Dòng chảy tiếng cười

Thứ Bảy, 18/03/2023, 12:44

Không chỉ là sứ giả kết nối văn hóa giữa người với người, cộng đồng này với cộng đồng kia, tiếng cười còn là món ăn tinh thần giải trí, là thứ vũ khí đấu tranh để con người mở đường đến với tự do, với sự vui vẻ, thoải mái... Tiếng cười là một phạm trù cơ bản của mỹ học.

Văn học trung đại Việt Nam nói chung nặng về tính quy phạm với mục đích đề cao tính chất giáo huấn, coi trọng tư tưởng trung quân ái quốc. Vì thế nó ưa tìm đến những khuôn mẫu, điển phạm, quy phạm, niêm luật chặt chẽ cùng một thứ ngôn ngữ trang nhã, giàu điển tích. Nhưng đối với tiếng cười không biết sợ và không bao giờ chịu làm tù binh cho một thứ quy phạm nào thì nó luôn tự do. Điều này lý giải thời trung đại tiếng cười ít xuất hiện trong văn học chữ Hán.

Nhưng với những tài năng lớn thì luôn biết vượt qua cái con dốc mỹ học thời đại để vươn lên làm chủ thể loại mà Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến... là tiêu biểu. Cái thiên tài của họ lại thể hiện ở chỗ vẫn tuân theo quy định của đặc trưng thể loại mà lại vượt thóat khỏi cái khuôn công thức, coi thể loại chỉ là một trò chơi của tiếng cười. Có thể gọi đấy là hiện tượng nhại thể loại, chơi thể loại mà Hồ Xuân Hương là một biểu hiện tuyệt vời.

Dòng chảy tiếng cười -0
Hề chèo!

Như một dòng chảy, từ thượng nguồn folklore dân gian, chảy qua các vùng miền văn hóa được màu mỡ phù sa tâm hồn và trí tuệ dân gian bồi đắp, tiếng cười ngày càng giàu có, tươi mới thêm. Càng chảy về miền hiện đại tiếng cười càng đa sắc, đa cung bậc, phong phú, cường tráng và mạnh mẽ. Tiếng cười thời trung đại chịu ảnh hưởng sâu sắc từ tiếng cười dân gian ở nhiều cấp độ như đối tượng cười, cung bậc, sắc thái cười, ngôn ngữ cười… Tiếng cười dân gian vang lên rõ hơn cả ở tiếng cười hội hè và tiếng cười trên sân khấu chèo.

Là kết tinh của cuộc sống phồn thực, trào tiếu sống động, khỏe mạnh tiếng cười dân gian với muôn vàn sắc thái vang lên từ xã hội nông thôn Việt Nam. Những cái gì xấu đều bị đem ra làm trò cười: keo kiệt, bủn xỉn, hống hách, dốt nát, sợ vợ, học đòi làm sang,… Một đặc điểm bao trùm là tất cả những gì đáng cười đáng giễu đều bị thông tục hóa, phàm tục hóa.

Truyện “Tao thèm quá” tuy kể về ông vua dưới âm phủ nhưng cũng là một cách bóng gió nói về ông vua trên dương thế. Oan hồn của con lợn bị giết xuống cõi âm tố cáo với Diêm Vương về tội ác của bọn đồ tể: chọc tiết, cạo lông phanh thịt, chặt ra từng miếng rồi cho vào chảo mỡ đang phi hành, tra thêm mắm muối… Diêm Vương vội ngăn lại: “Thôi, thôi, đừng nói nữa… Tao thèm quá!”. Tiếng cười bật ra làm lộ rõ nguyên hình một công lý giả dối: Diêm Vương chuyên làm cái việc “xử án” những kẻ có tội nhưng chính cái sự “thèm (ăn) quá” đã lật tẩy bản chất giả dối chẳng có gì là công tâm liêm khiết chính trực cả.

Vua trong tiếng cười Trạng Quỳnh còn thảm hại hơn nhiều, cũng ươn hèn, dốt nát, tham ăn… (Dê đực chửa, Vua Lê mất mèo, Đào trường thọ…). Truyện “Cứ bảo tuổi Sửu” đả kích sâu cay thói tham nhũng hối lộ. Đồn rằng ông huyện nọ rất thanh liêm. Có làng nọ, muốn nhờ quan bênh cho được kiện bèn tìm cách đút lót bà huyện. Bà huyện nói quan nhà tôi tuổi “Tí”, dân làng đúc một con chuột bằng bạc mang đến, tôi thử cố nói giùm cho. Thế là dân làng thắng kiện. Thời gian sau quan về hưu, chợt nhìn thấy con chuột bạc, hỏi vợ biết rõ đầu đuôi, quan ta liền mắng: “Ngu vậy! Lại đi bảo là tuổi “Tí”! Cứ bảo tuổi “Sửu” có được không?”. Chỉ một câu nói mà cái mặt nạ liêm khiết rơi xuống, chân tướng quan tham hiện ra: Thì ra cái sự đạo đức thời đương chức của quan chỉ là lớp tráng men bên ngoài!

Để làm tốt chức năng hạ bệ, phanh phui lật tẩy những gì là bóng bẩy hào nhóang bên ngoài làm trơ ra những gì là thảm hại, xấu xa, đáng ghét, tiếng cười thường dùng đến phương pháp mâu thuẫn tương phản. Tương phản với những cái được gọi là cao quý sang trọng của kẻ có thế lực, kẻ áp bức thì chỉ có thể là những gì thông tục nhất của cuộc sống thường dân. Điều này lý giải tại sao tiếng cười dân gian và cả bác học hay dùng đến phương tiện cái tục. Ở thế giới của sự đứng đắn đúng mực không có tiếng cười. Chỉ có sự nhố nhăng lại làm ra vẻ nghiêm chỉnh mới đáng cười.

Theo lẽ thông thường viên lý trưởng nọ là “phụ mẫu chi dân” nhưng bị dân gian biến thành con chó chui gầm giường cất tiếng sủa gâu gâu. Thầy đồ lẽ ra phải mô phạm “chiếu trải không thẳng không ngồi, thịt thái không vuông không ăn” mà bị chị nhà quê bắt chui vào trốn trong đống váy đàn bà. Nhà sư phải “thành tâm quả dục” cũng chịu phép của người đàn bà ngồi vào cái rọ để bị treo lên xà nhà. Cuối cùng tất cả đều bị đánh bằng cái roi của anh chồng dân đen (“Nam mô boong”). Truyện này rất tiêu biểu cho nguyên tắc thông tục hóa, vật hóa của tiếng cười dân gian.

Ở khu vực ca dao trào phúng, thông tục hóa cũng là một nguyên tắc. Trong quan niệm chính thống thì bậc nam nhi là: “Làm trai cho đáng nên trai/ Xuống đông đông tĩnh lên đoài đoài yên” còn trong tiếng cười lại là:  Vì “lộn ngược” với lẽ thông thường, thế nên “anh hùng” trong tiếng cười ca dao là “anh hùng rơm” chỉ cần cho một “mồi lửa hết cơn anh hùng”…

Sinh hoạt trong vùng văn minh nông nghiệp, khoảng thời gian giữa các (hai) mùa vụ tương đối xa nên người lao động có nhiều dịp để tổ chức hội hè. Toát ra từ các không gian lễ hội phong phú và náo nhiệt này là tiếng cười đa sắc, giàu có ý nghĩa. Cả một thế giới hoạt động tưng bừng vui vẻ biểu hiện khát vọng ước ao của con người qua các trò chơi dân dã, hồn nhiên mà trí tuệ. Nghiên cứu, tìm hiểu tâm lý tính cách dân tộc không thể bỏ qua các lễ hội này.

image003.jpg -0
Tranh trào phúng Đông Hồ - “Đánh ghen”!

Chảy ra từ mạch nguồn dân gian, tiếng cười trong văn học viết được gọt dũa, nâng cao tạo ra một sức sống mới. Được soi chiếu bởi hai nguồn sáng mỹ học dân gian và mỹ học bác học (thường là các nhà Nho) nên tiếng cười trong văn học trung đại lóng lánh đa dạng tính chất, phong phú các sắc điệu, giàu có các cung bậc. Vừa có cái khỏe khoắn, lành mạnh, trẻ trung, phồn sinh, phồn thực của sức sống mạnh mẽ dân gian, vừa có cái uyên bác, thâm thuý, tinh tế, sắc sảo của triết lý bác học. Là biểu hiện văn hóa của tâm hồn dân tộc, của lịch sử, thời đại, tiếng cười cũng là biểu hiện tâm hồn, tính cách cá nhân chủ thể.

Tinh thần yêu chuộng đạo lý chính nghĩa, yêu tự do, yêu đất nước, hòa cùng khí thế ngút trời đuổi giặc Minh ở thế kỷ XV đã kết tinh ở ngòi bút Nguyễn Trãi để bật ra tiếng cười làm tan nhuệ khí của kẻ xâm lăng phi nghĩa. Tiếng cười còn là trí tuệ, là cách sống, lối sống, lối ứng xử văn hóa. Phải đọc thông bao sách vở, thông hiểu nghĩa lý bao đời của văn hóa phương Đông thì tiếng cười Nguyễn Bỉnh Khiêm mới sâu sắc, triết lý được như vậy. Phải sống, chứng kiến, phải đau đời trước bao cảnh lố lăng, Nguyễn Khuyến, Tú Xương mới có được tiếng cười mỉa đời, nhạo đời chua chát, thấm mà đau…

Khu rừng mênh mang giàu có tiếng cười trong văn học trung đại có nhiều bậc đại thụ lực lưỡng, cường tráng cắm sâu bộ rễ rất khỏe vào hai mảnh đất phương Đông và truyền thống dân tộc để hút dinh dưỡng văn hóa rồi vươn cao cành lá lên bầu trời hòa bình mà quang hợp ánh sáng nhân văn tiên tiến của thời đại, của nhân loại. Âm vang tiếng cười của các đại thụ tư tưởng ấy vọng mãi tới hôm nay và mai sau, vọng ra cả thế giới để khẳng định bản lĩnh lạc quan, yêu đời, yêu công lý chính nghĩa, tính cách trí tuệ, hài hước, hóm hỉnh Việt Nam.

Vốn giàu có về tài nguyên tư tưởng, tinh thần, khu rừng ấy lại khoác nhiều màu áo thể loại nên đa dạng về mô hình, phong phú về dạng vẻ, tươi mới, tinh tế về sắc thái. Mỗi tiếng cười lớn ấy trở thành một cổ mẫu chứa trong nó sự trẻ trung sinh lực văn hóa, khỏe khoắn, tươi mới tinh thần lạc quan, khát vọng sống, mạnh mẽ ý chí, phơi phới niềm tin. Nó sẽ sản sinh và nuôi dưỡng biết bao những mẫu con sau này. Lịch sử cứ tiếp tục đi lên không ngừng nghỉ. Miền thượng nguồn tràn trề năng lượng, tất yếu vùng hạ lưu sẽ dồi dào sức sống!

Ở xã hội nào cũng cần đến tiếng cười, không chỉ là món ăn văn hóa tinh thần, nó còn là thứ vũ khí chống lại cái xấu, cái lỗi thời lạc hậu... Thời hôm nay đang rất cần những tiếng cười phanh phui, loại bỏ cái tham nhũng, cái đạo đức giả, cái thói ích kỷ vô cảm, cái đố kỵ, cái thói “làm giả ăn thật”... Sẽ có nhiều tiếng cười mới vang lên!

Nguyễn Thanh Tú 
.
.