Đọc tập thơ "Thị trấn ngủ quên" của Phan Đức Lộc, NXB Thanh niên, 2024

Bản sắc vùng cao trong "Thị trấn ngủ quên"

Thứ Hai, 08/07/2024, 18:14

Tôi không biết nên gọi Thượng uý Công an Phan Đức Lộc là nhà văn hay nhà thơ, bởi cả thơ và văn xuôi dường như đều là sở trường của anh. “Thị trấn ngủ quên” là tập sách in riêng thứ 10 và là tập thơ đầu tay của cây bút còn rất trẻ (sinh năm 1995) được nhà xuất bản Thanh niên ấn hành quý I năm 2024, với 35 bài thơ nhỏ xinh tràn ngập không khí vùng cao, đậm đà sắc màu thổ cẩm, thắm đượm hồn vía mảnh đất anh đang công tác.

Cuốn sách này vừa giành được giải Nhất Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên lần thứ IV, giai đoạn 2019 - 2024.

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất địa linh nhân kiệt xứ Nghệ, nơi mà “câu ví dặm nằm nghiêng” (Hoàng Trần Cương), nhưng số phận đã đưa anh trở thành người chiến sĩ Công an tỉnh Điện Biên, xứ sở của những sắc màu hoa ban trắng muốt, những âm vang chiến công lừng lẫy, những con sông Nậm Rốm, Nậm Núa như một dòng chảy văn hóa vô thức trong trang viết của anh. Và tập thơ “Thị trấn ngủ quên” là minh chứng rõ nhất cho điều đó.

Bản sắc vùng cao trong
Bìa tập thơ mới xuất bản của Thượng úy Công an Phan Đức Lộc.

Paustovsky từng nói: “Niềm vui của nhà văn chân chính là được làm người dẫn đường đến xứ sở cái đẹp”. Được chưng cất từ hiện thực cuộc sống, “Thị trấn ngủ quên” là niềm tri ân, tiếng hát tâm tình Phan Đức Lộc gửi đến mảnh đất anh đã và đang gắn bó. Với mạch xúc cảm ấy, tập thơ được chuyên chở bằng giai điệu mới, phong cách độc đáo làm nên bản sắc riêng khó trộn lẫn thông qua vẻ đẹp hòa quyện của ngôn từ, thi ảnh, giọng điệu... Thơ Phan Đức Lộc vừa hồn nhiên, trong trẻo, vừa chiêm nghiệm sâu sắc, đan cài nhiều vỉa tầng triết lí với những thao tác tư duy của đồng bào miền núi Tây Bắc.

Phải nói rằng, nếu không được sinh ra, lớn lên từ Điện Biên thì có lẽ tác giả phải gắn bó, yêu đậm sâu và đắm hồn mình trong không gian ấy mới cất lên được những tâm tình mang đầy âm hưởng vùng cao như thế. Đọc “Thị trấn ngủ quên”, ta dễ bị hút hồn bởi bản sắc Tây Bắc rất riêng và đậm nét nhưng thật khó để lí giải một cách rạch ròi. Ngôn ngữ thơ Lộc khi tự nhiên, mộc mạc như hơi thở, lời ăn tiếng nói hằng ngày: “Hạt thóc thuôn nước mắt/ hạt ngô tròn mồ hôi/ bước lẻ nắng nhú cười/ bước chẵn mưa chín rụng…” (Nương đá); lúc sâu lắng, thâm trầm như cây ban già bám rễ vào lòng đá: “Thị trấn mang tên một loài hoa không quả/ Chiều lan man vân khói lạc trời/ những dấu chân chảy trên ngàn dấu lá/ tàn hoàng hôn mang nhóm bếp nhà người” (Thị trấn ngủ quên). Cái tình gia đình, tình quê hương hay tình trai gái đều được diễn tả cao như núi, sâu như thung, như tiếng hát bay lên đến chín tầng trời, mười tầng đất, không chút vòng vo, ỡm ờ: “Thương thương em ngóng ngóng/ nhớ nhớ em mong mong” (Lục lạc) hay “Ta còn nhớ mùi tóc đằm bồ kết/ làn da thơm như xôi nếp mùa thu/ giọt nước mắt gợn sóng lòng hồ biếc/ mới đây thôi mà thành cũ rồi ư?” (Bên mé cổng nhà vợ cũ).

Bằng góc nhìn mộc mạc và tinh tế, Phan Đức Lộc đã xây dựng hệ thống hình ảnh cụ thể, gần gũi lại mang tính khái quát cao: “dải khăn piêu sứt chỉ” (Giấc khói), “tiếng mõ trâu dẫn đường” (Mẹ và nhà),“loài hoa xuân hóa thân từ đuôi cáo” (Thị trấn ngủ quên),“mùa hoa tràn kẽ tóc” (Mùa hoa trong kẽ tóc), “núi cô dâu là đà voan nắng” (Cọn nước), “nghiêng đêm đọng vũng trăng mơ” (Khu rừng ngẫu hứng), “giấc mơ đan kiểu vỏ sò” (Voan nắng trái mùa) …

Nhà thơ lấy cái cụ thể để nói cái trừu tượng, lấy núi cao sông dài để bộc lộ nỗi niềm, khát vọng, tình cảm của cá nhân. Tính biểu tượng trong từng hình ảnh phải cảm nhận bằng linh hồn, thần thái vốn có của sự vật. Chi tiết mà khái quát, hữu hình mà huyền hoặc, có vẻ vô lí nhưng lại hết sức có lí: “Hoa cháy lòng cây thành gỗ mục/ sông luân hồi sóng vỗ ngược theo trăng/ đời sông chảy cong, kiếp cây mọc thẳng…” (Cây gạo bên dòng Nậm Rốm) hay “Mái nhà em, cỏ mọc xanh rờn/ hàng rào đá, lỗ hổng chưa liền sẹo/ em chẳng rõ quả pao tròn hay méo/ người đi rồi, em biết ném cho ai?” (Hát cho người cũ).

Phan Đức Lộc đã thực hóa thân vào những phận người trên miền đất ấy một cách bộc trực, mạnh mẽ và chân tình, đồng thời, nỗ lực vận dụng lối tư duy và cách diễn đạt giàu bản sắc vùng cao Tây Bắc. Đó có thể là những lời tâm tình thiết tha, những mong nhớ đợi chờ, những hoài niệm xót xa của một sơn nữ trong lễ hội mùa xuân ("Lục lạc", "Phải chăng mùa xuân", "Hát cho người cũ"). Đó có thể là những lời than thở, nỗi buồn thương đau đáu của những cặp đôi yêu nhau mà dang dở ("Ngâu khúc cho người", "Điệu sáo thức trong ký ức", "Bên mé cổng nhà vợ cũ"). Đó là những lời tâm tình, sự nhắn nhủ yêu thương của người con cho gia đình, cho quê hương dẫu còn những cực nhọc, đói nghèo ("Viết tặng cha", "Cánh đồng Mường Thanh", "Mẹ và nhà")…

Toát lên trong sự hóa thân ấy, người đọc nhận thấy vẻ đẹp niềm vui của lao động: “Ruộng mọc đầy dấu chân/ tay gầy thân lúa lép/ đôi lần vấp vào gốc rạ/ sót bông lúa trĩu mang bầu” (Những đứa trẻ trên cánh đồng Nà Sáy), ý chí xây dựng lại quê hương, bản làng từ những vết thương chiến tranh: “những hố bom đong những mùa lúa mới/ đồng Mường Thanh nghiêng như một cánh diều” (Một thoáng Điện Biên).

Cùng với việc sử dụng từ ngữ, hình ảnh mang đậm bản sắc vùng cao, giọng điệu cũng là một phương tiện khá đặc sắc chuyên chở hiệu quả những hiệu ứng nghệ thuật đẹp đẽ của tập thơ. Trong “Thị trấn ngủ quên”, ta bắt gặp một giọng điệu đa thanh, có bài thơ đằm thắm trữ tình ("Thung lũng Pú Nhung", "Bên bếp lửa", "Vòng xòe", "Điệu sáo thức trong ký ức"…), lại có bài thơ mãnh liệt, hào hùng đậm chất sử thi ("Một thoáng Điện Biên", "Cánh đồng Mường Thanh", "Cây ban trong miệng vực", "Những đứa trẻ trên cánh đồng Nà Sáy"…). Dù là giọng điệu nhẹ nhàng, êm dịu hay rắn rỏi, chắc nịch thì âm hưởng chung vẫn rất tự nhiên, nhuần nhị. Có được sự mượt mà ấy chính là nhờ sự lặp lại của các dấu chỉ về hình ảnh, các điệp từ mà ta bắt gặp ở hầu hết các bài thơ: “Giọt giọt treo vách đá/ giọt giọt đậu nhành hoa/ lục lạc, lục lạc xa/ giòn tan lời lửa củi” (Lục lạc), “Ngâu khúc của ta/ ngâu khúc của ta/ phố núi trôi xa/ ngõ hoa lạ khuất” (Ngâu khúc cho người) hay “Những sợi lanh mình giã/ vừa mềm lại vừa tơi/ thơm từ trong lòng cối/ thơm lên đến đỉnh trời” (Giã lanh).

Những thi liệu đặc trưng như: vòng xòe, bếp lửa, điệu sáo, tiếng khèn, vó ngựa, sợi lanh, khăn piêu, lục lạc, nhà sàn, cọn nước, cánh rừng, ngọn núi, nương đá, cây ban, cổng trời... đã tô đậm thêm cho vẻ đẹp của bản sắc vùng cao trong “Thị trấn ngủ quên”. Cộng hưởng để tạo nên sự dư ba cho tập thơ này bên cạnh bề mặt hình thức như đã chỉ ra thì chiều sâu giá trị tư tưởng, tình cảm cũng được tác giả khéo léo gửi gắm trong từng vân chữ. Để có lúc, Phan Đức Lộc thổn thức tự vấn: “Đôi khi ước tóc như mưa, như nước/ đục và trong cùng ý nghĩ vô thường/ một nhóm đời có còn dư tro bụi/ thả lên trời dăm sợi mảnh hư không?” (Mưa tóc); rồi chợt lặng lẽ nhận ra: “những mùa ban mải miết khứ hồi/ ban bừng nở để cây thay lá mới/ ta cũ đi/ vì chưa sống cho mình” (Thành phố hoa ban).

“Thị trấn ngủ quên” nhưng Phan Đức Lộc vẫn còn thức để lặng ngắm miền đất mang vẻ đẹp hoang sơ mà quyến rũ như ngọn cỏ đỉnh chiều, nồng say như bát rượu ngô, tinh khôi như sắc hoa ban, đặc trưng như bát thắng cố. Cái đẹp hiển hiện trong từng câu chữ, trong từng giai điệu, trong từng mạch cảm xúc. Nhà thơ Hoàng Anh Tuấn đã nhận định trong lời tựa tập thơ: “Thơ Phan Đức Lộc viết về mảnh đất “Thị trấn ngủ quên” thoảng nét hồn nhiên, trong trẻo tuổi đôi mươi nhưng chứa đầy chiêm nghiệm, sâu sắc sự đời. Tôi có cảm giác vẻ đẹp thi ảnh và ngôn từ trong thơ anh có thể nhìn thấy mà không dễ nắm bắt, như cây gạo nở bên dòng Nậm Rốm “vừa lung linh, vừa sắp sửa suy tàn”. Đó là vẻ đẹp rực rỡ và kiêu hãnh của những vần thơ tuổi trẻ, hết mình và tận hiến…”.

Dấn thân vào con đường văn chương từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Phan Đức Lộc không chỉ thành công trên thể loại truyện ngắn, tiểu thuyết mà ở lĩnh vực thơ anh cũng đã đoạt được nhiều giải thưởng danh giá. Tập thơ nhỏ xinh “Thị trấn ngủ quên” chắc chắn sẽ như sợi thổ cẩm kết nối người đọc đến với xứ sở của cái đẹp, của những huyền thoại, những chiến công giữa trập trùng núi rừng Tây Bắc, nơi anh đang ngày ngày khám phá những vỉa tầng văn hóa, những vẻ đẹp tiềm ẩn ngàn năm…

Đinh Hạ
.
.