Bí ẩn dưới lòng đất Nhẫm Dương

Thứ Sáu, 24/02/2023, 16:02

Tôi tìm về núi Nhẫm Dương (thị xã Kinh Môn) một di tích thuộc cụm di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh An Phụ, Kính Chủ. Nhẫm Dương được xếp hạng quần thể là di tích quốc gia đặc biệt lần đầu sau khi tình cờ đọc một số tài liệu khảo cổ học về nơi đây. Đường vào Nhẫm Dương có nhiều trái núi “mồ côi” nằm rải rác. Làng xóm mọc xen kẽ ở đó. Dãy núi Nhẫm Dương hiện ra kỳ vỹ có vách đá lô nhô dựng đứng. Ngôi chùa cổ Thánh Quang thanh tịnh náu mình dưới chân núi.

Chốn Tổ phái Tào Động

Trong những lần về chùa thăm sư Mơ, tôi đã vài lần ở ăn cơm cùng thầy. Trong bữa cơm chùa đạm bạc, hai chú khỉ cùng ngồi bên cạnh như hai đứa trẻ ăn cơm nắm nom thật dễ thương. Nếu không được sư Mơ cứu thì số phận chúng giờ đã trở thành món cao để bồi bổ sức khỏe cho người đời.

Qua nghiên cứu thấy quần thể khỉ vàng ở "khu đảo" huyện Kinh Môn xưa khá đa dạng, ít nhất có tới 3 loài khác nhau, trong đó có 2 loài có tên trong "Sách Đỏ Việt Nam". Cho đến nay, nhờ biết khỉ là động vật quý của địa phương, sư thầy Thích Diệu Mơ đã cố gắng vận động dân quanh vùng đưa các con còn sót lại về nuôi ở chùa Nhẫm Dương.

chua.jpg -0
Núi Nhẫm Dương có hàng chục hang động kỳ thú: Động Thánh Hóa, động Tĩnh Niệm, hang Chiêng, hang Trống, hang Tối...

Nhưng có lẽ, ít người biết, chùa Nhẫm Dương là chốn Tổ của Thiền phái Tào Động, một tông phái thiền của Phật giáo Đại thừa được thiền sư Thủy Nguyệt du nhập giữa thế kỷ 17, góp phần quan trọng truyền bá giáo lý nhà Phật trong lịch sử.

Giới thiệu về sự ra đời Thiền phái Tào Động Việt Nam, sư thầy Thích Diệu Mơ dẫn chúng tôi ra ngôi tháp sau chùa cho biết: Đây chính tháp mộ Đức Thiền sư Thủy Nguyệt, Tổ thiền phái Tào Động Việt Nam. Chùa Nhẫm Dương chính là chốn Tổ của thiền phái.

Hòa thượng Thuỷ Nguyệt sinh năm 1637, quê ở đạo Sơn Nam (Thái Bình ngày nay). Năm 20 tuổi, ông xuất gia. Sau nhiều năm vẫn chưa tìm được chân lý giải thoát bèn xin sư phụ đi tham thiền học đạo các nơi. Năm 28 tuổi, nhân duyên đưa đẩy, Thủy Nguyệt hành hương sang phương Bắc đến Động Sơn Lương Giới (dạng chùa hang) trên núi Phượng Hoàng và trở thành đệ tử của Hòa thượng Trí Giáo Nhất Cú, Tổ đời thứ 35 của Tào Động. Trải qua 3 năm học đạo, thiền sư Thủy Nguyệt thành chính pháp, được ban pháp hiệu Thông Giác Đạo Nam Thiền Sư và cho về An Nam để truyền pháp. Tính theo hệ phái, thiền sư Thủy Nguyệt là Tổ đời thứ 36 của Thiền phái Tào Động Trung Hoa và là Đệ nhất Tổ thiền phái Tào Động Việt Nam.

Năm 1667, thiền sư Thủy Nguyệt về nước và đi các nơi như chùa Côn Sơn, Quỳnh Lâm, Yên Tử, Hòe Nhai (Hồng Phúc tự) ở Hà Nội thuyết pháp, phổ độ chúng sinh… Sau thiền sư về trụ trì chùa Nhẫm Dương. Với chân lý giản dị nghiêng về tu thiền, giải thoát nên Thiền phái Tào Động nhanh chóng thâm nhập vào mọi tầng lớp dân chúng. Ngài được vua Lê sắc phong: “Đại thánh Đông Sơn Tuệ Nhẫn Tứ Giác Quốc Sư”. Đến năm 1704, thiền sư Thủy Nguyệt viên tịch, các đệ tử tiếp tục sự nghiệp truyền pháp, đưa Tào Động trở thành môn phái nổi tiếng.

Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, Thiền phái Tào Động đã góp phần quan trọng chấn hưng Phật pháp. Dẫn chúng tôi thăm ngôi tháp đá khác trên quả đồi trước cổng chùa, sư Mơ cho biết, đó là tháp mộ Tổ thứ hai Tông Diễn. Nếu Tổ Thủy Nguyệt có công truyền bá Phật pháp, được sắc phong Quốc sư thì nhị Tổ Tông Diễn đã giúp Phật giáo Việt Nam tránh thời kỳ mạt pháp.

Tông Diễn hiệu Chân Dung là đệ tử được Thủy Nguyệt trao truyền tâm ấn của phái Tào Động. Thời vua Lê Hy Tông, Phật giáo không còn được đứng ở vị trí quốc giáo vì cho rằng không có lợi gì cho xã hội. Đỉnh điểm năm Vĩnh Trị (1678), vua Lê Hy Tông ra sắc lệnh đuổi hết các sư sãi lên rừng, ai không đi sẽ bị trừng trị. Hòa Thượng Tông Diễn biết được tin này rất đau lòng. Ngài xin phép thiền sư Thủy Nguyệt rời chốn sơn dã về đất kinh thành mong cảnh tỉnh nhà vua cứu vãn Phật pháp.

Đến kinh đô, không được tiếp kiến vua, hòa thượng Tông Diễn bèn viết một tờ biểu nói rõ việc tu hành, cách thức làm yên nhà lợi nước như đạo Phật là hòn ngọc quý soi sáng mười phương, phá dẹp mọi mây mờ u tối rồi để trong cái hộp nói rằng có viên ngọc quý muốn dâng tặng. Vua Hy Tông đọc biểu mới bừng tỉnh, cho vời hòa thượng Tông Diễn vào trò chuyện.

Sau khi nghe hòa thượng thuyết pháp, bèn rút lại sắc lệnh, hết sức sửa mình, đề nghị với hòa thượng Tông Diễn làm một bức tượng mà trong đó, vua phủ phục dưới Phật, để thể hiện sự sám hối. Bức tượng độc đáo nhất của văn hóa Phật giáo Việt Nam này hiện còn ở chùa Hoè Nhai (Hà Nội). Hiện nhà Tổ chùa Nhẫm Dương, cũng có một bức tượng lấy mẫu theo bức tượng tại chùa Hòe Nhai.

Mỗi thớ đất đều có hóa thạch và di vật

Nhưng nói đến Nhẫm Dương phải nói đến những di chỉ khảo cổ học quý giá không chỉ của quốc gia mà của cả thế giới. Mọi chuyện tình cờ từ việc nhà chùa khai quật động tìm tượng. Lúc yếu, sư trụ trì đời trước bảo: Thời Pháp, lo chùa bị đốt phá, mọi người đã đào hang giấu tượng. Khi nào xây chùa phải đào lấy tượng lên thờ. Theo di nguyện, năm 2000, sư Mơ mượn người đào hang tìm tượng. Kết quả, tìm thấy 7 pho tượng đá cùng rất nhiều xương hóa thạch.

Ông Nguyễn Trung Cương, người từng tham gia đợt đào hang năm xưa kể: “7 người, trong đó có tôi tiến hành đào ròng rã mấy tháng liền. Đất đá trong hang nom mềm nhưng khi đào lại vô cùng khó khăn, có lúc tưởng bỏ dở. Khi đào, phát hiện xương, răng hóa thạch liền báo với sư Mơ”. Mọi người, kể cả sư Mơ chưa biết mình phát hiện ra những di vật khảo cổ quan trọng. Sư Mơ kể: “Lúc đầu tôi bảo mọi người tiếp tục làm và cho gom riêng xương một góc. Đến lúc số xương đào được ngày một nhiều, có lẫn cả xương người, tôi gọi điện cho nhà sử học Tăng Bá Hoành”.

Nhà sử học Tăng Bá Hoành đã cùng Phó giáo sư Nguyễn Lân Cường có mặt và tiến hành nghiên cứu kỹ đất đá mang từ trong động ra. Quá trình phân loại phát hiện thấy rất nhiều xương động vật đang trong quá trình hóa thạch: xương voi, tê giác (là thứ hiếm tìm được ở Việt Nam), xương khỉ, lợn rừng, đặc biệt xương vượn người...; tổng cộng 17 loài động vật thuộc Kỷ Đệ tứ, cách chúng ta 3-5 vạn năm. Ngoài ra còn phát hiện rất nhiều xương người hiện đại, trong đó có những xương dính vào thành động đã bị thạch nhũ bám kín. Theo ông Tăng Bá Hoành, những xương người này chưa xác định được niên đại song căn cứ vào thạch nhũ bám khẳng định thuộc về thời kỳ tiền sử cách chúng ta hàng vạn năm.

Tò mò, tôi đề nghị sư Mơ dẫn lên động Thánh Hóa. Trên đường đi, cúi nhặt một vật màu trắng đưa cho tôi xem, sư Mơ bảo: Răng hóa thạch đấy, răng lợn rừng. Chiếc răng hóa thạch to độ ngón tay, bóng láng, chân răng kết đá màu trắng. Tôi hỏi sao biết răng lợn rừng, sư đáp: Quan sát Phó Giáo sư Lân Cường và bác Hoành phân loại các loại răng, xương hóa thạch rồi biết. Theo sư Mơ, không chỉ trong động Thánh Hóa mới có xương, răng hóa thạch mà quanh vườn chùa chỗ nào cũng có. Cứ sau mỗi trận mưa rào là chúng lại trồi lên, ra vườn có thể nhặt được cả vốc. Đã 10 năm nay, mỗi lần ra vườn thấy xương, răng hóa thạch, sư Mơ lại nhặt gom cất đi.

Động Thánh Hóa nằm ngay phía sau vườn chùa, ăn sâu vào lòng núi. Động là nơi đức Tổ Thủy Nguyệt phái Tào Động tu hành đắc đạo và hóa. Lòng động ăn xuống phía dưới nguyên vẹn dấu tích của cuộc khai quật tìm tượng năm nào. Bên trong động khá tối. Để vào phải bám tay vào vách lần từng bước. Trên trần hang lũ dơi núi treo nhũng nhẵng, kêu chin chít. Dừng lại trước một hủng hang rộng, sư Mơ bảo: “Đây chính là chỗ đã phát hiện gần chục bộ di cốt người. Ngoài những di cốt được Phó giáo sư Lân Cường lấy đi nghiên cứu còn lại nhà chùa mang đi chôn cất”.

Cũng theo sư Mơ, trong quá trình đào, hai bên thành hang, xương hóa thạch cắm chi chít. Để tiếp tục công việc, nhà chùa phải cho thợ dùng xà beng tẩy đi. “Hồi đó nếu tôi có chút kiến thức về khảo cổ học chắc sẽ giữ lại được nhiều hiện vật quý, giá trị”, sư Mơ tiếc rẻ. Một số đoạn vách hang vẫn còn nguyên các dấu xương hóa thạch. Dùng đèn pin soi lát sau tôi đã tìm thấy mấy ống xương hóa thạch trắng trên vách hang.

Không chỉ có giá trị về mặt khảo cổ, Nhẫm Dương và chùa Thánh Quang còn là những thắng tích hiếm gặp. Núi Nhẫm Dương có hàng chục hang động kỳ thú: Động Thánh Hóa, động Tĩnh Niệm, hang Chiêng, hang Trống, hang Tối...

Cuối năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định xếp hạng quần thể di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh An Phụ, Kính Chủ, Nhẫm Dương là di tích quốc gia đặc biệt.

Với sự quyết tâm bảo vệ quần thể di tích của các cấp chính quyền ngành văn hóa và nhà chùa núi Nhẫm Dương đã bình yên. Và tôi tin, với các giá trị lịch sử văn hóa, khảo cổ, Phật giáo cùng cảnh đẹp độc đáo, quần thể di tích Nhẫm Dương, tôi tin một ngày kia, Nhẫm Dương sẽ trở thành điểm du lịch tâm linh hấp dẫn không chỉ của tỉnh Hải Dương mà còn của cả nước.

Đinh Ngọc Hùng
.
.