“Chiều mùa thu gió về rộng trên phố phường”

Thứ Ba, 05/09/2023, 15:34

Trời sang thu. Sau cơn mưa, những làn gió đông hắt về đầu phố Hàng Bồ se lạnh. Tôi giật mình vì tiếng còi xe từ phía Hàng Ngang rẽ vào. Một nhóm khách tây ba lô ngập ngừng trên vỉa hè. Giao cắt ngã tư Lương Văn Can-Hàng Cân và Hàng Bồ xe cộ đi lại như mắc cửi. Tôi chạy ào sang bên cửa hàng bán hương vòng dù phố chỉ rộng chừng vài bước chân. Phố Hàng Bồ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) dài 272 mét nhưng lúc nào cũng "hớt hải" như vậy.

Tiếng rao vang đâu đây

Hàng Bồ là một trong những phố được giữ nguyên tên lâu nhất cho dù đã từng có một đoạn đường gọi là Hàng Dép. Khi được xem một số ảnh cũ hồi đầu thế kỷ 20 mới hay cả phố bán toàn hàng mây tre đan như sọt bồ, thúng mủng dần sàng. Hàng Bồ lại là đường kết nối giữa chợ Đông Thành xưa sang Hàng Bạc hướng về bến sông.

Từ thuở triều Trịnh - Lê con phố này đã ghi dấu ấn đầu tiên: "Rủ nhau chơi khắp Long Thành/ Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai/ Hàng Bồ, Hàng Lược, Hàng Gai…". Một thời đoạn biến động xã hội, người Hoa (Triều Châu) từ bên Hàng Ngang tràn vào làm ăn buôn bán đẩy lùi những kẻ chợ quê mây tre đan về nẻo khác. Rồi sau đó một số người có tiền cũng về mua đất khi Pháp cho xây đường phố kiểu tây. Hàng Bồ thay da đổi thịt vào thời đầu nhà Nguyễn nhưng vẫn được giữ tên cũ cho tới nay.

1-đầu phố hàng bồ-hàng đào-hàng ngang.jpg -0
Đầu phố Hàng Bồ - Hàng Đào - Hàng Ngang.

Hình ảnh còn mang âm hưởng nhiều nhất là những cửa hàng bán tranh tết và ông đồ còng lưng viết chữ trên phố. Theo như nghệ sĩ ưu tú Hoàng Quân Tạo (sinh năm 1932, ở ngõ 46 Hàng Bồ) kể, mỗi cữ xuân về là đầu phố lại dẹp hàng bồ sọt thúng mủng dần sàng cho những ông đồ bán chữ ở đây.

Nghệ sĩ cho biết, những ngôi nhà xây đầu tiên trên phố là của dòng họ Đặng Trần từ năm 1840. Họ từ ngoại thành Thăng Long tới đây buôn bán tơ lụa vải vóc rất phát đạt. Đến đời thứ ba, gia đình tư sản Đặng Trần Sán (1862-1939) hiệu Phát Tường đã mở thêm tới 6 cửa hàng cho con cháu trên phố Hàng Bồ. Họ chuyên nhập hàng từ Pháp về rồi bán buôn cho những cửa hàng ở Hàng Ngang, Hàng Đào, Đồng Xuân và đi các tỉnh.

Sau này cạnh tranh buôn bán với họ Đặng Trần còn có ông "vua thủy tinh" Trịnh Đình Kính ở số nhà 65 Hàng Bồ. Hoặc nhà Lý - Thịnh - Bảo (kinh doanh nữ trang, đồng hồ cao cấp) ở số 42 hay Cửu Nghi ở số 57-59. Riêng ngôi nhà Cửu Nghi xây dựng vào năm 1910 kiến trúc tạo hình rất mỹ lệ. Kiến trúc tầng trên vẫn còn được giữ nguyên và là một ngôi nhà cổ nhất phố Hàng Bồ cho tới nay. 

Với tôi, phố Hàng Bồ gắn bó qua những năm tháng bươn chải với nghề làm báo vào giữa thập kỷ 80 thế kỷ XX. Đó là ngôi nhà số 51 trụ sở Báo Lao Động. Đặc biệt giai đoạn khởi nghiệp về báo chí tôi gắn bó với cố thi sĩ Bùi Việt Phong (1954 - 2002). Không ít lần chúng tôi cùng nhau uống rượu với ổi xanh và khế chấm muối ớt bên Hồ Gươm. Những lúc ấy Phong ngâm ngợi: "Với bạn, với bè trong quán rượu mùa thu trong suốt/ Cứ lặng im mà tỉnh, cứ lặng im mà say". Phong vui tính và thường hay dẫn tôi về khu tập thể Công đoàn ở Trần Bình Trọng ăn cơm nguội. Thơ của Bùi Việt Phong luôn thể hiện những cảm xúc chân tình. Sau này về làm Báo Hà Nội mới tôi càng có dịp gần gũi với nhà thơ Bùi Việt Phong. Nhiều chuyến đi và những ngày chờ đợi lên đường chúng tôi vẫn mặn mà như thời ổi xanh khế chua. Không ngờ Bùi Việt Phong sớm chia tay bạn bè vì căn bệnh hiểm nghèo.

Đi bộ đường xa mấy rồi cũng tới

Thuở ấy, có một người hàng ngày đi bộ trên phố Hàng Bồ. Ông luôn vội vã với chiếc túi vải đeo trên vai. Mỗi khi về tới ngôi nhà số 46 sâu trong ngõ tối ông lại chậm chạp mỉm cười. Một thời tôi thường hay tới thăm ông và chiêm nghiệm những điều lý thú trong làng văn Hà Nội. Ông nhớ tới từng chi tiết trong cuộc đời của mỗi nhà văn. Kể cả những câu thơ hay của mỗi người ai hỏi ông đọc luôn. Không thể tính được ông đã đi bộ bao nhiêu cây số trong cuộc đời mình. Bởi từ nhỏ ông bị tai nạn gãy tay và không bao giờ được phép đi xe đạp. Đó là nhà thơ Hoài Anh (1938-2011) một nhân vật cổ hủ và kỳ dị trong làng văn Hà Nội.

Ngày đó ông là biên tập viên Tạp chí Người Hà Nội (1970-1980). Tôi thường được ông nhắn tới nhà đọc thơ cho nghe và trao đổi về chữ nghĩa, hình ảnh trong thơ. Gian nhà ông ở được ngăn từ một căn phòng chia đôi bằng liếp cót cao lưng lửng quá đầu người. Ông rất hay để quên chìa khóa trong nhà. Tay ông yếu nên tôi thường trèo vào nhà tìm giúp ông chìa khóa để quên trong cái thúng bản thảo. Lại nhớ gia đình ông không có gì ngoài chiếc máy chữ cũ, hai cái thúng đựng bản thảo để dưới gầm giường.

1.jpg -1
Phố Hàng Bồ khoảng năm 1920 - 1929 (ảnh tư liệu).

Nhà thơ Hoài Anh có trí nhớ kỳ lạ. Ông có thể đọc hàng chục bài thơ mà không hề bị vấp lần nào. Sinh thời, nhà thơ Võ Văn Trực kể có lần hai người đi uống cà phê. Dọc đường nhà thơ Hoài Anh đọc thơ liên tục không ngừng. Rồi ông hổn hển khoe đó là hơn 20 bài thơ đã viết tặng nữ sĩ Xuân Quỳnh. Sau đó nhà thơ lại đọc tiếp tới gần 30 bài viết tặng nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát. Võ Văn Trực cả nể cứ ầm ừ đứng nghe thì trời sập tối mà không hay. Cả hai lại cùng cuốc bộ về ngõ 46 vấp mấy lần trên hè phố.

Sự hồn nhiên của Hoài Anh làm cho mọi người luôn tin yêu ông. Sau này khi rời Hàng Bồ vào TP Hồ Chí Minh sinh sống, nhà thơ vẫn đi bộ khắp các quận nội thành. Trong lòng ông luôn nhớ về con ngõ nhỏ tối mù ở Hàng Bồ. Đây là nơi ông sống và làm việc lâu nhất cùng với những ký ức "Một người bạn tôi gặp trong đêm ấy/ Ra phố mua bao thuốc lá/ Chín năm sau mới trở về nhà/ Ta mang ba mươi sáu phố phường đi kháng chiến/ Chín năm rừng lòng vẫn Thủ đô" (Nhớ ngày Thủ đô kháng chiến). Nhà thơ Hoài Anh viết đủ các thể loại từ sáng tác, nghiên cứu và dịch thuật. Hiện nhà thơ Hoài Anh có tới 70 đầu sách đã được in, đồng thời ông được nhận nhiều giải thưởng cả hai lĩnh vực văn học và sân khấu.

Ta nhớ không quên những tháng năm qua

Ngoài nhà thơ Hoài Anh trong ngõ 46, còn gia đình Nghệ sĩ Ưu tú Hoàng Quân Tạo (sinh năm 1932) cũng ở đây hơn 70 năm qua. Căn gác hai ông ở được xây khang trang chứ không còn cảnh ngăn liếp như bên căn hộ nhà thơ Hoài Anh ngày nào. Nghệ sĩ Hoàng Quân Tạo còn là một đạo diễn nổi tiếng từ giai đoạn thời kỳ Đổi mới. Đặc biệt vở kịch "Tôi và chúng ta" (Tác giả Lưu Quang Vũ - 1985) do ông dàn dựng đã đạt kỷ lục 1.000 đêm diễn. Kỷ lục đó cho tới nay chưa bị phá vỡ. Hơn nữa ông còn là một đạo diễn táo bạo và là người dàn dựng kịch chống tiêu cực đầu tiên ở Hà Nội vào giai đoạn cuối thập niên 80 thế kỷ trước.

Cho tới nay người dân phố Hàng Bồ khó thể quên câu chuyện tình của vợ chồng ông. Ngày đó cả hai người đều tham gia hoạt động chống Pháp và cùng bị bắt giam tại Hỏa Lò (1952). Mặc cho đòn thù dã man tàn bạo nhưng cả hai cùng chịu đựng không nao núng tinh thần. Họ thề cùng nhau bảo vệ bí mật của tổ chức hoạt động nội thành ngày đó cho dù bị hy sinh. Mãi đến khi hòa bình lập lại cả hai mới được ra tù (1954).

Mới đây có dịp gặp lại ông, tôi thật ngưỡng mộ khi ông vẫn nhớ lại được những ký ức của sân khấu. Và tôi bỗng nhớ tới bài hát "Hà Nội đêm trở gió" (1993) trong vở kịch cùng tên mà ông đạo diễn. Lời bài hát do ông viết cùng với tác giả Chu Lai (Trọng Đài phổ nhạc). Đây là ca khúc luôn được nhiều người yêu thích. Ngày nay trong từng ngôi nhà, góc phố Hàng Bồ luôn vang lên câu ca mà ông đã viết: "Nắng vàng hồng tươi những nụ cười/ Hà Nội ơi ta nhớ không quên/ Hà Nội ơi trong trái tim ta".

Vương Tâm
.
.