Cương Quốc Công Nguyễn Xí - Nhìn từ nhiều phía!
Cương Quốc Công Nguyễn Xí (1397-1465) là một Danh tướng, đại công thần triều Lê đã được chính sử nói đến nhiều, từ quan niệm mới của triết học văn hóa hiện đại, bài viết xin khái quát những đánh giá đã có, bổ sung thêm những cắt nghĩa mới từ phía huyền thoại, giai thoại.
Nguyễn Xí quê gốc Nghi Xuân (Hà Tĩnh) ông nội làm nghề muối. Cha là Nguyễn Hợp quen với Lê Lợi (đang giữ chức Đầu mục) nhờ việc đem muối đến bán ở Thanh Hóa. Năm lên 9 tuổi (1405), Nguyễn Xí mồ côi cả cha mẹ. Có nhiều giai thoại phủ màn sương huyền ảo chung quanh cái chết của Nguyễn Hợp nhưng đều chung chi tiết là do hổ vồ.
Nguyễn Xí cùng anh là Nguyễn Biện ra làm con nuôi Lê Lợi, anh em được giao việc nuôi dạy 100 con chó. Được huấn luyện chu đáo, cẩn thận, chắc là theo thủ thuật riêng đặc biệt, đàn chó nhất nhất đều tuân theo hiệu lệnh, Lê Lợi coi đó là việc "phi thường" và khẳng định người dạy sau này ắt có "hành động phi thường"! Năm 1418, Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa, anh em Nguyễn Xí có mặt từ đầu. Nguyễn Biện sớm hy sinh. Nguyễn Xí trở thành một trong những vị tướng xuất sắc nhất.
Huyền thoại kể ông có biệt tài nuôi dạy thú. Đàn chim bồ câu được ông dạy làm nhiệm vụ đưa thư vừa giữ được bí mật, nhanh chóng lại rất hiệu quả. Những khi nghĩa quân bị bao vây hay hành quân xa thì mạch máu giao liên là những chú chim vô cùng quý giá. Ông còn huấn luyện đội trâu nhà thành trâu chiến (ngưu binh). Những khi lâm trận, bất ngờ hàng trăm con trâu xông vào đội hình giặc dùng sừng mà húc. Ngựa chiến đối phương sợ hãi không dám tiến bước...Nghĩa quân cưỡi ngựa phía sau dùng cung nỏ mà diệt địch...Hàng trăm thớt voi chiến (tượng binh) được ông huấn luyện và trực tiếp chỉ huy khi lâm trận rầm rập khí thế đuổi quân thù...
Cách ông dạy thú rất đặc biệt, ngoài cách tìm hiểu thật kỹ tiểu sử, tập quán, tính nết từng con, ông luôn ăn ngủ cùng, coi vật như bạn bè, như thân mình nên vật nuôi rất yêu thương, hiểu và nghe ông. Có chuyện tưởng là hoang đường nhưng ngẫm kỹ thì có cái lõi "hạt nhân hợp lý". Lần ấy bị bao vây, kẻ giặc quyết bắt sống ông. Đúng lúc vòng vây khép chặt nhất thì bỗng đâu cả rừng núi như rùng rùng chuyển động. Cả ngàn con trâu, con chó, cả trâu chó rừng lẫn trâu chó nhà ào ào xông tới mà húc mà cắn quân giặc rồi quây lấy chỗ ông ẩn nấp.
Ngày xưa người ta giải thích mối quan hệ giữa chủ và vật nuôi là "thần giao cách cảm", ngày nay bộ môn "Trường sinh học" giải thích đó là mối liên hệ sinh học tự nhiên. Con người và vật nuôi càng gần gũi thân thiết sẽ tự "thiết lập" mối liên hệ bằng mọi giác quan, đặc biệt là qua "linh giác" tức cảm nhận bằng linh cảm. Khi biết người thân nguy hiểm thì những con vật bạn bè sẽ đến ứng cứu. Điều này cũng thấy ở mối quan hệ con người cây xanh. Chủ nhà chẳng may mất, nếu không "đeo tang" cho cây trồng trong vườn thì chúng sẽ "buồn", héo dần rồi chết (!?). Nhưng tại sao cả chó rừng, trâu rừng? Phải chăng giữa các con vật thì giữa chúng dễ "liên lạc" hơn, dễ "rủ" được nhau.
Kháng chiến thắng lợi, Nguyễn Xí được phong tước hầu thứ 5 (trên 9 bậc) của triều đình. Ngày 24-4-1428, Bình Định vương Lê Lợi lên ngôi hoàng đế với niên hiệu Thuận Thiên. Nguyễn Xí trở thành một trong số đệ nhất khai quốc công thần, được thăng chức Long hổ thượng tướng quân và ban quốc tính (họ vua). Năm 1433, Lê Thái tổ qua đời. Nhận di chiếu ông cùng mấy vị cận thần lập Thái tử Nguyễn Long (10 tuổi) lên ngôi (Lê Thái Tông).
Năm 1442, vua băng hà đột ngột. Lê Bang Cơ lên ngôi khi mới 2 tuổi. Nguyễn Xí được sự tín nhiệm của triều đình giữ chức Phụ chính 6 năm liền. Năm 1446, Chiêm Thành xâm lược phía Nam, ông lại thân chinh đem quân đi chống giặc. Năm 1459, Nghi Dân giết vua Lê Nhân Tông lên ngôi lấy hiệu Thiên Hưng (sử gọi là "loạn Nghi Dân"). Lịch sử triều Lê anh hùng nhuốm thêm một màu đen bi kịch!
Các sách sử ("Đại Việt sử ký toàn thư", "Đại Việt thông sử", "Lịch triều hiến chương loại chí", "Việt sử tổng vịnh"), các thư tịch (gia phả) khi miêu tả lại quá trình phục hưng nhà Lê đều nhất nhất ghi công đầu cho Nguyễn Xí. Khi Nghi Dân lên ngôi, đang giữ chức Thái Bảo nhưng ông giả mù cáo bệnh từ quan. Biết tính tình cương trực, tài năng và uy tín của ông, bọn tay chân Nghi Dân tất không để ông yên, tìm cách hãm hại để trừ hậu họa. Chúng cho người đến nhà ông trêu ghẹo, hăm dọa, thử thách.
Vốn có tài xem cốt tướng (xem tướng bằng cách nắn gân, xương), nhân chuyện Phạm Đồn, một thân tín của Nghi Dân nhờ ông xem tướng. Ông đến vừa sờ nắn gân cốt chân tay vừa khen tốt số, khỏe mạnh... Khi sờ lên gáy thì ông điểm huyệt rồi rút dao giắt sẵn dưới hài đâm chết tên giặc đầu sỏ. Theo ám hiệu tiếng hô của ông, đồng thời cùng lúc hàng trăm nghĩa sĩ phục sẵn bên ngoài tràn vào bắt gọn lũ phản tặc. Tất nhiên Nghi Dân bị hạ bệ!
Nhưng chọn ai xứng đáng lên ngôi?
Nhiều vị tướng quốc muốn đưa Cung vương Khắc Xương, theo Lê Quý Đôn miêu tả, là người không chỉ là "đứng đầu trong các con thứ" mà còn "phong nhã đạm bạc, ăn mặc chỉ dùng dè sẻn, chất phác như một nho sinh". Với con mắt tinh tường, Nguyễn Xí cùng nhiều vị đồng lòng dốc sức lập ngôi cho Lê Tư Thành, vẫn theo miêu tả của Lê Quý Đôn là người "dáng điệu đứng đắn, thông minh hơn người", "không lộ anh khí ra ngoài, chỉ vui với sách vở đời xưa nay... Ưa điều thiện, thích người hiền, chăm chăm không mỏi". Lịch sử chứng minh cái nhìn của Nguyễn Xí là đúng đắn, sáng suốt!
Trở thành một minh quân hiếm có mà cái sự "minh" đầu tiên của Lê Thánh Tông là đánh giá về Nguyễn Xí: "Trẫm nghĩ xướng đại nghĩa để trừ hung tàn, ngươi đã có công như công yên được nhà Hán (dùng điển: Chu Bột giết họ Lã lập nên Hán Văn đế), lấy ngôi thượng công mà bàn phong thưởng, ngươi đáng được cái vinh dự cắt đất phân phong... Trước sau giữ trọn tiết tôi con. Giữ mình có đạo, hồn nhiên như ngọc chẳng khoe tươi. Nghiêm mặt ở triều, lẫm liệt như gươm mới tuốt...".
Thánh Tông tấn phong ông tước Á Quận công chức Sư phó (tức Thái sư đứng đầu trong Tam công: Thái sư, Thái phó, Thái bảo) làm thầy học của vua và hoàng tử. Năm 1464, Nguyễn Xí ốm nặng, Thánh Tông ra ban dụ: "Công của khanh trẫm chưa báo đền, bệnh của khanh sao đã nặng? Khanh nên lo cho ta, cơm nước cố ăn, thuốc thang cố chữa...".
Năm 1465, ông qua đời. Vua buồn, tỏ lòng thương tiếc phong tước Nguyễn Xí là Thái Sư Cương Quốc Công, bỏ ngự triều ba ngày, cho quàn thi hài ở điện Kính Thiên, tổ chức quốc tang, các quan văn võ đại thần cùng hội tế!... Như vậy, những ưu ái đặc biệt của vua Lê Thánh Tông, xét kỹ cũng tương xứng với công lao của ông.
Lịch sử ghi nhận Nguyễn Xí là nhân vật anh hùng văn võ song toàn, yêu lẽ phải, tận tâm tận lực, hy sinh hết mình vì lý tưởng trung quân. Từ hiện tượng đặc sắc này có thể rút ra một vài ý nghĩa về mối quan hệ lịch sử và huyền thoại.
Như những vì sao phát sáng trong bầu trời văn hóa Việt, những hình tượng anh hùng kiệt xuất sẽ trở thành bất tử nhờ được sống thêm một đời sống mới, lung linh, huyền ảo và hấp dẫn hơn nhờ dân gian đã phủ lên họ màn sương khói mờ ảo thần thánh. Để rồi họ trở thành những cánh chim, bằng hai cánh sự thật và huyền thoại luôn chấp chới bay hướng về chân trời của cái đẹp. Điều này dẫn tới một tất yếu nghệ thuật: nhân vật lịch sử có thể sống mãi bằng phương thức huyền thoại (không gian huyền thoại, tính cách huyền thoại và một "ngữ pháp" huyền thoại).
Là anh hùng có công lớn, triều đình nhà Lê vinh danh ông chưa đủ, huyền thoại tiếp tục thêu dệt chân dung ông thêm tỏa sáng. Chùm chuyện ông Hoàng Mười (dân gian Nghệ An) tài năng đức độ cứu người nghèo được coi là hiện thân của anh hùng Nguyễn Xí vừa là "chức năng", vừa là "nhiệm vụ" của huyền thoại.
Sáng tạo huyền thoại là một cách sáng tạo văn hóa. Huyền thoại cũng chính là phương thức tồn tại của văn hóa. Còn người Việt Nam sẽ còn những Thánh Gióng, Sơn Tinh, Chử Đồng Tử... vì đó là những biểu tượng kết tinh những giá trị văn hóa! Nhà văn viết về lịch sử đồng nghĩa với việc sáng tạo huyền thoại!
Huyền thoại luôn là một cấu trúc hệ thống. Chi tiết bố Nguyễn Xí gặp con hổ mới đẻ đem về chăm bẵm nuôi nấng, lớn lên một lần theo chủ vào rừng, trong tình huống nhầm lẫn mà vồ chết chủ, nó đành chôn vào chỗ đất đắc địa...chính là một cách gián tiếp "cắt nghĩa" Nguyễn Xí sau này có tài nuôi các con vật!!!