Cây bàng lá đỏ chợ xưa

Thứ Hai, 21/08/2023, 09:56

Không mấy ai nhớ được chợ Đông Thành một thời sầm uất cách đây hơn 300 năm bên thành Hà Nội cổ kính. Chợ được lập từ thời Lê Trung Hưng ở ngoài cửa thành phía Đông. Thuốc Bắc chính là đường phố bao phía Đông của chợ Đông Thành ngày ấy. Khi thực dân Pháp chiếm thành Hà Nội đã dồn khu chợ này về  chợ mới Đồng Xuân (1889). Với chiều dài chừng 330 mét, phố Thuốc Bắc chạy từ phố Hàng Mã về tới ngã tư Hàng Bồ - Bát Đàn (nay thuộc phường Hàng Bồ, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Phố xinh nhà đẹp

Vì nằm trong khu chợ cũ lòng đường phố Thuốc Bắc hẹp (chừng 5 mét). Hiện vẫn còn những ngôi nhà cổ giữ được nét xưa. Việc hình thành phố Thuốc Bắc một phần do dân kẻ chợ bên phố Lãn Ông dồn cửa hàng sang bán thuốc Bắc. Sau đó dân làng ở làng Đa Ngưu (Hưng Yên) đổ về chen chúc bán nguyên liệu thuốc Nam chưa chế biến. Dần dần các cửa hàng bán thuốc phát triển kéo dài từ đầu Lãn Ông tới Hàng Bút.

Những đoạn phố còn lại của Thuốc Bắc bán nhiều loại hàng như khóa, sắt, vải thâm, hàng áo cũ, giấy bút và văn phòng phẩm… Dân kẻ chợ ngày ấy vẫn còn lưu: "Dăm nghề cửa chợ Đông Thành/ Bên sông í ới chạy quanh bàn cờ/ Ai vào mua khóa thì mua/ Hay vận áo cũ cho vừa đôi vai/ Khoan khoan chân giở gót hài/ Qua hàng Thuốc Bắc sang chơi Hàng Đồng…".

Cây bàng lá đỏ chợ xưa -1
Phố Thuốc Bắc thời Pháp thuộc.

Hiện nay trên phố chỉ còn vài nhà bán cây và lá thuốc hoặc làm nghề sơ chế thuốc bắc (số nhà 52). Mặt hàng khóa chiếm lĩnh gần hết phố Thuốc Bắc. Đây là mặt hàng có từ gần trăm năm trước ở đầu phố. Với tốc độ đô thị hóa phát triển chóng mặt như hiện nay các loại khóa cửa là mặt hàng rất thiết yếu. Trên phố xuất hiện những công ty hay cửa hàng lớn chuyên kinh doanh các loại khóa hiện đại từ cơ khí đến tự động hóa. Cùng với đó là hàng chục cửa hàng bán khóa dân dụng và dụng cụ kim khí.

Giờ đây đến phố Thuốc Bắc ta gặp những ánh sáng lấp lánh khác lạ. Không gian công nghiệp tạo nên nhịp điệu rộn ràng chứ không còn nét trầm luân mộc mạc xưa. Tới đây tôi bỗng nhớ tới những câu thơ của nhà thơ Vũ Quần Phương. Một cảm giác bâng khuâng đầy hoài niệm: "Chân đi trong phố, hồn trên mái xưa/ Mái rêu âm dương nắng chiều ngả bóng/ Mùi thơm hoa mộc hay hoa móng rồng/ Mùi thơm bâng khuâng thơm từ trí nhớ" (Đi trong phố cổ Hà Nội). Đó là mùi hương của những vị thuốc ngày nào trên phố chăng.

Tuy vậy, những ô cửa và mái nhà trên dẫy phố luôn là nhân chứng cho sự biến động theo tháng năm. Chúng lưu giữ được niềm khắc khoải khôn nguôi hồn phố ngàn năm. Một thời những mái nhà và ô cửa ấy chính là nơi các chiến sĩ cảm tử Thủ đô giữ vững tay súng trong 60 ngày đêm bảo vệ thành phố thân yêu. Đội quân tự vệ Đông Thành (bao gồm phố Thuốc Bắc, Hàng Vải và Hàng Thiếc) nằm trong mặt trận Liên Khu Một (đánh giặc Pháp kéo dài từ 19/12/1946 tới 18/2/1947). Khi đó mỗi nhà là một công sự. Ô cửa nào cũng trở thành ụ súng. Các chiến sĩ đã đào giếng trên phố Hàng Bút (cắt ngang Thuốc Bắc) để dùng nước sinh hoạt. Họ chiến đấu với ý chí "Quyết tử Tổ quốc quyết sinh". Đặc biệt mặt trận Đông Thành đã bắn rơi máy bay Pháp đầu tiên bằng súng trường và tiêu diệt hàng trăm tên giặc.

Ngày đó ai cũng nhớ tới những câu thơ hùng tráng của chiến sĩ biệt đội Trịnh Đình Báu. Người chiến sĩ đứng trên chiến hào chợ Đồng Xuân đọc sang sảng những câu thơ: "Chí quật khởi ở ngàn xưa sống lại!/ Đoàn Thủ đô nguyện một lòng khẳng khái/ Quyết tâm thề một chết với quân thù!/ Giữa rừng gươm, bom đàn réo vi vu…/ Dậy thét tiếng: Xung phong. Quân ta tiến!" (Thủ đô huyết thệ). Đó là những ký ức nóng bỏng không thể nào quên trên đường phố Thuốc Bắc. Giờ đây những mái ngói thâm nâu rêu phong cũng chỉ còn lưu lại trong tâm tưởng. Đúng như nhà thơ Vũ Quần Phương đã ngậm ngùi "Đi trong phố cổ" với tâm trạng đầy tiếc nuối: "Hồn ta là nhà thân ta đến ở/ Đi đâu về đâu hỡi vầng ngói cổ/ Phố trở thành giấc ngủ cho ta nằm mê". 

Phố trong hồn Phái

Có thể nói phố Thuốc Bắc và con chợ cổ xưa là cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn họa sĩ Bùi Xuân Phái (1920-1988). Gia đình ông dọn về số nhà 87 từ 1952. Hình ảnh mái ngói lô xô cùng các ô cửa luôn là cái cớ bày tỏ nỗi lòng thầm kín và hoang mang bao nỗi trong trái tim họa sĩ. Ngôi nhà số 87 biết bao kỷ niệm trần ai đôi khi đến khốc liệt của một số phận. Đó còn là ký ức những ngày khói lửa đạn bom trong trận đánh B52 của Mỹ (12/1972). Họa sĩ Bùi Xuân Phái đào hầm ngay trong ngôi nhà nhỏ của mình. Vợ chồng ông cùng các con không đi sơ tán mà muốn ở lại sống chết với Thủ đô. Có những thời điểm báo động kéo dài, mất điện họa sĩ đã ôm giá vẽ với chiếc đèn dầu xuống hầm làm việc.

Không gian chập chờn ánh sáng kỳ ảo gây hưng phấn sáng tạo bất ngờ đối với ông. Những nét vẽ đen trắng chồng mờ thể hiện sự bình thản vô ưu trước cái chết cận kề. Cho dù mỗi lần căn hầm rung lên dữ dội khi tiếng gầm rú của máy bay lướt qua họa sĩ vẫn ung dung phết mầu. Bóng ông hắt lên tường hầm trú ẩn như một điểm tựa cho tinh thần vợ con đi vào giấc ngủ. Cây cọ trên tay ông vẫn đều đặn thả hồn vào cái đẹp và niềm hy vọng bất tử. Hàng chục tác phẩm tĩnh vật của họa sĩ Bùi Xuân Phái đã ra đời dưới ánh sáng đèn dầu ám khói. Ông đặt tên cho những tác phẩm trong thời đoạn này là "Loạt tranh vẽ dưới hầm". Đặc biệt trong đó còn có bức tranh vợ con ông lại bừng sáng và thản nhiên đến khác lạ. Đây là một mảng sắc màu độc đáo bên cạnh hàng ngàn phố cổ mà ông đã vẽ.  

Cây bàng lá đỏ chợ xưa -0
Góc phố Thuốc Bắc.

Việc họa sĩ ở lại sống chết với Thủ đô đâu có may mắn. Chính căn phòng ông ở sau đó đã bị dính bom đổ nát, may không ai bị thương. Khi tiếng còi báo động vừa dứt họa sĩ hồi hộp bật nắp hầm chạy lên. Ông bàng hoàng nhìn những bức tranh của mình bị cháy xém và rách nát tơi tả. Trong một thời gian dài họa sĩ thẫn thờ tiếc nuối. Đôi mắt ông luôn trầm buồn tuy vẫn ánh lên sự nhân hậu yêu thương cuộc sống.

Từ đó phố trong tranh ông khác lạ hơn. Những mảng xanh trầm sâu kinh điển của Bùi Xuân Phái đã hắt lên ánh sáng dịu dàng. Những sắc nâu trên mái ngói đã rơi rớt ánh sáng lấp lánh qua cơn mưa. Và còn đó mỗi bức tường ám rêu luôn có bóng người kề bên. Nỗi ám ảnh khuất sau một làn gió tâm hồn nghệ sĩ phả lên sắc màu da diết với tình yêu cuộc đời. Người ta luôn yêu Phố Phái vì sự ấm áp, bao dung và thấm đẫm tâm linh phố.

Viết dưới ánh đèn dầu

Họa sĩ Bùi Xuân Phái đã sống tại ngôi nhà số 87 Thuốc Bắc với sự nghèo khó và cô đơn trong một thời gian dài, họa sĩ Bùi Xuân Phái thầm lặng sống và vẽ không hề oán thán và nghiệt ngã trong số phận. Mới đây tôi có dịp tới thăm ngôi nhà nhỏ của ông vẫn gặp lại những dấu ấn của một thời bao cấp khốn khó. Dáng vóc ông thanh thoát mảnh mai nhưng tâm hồn nghệ sĩ trong ông rất nồng nàn yêu thương sự sống. Những phố Hàng và mái nhà xô lệch xám rêu hòa nhập theo nhịp đập trái tim trong tranh Bùi Xuân Phái. Tôi hình dung ba mươi năm họa sĩ vẽ và sống với ánh sáng đèn dầu đêm khuya. Ông vẽ phố bằng nỗi lòng đa cảm của mình. Đi tới đâu, gặp gỡ ai, làm việc gì ông cũng đem theo cây bút và vẽ khi cảm hứng chợt tới. Vậy nên họa sĩ thường vẽ lên bất cứ loại giấy, bìa cứng hay toan nào có được dù kích thước ra sao. Vẽ phố là hơi thở và hồn vía trong ông.

Và cũng dưới ánh sáng đèn dầu họa sĩ Bùi Xuân Phái đã trút bầu tâm sự qua nhiều ghi chép ngắn gọn. Đó là những suy tư, cảm xúc từ tâm hồn và trí tuệ nghệ thuật mang thương hiệu Bùi Xuân Phái. Một lần ông viết dưới một bức tĩnh vật đen trắng họa chiếc điếu cầy và cây đèn dầu rằng: "Không quý trọng nhân tài thì sẽ không có nhân tài" (Viết dưới ánh đèn dầu-NXB Mỹ thuật-2000). Đúng vậy họa sĩ Bùi Xuân Phái là nghệ sĩ chân chính qua sắc màu phố cổ Hà Nội. Với tài năng xuất chúng và sự cống hiến to lớn cho nền hội họa nước nhà, họa sĩ Bùi Xuân Phái đã được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn hóa nghệ thuật năm 1996. Ngôi nhà số 87 tựa như một ngôi đền trên phố Thuốc Bắc, thờ tụng một thế giới "Phố Phái" của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Vương Tâm
.
.