Nhân đọc tập truyện "Đàn bà đi bụi" của Trịnh Đình Nghi, NXB Hội Nhà văn, 2015

Truyện ngắn rồi sẽ ra sao?

Thứ Tư, 02/12/2015, 08:00
Vị thế truyện ngắn ở Việt Nam có một bề dày đáng nể. Ở mức độ sâu sắc tràn lan, nó chỉ thua thơ. Kể từ khi có chữ Quốc ngữ, hầu như tất cả những người viết văn xuôi thành danh đều đã từng đắm đuối trải nghiệm với thể loại này. Thậm chí có tác giả, ví như Nguyễn Huy Thiệp chẳng hạn, đã tạo dựng tư cách nhà văn của mình chỉ trong ba truyện ngắn đầu tiên. 

Theo tính toán của nhiều nhà phê bình quen thói lưỡng lự, lúc văn học ở ta bước vào thời kỳ đổi mới (thời điểm khởi thủy tạm tính là 1986), thì truyện ngắn luôn là một thể loại chủ lực sung sức. Thế nhưng, khoảng mươi năm lại đây, truyện ngắn của người Việt bắt đầu hụt hơi. Vô số nguyên nhân vớ vẩn được kể lể. Nào là báo chí chỉ dành đất chật chội cho nó, không được phép quá năm nghìn chữ. Nào là sự lấn át của tiểu thuyết. Rồi thì một lý do muôn đời muôn thủa sang trọng: túng thiếu tài năng. Các nhà xuất bản, đặc biệt là đám đầu nậu in ấn bắt đầu lạnh nhạt khi cầm một tập bản thảo truyện ngắn.

Bìa tập sách "Đàn bà đi bụi" của Trịnh Đình Nghi.

Vì lý do đó, thật ngần ngại lúc được bạn bè đưa cho đọc "Đàn bà đi bụi" của Trịnh Đình Nghi. Đọc xong bỗng tự thấy an ủi, truyện ngắn hôm nay không quá tủi thân như mình từng nghĩ. Có thể thấy ngay rằng, dù chưa hề gặp mặt, tác giả của tập truyện là một trung niên. Không hiểu sao đàn ông khi tới đẵn tuổi này thường xót xa cay đắng. Kể cả đang cười hay đang khóc. Bởi đơn giản, cuộc sống riêng của họ ngập tràn những "dở ông dở thằng" gập ghềnh bất hạnh.

Tuy chưa tới mức vị tha, nhưng đa phần bọn họ đều biết âm thầm tự chịu. Trong câu chuyện "Dục tàn", cái chất trung niên ấy lồ lộ hiện hình như một nỗi nghẹn ngào bứt rứt, tấm tức khoan dung hay buồn bã thở dài. Cái ào ạt "sex" dày đặc ở đây cũng chỉ là gia vị. Cái cách kể khẩu ngữ tưởng như trắng trợn ở đây cũng chỉ là thủ pháp. Đẫm sâu trong mấy trang chữ cố tình mang vẻ sống sượng là một nỗi rưng rưng. Đau mình hay đau đời, phảng phất như có cả hai.

Không phải ngẫu nhiên mà nó được kết: "Không dằn hắt cục cằn như những lần đã qua, dù có vẻ buồn thất vọng, nhưng sau hồi trấn tĩnh và áo xống xong rồi thì em ôm lấy tôi mà thủ thỉ tâm tình. Giờ đây tôi mới hiểu ra rằng, cuộc đời con người phải chấp nhận và tuân theo quy luật cả thôi, không có gì là vô tận mãi mãi… Em đã ôm tôi rất lâu, rất lâu.

Với tôi, tình em bây giờ như tri kỷ" (Dục tàn). Nếu không phải là người đã quá thăng trầm, rồi lang thang vất vả tìm cách tử tế bứt thoát, thì không thể nhân văn viết nổi một cái kết như thế. Thường đã là trung niên, bọn họ đa phần đều lọc lõi sắc sảo. Quá đi một tý là thành tàn nhẫn. Trịnh Đình Nghi cũng vậy thôi. Nhưng may mắn thay, hình như trung niên họ Trịnh là người nhân hậu yêu chữ. Đã thế, chắc hay phải vất vả lăn lộn miên man chứng kiến "nơi thì lừa đảo nơi thì xót thương". Một người như vậy khó mà tầm thường, cho dù thỉnh thoảng cách nhìn đời có đôi phần rờn rợn khinh bạc.

Chủ đề xuyên suốt cả tập truyện đều là thế sự. Nếu miễn cưỡng phải chia thì có hai mảng khá rõ rệt, chuyện của làng và chuyện của phố. Chuyện của làng thấy ngay ở cách đặt tên truyện: "Làng Lễu", "Xóm đa thanh", "Bỏ làng"… Chuyện của phố cũng vậy: "Lao xao phố phường", "Người thành phố"… Có điều, dù "làng" hay "phố", những câu chuyện vẫn mặn chát dung tục đan chéo vào nhau, bởi sự nhố nhăng của việc đô thị hóa nông thôn ở ta. "Cả lũ lực điền kia nhốt tất vào cái hộp hơn chục mét vuông…

Bước xuống xe, chị tôi khoan thai lắm, bước nào hỏng là bước lại, vẻ mặt cứ là mặt hàng phố, có ai chào thì cũng chỉ thả đôi lời và nhếch mép kiêu sa, chứ không phải như ngày xưa đi cày gặp ai cũng phớ lớ, lóe xóe" (Người thành phố). Cho dù trông thấy tuốt tuồn tuột, nhưng cái nhìn của người viết vẫn không hề cay độc mà nhiều lúc nó bải hoải cay đắng lẫn lộn những tiếng nghẹn gần giống như tiếng nấc. Trên nền xúc cảm đấy, đã xuất thần có một truyện "Mẹ không hợp với bác ấy đâu". Đây là truyện hay nhất của cả tập, hay hơn cả cái truyện hoàn hảo rất mạnh về chi tiết "Đàn bà đi bụi". Nó thăng hoa bứt thoát ra khỏi chủ đề thế sự để dung dị đạt tới tầm nghệ thuật.

Một câu chuyện rất đời thường, giản dị chảy qua đôi mắt của một cô bé. Con bé không có bố ở với mẹ, và mẹ nó thì xinh. Nó nhìn những đàn ông đến với mẹ nó bằng cái nhìn "bác ấy không hợp với mẹ đâu". Thế rồi có một ngày mẹ nó gặp một trung niên. Độc giả không biết người trung niên ấy tuyệt vời như thế nào nhưng cuối cùng con bé chỉ nói "mẹ không hợp với bác ấy đâu".

Truyện ngắn được viết cực kỳ tinh tế, nó điêu luyện nhang nhác cái phong cách "tối giản" của bậc thầy truyện ngắn hậu hiện đại người Mỹ, Raymond Carver. Và cũng vì thế mà người đọc dễ dàng nhận thấy ở nhiều truyện khác trong tập còn những hồn nhiên lan man của một người viết mới trong trắng khởi đầu. Nhiều truyện vẫn nặng nề ảnh hưởng từ khẩu ngữ báo chí theo tinh thần của xu hướng tạp văn đang thời thượng. Đó là "Lao xao phố phường" là "Thần nổ"… Nhưng biết đâu lại là sự cố tình của tác giả. Bởi thi pháp của truyện ngắn đương đại bây giờ đã khác xa những khái niệm cổ điển. 

Nguyễn Việt Hà
.
.