Bờ Hồ nhuộm cả nét thu rồi

Chủ Nhật, 07/07/2024, 11:15

Đường phố Lê Thái Tổ nằm trên đất của sáu thôn thuộc huyện Thọ Xương (Thăng Long) xưa. Tuy vậy phố chỉ dài gần 700 mét, bắt đầu từ Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục tới ngã tư Tràng Thi - Bà Triệu. Con đường lượn cong theo Bờ Hồ nên phố Lê Thái Tổ được coi là duyên dáng nhất Hà Nội. Chợt một đôi bạn trẻ sắp cưới tới chụp ảnh bên hồ làm tâm hồn tôi thơi thới: "Mùa thu đi qua từng ngõ nhỏ/ Ơi! Hồ Gươm như một bài thơ" (Nguyễn Đức Toàn).

Khí thiêng gươm báu vút ngang trời

Nhà cửa trên phố đều tập trung bên số chẵn nhìn sang hồ. Đầu đường tính từ nhà Thủy Tạ cà phê, phố có "view" rạng rỡ đối diện với đền Ngọc Sơn và Tháp Rùa. Tuy nhiên, đền Ngọc Sơn có cầu nối với Đinh Tiên Hoàng nên cụm di tích thần thoại đó vô tình quay lưng với phố Lê Thái Tổ. Nhưng cuối phố lại gần Tháp Rùa hơn (hiện vẫn còn dấu vết đường lội bộ qua tháp). Đáng chú ý, phố có những ngôi nhà đặc biệt đậm dấu ấn lịch sử và văn hóa sống động cho tới ngày nay. Độc đáo nhất là đền thờ Lê Thái Tổ (1385-1433) tại số nhà 18. Nơi đây ghi dấu ấn với bức tượng Lê Thái Tổ bằng đồng (cao 1,2m) dựng từ năm 1896.

1.jpg -0
Hồ Gươm xanh bóng Tháp Rùa.

Chân dung Lê Thái Tổ được tôn cao trên bệ đá nằm trong khu vườn cây phía sau đình Nam Hưng. Hình tượng ngài đang trả gươm xuống hồ gắn với huyền thoại "Hoàn gươm" tích cổ: "Thanh gươm báu mười năm dâu bể/ Hoàn thần Quy đoạn tuyệt sa trường/ Thăng Long từ nay phi chiến địa/ Quân về quê gieo cấy hạt vàng". ("Trả Gươm thần" - Hạnh Vũ). Hình tượng Lê Thái Tổ tiêu biểu cho ý tưởng cha ông ta luôn ước vọng đất nước thái bình thịnh trị. Hà Nội đã được UNESCO công nhận là "Thành phố vì Hòa bình" (từ năm 1999).

Bên cạnh đền thờ Lê Thái Tổ là những ngôi nhà lớn mang biển số 14 và 16 (xây năm 1919) với biệt danh "Khai Trí Tiến Đức" một thời. Nhưng đây là di tích quan trọng khi trở thành trụ sở cơ quan Quốc hội đầu tiên của nước ta (1946). Tấm biển di tích được khắc chữ ghi rõ quá trình thay đổi lịch sử của ngôi nhà. Hiện đây là Không gian văn hóa Việt (thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Riêng ngôi nhà số 8 còn đậm dấu ấn lịch sử cách mạng hơn cả vì nơi đây Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới ở một thời gian (1946) trước ngày Toàn quốc kháng chiến. Đồng thời cách đây 596 năm tại mảnh đất này, Lê Lợi đã chọn làm miếu hiệu "Lê Thái Tổ" khi lên làm vua nước Đại Việt. Ngài nổi tiếng với chính sách trị vị đất nước: "Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân/ Quân điếu phạt trước lo trừ bạo". Trong dân gian lưu truyền về cuộc sống hòa bình no ấm trong giai đoạn này: "Đời vua Thái Tổ, Thái Tông/ Thóc lúa đầy đồng trâu chẳng buồn ăn".

Gần cuối phố là biểu tượng Tháp Rùa được xây dựng (năm 1886) trên gò rùa xưa. Công trình kiến trúc này được xây dựng từ năm 1886 (hoàn thành 1891) do Bá Hộ Nguyễn Hữu Kim (1832-1901) làm chủ thầu. Tháp Rùa có vai trò "hậu chẩm" cho chùa Báo Ân (nay là Bưu điện Hà Nội). Bá Hộ Kim sau được thăng tiến tới Thương biện phủ Hoài Đức nhưng thực dân Pháp vẫn nghi kị ông. Chẳng bao lâu ông bị cách chức vì có cô con gái tham gia phong trào chống Pháp.

Con gái tên là Khuê đã trở thành nguyên mẫu trong tiểu thuyết "Bóng nước Hồ Gươm" (in năm 1970) của nhà văn Chu Thiên. Cuốn sách này mô tả phong trào đấu tranh chống Pháp rất mạnh mẽ và quyết liệt của người dân Thủ đô. Tháp Rùa nay thành dấu ấn văn hóa thuộc quần thể tâm linh quanh hồ Gươm với câu ca: "Hồ Gươm soi bóng Tháp Rùa/ Ánh đèn soi tỏ mái chùa Ngọc Sơn/ Đài nghiên Tháp Bút chưa mòn...". 

Tài hoa nét phố

Đầu phố nhà số lẻ bên bờ hồ có độc nhất cửa hàng Thủy Tạ được đánh số 1 Lê Thái Tổ. Nghe nói ngôi nhà hình con thuyền này được xây dựng năm 1934 nhưng thực ra đã có một cửa hàng cũ ở đây từ trước. Cô chủ quán Ngọc Hồ ngày ấy là một giai nhân tài hoa con nhà quan. Quán hàng luôn thu hút văn nhân tài tử trong thành tới giải khát, nghe nhạc và vui chơi trên hồ. Sau này chính quyền thành phố thu hồi để xây nhà nổi mới "Thủy Tạ Legend" hiện đại rộng lớn. Theo thời gian cho tới nay cửa hàng nhà nổi được nâng cấp mở nhiều gói dịch vụ du khách. Thủy Tạ Legend trở thành tụ điểm văn hóa với kiến trúc độc đáo bốn mùa lộng gió tồn tại ở đầu phố Lý Thái Tổ gần 100 năm qua.

Nhưng đặc biệt nhất, khi đường Lê Thái Tổ được mệnh danh là phố báo chí bên hồ Gươm. Đầu tiên phải nói tới số nhà 2 đầu phố chính là tòa soạn báo "Đăng cổ tùng báo" (ra đời 1907) và "Trung bắc tân văn" (1915) do nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) làm chủ bút. Đây là những tờ báo bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên ở miền Bắc nước ta. Nguyễn Văn Vĩnh có lúc còn "ôm" tới 7 tờ báo và ông được tôn vinh là Tổ của nghề báo. Ông Vĩnh là một trong bốn học giả nổi tiếng, đó là Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn và Nguyễn Văn Tố.

Nhưng nếu nói tới tờ báo ra đời trên phố sớm nhất lại thuộc về tuần báo chữ Pháp "L'Avenir Tonkin" (Tương lai Bắc kỳ). Số báo phát hành đầu tiên của "Tương lai Bắc Kỳ" vào ngày 14/6/1886. Đây chính là phố của người Pháp khi mới bắt đầu xây dựng đại lộ quanh hồ. Trụ sở tòa soạn báo "Tương lai Bắc Kỳ" được xây dựng tại số nhà 144 Rue Jules Ferry (nay là số 44 Lê Thái Tổ) nhìn thẳng ra Tháp Rùa. Tờ báo này nâng lên nhật báo vào năm 1900. Ngôi nhà trụ sở báo "Tương lai Bắc Kỳ" được thiết kế hiện đại và rất cầu kỳ về nghệ thuật kiến trúc Pháp. Nguyên trạng của ngôi nhà được bảo tồn cho tới khi nhà nước ta tiếp quản và trở thành trụ sở Báo Hà Nội mới (từ 24/10/1957).

2.jpg -1
Xanh mát đường Lê Thái Tổ bên Hồ Gươm.

Riêng tòa soạn báo Nhân Dân, theo địa chỉ ở số nhà 71 Hàng Trống nhưng phần phía sau lại nằm trên mặt đường phố Lê Thái Tổ (nối từ phố Bảo Khánh tới số nhà 14 dài chừng 50 mét). Toàn bộ dãy nhà đó đều có cửa sổ nhìn ra hồ Gươm. Hàng ngày, những đàn chim ríu rít từ cây đa tại sân tòa soạn báo sang đường cây bên hồ. Một không gian rộng lớn xanh tươi với những chùm hoa bằng lăng tím ngắt.

Xưa, thi sĩ Vũ Tông Phan đã từng ca ngợi cảnh đẹp này: "Nền cũ đài câu bạn lưới chài/ Đây đất phồn hoa Trần, Lý trước/ Bên hồ nhuộm cả nét thu rồi" (Kiếm Hồ). Và nay, còn hơn thế hồ nước luôn xôn xao bay bổng trong lời ca: "Hà Nội đẹp sao/ Ôi! Nước Hồ Gươm xanh thắm lòng/ Bóng Tháp Rùa thân mật ấm lòng/ Hồng Hà tràn đầy. Hồng Hà cuốn ngàn nguồn sức sống tràn đầy dâng/ Hà Nội vui sao…" ("Người Hà Nội" - Nguyễn Đình Thi). 

Cô lái đò và cô hái mơ

Vào thập niên 40 thế kỷ XX, nhiều người biết tới hiệu sách Ngoạn nằm ở đầu phố Cầu Gỗ đối diện với Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục và Hồ Gươm. Chủ nhà là một nghệ sĩ chơi đàn vĩ cầm nên cửa hàng sách Ngoạn thường đông khách lui tới. Cửa hàng cũng là nơi đỡ đầu cho những cuốn sách mới ra đời mỗi khi xuất bản. Giới âm nhạc lại càng hay hội tụ để trò chuyện và tìm cảm hứng sáng tác.

Một lần tình cờ hai nhạc sĩ Phạm Duy và Nguyễn Đình Phúc cùng ra cửa hàng đúng lúc ông chủ vừa nhận bán tập thơ mới của Nguyễn Bính đưa về. Ông chủ say sưa quảng bá tập thơ làm hai nhạc sĩ nổi hứng sáng tác. Bất ngờ hai người thách đố nhau cùng sáng tác phổ thơ Nguyễn Bính. Họ ra điều kiện thời gian sáng tác là cuộc đi bộ hai vòng hồ phải xong tác phẩm. Phạm Duy chọn bài thơ "Cô hái mơ", còn Nguyễn Đình Phúc nhận phổ bài "Cô lái đò".

Khởi phát hai người bắt đầu từ phố Lê Thái Tổ khi nắng đông chiếu tới. Họ đi tới số nhà 16 (Hội Khai trí tiến đức) thì đều đứng lại để ghi những câu nhạc đầu tiên phổ thơ. Nhạc sĩ Phạm Duy có giọng hát hay, cứ vừa đi vừa cất tiếng ca mỗi khi giai điệu xuất hiện. Trong khi đó nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc là thầm lặng trong từng bước chân đam mê với hình ảnh "Cô lái đò". Hai vòng hồ trở lại đầu phố Lê Thái Tổ, các nhạc sĩ tươi cười khoe tác phẩm. Họ hát cho nhau nghe và say sưa cùng cất tiếng ca. Không ngờ một số người tò mò vây xung quanh để nghe hai nhạc sĩ hát. Đó chính là cuộc biểu diễn ngoài trời đầu tiên vào đầu năm 1942 cho hai ca khúc rất nổi tiếng sau nay của các nhạc sĩ tài hoa.

Vương Tâm
.
.