nền xanh dưới chân mây… là cỏ
Em nhớ không dưới nền xanh lặng đó
Nhân loại ngủ im lìm
(Trong cỏ)
Qua câu chữ, vốn từ, nhà thơ góp phần giúp ta nhận thức cái đẹp đầy đủ hơn, gần bản chất hơn, từ đó nâng dần giá trị thẩm mỹ của thơ, nhận chân "đúng thơ", "đầy chất thơ". Bởi:
Bờ cỏ mực mùa thu gom hết tím
Cát không tin, cát vẫn lặng yên chờ
(Cát vẫn lặng yên chờ)
"Cỏ" trong thơ Lê Thành Nghị như một hình tượng để nhận biết cái hay, cái đẹp, cái nhịp điệu luân chuyển không ngừng trong bản chất thực của quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Từ "nhịp điệu cỏ" biến tấu sang nhịp điệu hoa, lá, gió, trăng…, để tạo nên những phức điệu của âm thanh gọi màu sắc:
Cây ngày mai sẽ xanh kín lá
Thảm cỏ nhung lộng lẫy nắng bên đường
(Matxcơva, mùa tuyết tan)
Trong "điệp khúc cỏ", sự "xuống" của mưa, của lá, của mùa, như những "nốt chấm dôi" (trong nhạc), làm tăng độ ngân nga của nhịp
Trời đang xanh, nắng đang trưa
Bỗng dưng xuống một cơn mưa rửa đền
(Về Phong Châu)
Từ "xuống" thật đắc địa, riêng nó tạo một nhịp, nhấn mạnh tiết tấu câu thơ thêm chắc và có độ rung trong cấu trúc 2-1-3-2; khác với nhóm ba từ "mùa lá xuống" tạo nhịp và tiết tấu mềm hơn, như ở những câu thơ dưới đây:
Bên kia mùa lá xuống gió theo về
…
Tàu đến sân ga, ta về mùa lá xuống
…
Ta là hạt mưa xuống
…
Nhà thơ tránh không dùng hình ảnh ra đi mất hút của từ "rơi" hoặc "rụng", mà dùng từ "xuống" nhằm kích thích tâm trạng hướng tới sự hòa nhập (hay sự dịch biến) của sự vật này vào sự vật khác, tạo nên hình ảnh mới. Đó chính là ý tại ngôn ngoại trong thơ. Ngay cả trong bài thơ văn xuôi "Mưa trong thành phố", thủ pháp này cũng được Lê Thành Nghị sử dụng triệt để:
Ta chỉ là hạt mưa xuống đất. Như Ngàn Hống đêm đêm tự đốt mình làm đuốc. Sưởi ấm ta bằng những trận cháy rừng. Hãy thử góp nghìn cơn mưa lớn. Dập trong ký ức ta những trận cháy rừng.
Bài thơ thật ấn tượng. Song, phải chăng là hợp lý khi xếp bài thơ vào thể thơ văn xuôi? Những dấu chấm (.) đã nói rằng, "duỗi" các câu thơ ra, ý và tứ của bài thơ vẫn không có gì thay đổi, chỉ có độ dài là tăng lên. Câu chữ trong thơ anh thật đẹp:
Sau cơn mưa hoa sữa xuống bên đường
Hoa thả xuống một ngày thăm thẳm nắng
Người đi đâu để thềm hun hút vắng
Nắng đi đâu còn lại một hồ sương
(Chiều Hồ Tây)
Một vẻ đẹp dịu dàng, thuần khiết của cảnh và người, nhất là câu kết.
Đọc thơ Lê Thành Nghị, ta có thể trích dẫn nhiều câu thơ hay, câu thơ đẹp. Ông là nhà thơ tài hoa và biết giấu cái tài hoa ấy trong những câu thơ trầm tĩnh, nhưng xao động ở nhịp khoan thai, ở độ rung của sự nhạy cảm. Đọc thơ Lê Thành Nghị, tôi nhận ra "điệp khúc cỏ" như là một hình tượng, như đang kiếm tìm "cái vô hạn" trong đó, vừa khiêm nhường vừa kiên cường giữa mông mênh trời đất.