Văn chương thời công nghệ

Thứ Sáu, 26/05/2017, 08:06
Có không ít tác phẩm thuộc dòng văn chương thị trường bị xem như món hàng hóa sản xuất hàng loạt, nhanh và nhiều về lượng, lắm hào nhoáng bề ngoài mà nhẹ tênh về chất trong guồng quay của thời đại công nghệ.


Khi khái niệm "trợ lý" vẫn mới mẻ với hầu hết nhà văn Việt Nam thì giới văn trẻ đã lắm người sở hữu "trợ lý". Nhà văn bây giờ khác nhiều thế hệ trước. Họ có cái nhìn tỉnh táo hơn với văn chương và đầu tư cho nó bài bản như một công việc kinh doanh có lãi. Gào, Tùng Leo, Jun Phạm… đều có trợ lý riêng. Họ là người sắp xếp thời gian công việc, thậm chí có thể tư vấn cho nhà văn nên ra sách vào thời điểm nào, nội dung nào cần khai thác để sách bán chạy, định hướng hình ảnh …

Vậy nên không lạ khi cụm từ "văn chương thần tượng" ra đời với chất ngôn tình lãng mạn đẫm trong trang văn lẫn hình ảnh "soái ca", "thánh nữ" lung linh ngoài đời đến cách hành xử gần gũi, thân thiện với độc giả trẻ. Trợ lý cũng là người giao dịch với nhà xuất bản, lên lịch quảng bá truyền thông, cách thức ra mắt sách và quan hệ với fan... Nhà văn ngày nay, ngoài viết lách còn làm thêm nhiều nghề như MC, diễn viên, nhạc sĩ, ca sĩ, diễn giả… Do đó, trợ lý cũng sẽ phụ giúp họ sắp xếp các công việc này.

Nhà văn Văn Thành Lê từng đưa ra "công thức" viết văn của đa số nhà văn thị trường bây giờ là "một chút ngôn tình Trung Quốc, một chút bi lụy của phim Hàn, một chút lê thê của phim bộ Đài Loan và tổ chức ra mắt sách hào nhoáng, ồn ào theo kiểu showbiz".

Nhận định này của anh ngay lập tức gây tranh cãi. Nhất là khi Văn Thành Lê quả quyết đó không phải là văn chương mà na ná văn chương. Đa phần các cuốn sách đều theo dạng tản văn, truyện ngắn thủ thỉ những cảm xúc yêu đương, thương ghét vụn vặt cá nhân. Nội dung trùng lặp nhau đến mức nhàm chán. Và số lượng những cuốn sách và tác giả kiểu này thì đếm không xuể.

Một lần, cô sinh viên năm thứ 3 khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh khoe rằng cô kiếm được một công việc làm thêm rất thú vị. Đó là viết tản văn thuê cho một nhà văn trẻ không mấy tên tuổi. Mỗi tản văn tầm 1.000 chữ, người ta trả cho cô 20.000 đồng. Hỏi sao trả thấp vậy, cô bảo mức đó là cao với sinh viên rồi. Bởi có bạn viết giùm tin PR, quảng cáo cho một số công ty, mức giá chỉ 10 ngàn với bài có độ dài tương tự.

Chuyện viết hồi ký, tự truyện cần có người chấp bút hoặc viết thuê là chuyện thường. Bởi không phải ai muốn kể lại chuyện đời mình cũng có khả năng viết lách. Hàm lượng sáng tạo và chất văn chương ở những loại sách này không nhiều. Nhưng đến các thể loại trung tâm của văn học như truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết… mà cũng thuê người viết thì lại là chuyện khác.

Bây giờ lên mạng gõ cụm từ "tìm người viết thuê truyện" hoặc "viết sách thuê" sẽ không khó tìm ra kết quả. Lại có tác giả thuê nguyên một nhóm sinh viên, mỗi người triển khai một đoạn trên cái ý phác thảo ban đầu của tác giả. Sau khi hoàn thành, tác giả chỉ việc biên tập lại, chính sửa cho ra giọng văn của mình là xong. "Sáng tác" kiểu này thì một năm sòn sòn 2, 3 cuốn là điều dễ hiểu. Không ngạc nhiên khi ai đó cay cú chửi đổng: "Viết như thế này, tui viết cũng được". Thực tế, những cuốn sách nhạt toẹt như vậy vẫn được bày bán dày đặc ở kệ văn học Việt Nam.

Ngoài thuê người viết, số khác sáng tác theo trào lưu văn chương mạng mà nhiều nhà văn ngôn tình thế hệ mới của Trung Quốc đã và đang áp dụng. Trào lưu này đầu tiên chỉ viết để sẻ chia đứa con tinh thần của mình, từ đó nhờ người đọc góp ý ngay trong phần bình luận để hoàn thiện tác phẩm.

Về sau, một số truyện ăn khách và thu được bộn tiền vì web trả hoặc được xuất bản thành sách thì họ đua nhau viết để kiếm tiền. Nội dung từ đó càng sốc óc với đủ đề tài tế nhị như đồng tính, loạn luân, khiêu dâm, bạo lực… nhằm lôi kéo người đọc. Lối sáng tác tiểu thuyết này được thực hiện theo kiểu người viết triển khai một vài đoạn đầu. Về sau, dân mạng góp ý đến đâu, họ viết đến đấy và chiều chuộng hết mức ý muốn của thượng đế. Ở Việt Nam, hiện tượng viết kiểu này mới bắt đầu nhưng tỏ ra rất sôi nổi.

Không thể phủ nhận quy trình công nghệ ở khâu in ấn, xuất bản, phát hành, tiếp thị… hay việc nhà văn có trợ lý đang dần chuyên nghiệp hóa hoạt động văn chương. Thị trường văn chương cần chuyên nghiệp hóa thì khâu sáng tạo cũng rất cần như vậy. Thế nhưng, nó không phải chuyên nghiệp hóa theo hướng biến bộ óc và trái tim nhà văn thành một cái máy.

Độc giả cần những tác phẩm văn chương từ sự lao động nghệ thuật nghiêm túc (Ảnh mang tính chất minh họa)

Thạc sĩ Nguyễn Thị Phương Thúy, Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh: Nhà văn thuê mướn ý tưởng là phản đạo đức nghề nghiệp

Trong văn chương thị trường, muốn bán chạy thì các sáng tác phải công thức hóa một chút, phải dễ hiểu, dễ đọc. Dòng này nổi lên nhiều cây bút tốt, tuy nội dung không sâu sắc nhưng câu chữ lại rất mượt mà, hấp dẫn. Với sự hỗ trợ của mạng xã hội, công nghệ phát hành, PR chuyên nghiệp, nhất là khi nhà văn nổi tiếng phần nhiều dựa vào những thứ ngoài văn chương (như vẻ ngoài bắt mắt, lối sống tích cực, tính cách dễ thương…), họ bán sách rất chạy. Nhưng lắm nhà văn viết rất tệ cũng bán được sách. Phải chăng sự nổi tiếng ngoài văn chương của họ quá mạnh lấn át cả chất lượng tác phẩm? Với tư cách người quan sát, tôi không quá lo lắng vì theo thời gian, tác phẩm như thế sẽ rơi vào quên lãng.

Riêng chuyện nhà văn thuê mướn ý tưởng, về mặt quan hệ thương mại và vấn đề tác quyền, tôi cho rằng nó không sai. Hai bên thuận mua vừa bán. Người viết thuê tự nguyện từ chối tác quyền của mình. Nhưng về mặt giá trị văn học, giới nghiên cứu luôn quan tâm đến quan hệ tác giả - tác phẩm. Bởi văn chương vốn được mặc định là thế giới sáng tạo, tâm hồn của cá nhân nhà văn. Viết thuê bị xem là phản đạo đức nghề nghiệp.

Nhà lý luận, phê bình văn học Trần Hoài Anh: Không thể chấp nhận sáng tạo văn chương  bị "công nghệ hóa"

Việt Nam đang đẩy mạnh tiến trình công nghiệp văn hóa trong thời kỳ hội nhập. Đây là cách tiếp nhận hay sản xuất các sản phẩm văn hóa bằng một quy trình công nghệ hiện đại qua việc vận dụng thành tựu khoa học kỹ thuật, gắn văn hóa với kinh tế. Văn chương là một bộ phận của văn hóa vì thế nó cũng bị chi phối bởi quá trình công nghiệp văn hóa. Các khâu đầu ra của một tác phẩm văn chương như in ấn, phát hành, quảng bá, tổ chức các sự kiện để giới thiệu các tác phẩm mới của các nhà văn hay việc dịch thuật, giới thiệu để "xuất khẩu" tác phẩm văn học ra nước ngoài... có thể được tổ chức bài bản như một quy trình công nghệ.

Nhưng quá trình sáng tạo văn chương thì không thể có khái niệm "công nghệ hóa". Bởi, sáng tạo văn chương là lao động nghệ thuật xuất phát từ "nỗi đau đớn lòng" từ "những điều trông thấy" qua những "cuộc bể dâu" như đại thi hào Nguyễn Du đã nói.

Vì thế, dù quá trình "công nghệ hóa" có chuyên nghiệp, có hiện đại đến đâu thì cũng không thể thay thế cho quá trình sáng tạo của nhà văn từ việc tiếp nhận hiện thực, trăn trở, ưu lo, ngẫm ngợi trước hiện thực đó, rồi sáng tạo thành tác phẩm. Lao động nghệ thuật là lao động đặc biệt chỉ sáng tạo một lần và không bao giờ lặp lại, nó khác với quy trình công nghệ - một kiểu sản xuất hàng loạt. Và như vậy, sản phẩm nghệ thuật cũng là sản phẩm độc đáo không lặp lại.

Tôi không đồng tình với hiện tượng "công nghệ hóa" trong văn chương thị trường. Không thể chấp nhận người viết cắt ghép chỗ này một chút, chỗ kia một chút để lắp ráp thành tác phẩm rồi bảo đó là sáng tạo văn chương. Một số tác phẩm của các nhà văn trẻ bây giờ đọc chỉ để giải trí, nuông theo thị hiếu của một số bạn đọc tuổi mới lớn, chứ ít đọng lại điều gì có giá trị nhân văn sâu sắc, vì nó ít xuất phát từ "nỗi đau" trong tâm cảm, tâm thức của nhà văn.

Vì vậy nó cũng chỉ là những tác phẩm văn học mang "tính thời vụ", "ăn xổi ở thì", là thứ văn học của "một thời" chứ không thể là văn học của "một đời". Có phải vì tư duy như thế chăng mà người ta cho rằng sáng tạo văn chương cũng là một qui trình "công nghệ hóa" rồi viết vội, viết ẩu, viết nhanh, viết nhiều, chỉ chú trọng đến số lượng mà không quan tâm đến vấn đề chất lượng. Đây là điều cần dự báo cho đời sống văn học của nước nhà trong cơ chế kinh tế thị trường hiện nay.

Mai Quỳnh Nga
.
.