Bình yên một thoáng Cà Xèng

Thứ Năm, 09/09/2021, 14:40

Tôi trở lại Cà Xèng trên con đường dẫn vào bản Rục đẹp như tranh, nhỏ nhắn lượn quanh những lèn núi hẹp hay thải dài giữa thung lũng mướt mát xanh. Chẳng bù cho tháng 10 năm ngoái, nước lũ dâng ngập bốn bề, các bản làng bị cô lập hoàn toàn. Ngầm tràn qua suối Cà Xèng mất hút. Bùn lầy ngập các nẻo đường vào bản.

Thực tình, vào thời điểm ấy, vùng ngập nước giữa các lèn núi cao, bao quanh các bản làng ở Cà Xèng có vẻ đẹp lung linh hiếm có của nó. Nước sau lũ rất trong và phẳng lặng. Núi rừng soi bóng sâu hun hút. Đã có những ý tưởng phát triển du lịch mùa lũ ở đây. Nhưng tôi lại thấy có điều gì đó chưa ổn. Những kẻ rong chơi và có điều kiện xem đó là một chuyến đi kỳ thú, một dịp sống ảo đặc biệt nhưng với đồng bào Rục lại là sự thách đố tồn vong không lời giải. Tuy nhiên, từ ý tưởng đến hiện thực là chặng đường khá dài. Bây giờ thì tất cả lại quang quẻ như vốn có.

bản làng của đồng bào rục- xã thượng hóa- huyện minh hóa.jpg -0
Bản làng của đồng bào Rục, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình.

Người đầu tiên tôi gặp khi đến Cà Xèng là Đinh Píu. Đinh  Píu tự đoán bản thân khoảng 60 tuổi vì "Hồi nớ, không biết năm mô, mẹ mình đẻ ra mình ở trong hang!". Mới sáng mà ông ấy đã liêu xiêu trên đường trong hơi men. Đinh Píu gục gặc đầu không nói gì và tiếp tục đi. Một nửa cánh tay trái của Đinh Píu lủng lẳng theo nhịp bước chân chấm phẩy như chẳng liên quan gì đến cơ thể của ông ấy. 

Nghe bảo nó đã bị gãy làm đôi do Đinh Píu bị ngã khi vào rừng và ông đã được đưa đi bệnh viện nhiều lần để nối lại nhưng cứ lên bàn mổ là ông ấy lại ngất vì quá sợ, sau đó thì trốn viện về luôn. Lâu dần, chỗ xương gãy cũng lành nhưng cánh tay của Đinh Píu chia làm hai khúc. Và ông ấy cũng không có ý định tiếp tục đi viện nữa.

Tôi ái ngại hỏi: "Có đau không?". Trả lời: "Không đau!". Vừa nói Đinh Píu vừa giơ lên, thả xuống, đưa qua, đưa lại đoạn tay rời để chứng tỏ mình không đau đớn gì. Lại hỏi: "Nhưng tay ông vậy làm sao đi săn bắt, làm rẫy được?". Trả lời: "Không, mình không đi săn bắt thú rừng nữa. Cũng không đốt rừng làm rẫy, mình chỉ làm ruộng thôi. Một tay mình cũng làm ruộng được".

Ngày ấy sau nhiều lần vận động bà con trồng lúa nước không được, cán bộ Đồn biên phòng Cà Xèng quyết định làm mẫu. Khi cánh đồng màu xanh chuyển sang màu vàng. Màu vàng của lúa giữa thung lũng lèn núi đá vôi cao vút và xanh thẫm kích thích cực mạnh đến cảm xúc của đồng bào. Vì nó lạ lẫm. Vì nó đẹp đến rợn người. Và gặt.

Đến lúc này thì không cần "lôi kéo" nữa mà đồng bào lội ào xuống ruộng. Cán bộ gặt. Đồng bào bó. Rồi tuốt. Phơi. Xay. Và những hạt gạo trắng ngần. Đồng bào lại thốt lên "Ô cán bộ tài quá, cũng trồng được lúa dưới nước nữa a...". Thành công mùa đầu đã trở thành động lực cho các mùa tiếp theo. Bây giờ thì không cần phải đi từng nhà tuyên truyền vận động nữa. Cứ sáng sớm là đồng bào mang gùi ra ruộng để coi cái lúa của nhà mình ra răng. Xanh tốt không? Thiếu nước không? Cỏ mọc nhiều không?.

Từ vạt ruộng đầu tiên đến nay đồng bào Rục ở Thượng Hóa đã có cánh đồng gần 10ha lúa nước mỗi vụ, năng suất bình quân 40 tạ/ha. Tình trạng đốt rừng làm nương rẫy chấm dứt và nạn săn bắt động vật hoang dã trái phép cũng giảm hẳn. Bẫy, nỏ giờ chỉ là những kỷ vật của một thời hoang dã. Súng săn được nộp vào kho của Bộ đội, Công an. Trong những chiếc gùi đong đưa sau lưng dân bản là đùm cơm nắm bới theo khi làm ruộng, là cuốc cò, liềm hái. Đó là kết quả của cả một quá trình vận động kiên trì của cán bộ biên phòng Đồn Cà Xèng. Mỗi thay đổi của đồng bào được ghi nhận là một bước tiến dài trong nhận thức.

Trong 60 năm hòa nhập cộng đồng, đồng bào Rục đã đánh dấu vào lịch sử của mình những bước ngoặt quan trọng. Lần thứ nhất là hành trình bước từ bóng tối ra ánh sáng. Ngày đó những người Công an vũ trang đã dẫn đồng bào từ hang sâu về với cộng đồng. Sau lần trở về đầu tiên này, đồng bào còn ra đi thêm ba lần nữa, một lần do chiến tranh, một lần do dịch bệnh và gần nhất là do lũ lụt. Nhưng cứ ra đi là cán bộ vận động quân chúng lại dẫn về. Thay vì cuộc sống du cư, sống trong hang hoặc lấy lá cây làm lán, khi lá chuyển vàng lại ra đi tìm nơi ở mới như xưa, đồng bào đã được các cấp chính quyền, Công an vũ trang sau này là Bộ đội biên phòng giúp đỡ định cư. Bây giờ, bản làng của đồng bào Rục đã sạch đẹp, ngăn nắp.

Hành trình bước từ bóng tối ra ánh sáng của đồng bào Rục là hành trình thay đổi tập quán sinh sống, chuyển từ du canh du cư sang sản xuất tập trung, từ bỏ lối sống săn bắt hái lượm, phát rừng làm nương rẫy sang trồng trọt và chăn nuôi tập trung, thay đổi công cụ kiếm sống từ súng, nỏ, dao rựa sang phương tiện sản xuất cuốc, cày, liềm hái.

cánh đông rục làn của đông bào rục- minh hóa.jpg -0
Cánh đồng Rục Làn của đồng bào Rục ở Minh Hóa.

Xác định văn hóa là chìa khóa mở ra cho đồng bào những cánh cửa mới, cán bộ Đồn biên phòng Cà Xèng đã tập trung tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho đồng bào. Trong đó đặc biệt chú trọng việc học văn hóa của con em dân bản. Tôi đã gặp năm đứa con nuôi của đồn. Em Cao Ngọc Huyên học lớp 9 hiện ở tại đồn. Sang năm học mới, em sẽ về thành phố học Trường Dân tộc nội trú của tỉnh. Trong tương lai, Đồn sẽ gửi đào tạo em trở thành chiến sỹ biên phòng để trở về tham gia bảo vệ biên giới quê hương.

Còn bốn cháu Hồ Xuân Chinh, Hồ Xuân Nhật, Cao Xuân Giang, Cao Xuân Lệ ở tại Tổ công tác cách đồn 3km. Tất cả đều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Khi chúng tôi đến, bốn đứa đang đèo nhau đi trên xe đạp, mặt mũi đỏ nhừ, mồ hôi mồ kê túa ra như tắm nhưng miệng cười rõ tươi. Thượng tá Nguyễn Văn Lục nghiêm giọng hỏi "Các con đi đâu về?". "Dạ, các con đi hái ớt tặng bố Sử. Mai bố Sử về xuôi!".

Câu trả lời của bọn trẻ làm Thiếu tá Bùi Đức Sử cay mắt. Mai anh về hưu, sẽ kết thúc chặng đời binh nghiệp, món quà mang về là túi ớt rừng của những đứa con nuôi. Thấy lũ trẻ líu ríu như vừa bị bắt lỗi, thấy thiếu tá Sử tóc đã hai màu, đã trải qua biết bao gian nan vất vả nhưng vẫn luống cuống khi cầm trên tay túi ớt nhỏ các con vừa trao thấy đời dễ thương chi lạ.

Có cần gì đâu lễ lạc linh đình, có cần gì đâu quà sang cáp trọng, chỉ cần như bố con nhà lính biên phòng thôi mà cuộc chia tay đã lắng sâu xúc động, khó tả, khó quên. Mỗi đứa ôm bố Sử một cái rồi chạy vào phòng, thì thầm với nhau điều gì đó và rúc ríc cười, thỉnh thoảng lại nghiêng đầu nhìn ra ngoài xem thử bố Sử đã nổ máy xe đi chưa. Chúng nó chỉ yên tâm ra sau nhà làm những việc của mình khi bố Sử chào tạm biệt "Các con ở lại nhớ nghe lời các bố nhé. Học giỏi, ngoan ngoãn và giúp các bố việc nhà để các bố còn bảo vệ biên cương". Cả bọn dạ ran nhưng những đôi mắt mi cong ngập ngừng nước.

Không cần nhắc nhở, không cần phân công, mỗi đứa đều tự biết mình phải làm việc gì. Để có được nền nếp này, các ông bố biên phòng đã rất vất vả. Trẻ em dân bản quen tự do. Ngay trong lớp học vẫn có thể bế em theo cùng để mẹ đi làm rẫy, vẫn có thể ngủ nếu buồn ngủ và tự ý ra về nếu thấy cuồng cẳng cuồng chân. Chinh, Khoa, Nhật, Giang đều đã từng như thế, những đôi chân không quen đi dép, tù hì tù hà, lang thang leo trèo khắp nơi từ bản vào rừng, nóng thì xuống suối ngụp lặn, hứng chí thì lùa nhau chạy thục mạng trên đường nắng. Nhưng bây giờ thì tất cả đổi khác, đã lộ ra những gương mặt sáng. Tôi hỏi: "Mai sau các con sẽ làm gì nhỉ?". Cả mấy đứa đồng thanh "Dạ, các con làm bộ đội, làm công an như các bố!". Các con  chính là những hạt giống đỏ của bản đang được gieo ươm và chăm chút từ hôm nay.

Cà Xèng ngày tôi trở lại, sắc xanh biên cương biến ảo theo cơn nắng, cơn mưa. Trong điệp trùng biến ảo đó, tôi đã gặp một sắc xanh chung thủy. Sắc xanh tuần tra bảo vệ biên cương Tổ quốc. Sắc xanh làm ruộng trồng lúa nước với dân bản. Sắc xanh dạy học cho những mầm xanh của bản. Sắc xanh chữa bệnh cho Nhân dân... Không lung linh ảo diệu mà thân thuộc hiền hòa, gần gũi và tin cậy. Sắc xanh biên phòng! Các anh đang cùng dân bản giữ cho bình yên một vùng biên viễn.

Trương Thu Hiền
.
.