Bay về đâu hỡi cói?

Thứ Sáu, 30/09/2022, 15:59

Trên tỉnh lộ 22 chạy dọc bờ biển huyện Nghi Xuân và Lộc Hà (Hà Tĩnh) có một xóm nhỏ nép dưới chân núi Hồng Lĩnh nhìn ra biển. Đó là xóm Song Nam (thuộc xã Cương Gián) còn gọi là xóm Trại. Đến tháng 9 hàng năm, xóm Trại có thêm một mùa phụ đưa lại nguồn thu nhập khá cao, đó là mùa săn cói.

Cả bãi ruộng nằm giữa bờ biển và xóm Trại là một bãi cói giả, hay còn gọi là “mồi” trắng phau hàng trăm con. Trong số đó có một ít cói “mồi” thật. Đây là những chú cói “mồi” được huấn luyện để “nhử”, có con lên đến bạc triệu. Người “săn” cói ngồi trong những lùm cây nối sợi dây mỏng nhưng bền buộc vào chân cói mồi cắm xuống bãi cói giả. Khi cói bay về, chỉ cần giật dây là cói “mồi” tung cánh như muốn bay lên để nhử lũ cói từ trên trời lượn xuống tìm mồi bị dính vào nhựa thả xung quanh mặt ruộng.

308462258_1286766635484805_6828432994760624341_n.jpg -0
Đại lý bán cói sống.

Tôi gặp ông Hòa, một “nghệ nhân” chuyên làm cói “mồi” giả ở xóm Trại. Năm nay ông đã gần 80 tuổi nhưng da dẻ đỏ au, giọng nói khê nặng của người dân biển, đôi tay có những ngón sần sùi, sạn chai, dày cộm lên mấy lớp vì suốt ngày vót nan tre và đặc biệt là đôi mắt tinh anh lắm. Ông có thể phát hiện đàn cói bay về khi còn những chấm li ti như những hạt vừng rắc trên nền trời xa; tai ông còn thính lắm, nghe được gió đổi chiều là cói bay về nhiều; mũi ông còn nhạy lắm, ngửi được mùi ẩm ướt của thời tiết là biết cói đã dạt về chưa.

Ông Hòa bảo: “Cái nghề làm cói mồi này phải thật khéo léo chú ạ. Nan tre phải già, ngâm nước, phơi nắng thật dẻo không thì mưa gió nó giòn, gãy liền”. Nhìn đôi bàn tay khéo léo của ông uốn những chú cói “mồi” giả trông y như thật, đặc biệt là khi đã trát vôi nhuộm cho nó cái bộ lông trắng thì khó mà phân biệt đâu là thật giả nữa. Riêng chiếc mỏ thì phải đính mỏ thật.

Ông Hòa lấy trong giỏ ra hàng chục cái mỏ: “Đây là mỏ của những con tôi chọn sau khi làm thịt bán cho khách hàng, đều phải đặt trước cả chú ạ”. Mỗi mùa cói, ông cho ra lò hàng trăm sản phẩm mẫu mã đều như nhau, rải khắp ruộng đồng, bãi bờ xóm Trại đến nỗi khách đi trên đường nhìn xuống cứ ngẩn ngơ trước hàng đàn cói bay về đậu giăng giăng trên bờ xôi, ruộng mật. Nhưng ít ai biết đó là cái bẫy bày ra để săn mồi thật khéo léo và sinh động từ cái “mẹo” dân gian có từ ngày xưa để tận diệt chim trời, cá nước.

Kỳ công không kém nghề làmcói “mồi” là nghề làm nhựa (hay còn gọi là nhạ). Dân gian có câu: “Chim chết vì nhạ, cá chết vì nước” là thế. Nhạ là một thứ nhựa được lấy từ trên rừng về, sau khi nấu chín cô đặc thuộc đi thuộc lại mấy lần mới tạo ra được cái chất keo màu hổ phách dẻo và có độ dính kết cao. Người đi “săn” cói dùng những chiếc nan tre vót mảnh nhúng vào nhạ và đặt “kèo” trên những lùm cây dọc bờ biển hay rải nhựa xuống cỏ của bề mặt ruộng đã qua mùa gặt hái. Sau bão, từng đàn cói từ ngoài biển bay vào mỏi cánh thấy thập thò những lùm cây hiếm hoi mọc trội lên mặt đất ngỡ là có chỗ đậu, là mái nhà thân thiết của mình nên theo bản năng sà xuống tìm “kèo” đậu, thế là dính. Cói đập cánh bay lên chấp chới nhưng càng giãy càng bị dính chặt.

Bãi cói xóm Trại có lạch nước biển chảy vào cạn phơi đáy, ở đó có nhiều con cá, con ốc nhỏ là thức ăn hấp dẫn với loại chim này. Tên của những lạch nước này đọc lên nghe thật ma quái như là bãi nghĩa địa tử thần: Cu Eo, Lạch Đồng Kèn, Truông Vùn… Dọc đường 22, thỉnh thoảng tôi bắt gặp các đại lý bán cói. Chị Hồng, một chủ “đại lý” đang cùng người nhà vặt lông cói, cho biết, những ngày đắt hàng, chị bán được 50 đôi, mỗi đôi 80.000 đồng.

Đến mùa săn cói, cả làng ra dọc đường 22, chủ yếu là người già và trẻ con nhìn ra bãi cói trước mặt như ngóng người đi biển về. Người săn cói chủ yếu là đàn ông, còn đàn bà lo việc vặt lông cói đi chợ và nấu bữa cơm trưa gia đình không thể thiếu món “cói sạch”. “Cói sạch” nghĩa là cói còn sống bởi có thứ cói chết cũng được làm lông thui sạch đưa ra chợ bán, khó mà phân biệt được. Loại cói này ăn vào gây ra bao mầm bệnh. Nhìn màu da cói đã chết, ngả sang màu rêu nhưng khi qua lửa đều chuyển sang màu đồng mun, chỉ có người làm cói mới biết.

Mùa cói thường bắt đầu từ tháng 9 và chỉ khoảng 2 tháng. Đây là thời gian miền biển thường hứng những cơn bão. Dân biển được về nghỉ ngơi sau những vụ mùa đánh bắt cá. Thật lạ, cái lũ chim trời tinh khôn ở đâu không biết nhưng đến mùa này là nối nhau sà vào nhạ và kết thúc bằng những đĩa mồi trên mâm nhậu.

305970594_1286766612151474_5270211498984357865_n.jpg -0
Chợ cói sau khi đã làm lông và hun khói.

Tôi có người bạn thơ nhà gần xóm Trại, anh điện cho tôi lên xem chợ và ăn cói. Xem chợ thì tất nhiên rồi, đây là dịp chúng tôi đi lấy tư liệu viết báo, tiện thể chụp mấy kiểu ảnh. Thật lạ, những người bán cói rất hồn nhiên, họ giơ những cặp cói lên như khoe một chiến công mới đạt được: “Mua đi chú, cói ngon vừa được đó”. Về nhà bạn, tôi thật ngạc nhiên khi thấy một hộp xốp đựng đầy cói được đông lạnh cho vào thùng các-tông để chuẩn bị gửi theo máy bay vào Sài Gòn cho người nhà trong đó! “Đây là món đặc sản cao cấp mà chỉ có đồng quê mới có” - bạn tôi bảo thế.

Theo ước tính của một người bán hàng ở đây, mỗi phiên chợ quê có hàng chục người bán cói. Không hiểu sao, người bán thường cặp đôi, thì ra trong đôi có con gầy, con béo. Khi đưa cho khách hàng xem, họ chìa ra con béo, còn con gầy thì xoay về phía mình. Cói sống thường đắt hơn nhưng khó định được độ béo, gầy thật chính xác. Cói chết (thường là cói đã làm lông) rẻ hơn nhưng không phân biệt được đâu là “cói sạch” vì sau khi hun khói đều màu nâu đồng như nhau. Bây giờ thì Công an và kiểm lâm kiểm tra khá chặt chẽ thu cói, phạt tiền nhưng có cung thì có cầu “dòng cói” muôn nẻovẫn “tuôn” lặng lẽ kín đáo theo kiểu “síp” hàng bán online của thời đại 4.0

Chợ cói đồng quê còn có một loại “cò” (Anh em với họ hàng nhà cói) nhưng đó là “cò người”. Người “cò mồi” này giả vờ mua cói đắt tiền hơn và khen cói béo, ngon đã hợp đồng ngầm với những người bán cói - thường đó là người buôn cói có từng lồng đựng cói để nâng giá. Sau đó cói từ người “cò mồi” lại quay về với chủ nhân của nó vì thế người bạn thơ của tôi khá quen thuộc vùng chợ này, bảo: “Chú mua chọn người bán vài đôi cầm trên tay, thường là người già hay phụ nữ có khuôn mặt phúc hậu, ít lời”. Đấy là những con cói do người nhà họ đơm được tranh thủ đi chợ bán…

Nếu như ở biển quê tôi, cá đã cạn kiệt bởi sự đánh bắt tận diệt những bầy cá nhỏ hay cá đang mùa đẻ trứng bằng những loại lưới mắt nhỏ li ti hay những tiếng nổ của mìn thì mùa cói quê tôi cũng đang bị tận diệt bởi nhiều loại “bẫy”, khi người dân chưa được giáo dục về nhận thức bảo vệ môi trường. Gần đây đã có chiến dịch “tẩy chay” bãi cói bằng cách kiểm lâm đi dỡ các bãi “cói mồi” các hàng “kèo” đặt bẫy để tiêu hủy nhưng ban ngày thì dễ thấy để thu hồi còn đêm đến những bóng "ma" cói vẫn chập chờn quyến rũ hút những đàn cói đang xao xác bay về . .

Hàng năm cói về ít dần. Loại chim này mong mỏi được di trú đến vùng an toàn để trú bão, để sinh sôi nảy nở, bắt sâu bọ trên ruộng lúa sau vụ gặt, trả lại sự yên lành, êm ả thanh bình cho làng quê bằng hình ảnh đàn chim nhởn nhơ kiếm ăn thì nay đã thành món nhậu đặc sản kéo theo bao hệ lụy từ các tiệc nhậu. Những bờ cây xanh tốt êm ả hay cây cổ thụ hiếm hoi mọc lên giữa đồng tỏa bóng mát cho người thợ cày, thợ cấy, nay lại thành nơi núp ngụy trang của người thợ săn rình rập để hạ thủ từng đàn chim trong những cái chết trắng im lặng không tiếng súng.

Hình như loại chim hiền lành và cần mẫn này cũng linh cảm được mối hiểm nguy khi bị dính nhựa nên lại kéo nhau lượn vòng bay ra biển và di cư đến một miền đất xa lạ khác trong con mắt tiếc ngẩn ngơ vừa để sổng con mồi của những kẻ săn cói. Họ đâu biết chính họ là thủ phạm tận diệt thế cân bằng sinh thái, tận diệt môi trường sống của loài chim trời bởi những món lời trước mắt.

Dọc đường 22, chúng tôi thỉnh thoảng lại gặp những đám lông cói bay tả tơi ven đường. Gió biển thổi về, thổi tung cả đám lông cói, báo hiệu cơn bão mới đang rập rình ngoài khơi. Và ở đất liền lại chuẩn bị xác xơ mùa cóivới bao cạm bẫy đang chờ: Bay về đâu hỡi cói?

Nguyễn Ngọc Phú
.
.