Những tiếng cười yêu nước

Thứ Sáu, 02/12/2022, 09:08

Khi thực dân Pháp nổ tiếng súng xâm lược nước ta, nhiều tiếng cười phẫn uất chửi thẳng vào lũ vua quan, như tiếng cười của nhà cách mạng Phan Bội Châu: “Non sông thẹn với nước nhà/ Vua là tượng gỗ dân là thân trâu” (Á tế Á ca). Chúng tôi xin giới thiệu thêm bốn tiếng cười trào phúng của Nguyễn Thiện Kế, Học Lạc, Kép Trà, Phan Điện với bốn phong cách khác nhau hướng vào lũ vua quan phong kiến và thực dân Pháp, qua đó để thấy phần nào tinh thần và ý chí của nhân dân ta những năm đầu thế kỷ XX.

1. Mạnh mẽ và trực tiếp đả kích bọn quan lại, không kể lớn nhỏ là Nguyễn Thiện Kế (1849-1937) - nhà trào phúng lớn những năm đầu thế kỷ XX với tiếng cười vang, quyết liệt, thẳng thắn, đốp chát. Nhà thơ là em ruột sĩ phu yêu nước Nguyễn Thiện Thuật, là anh rể nhà thơ Tản Đà, tự là Thuật Giai, hiệu Nễ Giang, quê huyện Tiên Lữ (Hưng Yên), đỗ Cử nhân năm 1888, được bổ làm tri phủ Từ Sơn (Bắc Ninh). Ông có 10 bài chửi thẳng bọn quan to (Đại viên thập vịnh) và 30 bài chửi bọn quan nhỏ (Tiểu viên tam thập vịnh), sau này chọn in thành tập “Thời hiền bách vịnh” (Trăm bài vịnh các nhân vật có tiếng).

image001.jpg -0
Biếm họa đả kích nạn thuế khóa trên Báo Ngày nay (1939).

Đặc điểm của tiếng cười Nguyễn Thiện Kế là chửi thẳng đích danh từng viên quan một, không úp mở, chỉ mặt từng quan rồi kể từng tội. Đây là chân dung một viên tri huyện: “Cụ huyện nhà ta mẹo đã cao/ Chẳng thời chè lá chỉ thời mao”. Ông này chỉ thích tiền (chỉ thời mao), thế nên rất thích chuyện kiện tụng để có cớ đục khoét: “Quan gật đầu, vơ ních tráp vào” (Vịnh tri huyện Lê Văn Chấn). Một bài thơ khác “Vịnh Từ Đạm” được làm khi viên quan này còn làm Án sát.

Quan án Từ Đạm từng đỗ Tiến sĩ, làm quan đến chức Tổng đốc nhưng là tay sai của thực dân Pháp lại hay dở dói chuyện văn chương: “Lại nảy nòi ra họ chích choè/ Quan thì Án sát đỗ thì nghè/ Áo xiêm đủng đỉnh coi ra vẻ/ Cờ bạc rong chơi đủ mọi nghề/ Tây một chuyến sang chơi đã thoả/ Nam hai lần lại ních đầy phè/ Nay mai tuần phủ nhiều nơi khuyết/ Sao sáng ông toan bóng lập loè”.

Tại sao nhà thơ lại gọi quan là “họ chích choè”? Đấy là lối chơi chữ hài hước, chữ “Từ” có bộ “chích”, nên bị gọi bỡn là “chích choè”. Nhưng đến câu “Cờ bạc rong chơi…” thì là mỉa, làm quan, là Tiến sĩ mà không chú ý phận sự lại chỉ biết chuyện cờ bạc. Còn tham nhũng nữa, chỉ biết “ních đầy phè”. “Nay mai” tuyển người vào làm việc trong phủ, hắn ta lại có một dịp kiếm chác.

Chửi một vị Thám hoa giữ chức Đốc học, tác giả hạ bệ một cách thảm hại bằng cách đối lập triệt để nhân cách của ông ta với danh vị “Thám hoa”: “Thám hoa gì nó! Thám “hoa xòe”/ Mỗi quyển tam nguyên ních chẻ hoe/ Cò lợp nón lông, đầu ngất nghểu/ Ngựa luồn chân chỉ, đít xun xoe/ Ba cha cậy thế thừa lên mặt/ Hai vợ ghen xuân, suýt mất ghe/ Xóc đĩa, cù lồng ngày chủ nhật/ Đồng văn hai chữ nịnh Măng hoe”.

Vị “Thám hoa” bị đưa ra giễu từ ngoại hình dị biệt “Cò lợp nón lông, đầu ngất nghểu” đến tính cách hống hách cậy quyền cậy thế, tham nhũng và nhất là tội nịnh Tây. Hắn chính là “Thám hoa” Vũ Phạm Hàm từng ngang nhiên bặt chẹt học trò cứ mỗi quyển thi “ăn lễ ba đồng”.

Dư luận thời ấy xôn xao truyền tai nhau bài thơ nổi tiếng của Nguyễn Thiện Kế, bài “Vịnh Tri phủ Quảng”: “Khen thay phủ Quảng khéo ranh ngầm/ Phò nịnh anh Tây, cõng mẹ đầm/ Đôi vú ấp vai đầu nghển nghển/ Hai tay ôm đít mặt hầm hầm/ May mà vững gối, nhờ ơn tổ!/ Khéo chẳng sa chân, chết bỏ bầm/ Ngoảnh bảo Huyện Hòa ôm váy hộ/ Rỉ tai, nhăn mặt, bảo nhau thầm”.

Bài thơ thật ác mỉa anh tri phủ Quảng Oai (tỉnh Sơn Tây cũ) nịnh Tây bằng cách cõng vợ viên công sứ to béo đi qua chỗ lội. Qua phép tiểu đối “Đôi vú ấp vai đầu nghển nghển/ Hai tay ôm đít mặt hầm hầm” đã làm nổi bật hình ảnh thảm hại của viên tri phủ vốn dĩ gầy gò lại phải cõng bà đầm to béo, đôi vú bà đầm đè lên cái lưng còi, hai tay phải vòng ra “ôm đít”… Chưa hết, hắn vẫn còn đủ sức quay lại bảo người khác ôm váy bà đầm hộ vì nó dài quá. Thế là phải hai quan huyện ta cùng phục vụ một bà đầm, Tri phủ Quảng “cõng” còn huyện Hòa “ôm váy”. Câu cuối vừa ác, vừa đau, vì… nhục quá và cũng… khó chịu quá “Rỉ tai, nhăn mặt, bảo nhau thầm”!

2. Kép Trà (1873-1928) tên thật là Hoàng Thụy Phương, tên thường gọi là Trà, đỗ Tú tài hai khoa nên được gọi là Kép Trà. Tiếng cười Kép Trà gắn với đời sống xã hội thực tế quê mình (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam). Trong 21 bài thơ trào phúng, có 12 bài đả kích đối tượng quan lại cấp tỉnh, huyện (tri huyện, tri phủ, quan tỉnh, chủ yếu là các quan tỉnh Hà Nam và các huyện trực thuộc). 9 bài còn lại hướng vào các đối tượng chánh tổng, nha lệ, quản đề lao, trợ tá, “cụ lớn Hàn”. Có 18/23 bài nêu đích danh tên các quan: tri phủ Hà Duy Thành, tri huyện Lê Hữu Tích, tri huyện Đoàn Ngưng, tri huyện Nguyễn Hữu Hậu, các tri huyện Lê Liêm, Vũ Tuân, Phó Bá Thuận…

Đây là một chân dung quan Phó bảng bị chửi rất đau: “Quan quách chi mày Phó bảng Tuân!/ Làm cho hại nước lại tàn dân/ Trói thằng đánh dậm, lần lưng khố/ Bắt đứa hoang thai liếm cả quần/ Lên mặt nhà Nho cho hổ phận/ Nhờ đồ con đĩ mới nên thân/ Thôi thôi còn nói làm chi nữa/ Nó lại thông gia với Đốc Trần”. Ở đây là chửi vỗ mặt, chửi thẳng một tên ăn hại, vơ vét bóc lột dân tình đến mức vô liêm sỉ, ăn bẩn của cả thằng đánh dậm, đứa hoang thai… nên công trạng không phải do tài cán gì mà “nhờ đồ con đĩ”. Phải có lòng dũng cảm mới có tiếng cười chửi vỗ mặt như thế!

image002.jpg -0
Biếm họa đả kích nạn chè chén trên Báo Ngày nay (1939).

Nhưng cũng có đôi bài Kép Trà nhẹ nhàng hơn bằng cách dùng những ẩn dụ mỉa mai các quan tưởng là giúp dân mà kỳ thực là bóc lột dân: “Nước lụt năm nay khó nhọc to/ Thương dân nha lệ dốc lòng lo/ Chửa nhai tre hết còn nhai bạc/ Mới bắt trâu xong lại bắt bò” (Nha lệ thương dân). Quan này cũng thật phi nhân tính, chẳng còn chút tình người vì bóc lột dân đúng vào lúc dân gặp nạn. Nước lụt đến, tưởng lo cho dân thế nào, lại nhân dịp dân góp tre đóng cọc chống lụt thì quan lại “nhai” cả “tre”, rồi “nhai” cả “bạc”. Chưa hết, nguồn sống của dân là con trâu con bò, quan cũng bắt nốt…

3. Phan Điện (1874-1945) được gọi là nhà thơ ngông xứ Nghệ, đã từng có hàng chục bài thơ trào phúng giễu các quan đại thần Hoàng Cao Khải, Dương Lâm… Tiếng cười Phan Điện nhẹ nhàng hơn Nguyễn Thiện Kế, Kép Trà. Giọng mỉa mai của ông không vỗ mặt mà như con dao sắc lách sâu vào tim gan đối tượng: “Quan như cụ quận cũng là to/ Nghĩ kỹ còn nhiều cái việc lo/ Nay hạt Hà Đông còn biếu lợn/ Mai dân Nam Định lại dâng bò/ Gọi người làm cỗ sao cho chóng/ Thết khách còn thừa liệu phải cho/ Sung sướng ai bằng thằng bố Điện/ Say rồi ôm vợ ngáy kho kho”.

Lời thơ mở đầu tưởng như là sự “thông cảm” với nỗi “lo” của “cụ”. Cụ phải lo là vì người ta nay “biếu lợn”, mai “dâng bò” nên phải “làm cỗ” thết khách, thừa phải đem cho. Cuối bài là sự so sánh “cụ quận” với chính “thằng bố Điện” chẳng phải lo nghĩ gì, say thì ôm vợ. Bài thơ có phần “mát mẻ” nhưng đối chiếu với thực tế ngoài đời, thì ra là “cụ” đã quen vơ vét dân. Bắt dân phải “biếu” phải “dâng” cũng là một “phong cách” của “cụ”.

4. Học Lạc (1842-1915) tên thật là Nguyễn Văn Lạc, bút hiệu Sầm Giang, quêtỉnh Mỹ Tho. Các tỉnh Nam bộ đi đầu trong việc chống Pháp nên nhà thơ trào phúng Nam bộ này hướng tiếng cười vào những vị quan hèn nhát. Đây là tiếng cười về ông Hộ đốc Nguyễn Công Nhàn được lệnh ngăn quân Pháp: “Có quan hùng dũng Nguyễn Công Nhàn/ Hùng dũng ai mà lại nhát gan/ Giặc tới Bến Tranh run lập cập/ Tàu vô Cửa Tiểu chạy bò càng/ Mưu thần trước biết ngang sông chắn/ Kế giữ sau toan đóng cũi hàng/ Thất thủ muốn liều cho giữ tiết/ Ngặt vì con, vợ bận chưa an” (“Vịnh quan hùng dũng Nguyễn Công Nhàn”).

Bài thơ kết cấu đối lập, đối lập biệt hiệu, quan Hộ đốc có tiếng là “hùng dũng”, cầm quân giỏi được giao nhiệm vụ ngăn giặc, thế mà lại “nhát gan” đến mức: “Giặc tới Bến Tranh run lập cập/ Tàu vô Cửa Tiểu chạy bò càng”. Tức chưa gặp giặc mà đã run, đã chạy. Rồi cũng xấu hổ mà liều “thất tiết” như các vị đi trước nhưng lại vì “vợ con” mà chẳng dám… Phần lớn tiếng cười Học Lạc chĩa vào lũ tay sai và những thói rởm đời đáng cười ở nông thôn Nam bộ.

Đó là bốn tiếng cười như làn roi quất vào lũ cướp nước và bán nước rất nên được chú ý.

Nguyễn Thanh Tú
.
.