Dịch giả Nguyễn Xuân Hồng: Dịch thuật là mối "lương duyên"!

Thứ Sáu, 17/06/2022, 16:20

Dịch giả Nguyễn Xuân Hồng được coi là một “hiện tượng lạ” trong giới dịch thuật bởi tính đến nay anh đã xuất bản tròn 100 đầu sách, trong đó có gần 70 cuốn được dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt, số còn lại là từ tiếng Việt sang tiếng Anh.

Trong số các tác phẩm dịch đã được xuất bản của Nguyễn Xuân Hồng phải kể đến bộ ba tác phẩm đồ sộ của nhà văn trinh thám nổi tiếng thế giới Dan Brown là “Biểu tượng thất truyền”, “Hỏa ngục”, “Nguồn cội” được độc giả trong nước đón đợi và gây sốt ngay khi phát hành.

Trước khi ghi dấu ấn với bộ 3 tác phẩm nổi tiếng của Dan Brown, Nguyễn Xuân Hồng đã dịch cuốn “Tác giả Mật mã Da Vinci” của Lisa Rogak (NXB Thông Tấn, 2008). Nguyễn Xuân Hồng tâm sự rằng, đối với anh, Dan Brown là một tác giả quá vĩ đại, có thể nói là một người khổng lồ vì những kiến thức uyên thâm của ông về văn hóa, lịch sử, tôn giáo, kiến trúc, nghệ thuật đã được thể hiện trong các tác phẩm văn học chinh phục cả thế giới. Chính vì thế, việc dịch các tác phẩm của Dan Brown luôn khiến anh cảm thấy hào hứng, thú vị nhưng đồng thời cũng là một thách thức lớn.

-2.jpg -0

“Biểu tượng thất truyền” (Công ty cổ phần xuất bản và truyền thông IPM - NXB Hội Nhà văn, 2010), “Hỏa ngục” (Công ty sách Bách Việt - NXB Thời đại, 2014), “Nguồn cội” (Công ty sách Bách Việt - NXB Lao động, 2018) đều là những tác phẩm đồ sộ của Dan Brown, đều có độ dày trên dưới 700 trang nên việc dịch các tác phẩm này đối với bất kỳ dịch giả nào cũng đều là những áp lực không nhỏ.

Sau sự cố từng được coi là “thảm họa dịch thuật” xảy ra đối với tác phẩm “Mật mã Da Vinci” (NXB Văn hóa - Thông tin) từng xảy ra trước đó, nên Nguyễn Xuân Hồng phải hết sức thận trọng để tránh sai sót, nỗ lực hết mình để hạn chế tối đa những “hạt sạn” có thể mắc phải. Đặc biệt là trong điều kiện phải “chạy đua với thời gian” để phiên bản tiếng Việt ra mắt độc giả sớm nhất sau khi các đơn vị xuất bản của Việt Nam thương thảo xong về vấn đề bản quyền.

Ý thức sâu sắc điều đó, nên có những chi tiết, thuật ngữ, điển tích, điển cố mà tác giả Dan Brown đưa vào, anh phải mất rất nhiều thời gian để tìm tòi, phân tích, luận giải, viết chú thích… Đặc biệt là với tác giả lớn như Dan Brown và văn chương của ông, đòi hỏi dịch giả cũng phải có, phải trang bị cho mình kiến thức phông nền về văn hóa - lịch sử thật tốt thì mới có thể diễn đạt lại được những điều tác giả muốn nói qua một ngôn ngữ khác…

Công việc dịch thuật vất vả khó nhọc là vậy, nhưng quả thực thù lao cho công việc này ở Việt Nam luôn ở mức rất thấp, nếu không muốn nói là quá… bèo bọt so với công sức mà dịch giả bỏ ra. Với một cuốn sách có độ dày 700 trang như các tác phẩm của Dan Brown, tiền nhuận bút chỉ trên dưới 30 triệu đồng.

Nhưng với đam mê đeo đuổi từ thời còn trẻ, Nguyễn Xuân Hồng dường như không coi đó là lực cản. Anh vẫn làm công việc đó bất cứ khi nào rảnh rỗi và đã ra sách liên tục, đều đặn từ năm 2001 đến nay không có năm nào bị ngắt quãng. Cao điểm nhất là năm 2007, anh đã hoàn thành 10 đầu sách dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt và 5 đầu sách từ tiếng Việt sang tiếng Anh.

Nguyễn Xuân Hồng tâm sự: “Nghề là cái có thể chọn mình, nhưng nghiệp là cái mà mình sẽ chọn, sẽ theo đuổi. Dịch thuật chính là công việc mà tôi đã lựa chọn theo đuổi và sẽ theo đuổi, dù tôi có làm công việc gì hay sau này không còn đi làm nữa. Đến nay, chưa có dịch giả nào ở Việt Nam sống được bằng tiền “nhuận dịch”, nhưng công việc ấy đem lại cho tôi nhiều giá trị khác, đó là giá trị tinh thần, là niềm vui. Khi xử lý được một bản thảo khó, khi tìm được ra con chữ để dịch cho một chỗ khó, trường đoạn khó, tôi cảm thấy vô cùng hưng phấn, như được tái tạo lại năng lượng tích cực cho cuộc sống và đắm mình trong niềm vui ấy!”.

Từng công tác tại NXB Ngoại văn (nay là NXB Thế giới), Nguyễn Xuân Hồng là người dịch khá nhiều đề tài, cả những đề tài khô khan như khoa học, y tế, xây dựng, chính trị, lịch sử. Nhưng vốn là một người yêu văn chương từ nhỏ, nên dịch giả Nguyễn Xuân Hồng đã dành nhiều thời gian, tâm huyết để dịch các tác phẩm văn học của thế giới ra tiếng Việt.

Thời thơ ấu, Nguyễn Xuân Hồng là người mê sách nên đọc rất nhiều sách, truyện. Giống như nhiều trẻ em ở Hà Nội thời đó, cậu bé Hồng đọc sách suốt những tháng hè. Lớn lên, cậu cũng nhiều lần được thầy giáo và nhà trường cử đi thi học sinh giỏi môn Văn các cấp. Chính vì thế, sau này khi bắt tay vào dịch các tác phẩm văn học, dịch giả Nguyễn Xuân Hồng cũng có nhiều thuận lợi.

Anh cũng luôn cho rằng, cho dù là dịch một tác phẩm văn chương hay sách chính trị, khoa học, lịch sử… nếu muốn dịch được tác phẩm hay, đầu tiên dịch giả phải là người hiểu, yêu và trân trọng tiếng mẹ đẻ. Ngoài ra, còn phải làm giàu nó bằng việc củng cố, đọc, học mỗi ngày để có kiến thức đa dạng và cập nhật với sự vận động của đời sống.

Những tác phẩm nổi tiếng thế giới được anh dịch ra tiếng Việt như “Sói già phố Wall”, “Tóm gọn Sói già phố Wall”, “Những điều bí ẩn của thế giới”, “Bách khoa tri thức cho trẻ em”, “Obama và Clinton: Cuộc chiến không hồi kết”, “Margaret Thatcher - Hồi ký bà đầm thép”… đều là những cuốn sách bán chạy, được nhiều độc giả tìm đọc.

untitled-3.jpg -0
untitled-5.jpg -1
Một số cuốn sách gây chú ý của dịch giả Nguyễn Xuân Hồng.

Ngoài ra, không thể không nhắc tới Nguyễn Xuân Hồng trong vai trò là dịch giả các tác phẩm dành cho thiếu nhi. Anh là dịch giả quen thuộc với thiếu nhi Việt Nam từ rất sớm và đến nay anh đã thực hiện chuyển ngữ rất nhiều tác phẩm dành cho thiếu nhi từ tiếng Anh sang tiếng Việt.

Nguyễn Xuân Hồng chia sẻ rằng, mối “lương duyên” đầu tiên kết nối anh với công việc dịch thuật chính là dịch sách, truyện dành cho thiếu nhi. Ngay từ khi mới trở thành sinh viên chuyên ngành dịch thuật của Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội), anh đã tự mày mò tìm kiếm tài liệu để dịch. Những năm 90 của thế kỷ trước, sách vở, tài liệu ngoại văn còn rất hiếm lại chưa có internet như bây giờ, nên việc tiếp cận với các “nguồn” dịch khá khó khăn qua những tiệm sách, thư viện ngoại văn nhỏ của Hà Nội.

Tình cờ đọc được cuốn “The Island of Blue Dolphins” (Đảo cá heo xanh) của tác giả Scott ODell, cậu sinh viên Nguyễn Xuân Hồng đã rất thích thú, quyết định dịch ngay cuốn sách này sang tiếng Việt và đây cũng chính là bản dịch đầu tay của anh. Sau khi hoàn thành, anh đã đem đến trao gửi bản thảo này cho các anh chị biên tập viên Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng và nhận được rất nhiều lời động viên, khích lệ.

Trở thành cộng tác viên của NXB Kim Đồng từ đó, nhưng mãi đến năm 2003, bản thảo dịch đầu tay “Đảo cá heo xanh” mới được xuất bản và trở thành cuốn sách dịch thứ 8 của anh được NXB Kim Đồng ấn hành tính đến thời điểm đó. Còn tính đến nay, anh đã có 26 đầu sách dành cho thiếu nhi được NXB Kim Đồng xuất bản và có nhiều cuốn sách dành cho thiếu nhi được các NXB khác ấn hành. Nhiều tác phẩm gắn bó với thiếu nhi như “Bách khoa tri thức cho trẻ em”, “Quái vật hồ Loch Ness”, “Truyện kể dân gian Na Uy”, “Tôi, người máy”, “Hy Lạp cổ đại”, “Thời Phục hưng”, “Những tù nhân của địa lý”, “Kim”… được các em yêu thích.

Không chỉ chuyên tâm tìm tòi, dịch những cuốn sách từ tiếng Anh sang tiếng Việt, Nguyễn Xuân Hồng còn có mong muốn thế giới biết đến văn hóa, lịch sử, con người Việt Nam. Cho đến nay, Nguyễn Xuân Hồng đã có 33 đầu sách dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh, chủ yếu được in bởi NXB Thông tấn như các cuốn sách về cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Ngoài ra, một số đầu sách được các NXB nước ngoài ấn hành như: “Modernity and Nationality in Vietnamese Cinema” (Tính dân tộc và tính hiện đại trong điện ảnh Việt Nam) của tác giả Ngô Phương Lan in tại Indonesia; “For the Love of Vietnam” của tác giả Huong Keenleyside được xuất bản bởi Janus Publishing Co., Ltd., UK…

Dịch giả Nguyễn Xuân Hồng chia sẻ rằng, tính đến nay anh đã có tới 26 năm gắn bó với công việc này nhưng anh chưa bao giờ có suy nghĩ sẽ dừng lại. Hiện nay, anh đảm nhiệm công việc là Thư ký tòa soạn của một tờ báo - một công việc khá bận rộn như con mọn hàng ngày, nhưng Nguyễn Xuân Hồng luôn sắp xếp để dành thời gian cho công việc mà mình yêu thích và đam mê. Anh cho rằng, được làm công việc mình yêu thích giống như không phải làm gì cả, ngược lại anh vẫn được thư giãn, giải trí.

Là người ham đọc, ham học hỏi và luôn cho rằng việc học tập là không ngừng, cho nên Nguyễn Xuân Hồng coi việc dịch thuật như một phần của cuộc sống, như cách tự nhiên anh bồi đắp thêm tri thức về thế giới, về nhân loại. Nhưng trên hết, vẫn là được sống và đắm chìm trong niềm đam mê mà anh gọi vui là “mối lương duyên”, là “duyên nghiệp” đã định sẵn trong cuộc đời…

Nguyệt Hà
.
.