Thuật ngữ trong sách dịch và hiện tượng xuất bản… lỗi
- Đi tìm nguồn gốc những hạt sạn dịch thuật
- Quản lý đội ngũ dịch thuật, bổ sung những điểm mới trong công chứng và chứng thực
- Dịch thuật: Coi chừng, chết người
Cho tới nay, dù cả hai bên, nhà xuất bản và nhà sách đều chưa có phản hồi trước những thông tin báo chí nêu, song lỗi dịch thuật là khó biện minh. Người dịch thiếu những kiến thức liên ngành khiến cho bản dịch mắc vào những lỗi thuật ngữ rất ngô nghê. Bên cạnh đó, việc hiện đại hóa ngôn ngữ càng khiến cho ấn phẩm này mất đi giá trị của nó khi tới tay bạn đọc.
Ra đời trước “Madam Nhu Trần Lệ Xuân – Quyền lực Bà Rồng” hai tháng, cuốn “Xứ Đông Dương” là hồi ký của Paul Doumer, Tổng thống nước Pháp, từng làm Toàn quyền Đông Dương, cũng là một hiện tượng xuất bản. Bằng hình thức góp tiền in sách trên cộng đồng mạng xã hội, cuốn sách tạo cơn “sốt” với bạn đọc trước khi sách được ấn hành tại Việt Nam.
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh trong lời giới thiệu tác phẩm đã viết: “Tôi đã đọc cuốn sách này, say mê như đọc một cuốn tiểu thuyết”. Nhận xét này được đưa ra ngay bìa 1 của cuốn sách. Tuy nhiên, bản dịch do Lưu Đình Tuân, Hiệu Constant, Lê Đình Chi, Hoàng Long và Vũ Thúy thực hiện, NXB Thế giới và Alpha books liên kết phát hành (2016) cũng không tránh khỏi lỗi, tai hại là lỗi thuật ngữ. Vì thế, cuốn sách ngay lập tức đã bị bạn đọc phê phán và đại diện Alpha books đã cho dừng phát hành.
Tương tự, một cuốn sách khác là “Lịch sử Việt Nam – Từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX” của GS Lê Thành Khôi, do Nguyễn Nghị dịch, Nguyễn Thừa Hỷ hiệu đính; NXB Thế giới và Nhã Nam phát hành (2014). Tác phẩm này là sự kết hợp của hai chuyên khảo mang tính kinh điển về lịch sử và văn hóa Việt Nam của GS Lê Thành Khôi, người được quốc tế đánh giá là thuộc về số ít các sử gia Việt Nam đương đại quan trọng nhất.
Lần đầu tiên, công trình bằng tiếng Pháp được các nhà sử học Việt Nam coi như sách tham khảo căn bản khi nghiên cứu về Việt Nam được dịch và xuất bản bằng tiếng Việt. Vậy mà, kiệt tác sử học này cũng khiến bạn đọc thất vọng vì những lỗi dịch thuật.
Người dịch đã vừa cổ điển nhưng lại vừa hiện đại hóa ngôn ngữ khi cho Trần Hưng Đạo “lui về nghỉ hưu” ở “thái ấp” Vạn Kiếp (tr. 200). Không chỉ vậy, việc hiện đại hóa còn thể hiện trong nhiều trang nội dung, mà dung lượng bài viết chúng tôi không tiện trích dẫn, chỉ xin nêu thêm việc gọi quân Tây Sơn do Trần Quang Diệu chỉ huy là “các sĩ quan” (tr. 398); hay việc sử dụng các thuật ngữ “miếu hiệu” và “thời hiệu” (tr. 398) là hết sức tùy tiện, lộ rõ người dịch không có kiến thức về các triều đại phong kiến Việt Nam.
Cuốn sách cuối cùng mà tôi muốn nêu ra ở đây là “Bước mở đầu của sự thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp ở Việt Nam (1858-1897)” của TS Nguyễn Xuân Thọ. Đây là bản dịch do chính tác giả thực hiện từ Luận án Tiến sĩ của mình. Bản dịch được NXB Hồng Đức và Alpha books liên kết xuất bản (2016).
Trong bản dịch này, dịch giả đã khá chật vật định danh các thuật ngữ khi chuyển thể từ tiếng Việt sang tiếng Pháp rồi dịch ngược từ tiếng Pháp sang tiếng Việt. Bởi vì thế, đã dịch rối rắm nhiều thuật ngữ mà chỉ cần để nguyên nó thì đọc lên với tư duy của người Việt Nam sẽ hiểu được ngay: Tham tri/ Thị lang Bộ Binh được dịch thành “Thứ trưởng Bộ Quốc phòng” của triều đình Huế (tr. 220); hay Thượng thư Bộ Lễ và Bộ Hộ Phan Thanh Giản được dịch thành “chủ tịch, tòa án lễ nghi” và “chủ tịch tòa án tài chánh”…
Thật đúng là “hiện tượng… xuất bản lỗi”!
Khi bản dịch của các cuốn sách nêu trên ra đời, trên một số tờ báo đã có bài viết phê phán. Song, thay vì đi vào nội dung của cuốn sách, đi vào ấn phẩm được Việt hóa, thì một số cây bút lại phê phán nhân thân của tác giả.
Với sự phát triển của xa lộ thông tin như hiện nay, mọi thông tin cần được tiếp cận từ nhiều chiều. Mỗi cá nhân có dấu ấn trong lịch sử cũng cần được nhìn đa chiều, khách quan. Vấn đề là khi chuyển ngữ sang tiếng Việt, người dịch phải làm sao để có một bản dịch vừa chính xác lại vừa thuần Việt, nghĩa là đảm bảo cả ba yêu cầu cơ bản trong dịch thuật: Tín, Đạt, Nhã.
Một dịch giả có thể dịch tốt tiểu thuyết hay triết học, nhưng có thể sẽ thất bại khi dịch sách lịch sử và văn hóa. Với những tác phẩm lịch sử nêu trên, kiến thức trải dài qua nhiều thời đại, thuật ngữ cũng thay đổi từng thời kỳ, đó càng là những đỉnh núi thách thức người dịch vượt qua. Bởi thế, muốn dịch tốt một tác phẩm, người dịch phải am hiểu lĩnh vực mình đang dịch. Trên trang cá nhân của mình, nhà báo Bùi Hữu Dương (Báo Quân đội nhân dân) chia sẻ:
“Quá trình dịch không phải là chuyển từng từ, từng chữ từ ngôn ngữ nguồn sang ngôn ngữ đích mà là một quá trình gian khổ bao gồm việc đọc hiểu bản gốc, tìm hiểu thông tin liên quan lĩnh vực đang dịch, chuyển tải tất cả các thành tố trong văn bản nguồn bao gồm yếu tố lịch sử, văn hóa, kỹ thuật v.v... sang ngôn ngữ dịch. Ngôn ngữ là một thực thể sống, có sinh ra, phát triển, và mất đi. Ngôn ngữ không phải là một phần thuộc văn hóa nhưng nó bao gồm nhiều lớp trầm tích văn hóa (từ văn hóa mang nghĩa khái quát đến văn hóa hẹp của mỗi chuyên ngành, lĩnh vực)”.
Tóm lại, người dịch hiện nay xin đừng liều mình để biến các ấn phẩm thành thảm họa dịch thuật. Bạn đọc cần được tôn trọng.