Đôi mắt Người còn soi bóng sông quê
Tôi về với Huế mộng mơ trong sương mùa đông phủ kín dòng sông Hương. Một cơn mưa nhẹ rớt, lạnh buốt ngón tay. Những giọt nước mưa như kim thêu xuống mặt nước. Bỗng ai đó cất tiếng hò từ mái thuyền bồng bềnh xa xa mờ mịt. Cầu hò chầm chậm buông từng lời: “Thương em anh cũng muốn vô/ Sợ Truông Nhà Hồ sợ Phá Tam Giang”.
Tôi về với Huế mộng mơ trong sương mùa đông phủ kín dòng sông Hương. Một cơn mưa nhẹ rớt, lạnh buốt ngón tay. Những giọt nước mưa như kim thêu xuống mặt nước. Bỗng ai đó cất tiếng hò từ mái thuyền bồng bềnh xa xa mờ mịt. Cầu hò chầm chậm buông từng lời: “Thương em anh cũng muốn vô/ Sợ Truông Nhà Hồ sợ Phá Tam Giang”. Tôi rùng mình với nỗi thương cảm bâng khuâng. Con thuyền đưa tôi dần về phía chợ Nọ ở Dương Nỗ (tỉnh Thừa Thiên Huế) lúc nào không hay. Phía trước khu “Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh” hiện ra với hàng cây xanh mướt. Những ký ức về một tuổi thơ của cậu bé Nguyễn Sinh Cung (tên khai sinh của Bác Hồ) bỗng tràn về như ánh sáng tỏa lan xóa tan màn sương trên mặt sông Phổ Lợi.
Sương tan và nắng lên. Câu hò sông Hương làm tôi nhớ tới một cuộc bộ hành không tưởng của bà Hoàng Thị Loan với hai con đi vào Huế. Khi đó thầy đồ cử nhân Nguyễn Sinh Sắc vẫn còn ở lại Huế chờ thi Hội tiếp lần hai (1895). Ông cần vợ con vào để đỡ đần khó khăn và trực tiếp dạy dỗ hai con trai. Thật khó hình dung ba mẹ con bà đi từ Nam Đàn - Nghệ An vào Huế bằng cách nào. Họ đi bộ cùng quang gánh đồ đạc trên vai. Cho dù “Phá Tam Giang ngày rày đã cạn/ Truông Nhà Hồ nội tán cấm nghiêm” nhưng đường xá xa xôi, núi đèo hiểm trở, cả nhà ngày đêm lần đường về Huế. Dòng sông Hương cũng vật vã khúc cạn khúc sâu cùng với: “Sương sa, gió thổi lạnh lùng/ Sóng xao trăng lặn, chạnh lòng nhớ thương”. Thế rồi cả tháng trời bà Hoàng Thị Loan mới đưa được hai con hội ngộ với cha bên chợ Đông Ba.
Đó là câu chuyện mở đầu mà cô hướng dẫn viên tại khu di tích kể cho chúng tôi nghe. Rồi cô tiếp tục cho biết, khi đó ông Nguyên Sinh Sắc tìm thuê được căn nhà trong khu kinh thành trên đường Đông Ba (nay chính là số 112 Mai Thúc Loan). Cuộc sống của gia đình thí sinh nghèo đạm bạc trên dòng sông Hương rất khó khăn. Những lúc thưa đèn sách ông Nguyễn Sinh Sắc bốc thuốc chữa bệnh giúp bà con xóm phố. Còn bà Hoàng Thị Loan vừa dệt vải, vừa chạy chợ lần hồi từng ngày nuôi chồng và các con ăn học. Nhưng rồi trời không chiều lòng người. Thời buổi thóc cao gạo kém, cuộc đời bươn trải gian truân trước sự đô hộ của thực dân Pháp. Cuộc sống ngày càng khó khăn khi ông Nguyễn Sinh Sắc không vượt qua kỳ thi lần thứ hai.
Để đỡ cho vợ khỏi chịu nhiều vất vả vì sức khỏe yếu ớt, ông Nguyễn Sinh Sắc đã dọn về thôn Dương Nỗ (cách kinh thành Huế 7 cây số) cùng với hai con trai (1898). Ông quyết tâm thi Hội lần thứ ba nên cố bám trụ lại Huế. Bà Hoàng Thị Loan vẫn ở lại đường Mai Thúc Loan với cơ nhỡ bụng mang dạ chửa. Tại thôn Dương Nỗ (xã Phú Dương, huyện Phú Vang) ông Nguyễn Sinh Sắc được một người có chức sắc trong làng mời về mở lớp. Chính tại nơi đây ông đã dạy trực tiếp hai con những bài học chữ Hán đầu tiên. Ông vừa lên lớp vừa tự trui rèn để chuẩn bị cho cuộc thi Hội lần thứ ba.
Ý chí vươn lên mãnh liệt của cha đã lay động tâm hồn Nguyễn Sinh Cung. Những âm thanh con chữ đầu tiên cậu Nguyễn Sinh Cung đã đọc vang trên bến đá sông Phổ Lợi. Nét chữ “Nhân” chữ “Nghĩa” cậu cũng đã tô đậm trên sân đình Dương Nỗ. Một chốn quê nghèo bên sông chợ Nọ đã trở nên thân thiết với cậu. Những người bạn mới trong thôn thường rủ cậu đi câu hay ra đền Am Bà ở thôn bên học bài. Dòng sông Phổ Lợi được khơi đào từ một kênh nhỏ rộng hơn 40 mét tạo nên dòng nước trong xanh thơ mộng. Nước sông Hương trôi về đây những con thuyền đầy ắp nụ cười trong ngày hội xuân hàng năm của xã Phú Dương.
Người dân thôn Dương Nỗ mỗi khi qua Bến Đá luôn nhớ bóng cậu Cung ngày nào. Cậu giặt chiếc áo cho cha rồi có lúc hướng về con đò từ sông Hương chở hàng chợ Nọ đi qua. Đó là những thuyền chở hoa và bánh tét sản phẩm của Phú Dương về mấy thôn dưới. Cậu khỏa chân xuống nước rồi chợt lắng nghe câu hò Nam ai buồn nôn nao trên sóng nước: “Chiều chiều trước bến Văn Lâu/ Ai ngồi ai câu ai sầu ai thảm/ Ai thương ai cảm ai nhớ ai trông/ Thuyền ai thấp thoáng bên sông/ Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non…”.
Nhưng cuộc đời thật trớ trêu, gần đến ngày cha vào trường thi, gia đình cậu Nguyễn Sinh Cung lại gặp chuyện chẳng lành. Mẹ cậu bị ốm nặng sau khi sinh nở con thứ tư (1900). Từ đó Nguyễn Sinh Cung rời Dương Nỗ về lại Mai Thúc Loan để trông em giúp mẹ. Nhưng tai họa ập đến khó lường. Mẹ cậu mất rồi ít tháng sau người em mới sinh yểu mệnh cũng từ giã cuộc đời. Sự thật nghiệt ngã xiết bao: “Ngày đi vạn lý kinh kỳ/ Đường về mỗi bước chân đi xót lòng”.
Cô hướng dẫn viên dừng lại nghẹn ngào kể, ông Nguyễn Sinh Sắc đưa các con về quê gửi nhạc mẫu rồi vội vã vào Huế dự Khoa thi Hội năm Tân Sửu (1901). Lần này ông đỗ Phó Bảng. Quả là một năm biến động thật dữ dội với cậu Nguyễn Sinh Cung. Hai ngôi nhà thân thương ở Huế gắn bó với tuổi thiếu niên của cậu đã trở thành dĩ vãng. Cậu về quê trong lòng vời vợi nỗi sầu vương từ kinh thành Huế đầy duyên nợ. Chúng tôi bồi hồi bước vào phía trong ngôi nhà lưu niệm ngỡ như dấu chân tuổi thơ Bác vẫn còn in dấu trên thềm gạch cổ phong. Những nét chữ vẫn còn tô mờ bên bức vách tường vôi. Hàng cây xanh cùng những bông hoa dâm bụt đỏ thắm trong nắng xuân chan hòa trên dòng sông Phổ Lợi. Vẫn còn đó bến đá dưới bóng cây bồ đề hắt từ đình xanh rợp. Nghĩa tình ấm áp của bà con thành cổ và bạn bè thân thiết bên đình Dương Nỗ luôn như có lời hẹn cậu Cung một ngày sẽ trở lại. Những bông hoa lục bình tím biếc đang trôi đi cùng đám mây in bóng trên dòng sông xanh trong.
Đôi mắt cô hướng dẫn viên bỗng sáng ngời khi kể chuyện lần thứ hai cậu Nguyễn Sinh Cung đã trở lại Huế (tháng 8 năm 1906). Hai anh em cậu theo cha vào kinh đô Huế nhậm chức và làm việc tại kinh thành. Ông Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc đã đổi tên là Nguyễn Sinh Huy. Ông cũng đặt tên cho Nguyễn Sinh Cung là Nguyễn Tất Thành, còn Nguyễn Sinh Khiêm là Nguyễn Tất Đạt. Sau khi nhậm chức, ba bố con ông Phó Bảng được phân ở trong dẫy nhà quan tại kinh thành. Sự biến động lớn trong trí tuệ và tâm hồn của Nguyễn Tất Thành bắt đầu từ giai đoạn này. Khi đó cậu đã ở tuổi 16, học tại trường Pháp Việt - Đông Ba trong hai niên khóa (1906-1908). Rồi sau đó Nguyễn Tất Thành được chọn đặc cách vào Trường Quốc học Huế với trí tuệ thông minh vượt bậc (1908-1909).
Người dân Huế vào thời gian này vô cùng khốn khó. Thực dân Pháp ra sức bóc lột người lao động. Chúng tăng cường thuế má và đánh đập dân lành thật tàn bạo. Nhiều cuộc biểu tình khắp nơi nổi lên đã lôi cuốn phong trào thanh niên sinh viên cùng góp sức. Thanh niên Nguyễn Tất Thành hăng hái tham gia biểu tình chống thuế với đồng bào thành Huế. Tấm gương đầy nhiệt huyết của Nguyễn Tất Thành đã gây dựng phong trào sôi nổi trong các trường học ở Huế. Từ đây chí lớn tìm đường cứu nước của chàng trai Nguyễn Tất Thành càng nung nấu sục sôi. Nhưng vào tháng 7 năm 1909, ông Phó Bảng Nguyễn Sinh Huy được thăng chức bổ nhiệm về làm Tri huyện Bình Khê ở Bình Định. Nguyễn Tất Thành theo cha rời Huế rồi tiếp tục sự nghiệp cách mạng cứu nước từ đó. Nay ai cũng biết chàng trai Nguyễn Tất Thành ngày ấy chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này.
Chúng tôi bồi hồi cùng bao ký ức tràn về trong mỗi lời tâm tình của cô gái Huế. Vậy là hai lần về với sông Hương Núi Ngự, nhân cách của Bác Hồ thời trẻ đã hình thành sâu sắc. Đặc biệt với những chí sĩ thành Huế cùng người cha đã trui rèn ý chí cách mạng cho Người ở tuổi thanh niên (từ 16 tới 19 tuổi) ngày càng mạnh mẽ hơn. Sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gắn với người dân xứ Huế là nơi đã góp phần nuôi dưỡng tâm hồn Người. Những ngôi nhà mà Người ở tuổi thiếu niên luôn còn đó. Dòng sông Hương vẫn êm đềm thơ mộng như ngày nào. Cây đa sân đình Dương Nỗ vẫn ngóng Người trở về mỗi tháng năm tưởng nhớ. Khi đó mọi người dân Huế kết đầy hoa đăng thả trên dòng sông Hương. Những bông hoa sen tràn ngập ánh sáng cuốn theo dòng nước Phổ Lợi trôi ra biển Đông.