Văn hóa tranh luận nhìn từ Nobel văn chương 2016
- Huyền thoại âm nhạc Hoa Kỳ: Bob Dylan: Những câu hỏi "cuốn đi theo gió"
- Đêm 10/4, huyền thoại âm nhạc Bob Dylan biểu diễn tại Việt Nam
Khi nghệ sỹ Mỹ Bob Dylan được vinh danh là người đoạt giải Nobel văn chương 2016, ông đã khiến cả thế giới phải kinh ngạc thực sự. Nói một cách khác, khách quan hơn, Viện Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã có một lựa chọn khiến cả thế giới kinh ngạc. Chưa bao giờ có một tiền lệ như thế cả. Chưa bao giờ Nobel văn chương được trao cho một ca sỹ/ nhạc sỹ và có lẽ, Bob Dylan mở màn cho một xu hướng lựa chọn mới song cũng sẽ phải rất lâu nữa mới có một nghệ sỹ âm nhạc thứ hai nhận Nobel văn chương như ông.
Sự kinh ngạc mà giải Nobel văn chương 2016 tất nhiên sẽ tạo ra tranh luận. Nhưng điểm đáng lưu ý nhất đối với giới trí thức Việt Nam chúng ta chính là những tranh luận trên thế giới đã diễn ra như thế nào? Rất đa chiều và rất văn minh. Đó chính là đặc điểm của tranh luận xoay quanh Nobel văn chương 2016.
Hầu như ít có bài phê bình nào dùng từ "không xứng đáng" đối với trường hợp của Bob Dylan. Với họ, ông mặc nhiên xứng đáng. Thứ khiến họ tranh luận chỉ là "Có nên trao cho Bob Dylan hay không?" hoặc "Nobel văn chương 2016 được kiến giải theo các quan điểm như thế nào?" mà thôi.
Tờ New York Times là cơ quan truyền thông đầu tiên nhắc tới Bob Dylan và Nobel văn chương 2016 với quan điểm không ủng hộ nhưng cách đặt vấn đề của họ có thể khiến những người yêu qúy Bob Dylan, hoặc những người thích sự cách tân, không phật ý.
Họ đánh giá trong bài viết "Tại sao không nên trao Nobel cho Bob Dylan?" rằng ông rất giỏi về ngôn từ, thi tứ dồi dào nhưng những ngôn từ của ông không thể tách rời khỏi âm nhạc. Như vậy, cách họ nhìn nhận ở đây là muốn phân biệt giữa âm nhạc và văn chương, tách rời chúng ra, để đưa ra quan điểm về sự không nên, hay nói đúng hơn là không phù hợp.
Một bài khác, trên tờ Telegraph của Anh, đánh giá cũng tương đồng như New York Times, với lập luận rằng "Bob Dylan không cần Nobel nhưng văn chương lại cần Nobel". Cách đặt vấn đề của họ cũng thú vị vô cùng, khi họ nhắc đến những tên tuổi lớn trên văn đàn thế giới vẫn chưa chạm được vào Nobel như Nikos Kazantzakis, Haruki Murakami, Milan Kundera… và hàm ý của họ rất rõ. Đó là hãy trao cho văn học đi cái đã, khi nào văn học hết người xứng tầm thì có thể tính sau.
Thực ra, nếu chúng ta theo dõi tình hình liên quan đến Nobel văn chương, chúng ta sẽ không quá ngạc nhiên với Bob Dylan. Ông đã được manh nha đề cập tới từ những mùa giải trước, và ở mùa giải này, trước khi công bố, ông có tên trong danh sách những ứng viên. Như vậy, rõ ràng đã có một "lộ trình thay đổi" của Nobel văn chương chứ không phải Viện Khoa học Hoàng gia Thụy Điển làm theo kiểu hứng lên "mình thích thì mình trao thôi".
Văn hoá trong tranh luận của các luồng quan điểm trên thế giới xoay quanh Nobel văn chương cho Bob Dylan khiến chúng ta phải suy nghĩ rất nhiều khi đọc được phản ứng của giới trí thức Việt Nam về sự kiện đó.
Có người suy luận ngay đến vấn đề chính trị và các âm mưu thuyết liên quan đến chính trị. Có người không buồn lập luận một cách có logic khoa học nào cả và kết luận ngay rằng Bob Dylan không xứng đáng. Thậm chí, có người còn mỉa mai làng văn học Việt theo kiểu nếu Trịnh Công Sơn được giải thưởng Hội Nhà văn chắc chắn sẽ diễn ra một đợt công kích dữ dội chưa từng thấy.
Suy cho cùng, Bob Dylan được Nobel Văn chương là một sự kiện lớn và nó chẳng có gì là phi lý cả. Bob theo đuổi nhạc đồng quê, dân gian và lối hát của ông cũng là lối troubadour, vốn dĩ được coi là hát thơ. Trước Nobel, giới phê bình nghệ thuật vẫn coi Bob như một nhà thơ, với ngôn từ giàu thi ảnh và thi tính.
Hơn nữa, nếu nhìn vào lịch sử loài người, với những Homer, Sappho hay nhiều văn hào Á Đông, chúng ta nhận ra rất rõ chân tính của thơ. Đó chính là thơ được viết ra để nó được vang lên (ngâm, đọc, xướng, hát), được trình diễn với nhạc cụ làm nền. Bởi vậy, trong quan niệm của nhiều nền văn hoá, thi ca là khái niệm không tách rời, bao gồm thi (thơ) và ca (nhạc tính). Ngoài ra, thơ và ca khúc rất gần nhau ở một điểm: đó là vần và điệu.
Chính vì thế, việc một người như Bob Dylan được Nobel văn chương không có gì là quái gở. Nó chỉ lạ, so với thói quen nhìn vào Nobel văn chương của chúng ta xưa nay. Và cái gì lạ tất nhiên tạo ra tranh luận.
Vậy, điểm khác biệt giữa tranh luận có văn hoá của thế giới và những tranh cãi mang tính chủ quan của giới trí thức Việt Nam là gì? Cơ bản nhất, đó là sự không thấu hiểu thế nào là tính dân chủ trong tranh luận, là sự thiếu hụt tri thức, kiến thức cần thiết. Vì thế, chúng ta dễ biến mình thành những người dư thừa định kiến nhưng lại thiếu thông tin và phương pháp luận.
Một ví dụ mà chúng ta có thể nhìn vào, để từ đó suy ngẫm kỹ hơn về sự thiếu tri thức của mình. Trang fanpage facebook khoa học Stephen Hawking có tới gần 4 triệu người theo dõi và mỗi dòng trạng thái ông đưa lên luôn đạt tối thiểu chục ngàn lượt yêu thích, bình luận, chia sẻ.
Những dòng trạng thái của ông, chủ yếu nói về khoa học, và không dễ hiểu chút nào và con số tương tác ấy nói lên một điều rất đơn giản: mặt bằng dân trí chung của nhiều nước trên thế giới rất cao. Mặt bằng dân trí ấy thể hiện qua điều mà họ đọc, họ quan tâm mỗi ngày trên mạng xã hội.
Trong khi đó, một dòng trạng thái chia sẻ mang tính khoa học như thế sẽ nhận được bao nhiêu tương tác ở Việt Nam? Chúng ta có thể dừng tranh luận ở ngay câu hỏi này, khi một trí thức (tạm gọi) nào đó vừa mới kịp chấm dứt một dòng bình luận của mình xoay quanh một cô Linh Miu nào đó chẳng may lộ hàng ở một hội chợ.