Bay về rằm tháng bảy

Thứ Sáu, 30/07/2021, 09:56
Dân gian có câu “Tết cả năm không bằng rằm tháng bảy”, cho nên dù ai đi ngược, về xuôi với bao bộn bề, tất bật mưu sinh vì miếng cơm, manh áo cũng đều trở về với gia đình để ăn rằm tháng bảy và làm lễ Vu lan.

Rằm tháng bảy là ngày mở cửa ngục, ân xá cho vong nhân nên có lễ cúng cô hồn cho các vong linh đói khát, không nhà cửa, không nơi nương tựa, không có người thân trên dương thế để thờ cúng, ngày mọi tù nhân ở địa ngục có cơ hội được xá tội, được vãng sinh về cảnh giới an lành, và lễ Vu lan là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo với ý nghĩa báo hiếu, đền đáp, tưởng nhớ công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ.

Tôi cùng bà lên chùa Thượng lễ phật. Bà tôi chít khăn mỏ quạ, vận áo chùng thâm, cổ đeo tràng hạt, đầu đội mâm đồng với phẩm oản, thẻ hương và ngũ quả vườn nhà. Thẻ hương mặc áo tứ thân xác pháo. Phẩm oản mặt hoa da phấn nõn nà. Nải chuối cong vút ngón tay Phật bà. Quả bưởi căng mọng ngực gái mười ba. Quả na mở ra trăm đôi mắt biếc. Quả hồng lẳng lơ chúm chím môi son. Quả ổi chính chuyên hây hây má tròn. Một tay bà giữ mâm đồng, còn một tay dắt tôi lũn cũn đi trên triền đê sông Sò. Triền đê mướt cỏ và sông Sò màu mỡ phù sa. 

Tôi mặc áo cánh nâu non, tóc chải ngôi lệch, má hồng măng tơ phúng phính. Gió lẳng lơ trêu đùa dải thắt lưng, nắng sóng sánh đổ mật bờ vai áo. Bà dắt tôi rẽ vào cổng tam quan, con nghê muốn nhảy ra giỡn nắng, con hạc muốn vút lên vờn gió nhưng lại sợ tiếng chuông, tiếng mõ nên ngập ngừng lại thôi. Mái ngói mũi hài cô Tấm bốn góc uốn cong như giọng chèo đêm hội mùa xuân. Cột lim lên nước nâu bóng. Tường vôi mới quét trắng sáng. 

Chùa làng.

Bầy chim sẻ năm ngoái rủ nhau về mổ ổi chín trong khu vườn biếc, giọng hót ríu ran ngọt vị ổi đào, thơm hương ổi thóc, ăn xong chúng vô ý nhả hạt xuống mặt ao trong làm cho đàn cá rô ngoi lên đớp hạt bùm bũm, tưởng sao hôm vừa rụng. Câu kinh sư ông mới tụng bung cánh như hoa mộc. Bài kệ chú tiểu đang đọc đâm chồi như búp xoan. Đàn cá rô ao trong, bầy chim sẻ vườn biếc có nghe thấu câu kinh, bài kệ để giác ngộ trí tuệ, mà soi sáng vô minh.

Sư ông nở một nụ cười an lạc như hoa ngâu chớm thu, như hoa sen tàn hạ khi giảng về sự tích lễ Vu lan. Tôi cảm động trước lòng hiếu thảo của Mục Kiền Liên. Sư ông đã đến trước mặt tôi, nhìn tôi bằng đôi mắt hiền từ rồi cài lên ngực áo tôi một bông hồng đỏ thắm. Tôi thấy lòng ngập tràn niềm biết ơn, quả tim đập nhẹ nhàng, chắp tay cúi đầu niệm “A đi đà phật”. Sư ông vuốt tóc tôi rồi người lại đi cài những bông hồng lên ngực áo những phật tử khác. Bóng pháp phục trong nắng gió sớm mai mênh mông lay động cả một vùng.

Cổng chùa làng.

Tôi nằm nghe bà kể chuyện. Làng tôi trước kia có một phiên chợ họp vào đêm rằm tháng bảy dưới gốc gạo trong sân đình, gọi là chợ âm dương. Trăng sáng vằng vặc, sương phủ bồng bềnh, chân người không chạm đất. Người bán mang theo chậu nước để thử tiền, người mua thả đồng tiền vào bát nước, nếu đồng tiền đó nổi lên thì là tiền âm, còn chìm xuống là tiền dương. Có người quên mang chậu nước, sáng ra xem trong dải rút chỉ toàn lá gạo, vỏ ngao, có khi cả mẩu yếm sồi.

Cô Sen đẹp nhất làng đi bán bánh giáo, gặp một người con trai tuy còn trẻ nhưng ăn mặc rách rưới đến mua hàng. Anh ta ngồi phệt xuống đất cắm cúi ăn liền một lúc năm cái bánh giáo. Ăn xong lấy tay áo quệt ngang miệng móc tiền ra trả thì mới kêu lên “Thôi bỏ mẹ, tôi để quên tiền ở nhà”. Cô Sen thương hại bảo “Để phiên sau anh trả cũng được”. Anh ta ngước nhìn cô, hai mắt trắng dã trên khuôn mặt lưỡi cày xám xịt khẽ gật một cái. 

Từ hôm đi chợ âm dương về, cô Sen xanh xao, ngày ăn chẳng được, đêm ngủ mê mệt. Vừa chợp mắt, cô Sen đã mơ thấy người lẻn vào buồng, nằm xuống bên cạnh. Mẹ cô Sen vội đi mời thầy Nghinh đến cúng. Thầy Nghinh lấy roi dâu tẩm nước giải vụt vun vút lên người cô Sen, vụt đến đâu vết lằn trên da đỏ lên như than lửa. 

Thầy Nghinh phồng mang trợn má quát: “Mày tên gì? Nhà ở đâu? Sao dám nhập vào người ta?”. Bỗng cô Sen cất giọng ồm ồm của đàn ông: “Dạ, tôi tên là Tài, nhà ở thôn Chính. Tôi thích cô Sen, cô ấy xinh lại còn cho tôi nợ tiền bánh giáo, nên tôi muốn lấy cô ấy làm vợ”. Ông thầy Nghinh giơ cao tay vụt mạnh: “Âm dương cách biệt lấy nhau làm sao được. Mày có cút đi không hay muốn ông đánh cho chừa”. 

Cô Sen chắp tay vái: “Dạ tôi chừa rồi, xin đi ngay”. Bấy giờ, thầy Nghinh mới ngừng tay. Sau này hỏi ra, mới biết năm Ất Dậu có một người con trai tên là Tài nhà ở thôn Chính mồ côi cha mẹ đi kéo xe bò chở thóc thuê cho liên đoàn về ngang qua đình chợ thì gục xuống chết vì đói quá. Người ta bó chiếu đem đi chôn ở cánh đồng Hoang Điền cùng với xác người chết đói gom ở khắp làng. 

Mỗi rằm tháng bảy nhà cô Sen sắm sửa lễ cúng cho người con trai vì xấu số mà đoản mệnh, chết yểu, mặc dù cô Sen đã được ông thầy Nghinh cắt duyên âm. Đến năm sau thì cô Sen xe duyên trần với anh Khoa - một cậu giáo trường làng xinh trai, nhã nhặn. Nghe xong, tôi rụt đầu sợ hãi và trùm chăn kín mít nép vào bà không dám động đậy. Ngoài đường thôn hình như có tiếng kéo xe bò cót két đi qua rồi tiếng bóc lá bánh giáo sột soạt. Tôi rùng mình nhắm mắt lại. 

Sau này, khi bố tôi đã mất, trong một giấc mơ trưa, tôi lạc đến phiên chợ âm dương. Ở một quán lợp rạ người ta bán những cái áo dài bằng giấy trang kim, dưới vạt áo đề mấy chữ nho treo trên cột tre phất phơ trong gió heo may. Người đàn bà luống tuổi môi đỏ hoa gạo, răng đen hạt na xởi lởi mời chào: “Cậu mua áo nối tuổi cúng cho người ốm đi”. Tôi hỏi: “Cái áo này thì bao nhiêu tiền ạ?”. Bà chủ quán đáp: “Một quan cậu ạ, nối thêm mười năm tuổi thọ đấy, còn cái áo kia thì hai quan, nối thêm hai mươi năm nữa”. Tôi nói: “Tôi muốn mua cái áo nối thêm bốn mươi năm, để bố tôi sống trăm tuổi”. “Thế thì bốn quan nhé”, - bà chủ quán thủng thẳng. 

Tôi rút tiền ra trả thì sực nhớ ra bố tôi đã mất từ năm ngoái lúc bố tôi tròn sáu mươi tuổi. Rồi tôi khóc như mưa không thể nào nín được. Bà chủ quán hỏi: “Có phải bố cậu đã mất rồi không?”. Tôi gật đầu. Bà chủ quán buồn rầu bảo: “Thế thì cậu đến chợ muộn quá, phải đi từ phiên trước cơ”. Bất chợt trời nổi cơn giông, mây đen kéo về, gió cuốn cát bụi và lá khô mù mịt, những cái áo treo trên cột tre của quán chao liệng và bay vút lên trời. Tôi vừa khóc vừa đuổi theo những cái áo dài bằng giấy màu xanh pha lẫn với sắc vàng cứ chập chờn trước mặt.

Tôi đứng cạnh cô Nhung ở đình chợ Hoành Nha xem người ta cúng cô hồn. Đình chợ là nơi tập trung xác những người chết đói năm Ất Dậu, xác những chiến sĩ cộng sản kiên trung bị giặc Pháp xử tử, và xác những người dân vô tội bị máy bay Mỹ ném bom. Trên sân đình còn tấm bia căm thù để chúng ta không bao giờ quên tội ác dã man của quân xâm lược. Trên sân bày sẵn những cái nong to, đặt nhiều phẩm vật. 

Đĩa muối gạo trắng ngần như tuyết. Xôi nắm “chim chim” như nắm xôi thằng Bờm. Cháo hoa loãng như nước mưa đổ trên lá bồ đài. Bỏng gạo nở xòe như bông nhài. Ngô, khoai, sắn luộc nằm la liệt như đàn lợn âm dương tí hon. Đường thẻ đỏ chót như gạch son. Cốc nước trong vắt như sương sớm. Quần áo giấy, tiền giấy mỏng tang như cánh chuồn, cánh bướm. Khúc mía như cô thiếu nữ nhà quê mặc lụa tím, tơ vàng. Và khói như ráng, như mây bay lên từ mấy nén nhang. Theo lời khấn Văn tế thập loại chúng sinh của ông chủ lễ. Gạo vãi đầu non. Muối tung cuối bể. Lũ trẻ con chen chúc để cướp đồ. 

Tôi hỏi bà tôi: “Bà ơi, bao giờ thì cháu sẽ trở về với rằm tháng bảy ngày xưa, để được lên chùa lễ Phật và xem cúng cô hồn?”. Bà tôi đáp: “Không bao giờ cháu ạ, chỉ trừ khi chúng ta hóa thành tro tàn, tái sinh vào cõi người để bắt đầu lại khổ đau và hạnh phúc. Còn bây giờ cháu chỉ có thể bay về những ngày thơ bé bằng đôi cánh của ký ức mà thôi”. Và mỗi rằm tháng bảy tôi vẫn bay về…

Hoàng Anh Tuấn
.
.