Đọc "Tuyển tập truyện ngắn Lê Hoài Nam", NXB Hội Nhà văn, 2022

Hành trình tìm kiếm sự hướng thiện qua ''Tuyển tập truyện ngắn Lê Hoài Nam''

Thứ Bảy, 02/07/2022, 19:41

Với hàng chục đầu sách được xuất bản, nhà văn Lê Hoài Nam đã tạo được một vị thế, một giọng văn riêng trên văn đàn. Vì lẽ đó, trong tuyển tập này, ông chọn 42 truyện ngắn tiêu biểu cho phong cách văn xuôi Lê Hoài Nam thực sự đã thuyết phục tôi cũng như những bạn đọc khó tính. Bởi đây là "món quà tri ân của tác giả đối với bạn đọc" như tác giả bộc bạch.

Được chia thành hai phần, trong đó, phần thứ nhất là những tác phẩm ông viết về đề tài người lính và xã hội hiện đại, phần thứ hai là những trang văn thấm đẫm cứ liệu lịch sử và cảm thức tôn giáo. Điều đáng ngạc nhiên là từ truyện ngắn đầu tiên "Hải âu" cho đến truyện ngắn cuối cùng "Bữa tiệc ly", gần như ít khi nhà văn Lê Hoài Nam lặp lại cách kết cấu mà có sự thay đổi uyển chuyển tùy thuộc vào đề tài, cốt truyện được xây dựng.

Mỗi truyện một cốt cách riêng, lối diễn đạt riêng nhưng tựu trung lại vẫn theo một trụ cảm hứng nhất quán là nhà văn muốn thông qua lăng kính tích cực, nhân văn của mình để biểu đạt, diễn giải những hiện tượng lịch sử, tôn giáo, người lính và chiến tranh cách mạng hay những đề tài về xã hội hiện đại. Nhiều nhân vật đã vượt thoát khỏi trang văn, có sức ám ảnh lớn, gợi cho người đọc hình dung về những con người có thật trong cuộc sống, mang tính dự báo tương lai.

z3346777695576_277918d555698325e8d75358921fc28b.jpg -0
Nhà văn Lê Hoài Nam.

 Như nhiều nhà văn khác thuộc thế hệ sau 1975, khi chiến tranh đã lùi xa, cho phép họ viết về cuộc chiến với những phận đời khuất lấp, những mảng tối bi tráng chứa đựng sự khốc liệt và nỗi day dứt, đớn đau. Song điểm sáng là sau những khoảng trầm buồn ấy, là niềm tin đối với con người, cuộc sống, tình đồng đội, tình quân dân vẹn tròn, thủy chung, không mảy may so bì hơn thiệt hay bất mãn, phá rối. Điều đó thật dễ hiểu bởi từng là chiến sĩ đặc công tham gia chiến đấu, trang văn ông viết chính là trải nghiệm thực tế qua sàng lọc của thời gian và chiêm ngộ của đời người càng thăng hoa cảm xúc.

Truyện ngắn "Cuộc gặp gỡ muộn mằn" khiến người đọc thổn thức trước sự hi sinh tức tưởi của những "tài hoa ra trận" - những chàng sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường đành xếp bút nghiên lên đường chiến đấu. Là lời cảnh tỉnh về sự thiếu trách nhiệm của hai người lính trẻ Chương và Tảo đã khiến cho đồng đội bị quy vào tội đào ngũ, "chiêu hồi", thậm chí tan nát gia đình. Trong "Chuyện rồi sẽ kể" cũng là những sự hi sinh bi tráng được miêu tả tỉ mỉ và đau đớn bởi đó là một phần tất yếu của chiến tranh. Truyện ngắn "Sói con" với nhân vật cậu bé Độn mới bốn tuổi đầu mà cả gia đình đều đã chết vì bom đạn, sống lang thang, hoang dã giữa vùng chiến thuật được anh lính giải phóng đưa về gửi người quen chăm sóc, sau này trở thành một doanh nhân thành đạt.

 Ấn tượng hơn cả là truyện "Hành trình của người lính" với nhân vật Đồng Quý Phái - một nhân vật thật đến mức ta cảm thấy anh ta đang ở ngay bên cạnh ta. Là Trung úy công tác tại Phòng Ngoại vụ Quân khu, con người ấy tốt mã, khéo nói, giỏi ngôn ngữ đã khéo che giấu bản chất sâu thẳm của mình là người giả dối, ích kỉ, thù dai và nhẫn tâm. Nhưng cuối truyện, những gút thắt, xung đột ấy đều được hóa giải bằng đức hi sinh, lòng vị tha, nhân ái. "Hành trình của người lính" qua bút pháp Lê Hoài Nam chính là hành trình tái hiện sự khốc liệt của chiến tranh, mặt sáng - tối trong con người và cao hơn thế là hành trình tìm kiếm cái đẹp, cho ta quyền tin vào sự hướng thiện của con người.

Ở mảng đề tài xã hội hiện đại, cũng có những "hạt vàng" trên cánh đồng chữ mà nhà văn Lê Hoài Nam miệt mài trồng cấy. Các truyện ngắn như "Lan Hoàng vũ", "Mãnh lực phố phường", "Hương bạc hà", "Thầy giáo dạy văn", "Đồng quê gió thổi", "Ông Nô-en không mặc áo đỏ", "Đốm lửa", "Màu của gió"… cũng hết sức thuyết phục. Nhiều truyện đã được trao giải thưởng và chuyển thể thành phim. Có những truyện như thể nhà văn đã lấy nguyên mẫu từ chính cuộc đời mình, một cuộc đời cầm bút đầy gian truân, nhọc nhằn và không ít thử thách. Những câu chuyện đời trước áp lực của đồng tiền, sự trớ trêu của số phận thực sự ám ảnh người đọc.

Ở phần hai, nhiều vấn đề của lịch sử đất nước, lịch sử Công giáo được đề cập ở mức độ cao và chi tiết hơn, mang nhiều kiến giải sâu sắc của người đời nay đối với những vấn đề trong quá khứ. Các nhân vật như Đức Giêsu, Leonardo da Vinci, Nguyễn Ánh, Trương Phúc Loan, Nguyễn Trường Tộ, Đặng Tất, Bùi Viện… được xây dựng trung thành với chính sử, song được bao phủ những sắc màu huyền hoặc hay gửi gắm những thông điệp đời sống chính trị từ xa xưa tham chiếu đến hiện nay. Đơn cử như nhân vật Italo Aquilea trong "Bữa tiệc ly". Với vẻ uy nghi, thánh thiện ban đầu, Italo Aquilea được Leonardo da Vinci chọn làm người mẫu để vẽ Đức chúa Giêsu. Nhưng cũng chính con người ấy không lâu sau, trước sự va đập nghiệt ngã của số phận, lại làm mẫu vẽ Giuda - tội đồ phản Chúa, bán linh hồn cho quỷ dữ.

le hoai nam (1).jpg -0
Bìa "Tuyển tập truyện ngắn Lê Hoài Nam".

Nhân vật Nguyễn Ánh - Gia Long trong "Những giọt lệ đỏ thắm" cũng được nhà văn Lê Hoài Nam mô tả sắc sảo ngoại hình, phong cách và cả nội tâm nhân vật, cho người đọc thấy được một vị vua anh hùng cái thế, gian manh lẫm liệt, tanh máu chém giết, nhưng cũng phải xiêu lòng trước vẻ đẹp của mỹ nhân. Trong truyện, ông cũng đưa ra thông điệp rằng, mọi triều đại chỉ có thể thịnh trị khi các đời vua kế nghiệp được tài đức của tổ tông, mới là hồng phúc cho dân tộc. Còn cha anh hùng, con đớn hèn, trụy lạc, lười biếng sẽ là điềm dự báo vương triều suy vong.

Là một người rất tôn trọng nhân vật của mình, nên nhà văn Lê Hoài Nam chủ tâm chọn giọng văn cho nhân vật rất kỹ, để nhân vật có sức sống và "lý lịch văn học" đặc sắc. Dù là bậc học giả tài danh như Bùi Viện hay anh giáo làng hồn hậu, dẫu ở ngôi cửu ngũ chí tôn như Lê Thánh Tông trong "Chuyến du xuân của hoàng đế", Nguyễn Ánh trong "Những giọt lệ đỏ thắm"…, hay bác nông dân cổ cày vai bừa đều đẹp theo cách của riêng mình trên trang văn Lê Hoài Nam. Không những thế, các nhân vật đều là hiện thân cho chính nghĩa, cho sự hướng thiện và luôn vượt lên hoàn cảnh, đấu tranh với cái ác, cái xấu, đấu tranh với chính mình để hoàn thiện bản thân. Ở khía cạnh này, tôi cho rằng nhà văn Lê Hoài Nam đã hoàn thành sứ mệnh của một nhà văn chân chính là luôn tìm thấy được những vẻ đẹp tâm hồn khuất lấp sau vẻ bề ngoài để ngợi ca và tôn vinh.

Một đặc điểm khác đáng lưu ý là nhà văn Lê Hoài Nam cũng đã dành những trang viết đẹp khi xây dựng những nhân vật phụ nữ. Đức mẹ Maria với những phẩm chất tuyệt vời, công chúa Ngọc Bình trong "Những giọt lệ đỏ thắm", nữ sĩ Đoàn Thị Điểm trong "Lung lay bóng nguyệt", tiểu thư Đặng Thị Thúy Hạnh trong "Chuyện tình thời vong quốc", Ni sư trụ trì chùa Ngọc Hồ tự trong "Chuyến du xuân của Hoàng đế", bà Minh Đức thái phi trong "Vương phủ đàng trong", nữ chiến sĩ hải quân Mơ trong  "Tình yêu là thế đấy", nữ bác sĩ Nhị Hà trong "Thung lũng sỏi", … đều mang khí chất hơn người từ hình thức tới trí tuệ, tâm hồn. Qua đó, nhà văn gián tiếp khẳng định rằng, người phụ nữ Việt qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử vẫn luôn giữ được phẩm giá, nhân cách cao đẹp và vô cùng quật cường trước mọi khó khăn nghiệt ngã.

Nhà văn Lê Hoài Nam từng tâm sự: "Trong cuộc đời cầm bút của mình, tôi luôn cố gắng giữ được tính khách quan và giữ được lòng mình thật trong sáng khi ngồi trước bàn viết. Không bao giờ tôi viết những gì mà tôi thấy không xứng đáng để đưa vào văn chương, càng không bao giờ né tránh những gì mà tôi cho rằng nó mang giá trị nhân bản, nó giúp bạn đọc sống tích cực hơn, cho dù nó rất khốc liệt, đớn đau". Qua tri thức cuộc sống, kinh nghiệm viết văn và cảm hứng sáng tác của mình, nhà văn Lê Hoài Nam đã thực sự thành công trong việc tạo nên tính nhân văn, nhân bản trong mỗi sáng tác của mình.

Phạm Vân Anh
.
.