“Bất chợt mai vàng” - tác phẩm đặc sắc viết về chiến tranh sau đại dịch
Dịch bệnh COVID-19 hoành hành vài năm trước là trạng huống bất thường của cuộc sống con người. Với nhà văn, nhất là những nhà văn cựu binh đi qua chiến tranh thì dịch bệnh là một dịp thúc đẩy họ nhớ lại những năm tháng chiến tranh đã qua. Bởi chiến tranh cũng giống dịch bệnh, đều bất thường, đều đầy nỗi lo lắng khi mạng sống đang yên lành đột nhiên trở nên mong manh không ngờ.
Nhà văn Nguyễn Trí Huân, tác giả của những "Mặt cát", "Năm 1975 họ đã sống như thế", "Dòng sông của Xô nét", "Chim én bay"… sau thời gian dịch bệnh đã trình bạn đọc tác phẩm mới với tên gọi "Bất chợt mai vàng", gồm hai truyện vừa: "Bất chợt mai vàng" và "Con họa mi lông xù vừa bay vừa hót" (NXB Văn học; lưu chiểu quý 3 năm 2023).
Khi dịch bệnh thúc đẩy kí ức
Không phải đến khi tiểu thuyết "Nỗi buồn chiến tranh" của nhà văn Bảo Ninh, "Bến không chồng" của nhà văn Dương Hướng được xuất bản, nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991 thì tâm thức nhìn nhận sâu sắc hơn về chiến tranh mới xuất hiện. Mà trước đó, sau Đổi mới 1986, văn học đã có sự rục rịch chuyển mình, có thể kể đến tiểu thuyết "Thời xa vắng" của nhà văn Lê Lựu, với nhân vật Giang Minh Sài: "Nửa đời người phải yêu cái người khác yêu, nửa còn lại đi yêu cái mình không có, đến bây giờ mới biết mình như thế nào thì lại…". Đến cuối năm 1987 là bài viết "Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa" của nhà văn Nguyễn Minh Châu in trên tuần Báo Văn nghệ.
Tiếp sau đó cuộc sống xã hội thay đổi, biến chuyển, đề tài chiến tranh cách mạng dần rút lui, nhường chỗ cho các đề tài khác được người viết trẻ lẫn người đọc hiện thời quan tâm hơn như lịch sử, kinh dị, đô thị, tính dục, môi trường, trinh thám… Những nhà văn đi từ rừng ra, trải qua bao cấp dường như không hòa nhập được với cuộc sống văn học mới cởi mở ồn ã, nơi các giá trị dần bị đảo lộn, chi phối bởi nhiều yếu tố. Họ vẫn viết, vẫn ra sách đều, nhưng tác phẩm thường không tạo được tiếng vang, chìm lẫn vào số lượng sách báo ồ ạt ra hàng tuần, hàng tháng. Từ đó đã có nhiều nhà văn bỏ cuộc chơi, nhiều nhà văn sống mãi với hào quang quá khứ, nhường diễn đàn văn chương lại cho lứa viết trẻ tiếp sau.
Nhà văn Nguyễn Trí Huân sau tiểu thuyết "Chim én bay", xuất bản lần đầu năm 1988, Giải thưởng văn học nghệ thuật 5 năm (1985-1989) Bộ Quốc phòng, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1988-1989 dần cũng im lặng trước thời cuộc, bận rộn với công việc quản lý ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội cũng như Báo Văn nghệ, Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm sau này. Tập sách ông ra gần đây nhất cũng đã gần hai chục năm, là tập ký "Dấu thời gian" năm 2004.
Cho đến vài năm trước, khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, đối diện với hoàn cảnh sống có phần nào đấy giống thời chiến, khi tất cả đều bị kiểm soát, từ đi lại đến phân phối nhu yếu phẩm - thì những kí ức tưởng ngủ quên được đánh thức dậy. Cả hai truyện vừa "Bất chợt mai vàng" và "Con họa mi lông xù vừa bay vừa hót" trong tập đều đặt hệ thống nhân vật chính phụ vào trong tình huống dịch bệnh những ngày căng thẳng nhất. Bà Luyến, vợ ông Kháng, người chị dâu của nhân vật tôi (người kể chuyện trong "Bất chợt mai vàng") ốm nặng trong những ngày dịch bệnh cận tết ta khi sắp thượng thọ chín mươi tuổi, bên cạnh là con cháu thay nhau test COVID-19 hằng ngày và đeo khẩu trang. Tướng Phong ở trong "Con họa mi lông xù vừa bay vừa hót" cũng chết vì dịch bệnh, khi bên cạnh không có ai, hơn mười ngày nhốt mình trong nhà tự điều trị và ra đi mãi mãi, quyết không tiêm vắc xin Trung Quốc.
Trở lại với vấn đề viết về chiến tranh ở thời điểm sau dịch bệnh làm sao vượt được bóng của những tác phẩm đi trước, không lặp lại. Con đường nhà văn Nguyễn Trí Huân chọn đó là tiếp cận chiến tranh như nó diễn ra, dưới cái nhìn thấu suốt, có đúng có sai, có chiến công cũng như đau thương mất mát, có màu hồng và cũng có cả màu đen nữa. Đồng thời cân bằng giữa kí ức chiến tranh và đời sống hiện tại. Phần kí ức chiến tranh có thể hiểu là phần xương khung, phần đời sống hiện tại là phần da thịt đắp vào bên ngoài. Các tác phẩm viết về chiến tranh trước đây thành công được là do phần da thịt cân xứng với phần xương bên trong, khi đất nước vừa bước ra khỏi chiến tranh, mỗi con người trở về, mỗi con người chờ đợi đều là một câu chuyện xứng đáng được nói đến. Nhưng càng lùi xa khỏi cuộc chiến, đất nước càng phát triển đi lên, nghịch lý thay phần da thịt lại có phần bợt bạt đi so với phần xương vững chắc bên trong.
Tác phẩm "Bất chợt mai vàng" đã tạo ra được cả hai phần khung xương và da thịt tương ứng. Bởi chỉ có giữa sống chết con người mới thể hiện được hết bản chất thật của mình. Chỉ có sự xáo động khôn cùng của đời sống hiện tại mới kéo được quá khứ sống động thức dậy.
Đúng và sai ở riêng mỗi góc nhìn, mỗi thời điểm
Ông Tuân trong truyện "Bất chợt mai vàng" đúng với dòng họ khi ông là con độc đinh; vào trận ông luôn hèn nhát, sợ chết tìm cớ thoái thác để được ở lại tuyến sau, được trở về, thậm chí tìm cách đào ngũ để có thể giữ cho dòng họ một mụn con trai nối dõi. Nhưng ở phía đồng đội thì ông sai khi đã gián tiếp gây ra cái chết cho Kháng, người thay ông đi đánh trận phủ đầu giặc Mỹ khi chúng đang tập hợp máy bay, xe bọc thép tại sân bay Đà Nẵng chuẩn bị cho một trận càn lớn. Sai cả với gia đình ông Kháng nữa, vì sự khôn lỏi của ông mà mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất bố, em mất anh. Với anh em đơn vị thì vì ông đào ngũ mà rất lâu sau đơn vị mới được công nhận anh hùng.
Tướng Phong trong truyện "Con họa mi lông xù vừa bay vừa hót" ngược lại với ông Tuân. Ông sai với dòng họ, bao năm không dám về làng, bởi chính ông trong cải cách ruộng đất đã đấu tố bà Thuộc cô ruột của mình đến câm. Trong khi chính bà là người đã đút tiền cho lính gác để lấy thủ cấp của bố mẹ ông về chôn cùng thân, nuôi giấu ông cùng đồng đội hoạt động đánh Pháp trong chính ngôi nhà của mình. Rồi ông còn nghe xúi giục tuyên bố từ bỏ giai cấp địa chủ, phong kiến, từ bỏ cô ruột đến dòng họ có nhiều tên phản quốc. Máu nóng trong anh chàng mười sáu tuổi hăng say cách mạng khiến ông không nghĩ đến hậu quả sau này. Dòng họ Phạm làng Hạ xóa tên ông trong gia phả từ ngày đó.
Còn với cách mạng ngược lại ông là người có nhiều thành tích. Trong cải cách ông đã giúp nhiều người nghèo trong làng trong tổng có ruộng cày, có nhà ở khang trang. Sau này vào lính ông cũng gan dạ lập nhiều chiến công. Hòa bình về công tác tại thành phố ông cũng giúp nhiều người có năng lực được nhận vào làm không phải quà cáp biếu xén gì. Ở khu tập thể ông ở ông cũng giúp được nhiều người khi ốm đau hoạn nạn. Tất cả mọi người đã gặp sau này đều coi ông là người tốt, nhưng người trong họ ông ở phần đời trước cải cách ruộng đất thì không. Như khi còn chiến tranh được ra Bắc báo cáo điển hình về thành tích đánh Mỹ ông có cùng anh Dung Chủ tịch tỉnh (người quen từ thời kháng Pháp) về làng thì nhận được sự lạnh nhạt của người cùng tông tộc, họ còn chẳng nể nang, nói thẳng toẹt: "Đến tổ tiên, dòng họ nó còn từ bỏ thì anh hùng cái nỗi gì". Sau này thi thoảng nhớ quá ông cũng tìm về làng Hạ, nhưng là về giữa đêm để thắp hương cho bố mẹ, cho cô Thuộc rồi đi ngay để tránh gặp người. Ngay cả khi ông chết, ông trưởng họ xin âm dương mấy lần không được, người trần đã tha thứ cho ông, nhưng người âm thì vẫn chưa buông bỏ.
Có thể nói tác phẩm "Bất chợt mai vàng" của nhà văn Nguyễn Trí Huân đã soi chiếu được cả cái tốt lẫn cái xấu của người lính trong và sau chiến tranh mà không lên gân, không tuyên truyền, để cho câu chuyện của nhân vật tự dẫn dắt. Ông Tuân đã đào ngũ, nhưng khi nghĩ lại sự hy sinh của người bạn cùng quê đã quay lại đầu thú trước một đơn vị bộ đội địa phương, chịu giam giữ cải tạo lao động trong ba năm rồi trả về địa phương. Chính ông Tuân là người gửi chậu mai vàng cho bà Luyến vợ ông Kháng như lời xin lỗi nhưng giấu tên. Ông tướng Phong thì luôn nghe ngóng tin tức về bà cô Thuộc. Sẵn sàng giúp đỡ mẹ con người phụ nữ không quen chỉ vì họ có từng quen cô ông, và được cô dạy món cháo xe bí truyền. Ông Phong cũng không vượt qua lằn ranh với người đàn bà vợ của chính ủy, đồng đội của ông. Tất cả nhân vật trong truyện đều đáng thương, cả đáng trọng nữa, vì họ luôn biết mình sai lầm trong quá khứ, giờ họ sống ở hiện tại thật tử tế để cứu chuộc chuyện từ những ngày xưa.