Tây Bắc - nơi thơ nhạc cất cánh

Thứ Năm, 09/02/2023, 09:32

Địa danh Tây Bắc hùng vĩ và trữ tình đã mời gọi các tài năng cho ra đời nhiều tác phẩm lớn, chỉ tính riêng văn xuôi đã thấy Tô Hoài có “Truyện Tây Bắc” đậm đà, Nguyễn Tuân có tùy bút “Sông Đà” nổi tiếng, Nguyễn Khải có tập truyện “Mùa lạc” đặc sắc…

Mỹ học quan niệm có một vùng thẩm mỹ quen thuộc trong tư duy sáng tạo nghệ thuật, không chỉ là đối tượng miêu tả, nó còn khơi nguồn cảm hứng của nghệ sĩ lại vừa khơi nguồn đồng cảm, tri âm của người tiếp nhận. Địa danh Tây Bắc hùng vĩ và trữ tình đã mời gọi các tài năng cho ra đời nhiều tác phẩm lớn, chỉ tính riêng văn xuôi đã thấy Tô Hoài có “Truyện Tây Bắc” đậm đà, Nguyễn Tuân có tùy bút “Sông Đà” nổi tiếng, Nguyễn Khải có tập truyện “Mùa lạc” đặc sắc…

Tây Bắc - mảnh đất thiêng liêng phía Tây Tổ quốc được kiến tạo bởi vùng địa lý cổ, bạt ngàn cánh rừng nguyên sinh, giàu tài nguyên khoáng sản, nơi có 23 đồng bào dân tộc anh em sinh sống cùng những phong tục văn hóa đặc sắc! Tây Bắc lịch sử gắn liền với Chiến dịch Tây Bắc (1952) làm tiền đề góp phần làm nên “Điện Biên chấn động địa cầu” (1954)!

image001.jpg -0
Thơ mộng Tây Bắc.

Nhưng hình như miền đất ngút ngàn xa, bồng bềnh sương và miên man màu xanh của rừng núi đầy chất thơ ấy có duyên hơn cả với thơ và nhạc… Nhà thơ Chế Lan Viên nói thay nhiều tâm trạng trong lời đề từ “Tiếng hát con tàu” giàu chất suy tưởng trí tuệ: “Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát/ Tâm hồn ta là Tây Bắc chứ còn đâu”. Được gợi cảm hứng từ sự kiện những năm 1958-1960, đồng bào ta lên Tây Bắc xây dựng vùng kinh tế mới, vượt lên trên hình thức câu chữ, bài thơ vươn tới tầm khái quát lịch sử, là lời tri ân, lời ngày mai vẫy gọi: “Xứ thiêng liêng rừng núi đã anh hùng/… Nay dạt dào đã chín trái đầu xuân”.

Tây Bắc là lịch sử anh hùng gắn liền với bước trường chinh người lính đánh Pháp. Nơi ấy, năm 1947 đã từng có “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc/ Quân xanh màu lá dữ oai hùm” trong một “Tây Tiến” dồi dào hiện thực khắc nghiệt nhưng cũng đầy chất lãng mạn bi tráng của Quang Dũng. Phẩm chất họa sĩ giúp những người lính mà phần lớn trong số họ là thanh niên Hà Nội tài hoa và hào hoa có cái nhìn đầy chất tạo hình: “Dốc lên khúc khủy dốc thăm thẳm/ Heo hút cồn mây súng ngửi trời…”.

Phẩm chất thi sĩ ở những chàng lính trẻ phát hiện ra những nét nhạc hồn thơ bay bổng: “Khèn lên man điệu nàng e ấp/ Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ”; ý thức về phong tục văn hóa đưa ra cái nhìn lạ, linh thiêng, huyền bí mà nên thơ, với “thác gầm thét”, “cọp trêu người”, “mùa em thơm nếp xôi”... Cũng Tây Bắc, với Chiến dịch Điện Biên: “Năm mươi sáu ngày đêm/ Khoét núi ngủ hầm mưa dầm cơm vắt/ Máu trộn bùn non” (Tố Hữu) quân và dân ta đã kết vòng hoa chiến công lịch sử đẹp nhất kính dâng Tổ quốc và Bác Hồ kính yêu!

Tây Bắc - vùng đất của niềm tự hào, của hòa bình, thanh bình yên ả: “Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam/ Hoa mơ lại trắng vườn cam lại vàng” (Tố Hữu). Tây Bắc có màu trắng hoa ban, hoa mơ và bạt ngàn sắc màu của muôn ngàn loài hoa, có âm thanh của tiếng suối và tiếng chim, có hình ảnh của núi cao và vực sâu, có hương vị nồng nàn của rừng xanh tự ngàn năm...

Tự thân Tây Bắc đã là thơ là nhạc. Nhạc chắp cánh cho thơ, thơ ngân lên từng nốt nhạc để tạo ra một tác phẩm nghệ thuật hài hòa khó gọi riêng là thi phẩm hay nhạc phẩm. Đó là trường hợp “Tình ca Tây Bắc” thơ Cầm Giang nhạc Bùi Đức Hạnh: “Rừng rừng hoa với chim ca vui tưng bừng/ Suối nước trong xanh soi bóng em và bóng anh/ Bên nhau cùng sống vui êm đềm cùng núi rừng/ Đất nước mai ngày bừng sáng lên bao mùa xuân”.

Người nhạc sĩ viết bài hát đó khi còn rất trẻ, mới chỉ biết một ít nhạc lý nhưng bù lại, rất yêu và say Tây Bắc. Thì ra có một quy luật: nghệ thuật trước hết ở chỗ yêu, yêu thật sự hết mình sẽ là tiền đề vững vàng nhất cho sự ra đời của một tác phẩm đích thực.

Tây Bắc cảm ơn người nghệ sĩ đã thơ hóa và nhạc hóa hình ảnh, âm thanh thành nghệ thuật sống mãi với thời gian: “Rừng cây xanh lá muôn đóa hoa mai mừng đón xuân về/… Nghe trong tiếng rừng nhịp sáo ai đưa khúc ca hòa vang”. Lời bình về bức tranh đẹp chỉ như là những đường viền khung tranh, có thể làm đẹp thêm chứ không thể nào đi vào từng chi tiết. Với những câu thơ trên là như vậy, đơn giản vì nó quá hay, quá hồn nhiên, trong sáng, vui tươi. Như một thế giới của tiên, người trần tục không thể và cũng không nên có mặt vậy!

image002.jpg -0
Bồng bềnh biển mây Tây Bắc.

Một xứ sở tinh khiết nguyên sơ thì con người cũng thật trong sáng, cố nhiên. Một người trai vệ quốc đi đuổi giặc Pháp, đã có vợ, nhớ vợ mà xin cấp trên về nhà và hứa: “Ngày kia tôi sẽ đến/ Lại cầm súng được ngay/ Tôi càng bắn trúng Tây/ Vì tay có hơi vợ” (Cầm Vĩnh Ui - “Nhớ vợ”). Mới chỉ là lời của khẩu ngữ nhưng đã rất thơ nhờ chân thật cái tình, hồn nhiên, trong sáng đến đáy. Hồn người, tình người Tây Bắc đã hòa lẫn chung riêng, rất mộc mạc, thật thà: “Nếu có được trên tặng/ Cho một cái bằng khen/ Tôi sẽ dọc đôi liền/ Gửi cho vợ một nửa”.

Cùng với bài “Nhớ vợ” này, có một bài “Núi Mường Hung - Dòng sông Mã” của Cầm Giang xứng đáng nằm trong số những bài thơ hay nhất thế kỷ XX. Bài trước là nỗi nhớ, lời nhớ, bài sau là nỗi yêu, lời yêu và lời thề hẹn: “Anh là núi Mường Hung/ Em là dòng sông Mã/… Chiều bóng anh che sông/ Sớm mặt em lóng lánh”. Một nét sinh hoạt, xưng hô của người Tây Bắc là luôn có xu hướng nhập thân vào tự nhiên, lấy tự nhiên là thước đo, là chuẩn mực thẩm mỹ cũng như chuẩn mực đời sống.

Khi nói: “Anh là rừng thẳm/ Em là suối sâu” chưa mới, đến lời tự nguyện: “Cây rừng anh làm cầu/ Bắc ngang lên dòng suối” đã có nét riêng. Phải đợi đến cuối bài nhân vật trữ tình hóa thân vào sông núi thì cái tứ con người nhập thân vào thiên nhiên để bảo vệ quê hương được nâng lên, tỏa sáng: “Rừng anh chặn lại bão giông/ Để anh lớn mãi thành núi Mường Hung/ Em ngoan chảy thành dòng sông Mã”. “Anh” và “em” thực sự hạnh phúc nhất thế gian cùng viết nên một bài thơ tình sống mãi cùng sông núi!

Bản thân phong tục đã đậm chất thơ vì là những mã văn hóa chứa đựng các ký hiệu đời sống. Giống như phong tục vậy, thơ luôn là một quá trình tạo mã, tiếp nhận phê bình thơ là quá trình giải mã. Thơ nhạc về Tây Bắc là hành trình tạo mã và giải mã phong tục theo điệu riêng của tâm hồn. Bài hát “Thơ tình của núi” (An Thuyên) khám phá một phong tục đậm chất nghệ sĩ: “Bản em lưng chừng núi lưng chừng đèo/ Từng bậc thang lên xuống như cung đàn, ngân dài/… Cùng lặng nghe em hát/ Những yêu thương cuộc đời”. Lời hát “Từng bậc thang lên xuống như cung đàn, ngân dài” là chìa khóa giải mã: con đường em xuống núi như một cây đàn, từng bậc thang là một “cung đàn”. Thì ra không chỉ em hát mà cả đất trời Tây Bắc đang xôn xao hát về “những yêu thương cuộc đời”…

Nhạc sĩ Bảo Chung trong bài hát “Gặp nhau giữa rừng mơ” tìm hiểu phong tục chợ: “Con chim gì mà hót vui/ Vang cả cánh rừng/ Vui chân, vui chân, ta cùng xuống chợ/ Bướm trắng bay quanh bên những rừng mơ”. Lời hát đẹp, trong sáng, tươi vui diễn tả không chỉ là con người xuống chợ mà còn là những tâm trạng đắm say, nồng nàn.

Tây Bắc không chỉ có một chợ tình Khau Vai bản sắc, mà hầu như bất cứ vùng nào chợ cũng là một nét phong tục đẹp, nơi bán mua chỉ là cái cớ, thực ra là để gặp gỡ, hẹn hò,… Nếu vùng đó có người Thái thì chợ dứt khoát phải có “mặt hàng” khăn piêu. Cũng như người Kinh, chiếc khăn là tình yêu, tình người “Khăn thương nhớ ai…”, khi đã trao khăn tức là trao gửi tình yêu.

Bài hát “Chiếc khăn piêu” của Doãn Nho đã nói đúng về bản chất phong tục này: “Chiếc khăn piêu thêu chỉ hồng theo gió cuốn bay về đây vương trên cây…/ Á ơi có phải thắm thiết duyên nhau/ Chiếc khăn đây làm mối nối duyên nhau, thời tôi chờ…”. Bài hát là nỗi lòng khắc khoải của bao chàng trai Thái. Một tác phẩm trở thành giá trị văn hóa khi nói lên được mẫu số chung của văn hóa cộng đồng, thì bài hát này được như vậy!

Tây Bắc đã trở thành điểm tựa cảm xúc để bao hình tượng thẩm mỹ cất cánh bay. Nhà thơ Vũ Quần Phương nói thay cho nhiều người niềm tự hào trước vẻ đẹp đất nước mà tâm hồn như muốn bay lên, bay cao bay xa: “Phút kỳ diệu bay lên ta ngây nhìn Tổ quốc/… Ta muốn hát vang lên trên đỉnh hồn đất nước/ Trên chót đỉnh ba ngàn ta lại muốn bay xa” (Phanxipăng ta lên đến đỉnh).

“Qua miền Tây Bắc” (tên một bài hát) chứng minh một quy luật sáng tạo: người nghệ sĩ phải đi tìm những vùng đất giàu trữ lượng thẩm mỹ vừa của đời sống chung vừa của riêng mình để gieo hạt giống hình tượng và chăm tưới bằng nguồn suối cảm xúc trong trẻo, nồng nàn mới có thể gặt hái những trái tác phẩm giàu có ý nghĩa!

Nguyễn Thanh Tú
.
.