“Thiên mệnh” - ánh xạ bi hùng về Quang Trung - Nguyễn Huệ

Thứ Năm, 03/03/2022, 13:18

Có thể nói, viết “Thiên mệnh” hay nói đúng hơn là viết về Nguyễn Huệ và những nhân vật liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của ông là một sự dấn thân rất táo bạo của nhà văn Nguyễn Trọng Tân.

Vào ngày xuân cách đây 233 năm, người dân Thăng Long vẫn đang hân hoan với Tết, đúng hơn là mọi người được đắm mình trong tâm trạng vui hơn Tết. Bởi lẽ, đất nước vừa thoát khỏi đại họa xâm lăng của 30 vạn quân Thanh bằng chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa chớp nhoáng lạ thường.

Và tôi tin rằng những ngày này năm ấy, nhiều sỹ phu Bắc Hà cũng ngồi bên nhau với niềm vui, niềm tự hào dân tộc vô bờ để đàm đạo về đại thắng đầu xuân Kỷ Dậu (1789), bình giá về lời hiệu triệu toàn dân đánh giặc trước khi xuất quân của Quang Trung, vị Hoàng đế tuổi Quý Dậu (1753) xuất hiện như một Thiên tướng trong cõi trời Nam mình: “Đánh cho để dài tóc. Đánh cho để răng đen. Đánh cho nó chích luân bất phản. Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn. Đánh cho sử tri Nam Quốc anh hùng chi hữu chủ”.

Một sự trùng hợp rất có ý nghĩa là vào đầu xuân năm nay, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức ra mắt tác phẩm viết về vị Hoàng đế thiên tài ấy. Tác phẩm có nhan đề  “Thiên mệnh” - Tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Nguyễn Trọng Tân.

Ánh xạ bi hùng về Quang Trung - Nguyễn Huệ -0
Nhà văn Nguyễn Trọng Tân.

Có thể nói, viết “Thiên mệnh” hay nói đúng hơn là viết về Nguyễn Huệ và những nhân vật liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của ông là một sự dấn thân rất táo bạo của nhà văn Nguyễn Trọng Tân. Để xây dựng hàng chục nhân vật đã rất nổi tiếng trong lịch sử thành nhân vật của tiểu thuyết, dẫu được hư cấu, trước hết Nhà văn vẫn phải có vốn hiểu biết rộng, phải đọc rất nhiều, phải biết đối chiếu, so sánh để tìm ra những tư liệu đắt nhất, hợp lý nhất trong khối sử liệu chính thống và không chính thống khổng lồ về những biến động xã hội dữ dội ở nước ta nửa cuối thế kỷ 18. Lại nữa, trước “Thiên mệnh” cũng đã có một số tác phẩm văn học viết về giai đoạn lịch sử này...

Vậy mà chỉ với gần 500 trang “Thiên mệnh” chia ra 42 chương và phần vĩ thanh, những Chúa Trịnh Sâm ,Tiên phi Đặng Thị Huệ , Hoàng Đình Bảo, Hoàng Ngũ Phúc, Nguyễn Ánh, Chiêu Tăng, Chiêu Sương, Lê Chiêu Thống, Càn Long, Hòa Thân, Tôn Sỹ Nghị ... đặc biệt các nhân vật chính: Nguyễn Huệ, Nguyễn Hữu Chỉnh, Ngô Thì Nhậm và Ngọc Hân Công chúa trong tiểu thuyết vẫn hiện ra thật sống động, kỳ ảo.

Với cách kết cấu các chương hồi, tuyến truyện hợp lý, cách đặc tả chân dung, cách chọn lời thoại cho từng nhân vật ... nhà văn  đã  giúp người đọc được ngược dòng thời gian chứng kiến một giai đoạn lịch sử bi hùng, được hình dung diện mạo từng nhân vật mà các dòng sử liệu chính thống đã chép, giai thoại đã kể... Đó thực sự là tài năng của nhà văn Nguyễn Trọng Tân, tác giả của nhiều tiểu thuyết có tiếng vang. Nhưng có lẽ, như tâm sự của tác giả:  Chính số phận, võ công và thiên tài Quang Trung Nguyễn Huệ như ánh xạ bi hùng vang vọng trong tâm khảm bao thế hệ, vọng vào tác phẩm của ông.

Về nhân vật Quang Trung Nguyễn Huệ, trước hết, xin được dẫn lời một sử gia Bồ Đào Nha, ông Filamun, người từng đi theo Nguyễn Ánh đã có nhận xét rất khách quan như sau: “Nguyễn Huệ dấy binh khởi nghĩa vì quyền lợi và hạnh phúc của nhân dân đang rên xiết dưới ách thống trị hà khắc của chế độ phong kiến đàng Trong mà Nguyễn Ánh là một đại diện. Nguyễn Ánh chỉ đấu tranh vì quyền lợi của dòng tộc và cá nhân. Nguyễn Huệ muốn đập tan các thế lực cát cứ để đưa giang sơn về một mối. Nguyễn Ánh lo bảo vệ cho chế độ chúa đàng Trong của mình. Chiến công hiển hách mà Quang Trung Nguyễn Huệ tạo dựng được là đánh tan các thế lực ngoại bang xâm lược, giữ vững độc lập, mang lại niềm tự hào cho dân tộc, tiêu diệt và xóa bỏ được các thế lực cát cứ, phân quyền duy trì hàng thế kỷ. Nguyễn Huệ đặt độc lập dân tộc lên trên hết. Thù trong được đặt sau giặc ngoài. Vì vậy khi quân Xiêm xâm lược, việc trước tiên của ông là đánh tan quân xâm lược Xiêm. Khi quân Mãn Thanh tràn sang, ông đã gạt bỏ mọi lực cản, lên ngôi Hoàng đế, thống nhất nhân tâm và lực lượng, thần tốc hành binh ra Bắc đại phá quân Thanh, bảo vệ độc lập cho Tổ quốc. Trong khi đó, Nguyễn Ánh chỉ biết lo cho quyền lợi cá nhân, cầu cứu quân Xiêm sang giúp đánh Tây Sơn. Nguyễn Ánh còn giúp lương thảo cho quân Thanh khi nghe tin Tôn Sỹ Nghị đem quân tiến vào Thăng Long cuối năm 1788...”.

Nguyễn Trọng Tân đã đọc được những dòng trên đây của sử gia Filamun và chọn để chốt phần vĩ thanh cũng là những trang cuối cùng của tác phẩm. Có lẽ đây cũng là một trong những nhận xét khiến nhà văn thêm vững tin và thăng hoa khi xây dựng nhân vật chính của mình. Đọc tác phẩm chắc chắn bạn đọc sẽ thỏa mãn được trí tưởng tượng về nhân vật anh hùng Nguyễn Huệ ngoài đời cách nay đã hai thế kỷ. Đó chính là thành công bao trùm của tiểu thuyết “Thiên mệnh”.

Ánh xạ bi hùng về Quang Trung - Nguyễn Huệ -0
Bìa cuốn “Thiên mệnh” của nhà văn Nguyễn Trọng Tân.

Một nhân vật khác cũng được nhà văn Nguyễn Trọng Tân dày công tạo dựng và đã đóng góp vào thành công của tác phẩm là Nguyễn Hữu Chỉnh -Danh tướng thời Lê Trung hưng và thời Tây Sơn. Trước đó, trong “Hoàng Lê nhất thống chí”, Ngô gia văn phái đã dành nhiều trang viết về nhân vật này. Mới đây nhất, tác giả Lê Chí Trung cũng đã chọn Nguyễn Hữu Chỉnh làm nhân vật chính cho vở kịch lịch sử mang tên “Thế sự” và Nhà hát kịch Việt Nam đã dàn dựng khá thành công.

Dưới ngòi bút của Nguyễn Trọng Tân, thêm một lần Nguyễn Hữu Chỉnh hiện lên là một danh sỹ Bắc Hà văn võ toàn tài, mưu mô, quyền biến nhưng bí hiểm. Nguyễn Huệ đã thu nạp Nguyễn Hữu Chỉnh và sử dụng tài năng của ông ta, đặc biệt là việc xây dựng thủy binh và chỉ huy thủy chiến. Nguyễn Huệ cũng tận dụng sự hiểu biết của Nguyễn Hữu Chỉnh về giới sỹ phu Bắc Hà và nội tình Vua Lê – Chúa Trịnh trước khi quyết định đem quân ra Bắc dẹp bỏ chúa Trịnh, củng cố lại rường mối nhà Lê. Và nhờ một sự xếp đặt cơ mưu của Nguyễn Hữu Chỉnh mà vị tướng Tây Sơn Nguyễn Huệ có được Công chúa Ngọc Hân...

Nhưng bằng nhãn quan thiên bẩm, Nguyễn Huệ cũng nhìn thấu những tham vọng và sự phản trắc của Nguyễn Hữu Chỉnh để có kế sách phòng xa. Nhà văn đã để cho mạch truyện diễn ra tự nhiên theo dòng lịch sử đến tận kết cục bi thảm của nhân vật Nguyễn Hữu Chỉnh khiến Nguyễn Huệ cũng phải dằn vặt. Đoạn Nguyễn Huệ cùng Ngô Thì Nhậm đi viếng mộ Chỉnh với những dòng đối thoại cảm động có lẽ là sáng tạo của nhà văn. Riêng với dòng văn: “Dáng Huệ lòng khòng, lui cui bên mộ Chỉnh. Rầu rĩ. Cô đơn. Giọng Huệ thì thào...” tôi cho là đắt bởi lẽ đó là điều mà nhà văn muốn gửi gắm về nhân cách rất đời, rất nhân ái của vĩ nhân Nguyễn Huệ đối xử với một danh tướng của mình nhiều công nhưng lắm tội ...

Về nhân vật Ngọc Hân, nhà văn Nguyễn Trọng Tân đã dành cho khá nhiều sự ưu ái. Ông đã sáng tạo ra một vài trường đoạn khá hấp dẫn, đặc biệt là cảnh Nguyễn Huệ cùng Ngọc Hân về thăm quê ngoại, làng Nành. Cảnh sắc thiên nhiên bãi lúa nương dâu bên bờ sông Nhị Hà thuở ấy, khoảng lặng giữa những cuộc chinh phạt liên miên thời ấy đã đưa Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ trở lại với hình hài trong trẻo và tâm trạng khát khao yêu của chàng trai Hồ Thơm ngày trước. Còn nàng Công chúa lá ngọc cành vàng cũng tạm quên chốn lầu son gác tía tìm lại tuổi ấu thơ theo mẹ về nơi thôn dã thỏa thích đùa nghịch ... Rồi đôi trai tài gái sắc cứ thế mà đắm đuối bên nhau như chuyện A Đam – E va... Tuy nhiên, bạn đọc vẫn thấy tiêng tiếc vì nàng công chúa xinh đẹp, tác giả bài thơ Ai Tư Vãn tài năng và nhân hậu còn mấy năm nữa sống bên người anh hùng áo vải chắc chắn còn nhiều chuyện hay, chuyện lạ. Giá như nhà văn sáng tạo thêm vài trường đoạn trữ tình nữa, tác phẩm sẽ càng thêm hấp dẫn!

Đọc “Thiên mệnh”, tôi thấy ngoài tài năng văn chương, nhà văn còn tỏ ra am tường sử học, hiểu biết về binh pháp, về tôn giáo, về ngoại giao, về hệ thống quan chế và bộ máy triều đình nước ta và cả bên Bắc quốc thời ấy. Tôi đã từng tham gia cuộc vận động sáng tác kịch bản phim truyền hình nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long nên càng thấu hiểu nỗi nhọc nhằn trong việc sưu tầm tài liệu của người viết tiểu thuyết lịch sử. Khi đọc xong tiểu thuyết, tôi ước có một nhà làm phim đầu tư để “Thiên mệnh” được trở thành một bộ phim dài tập hoành tráng và hấp dẫn như tác phẩm...

Nhà biên kịch điện ảnh Đào Phương Liên tâm sự: “Có lẽ đây là cuốn tiểu thuyết lịch sử mà tôi có thể đọc từ đầu đến cuối với sự ngưỡng mộ. Các nhân vật lịch sử được tái hiện với đủ cung bậc cảm xúc rất đời, rất người và rất gần. Và nếu sử được viết như thế này thì học trò sẽ không quay lưng và câu “dân ta phải biết sử ta” sẽ không chỉ là khẩu hiệu. Còn nhà văn Lê Hoài Nam cũng đã nhận xét trong bài viết thay cho lời bạt: “Thiên mệnh” không chỉ thành công của tác giả mà cả với nền văn học Việt Nam hiện đại. Nó có vị trí nhất định mà mỗi khi nhắc đến thể loại tiểu thuyết lịch sử , người ta không thể bỏ qua.

Trở lại dòng suy nghĩ của tôi từ đầu bài viết, nhân ngày Xuân năm nay, xin được chia sẻ niềm hân hoan cùng  Đào Khê Ngô Ngọc Du, Nhà thơ thời Tây Sơn - một trong những sỹ phu Bắc Hà khá nổi tiếng đã nói về mùa xuân Kỷ Dậu ấy:

Mây tạnh mù tan trời lại sáng.
Đầy thành già trẻ mặt như hoa
Chen vai thích cánh cùng nhau nói
Cố đô vẫn thuộc núi sông ta...

Nguyễn Xuân Hải
.
.