Nhân đọc "Truyện ngắn chọn lọc Giải Cây bút vàng lần thứ 3 (2015-2017)", NXB Công an nhân dân, 2018

Tin tưởng vào truyện ngắn...

Thứ Sáu, 13/04/2018, 08:34
Truyện ngắn đang nở rộ. Truyện ngắn đang lên ngôi. Truyện ngắn đang là "mặt tiền" của văn học đương thời. Đấy là những cách đánh giá của văn giới về thực trạng và triển vọng của truyện ngắn luôn được coi là thể loại "xung kích" của văn học hiện đại Việt Nam...


1.Nhiều tác giả thành danh nhờ viết truyện ngắn như Nguyễn Minh Châu, Lê Tri Kỷ, Nguyễn Huy Thiệp, Lê Minh Khuê, Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Ngọc Tư,…

Báo Văn nghệ tổng kết và trao giải cuộc thi truyện ngắn 2015-2017. Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức cuộc thi truyện ngắn (2017-2019) mang tên Lửa Mới. Tạp chí Nhà văn & Tác phẩm (Hội Nhà văn Việt Nam) tổ chức cuộc thi truyện ngắn (2018-2020). Cuộc thi Cây bút vàng lần thứ 4 (2018-2020) của Chi hội Nhà văn Công an và Nhà xuất bản Công an nhân dân tổ chức cũng ưu tiên thể loại truyện ngắn (cùng với ký và kịch bản sân khấu). Vì sao truyện ngắn đang ở thế thượng phong trên văn đàn?

Có thể giải thích ngắn gọn như sau: Nó phù hợp với cơ chế đọc hiện nay khi thời gian nhàn rỗi của con người ngày càng eo hẹp, nó phù hợp với quan điểm thẩm mỹ của người Việt Nam ưa thích vẻ đẹp của những cái "vừa  khoảng" (nhỏ nhắn, xinh xắn).

Chi hội Nhà văn Công an có nhiều cây bút truyện ngắn. Gần đây nhất, Nguyễn Đăng An đã trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam nhờ đoạt giải thưởng cuộc thi truyện ngắn (2011-2013) của Báo Văn nghệ. Lực lượng Công an thêm một nhà văn, một cây bút truyện ngắn có nhiều triển vọng.

Bìa bộ sách “Truyện ngắn chọn lọc Giải Cây bút vàng lần thứ 3” của NXB Công an nhân dân, 2018.

2.Bộ sách "Truyện ngắn chọn lọc Giải Cây bút vàng lần thứ ba (2015-2017)" giới thiệu 24 tác giả và 34 truyện ngắn. Trong bộ sách đẹp này chúng ta gặp những tên tuổi quen thuộc như Mai Vũ, Phạm Ngọc Tiến, Nguyễn Xuân Thái, Hoàng Huệ Thụ, Nguyễn Thị Ngọc Hà, Vân Hạ, Nguyễn Xuân Hải, Phạm Thanh Khương, Tống Ngọc Hân, Lê Ngọc Minh,  Phan Đình Minh, Đoàn Thị Ký, Lê Thị Bích Hồng, Vũ Thị Khương, Bạch Lê Vân Nguyên, Trọng Nghĩa,… Lại cũng có những tuổi mới gieo niềm hy vọng cho độc giả như Nguyễn Anh, Trần Duy Hiển, Trần Minh hợp, Nguyễn Thảo Nguyên, Mai Thị Hồng Quế,…

Tác giả viết trong và ngoài lực lượng Công an cũng không quá chênh lệch tỷ lệ. Mặc dù Giải thưởng Cây bút vàng lần thứ 3, riêng thể loại truyện ngắn không có giải Nhất và Nhì, chỉ có 8 giải Ba và 1 Khuyến khích nhưng không vì thế mà nói rằng nó tụt hạng.

Tương tự như trong bóng đá ở Giải châu Á vừa qua, mặc dù Đội tuyển U23 Việt Nam chỉ là Á quân, nhưng đây được coi là chiến thắng ngoạn mục của môn túc cầu Việt Nam nhìn từ ý chí và khát vọng vươn lên, ở tinh thần "trụ hạng" trong thể thao.

Tôi dám chắc độc giả yêu văn học hôm nay sẽ tìm đọc bộ sách tuyển "Truyện ngắn chọn lọc Giải Cây bút vàng lần thứ 3  (2015-2017)" trong niềm say mê thực sự. Tôi dám chắc ở đó độc giả có thể tìm thấy có nhiều truyện hay "ngang ngửa" với những truyện dự thi Báo Văn nghệ 2015-2017, được tuyển chọn vào bộ sách "Tuyển truyện ngắn dự thi Báo Văn nghệ" (2 tập, NXB Thanh niên, 2016-2017).

3.Sự mở rộng đề tài và phong phú chủ đề là một khía cạnh, một ưu điểm nổi bật của truyện ngắn dự thi Cây bút vàng lần thứ 3. Người ta vẫn nói chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn. Trên đời này không có chuyện gì quan trọng hơn chuyện gì. Sự vật nào cũng có giá trị của nó. Người ta vẫn cứ có cái tâm thế lo lắng thiếu căn cứ rằng viết hưởng ứng cuộc thi Cây bút vàng lần thứ 3 thì sẽ bị gò bó ngòi bút, sẽ bị kiểm duyệt gắt gao. Nhưng trái lại tôi thấy các tác giả viết hết sức cởi mở, phóng khoáng. Nào có thấy cấm đoán, gò bó, khắt khe!

Mở đầu tập sách là truyện "Nâu ơi" của Nguyễn Anh. Truyện viết về một con chó. Trong văn học Việt Nam hiện đại đã có những truyện viết về chó rất hay như "Lão Hạc" của Nam Cao,  "Con chó xấu xí" của Kim Lân, "Con chó và vụ ly hôn" của Dạ Ngân,...

Nhưng đọc "Nâu ơi" của Nguyễn Anh, độc giả vẫn thấy không bị lối mòn, không thấy tác giả giẫm lên dấu chân người đi trước. Câu chuyện giản dị xoay quanh sự chìm nổi của đời chó. Cuối cùng nó chết. Cái chết của nó tuy không lấy đi nhiều nước mắt của những ai đó nhưng khiến "Tôi bùi ngùi cất tiếng: Nâu ơi!". Cái kết rất lắng. Nó tạo liên tưởng về sự tương tác tự nhiên giữa con người và thế giới xung quanh. Trong đó có những con vật và con vật gần gũi với con người nhất từ xưa tới nay vẫn là chó. Sẽ có người căn vặn tác giả và tôi - người bình luận - tại sao lại nói chuyện chó trước tiên?

Người xưa nói "chó chết là hết chuyện". Nhưng thực ra câu chuyện về cuộc đời thì không bao giờ kết thúc bởi sự sống chẳng bao giờ chán nản. Thật ra thì trong "Nâu ơi" còn có nhiều chuyện khác của thời mở cửa như tham nhũng, lộng quyền, có chuyện sống chết như một lẽ tự nhiên của con người. Từ câu chuyện này vấn đề tính nhân văn trong ứng xử giữa người và người được đặt ra khẩn thiết.

Nhiều truyện ngắn hay khác trong bộ sách tập trung thể hiện chủ đề xóa bỏ hận thù, hòa hợp dân tộc trên tinh thần vị tha như một phẩm tính cao cả của con người trong cõi nhân sinh. Trên chủ đề này có thể nói "Nhành mai Yên Tử" của Mai Vũ là một truyện ngắn hay. Hay vì ám ảnh nghệ thuật nó tạo ra. Hay vì truyện tạo liên tưởng về kiếp người trong cõi nhân sinh.

Mai Vũ là một cây bút truyện ngắn có nghề. Câu chuyện kể về cuộc đối mặt giữa Nhân, sỹ quan Công an, con trai một chiến sỹ cách mạng bị tù đày trong nhà tù kẻ thù thời chiến tranh với lão Nhì ác ôn một thời, kẻ đã tự tay bẻ răng bố anh, tạo nên một xung đột kịch tính. Anh có quyền trả thù. Nhưng trả thù không phải là hành xử của bậc chính nhân quân tử. Hơn thế anh là một sỹ quan Công an. Không những không trả thù kẻ đã hãm hại bố mình trước đây mà anh còn cố gắng giúp đỡ kẻ khốn cùng (còn xin cấp trên trợ cấp cho lão). Nhưng lão Nhì vì ốm yếu, vì đau đớn trong sám hối, nên cuối cùng đã chết. Cái chết đã giải thoát lão.

Hết một kiếp người ở cõi trần với lão Nhì. Còn Nhân thì cảm thấy "Vị tha và cao cả, đó chẳng phải là con đường mà chúng ta đã chọn và đang đi đó sao?". Hành động của Nhân không hề tự phát. Vì anh được sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Vì anh được giáo dục bởi đoàn thể, trong môi trường của lực lượng Công an. Vì anh là con người trọng chữ "nhân" như chính tên anh mang từ khi chào đời, thành người.

Hai dẫn chứng điển hình chúng tôi vừa dẫn ra cho thấy một cách thuyết phục cuộc thi Cây bút vàng, cho đến nay, không hề câu nệ đề tài, không hề bị gò ép vào các tiêu chuẩn "cứng" bất kỳ nào như ai đó đôi khi ngộ nhận. Nếu nhớ lại các tác phẩm đoạt giải Cây bút vàng những lần trước của các nhà văn Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng, Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Hồng Thái,... sẽ thấy cuộc thi chỉ là một cái cớ, một cơ hội hay một cú huých để ra đời những tác phẩm văn học hay, tạo nên những giá trị mới làm hành trang tinh thần cho con người hiện đại biết cách sống thêm những cuộc đời khác ngoài cuộc đời của chính mình, để làm phong phú thêm đời sống tâm hồn của mỗi cá nhân.

4.Cuộc thi Cây bút vàng lần thứ ba với những kết quả còn rất khiêm tốn (không có giải Nhất cho các thể loại) cho thấy sự đòi hỏi ngày càng cao đối với sáng tác văn học. Nhìn sang Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2017, không có giải cho thơ và văn xuôi. Nên xem đó là chuyện bình thường.

Trở lại Giải Cây bút vàng lần thứ ba không trao giải Nhất và Nhì cho thể loại truyện ngắn, nghĩa là Ban Tổ chức đề ra những đòi hỏi cao cả về nội dung tư tưởng cả về nghệ thuật. Một nhà văn lớn của thế giới đã nói, đại ý, ông không có nhiều thời gian để viết truyện ngắn. Điều ấy chỉ dụ cho các tác giả nhận biết một yêu cầu cao đối với thể loại truyện ngắn.

Tuy nhiên, công bằng mà nói, qua bộ sách tuyển "Truyện ngắn chọn lọc Giải Cây bút vàng lần thứ 3 (2015-2017)", với tinh thần đãi cát tìm vàng, chúng ta vẫn có thể vui mừng nhận thấy những nhân tố mới của cuộc thi hiển hiện trong một thể loại vẫn dược gọi là "nhỏ". Đó là hùng hậu lực lượng tham gia. Hai mươi tư tác giả thuộc nhiều thế hệ tuổi tác, thuộc nhiều ngành nghề, thuộc nhiều vùng miền, thuộc nhiều cá tính.

Chúng tôi đặc biệt hy vọng vào thế hệ 7X và 8X như Tống Ngọc Hân, Phùng Văn Khai, Võ Diệu Thanh, Nguyễn Văn Học, Mai Thị Hồng Quế,... Nhưng độc giả cũng vẫn còn kỳ vọng vào những cây bút chín lại như Mai Vũ dù đã thuộc U80. Có ai đó định kiến về những cuộc thi văn học hiện nay, đặc biệt là các cuộc thi do Bộ Công an tổ chức, thì cũng cần công bằng hơn trong đánh giá.

Chỉ xin nêu một ví dụ về tác giả Tống Ngọc Hân, người gắn bó nhiều năm với các cuộc thi của lực lượng Công an, nhận nhiều giải thưởng. Nhìn rộng ra thì đây là một cây bút giàu tiềm năng hiện nay trên văn đàn. Chị thuộc đội hình nữ 7X đang được mến mộ hiện nay như Nguyễn Ngọc Tư, Phong Điệp, Nguyễn Phương Liên, Đỗ Bích Thúy, Vũ Thanh Lịch, Võ Diệu Thanh, Mai Thị Hồng Quế,... Riêng tôi tin tưởng một cách sâu sắc rằng, trong cuộc thi Cây bút vàng lần thứ tư, đội hình 7X sẽ làm rạng danh thể loại truyện ngắn với những giải cao nhất. Tin tưởng vào truyện ngắn. Tại sao không (?!).

Hà Nội, tháng 4-2018

Bùi Việt Thắng
.
.