Tết, dâng nén nhang thơm vì tiếng Việt

Thứ Tư, 23/01/2019, 18:37
Ngày ba tháng tám thấy (thơ) đâu mà
Sao đến ngày xuân lắm (thơ) thế a?
Ấy hẳn thịt xôi lèn chặt dạ
Cho nên con tự (chữ) mới thòi ra.


Hãy thử đọc một bài thơ Đường luật sau đây:

Chuyện đời

(Nguyễn Công Trứ)

Vất vất vơ vơ cũng nực cười
Căm căm cúi cúi có hơn ai
Nay còn chị chị anh anh đó
Mai đã ông ông mụ mụ rồi
Có có không không lo hết kiếp
Khôn khôn dại dại chết xong đời
Chi bằng láo láo lơ lơ vậy
Ngủ ngủ ăn ăn nói chuyện chơi

Thể là thể thất ngôn bát cú (tám câu bảy chữ) - luật thi đời Đường Trung Hoa xưa - mà không một từ Hán! Thuần Việt đã đành, cụ Thượng Trứ còn chơi từ láy, chơi điệp từ như một bậc thầy dân gian vậy. “Vất vất vơ vơ”, “căm căm cúi cúi”, “chị chị anh anh”, “ông ông mụ mụ”, “có có không không”, “khôn khôn dại dại”, “láo láo lơ lơ”, “ngủ ngủ ăn ăn”, từ khẩu ngữ dân gian vào đứng tăm tắp trong khuôn vàng thước ngọc của một luật thơ hàn lâm.

Không vững vàng luật thi, không sành tiếng ta, không tắm gội đời sống dân dã, không yêu và say tiếng Việt, không thể viết thế. Sau này, khi Nguyễn Bính viết: “Chàng chàng thiếp thiếp vui bằng được/ Bố bố con con chẳng nhận ra” (Oan nghiệt) thì cũng là xuất từ cái gốc tiếng Việt này. Và, quan trọng hơn cả cái vỏ chữ, là cái triết lý nhân sinh phương Đông - “cầu một chữ nhàn” khi biết đời thật ngắn mà quá nhiều phù du. “Mấy ai nghìn tuổi trên đời/ Hay là chen chúc một thời rồi đi” - thơ cổ đã viết vậy.

Cũng nghiêm chỉnh Đường luật, bài thất ngôn tứ tuyệt (bốn câu bảy chữ) sau cũng lại thuần Việt:

Miếng tình

(Nguyễn Gia Thiều)

Khạc chẳng ra cho nuốt chẳng vào
Miếng tình nghẹn mãi biết làm sao
Muốn kêu một tiếng cho to lắm
Rằng: “Ối ai ơi! Nó thế nào?”.

Viết thế, tiếng Việt mới lên ngôi, thơ Nôm (Nam) mới chạm đỉnh. Viết thế thì những câu người sau lý giải về tình yêu, về sự đau/hận trong tình yêu, chỉ là “viết thêm” mà thôi!

Tương tự như thế mà giàu cả “tính thời sự”, là bài thất ngôn tứ tuyệt sau:

Hót của trời

(Trần Tế Xương)

Nó rủ nhau đi hót của Trời
Đang khi Trời ngủ, của Trời rơi
Hót mau kẻo nữa kinh, Trời dậy
Trời dậy thì bay chết bỏ đời.

Cũng Trần Tế Xương, cũng Đường luật, bài thơ “Xuân bỡn làng thơ” thật Việt, thật hóm:

Ngày ba tháng tám thấy (thơ) đâu mà
Sao đến ngày xuân lắm (thơ) thế a?
Ấy hẳn thịt xôi lèn chặt dạ
Cho nên con tự (chữ) mới thòi ra.

Và, lại Trần Tế Xương - không chỉ trào phúng, châm chọc, hóm hỉnh - mà còn thật tình tứ, thật đẹp đẽ, thật cảm động và… thuần Việt:

Hóa ra dưa

Ước gì ta hóa ra dưa
Để cho mình rửa nước mưa chậu đồng
Ước gì ta hóa ra hồng
Để cho mình bế mình bồng trên tay.


Cao Bá Quát cũng không kém cạnh trong việc Việt hóa luật thi:

Khen ai khéo khéo đắp đôi voi
Đủ cả đầu đuôi đủ cả vòi
Chỉ có cái kia sao chẳng thấy
Hay là thày lý bớt đi rồi?

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng mê và hay Nôm. Bài “Nhân tình thế thái” của ông còn mãi:

Thế gian biến cải vũng nên đồi
Mặn nhạt chua cay lẫn ngọt bùi
Còn bạc còn tiền còn đệ tử
Hết cơm hết rượu hết ông tôi
Xưa nay đều trọng người chân thực
Ai nấy nào ưa kẻ đãi bôi
Ở thế mới hay người bạc ác
Giàu thì tìm đến khó tìm lui.

Cũng đề tài này, Nguyễn Công Trứ viết bài “Thói đời”:

Thế thái nhân tình gớm chết thay
Lạt nồng trông chiếc túi vơi đầy
Hễ không điều lợi, khôn thành dại
Đã có đồng tiền, dở hóa hay
Khôn khéo chẳng qua ba tấc lưỡi
Hẳn hoi không hết một bàn tay
Suy ra cho kỹ chi hơn nữa
Bạc quá vôi mà mỏng quá mây.

Tiếng Việt hấp dẫn đến nỗi, Tam nguyên Yên Đổ cũng phải dùng rất nhiều. Bài “Tiếp bạn” của ông là điển hình trong đám hàn Nho:

Đã bấy lâu nay bác tới nhà
Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa
Ao sâu nước cả khôn chài cá
Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà
ải chửa ra cây, cà mới nụ
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa
Đầu trò tiếp khách, trầu không có
Bác đến chơi đây, ta với ta.

Đến Lê Thánh Tông, một ông vua, cũng phải mê tiếng Việt. Ông vua ấy viết “Thằng mõ”:

Gớm thay lớn tiếng lại dài hơi
Làng nước ưng bầu chẳng phải chơi
Mộc đạc vang lừng trong bốn cõi
Kim thanh rền rĩ khắp đôi nơi
Đâu đâu đấy đấy đều nghe lệnh
Xã xã dân dân phải cứ lời
Trên dưới quyền hành tay cắt đặt
Một mình một cỗ thỏa lòng xơi.

Nhưng “xa” nhất là Nguyễn Trãi. “Xa”, mà đã rất hay rồi:

“Phú quý lòng, hơn phú quý danh”…

Tết đến, thơ ngâm vài khổ, rượu cạn vài ly, đàn nghe vài khúc… há lại quên dâng nhang thọ ơn người trước, đã cho ta tiếng Việt hay, hay sao?

Tác phẩm “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du là đỉnh cao về tiếng Việt.
Đỗ Trung Lai - Xuân 2019
.
.