Chuyện ghi ở làng Kon Blo

Thứ Sáu, 09/09/2022, 16:12

Con người đã thổi vào bức tường thành sừng sững giữa đại ngàn Bình Định sinh khí, một sức sống nhân văn, có tinh thần bất khuất chống xâm lược… Và, đồng bào Bahnar Kriêm nơi đây luôn có ý thức cao trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Kỳ vĩ thành, thác đá

Từ trung tâm xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định) đi theo con đường mòn về hướng Tây Nam khoảng 5km là đến thành Tà Kơn (thuộc làng Kon Blo, xã Vĩnh Sơn). Đây là một thành đá với những phiến đá hình lục giác, hình trụ xếp liền kề, khít chặt vào nhau như một bức tường thành sừng sững giữa đại ngàn hùng vĩ của núi rừng Vĩnh Thạnh. Mỗi phiến đá xếp chồng lên nhau như có ai đó đã kỳ công ghè đẽo từng phiến một, rồi liên kết chúng vào nhau bằng một thứ hồ vữa vô hình. Đá phủ rêu xanh, dựng cao vút và đan cài trong những rễ cây cổ thụ.

a3 (2).jpg -0
Âm thanh cồng chiêng ngân vang ở làng Kon Blo (ảnh: Xuân Dũng).

Các nhà nghiên cứu cho rằng, thành Tà Kơn là một cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ được hình thành qua biến đổi kiến tạo địa chất cách nay hàng triệu năm. Hiện nay, tường thành dài hơn 500m, chỗ cao nhất khoảng 30m.

Theo tiếng Bahnar Kriêm, Tà Kơn có nghĩa là đá lớn xếp thành lũy. Và, hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này không chỉ trở thành danh thắng nơi núi rừng Vĩnh Sơn mà nó đã đi vào sử thi, trở thành huyền thoại của đồng bào Bahnar Kriêm. Nó như một thành lũy vững chắc, nơi cư trú và chứng kiến những trận chiến oai hùng chống lại thế lực bên ngoài của dân làng.

Nói về huyền thoại thành Tà Kơn, truyện cổ Bahnar Kriêm kể rằng, không rõ hai anh em Đrum và Đrăm từ đâu đến, thấy có hòn đá đẹp, họ dừng nghỉ chân rồi mài lại rựa. Lưỡi rựa chỉ liếc qua một tí đã sắc lẻm, chặt cây lớn mấy cũng ngã, đụng đến đá cứng mấy cũng đứt liền. Thấy Đrum, Đrăm khỏe đẹp và có hòn đá trời cho nên dân làng Kon Blo từ em bé mới biết đi đến người già chống gậy đều dắt díu nhau đi theo họ lập làng mới.

a1-(3)-2.jpg -0
Những gốc cổ thụ khổng lồ nhả rễ ôm lấy tường thành Tà Kơn.

Ngày trước, làng Kon Blo thường bị giặc phá, năm nào người dân cũng phải rời làng. Giờ có Đrum, Đrăm, có hòn đá đẹp, dân làng hăng hái mài dao, mài rựa để chặt đá, xây thành giữ làng. Đồng bào ở Kon Blo chặt đá vuông vức, kê lên nhau xây thành hình móng ngựa trên một sườn núi. Bên trong, dân làng làm nhà rông, nhà bếp, chuồng trâu, hầm cất lúa, giếng nước, làm đường xuyên từ núi ra ngoài… tất cả làm bằng đá. Đất ở ngoài thành, dân làng vẫn làm nương rẫy, trồng lúa, trỉa bông. Nhờ có thành đá này mà trai tráng trong làng cùng Đrum, Đrăm nhiều lần đánh thắng quân Tà Pông Kang.

Không chỉ là danh thắng, khu vực thành Tà Kơn tương truyền là căn cứ của nghĩa quân Tây Sơn từ những ngày đầu khởi nghĩa, tục danh vườn cam Nguyễn Huệ vẫn còn đó như minh chứng cho sự kiện ấy. Thời kỳ lịch sử hiện đại, 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, khu vực thành Tà Kơn từng là hậu cứ của du kích, quân chủ lực huyện Vĩnh Thạnh cho đến ngày đất nước thống nhất.

Gần thành Tà Kơn, nằm giữa cánh rừng già nguyên sinh có một thác nước miên man chảy. Dân làng Kon Blo gọi đây là thác Dơi. Thời điểm dơi tập trung ở khu vực này nhiều nhất là vào những năm 70 của thế kỷ trước. Người làng mỗi lần đứng ở đây dậm chân, lập tức dơi bay ra đen ngợp. Đến những năm 80, dơi bắt đầu ít dần và nay thì rất khan hiếm.

Thác Dơi cũng được hình thành từ những phiến đá hình lục giác, hình trụ giống như thành Tà Kơn. Đá ở đây đều đặn như được ai đó đẽo gọt và được sắp đặt khéo léo, trông như một tổ ong khổng lồ. Những phiến đá này có nguồn gốc thiên tạo, hoàn toàn không phải là sản phẩm từ bàn tay con người.

a2-(3).jpg -0
Đá ở thác Dơi được thiên tạo sắp đặt khéo léo, trông như một tổ ong khổng lồ.

Quanh thác Dơi cũng có câu chuyện huyền thoại được người Bahnar Kriêm truyền tụng. Đó là, thuở xa xưa, không biết chính xác ở thời nào, đang khi loạn lạc, có một làng với hơn trăm người dẫn nhau đến khu vực này trú ngụ. Trong thời gian ở đây, họ đã làm đám cưới tập thể cho chín cặp nam nữ. Rồi, qua thời gian, chẳng ai biết hơn trăm người ấy đi đâu hay đã mất tích. Đó là huyền thoại và người Bahnar Kriêm ở đây luôn tin rằng, trước khi có sự xuất hiện của bóng dáng con người và bầy dơi, thác Dơi chính là nơi trú ngụ của những vị thần.

Từ khi hình thành đến nay, thành Tà Kơn, thác Dơi vẫn hiện diện giữa khu rừng già nguyên sinh, là niềm tự hào của người Bahnar Kriêm ở Kon Blo. Trong những ngày lễ hội, đêm đêm bên bếp lửa hồng, các bậc cao niên, già làng ở Kon Blo vẫn kể lại huyền thoại thành Tà Kơn, thác Dơi cho con cháu mình nghe.

Giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Cũng như các dân tộc anh em chung sống trên dãy Trường Sơn, người Bahnar Kriêm ở làng Kon Blo trong quá trình tồn tại và phát triển đã kiến tạo cho mình một bản sắc văn hóa riêng biệt. Ngày nay, cho dù đã có nhiều sự thay đổi, phát triển nhưng đồng bào nơi đây vẫn luôn có ý thức cao trong việc giữ gìn bản sắc của dân tộc mình.

Ở làng Kon Blo, già Vin được xem là người "giữ hồn" văn hóa truyền thống của đồng bào. Hiện già nắm giữ rất nhiều bản trường ca, truyện cổ tích Bahnar Kriêm. Già luôn nỗ lực duy trì hoạt động văn nghệ của làng, củng cố các đội cồng chiêng, múa, hát. Nhờ có già truyền dạy mà làng Kon Blo bây giờ có rất nhiều đội cồng chiêng, múa xoang với 3 thế hệ thiếu niên, thanh niên và người cao tuổi luôn sẵn sàng trình diễn.

Già Vin bảo, chuyện đám trẻ của làng cùng nhau học múa, hát, đánh cồng chiêng, chơi nhạc cụ… đã thành nếp làng từ nhiều năm nay. "Mới đầu, già phải chủ động gọi đám trẻ đến, rồi biểu diễn khiến chúng tò mò, hứng thú. Dần dần, già bảo ban chúng về việc tiếp quản, gìn giữ, phát huy vốn văn hóa lưu truyền bao đời. Già nói với chúng, rồi thế hệ lớn tuổi sẽ từ giã cõi đời, làng chúng ta phải có những người mới biết hát, múa, đánh cồng chiêng và chơi các loại nhạc cụ, chứ chẳng lẽ để mai một hay sao. Đám trẻ cũng ngoan, hiểu chuyện nên cùng nhau học hỏi, nhờ vậy mà những nét văn hóa truyền thống của làng được gìn giữ hiệu quả", già Vin chia sẻ.

Đặc biệt, với người Bahnar Kriêm ở Kon Blo, cồng chiêng là biểu tượng của sự linh thiêng cao quý, tiếng cồng chiêng từ ngàn đời đi vào máu thịt của đồng bào. Từ lúc mới lọt lòng đã được tiếng cồng chiêng dẫn dắt gia nhập cộng đồng, lớn lên dựng vợ gả chồng và cả đến khi từ giã cõi đời cũng được tiếng cồng chiêng tiễn biệt về cõi vĩnh hằng. Có thể nói, âm vang cồng chiêng đã bám rễ vào đời sống của từng con người, được ướp hương thiên nhiên của trời đất. Văn hóa cồng chiêng không chỉ là mạch suối nguồn âm nhạc nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách của đồng bào mà còn là niềm vui, niềm tự hào, hồn thiêng của người Bahnar Kriêm.

Nhắc đến tiếng cồng chiêng, Trưởng làng Kon Blo Đinh Hú không khỏi tự hào. Ông bảo, năm 2019 là năm mà làng "thu hoạch" nhiều từ tiếng cồng chiêng. Đó là làng đạt giải A trong Ngày hội văn hóa cồng chiêng xã Vĩnh Sơn lần thứ I và là làng duy nhất trong hai đoàn nghệ nhân đại diện huyện Vĩnh Thạnh đã đóng góp một tiết mục trình tấu cồng chiêng với lễ hội đâm trâu tại Liên hoan văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định lần thứ I. Hiện nay, làng có khoảng 14 bộ cồng chiêng. Khơi dậy tình yêu, niềm đam mê đánh cồng chiêng cho thế hệ trẻ để những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc không bị mai một là cách làm của già làng, những người cao tuổi ở làng trong những năm qua.

Hiện làng Kon Blo có nhà bảo tồn văn hóa truyền thống, là nơi trưng bày, lưu giữ nhiều đạo cụ, nhạc cụ, trang phục truyền thống, đồ dùng lao động, sản xuất, sinh hoạt trong các gia đình như: cồng chiêng, đàn tơ rưng, đàn pơ lơn khơng, khố, chăn, váy, xa quay sợi… Thông qua các lễ hội văn hóa, các buổi sinh hoạt cộng đồng tại nhà bảo tồn văn hóa truyền thống, đồng bào Bahnar Kriêm có thể bảo tồn những giá trị văn hóa, truyền đạt tốt hơn cho thế hệ trẻ về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đời sống tinh thần được nâng cao sẽ giúp người dân ổn định cuộc sống, chung sức đồng lòng xây dựng quê hương.

Phan Nhuận Phin
.
.