Cần làm gì để bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt?

Thứ Bảy, 09/12/2017, 08:29
Nếu đặt câu hỏi người Việt còn lại những gì là vốn quý để tự hào, tôi tin chắc câu trả lời dễ được tán thành nhất sẽ là tiếng Việt.


Di sản văn hóa quý báu và đẹp đẽ của dân tộc

Nguyễn Hồng Lam

Không chỉ với tư cách là một ngôn ngữ giao tiếp, tiếng Việt còn là lớp lớp tầng vỉa văn hóa. Nó xứng đáng được ngợi ca như một di sản văn hóa quý báu và đẹp đẽ. Trong tiếng Việt có cả sự kết tinh di sản của một dân tộc, có dấu ấn lao động sáng tạo hàng ngàn năm để gìn giữ, phát huy và làm phong phú thêm. Bởi tiếng Việt vẫn đang là một sinh ngữ cho nên quá trình tạo sinh, bồi đắp nó vẫn đang tiếp tục diễn ra từng ngày từng giờ, trong đó gồm cả những sự thay đổi.

Vậy nhưng, đề xuất thay đổi có tính hệ thống của PGS.TS Bùi Hiền đối với chữ Việt lại vấp phải sự phản đối quyết liệt của cộng đồng, dù tác giả đề xuất cho rằng đó là những cải cách khoa học, giúp tiếng Việt trở nên hợp lý và hội nhập hơn, cũng là điều dễ hiểu. Bởi lẽ, xét trên nhiều bình diện, những cải cách này ít đem lại lợi ích phát triển cho tiếng Việt mà có thể làm nó rước thêm nhiều bất cập.

Hệ thống chữ Việt hiện tại đã tỏ ra khá hoàn hảo khi đảm nhiệm rất tốt vai trò ký âm tiếng Việt một cách chính xác, thống nhất và có thể nói là đẹp đẽ. Tiếng Việt, thể hiện qua chữ Việt, đã nhận không ít lời xưng tụng như là thứ  “tiếng nói của thi ca”. Lập luận rằng cải cách chữ viết tiếng Việt sẽ giúp diễn đạt tiếng Việt nhanh, chính xác, hợp lý và tiết kiệm hơn rõ ràng không có cơ sở thuyết phục.

Về kỹ thuật, nếu ứng dụng cải cách của ông Bùi Hiền, văn bản tiếng Việt sẽ xuất hiện vô số từ đồng âm nhưng dị nghĩa hoặc tối nghĩa, gây khó khăn trong  việc “hiểu” cả cho người Việt lẫn người nước ngoài học tiếng Việt. Nhiều trường hợp sẽ nảy sinh không ít ngộ nhận về nghĩa khi mà xác định nghĩa chỉ có thể dựa trên thao tác… đoán – một thao tác không thể chấp nhận trong khoa học. Văn bản tiếng Việt cũng sẽ trở nên xấu xí đi nhiều ở phương diện thị giác. Việc dạy tiếng Việt cải cách trở nên khó khăn hơn gấp bội vì tiếng Việt mới bị loại trừ yếu tố đánh vần đặc trưng.

Một số ký tự bị đổi giá trị thậm chí còn biến chữ Việt trở nên méo mó, kỳ dị, xấu xí. Không biết tác giả đề xuất cải cách dựa vào đâu để tính toán ra mức tiết kiệm 8% cả về công sức lẫn nguyên liệu khi dùng chữ viết mới, nhưng rõ ràng là cải cách sẽ tự nhiên đẻ ra chi phí khổng lồ để viết, in lại toàn bộ văn bản đã có, viết lại toàn bộ bảng mã trên hệ thống IT, thay đổi toàn bộ biểu mẫu giấy tờ, bảng hiệu, con dấu… Thiệt hại này lớn ở mức không đo đếm nổi.

PGS TS Bùi Hiền với những đề xuất thay đổi tiếng Việt gây tranh cãi.

Cải cách, nếu áp dụng cũng ngay lập tức biến tất cả người Việt hiện tại thành mù chữ, tạo nên rối loạn văn hóa xã hội. Nó cũng sẽ biến tất cả sách vở, văn bia, tài liệu đang có trở thành “đồ cổ”, xóa bỏ toàn bộ thành quả văn hiến của dân tộc, qua đó tạo nên một sự đứt gãy về văn hóa dân tộc. Thiếu nó, văn hóa Việt sẽ quay lại với giai đoạn sơ khai, mông muội, phá vỡ và kéo lùi cả thành quả lẫn khả năng hội nhập của người Việt với thế giới.

Còn nhiều, rất nhiều thiệt hại kinh khủng khác nữa, không thể liệt kê hết. Vậy thì cải cách phỏng có ích gì?

Lập luận bênh vực, trước sự phê phán dữ dội của xã hội vẫn cố cho rằng không nên “nặng lời” với các cải cách khoa học, khi mà đúng – sai chưa minh định, khi mà hiệu quả của phát kiến chưa được kiểm chứng…v.v. Điều này đúng. Nhưng với yêu cầu cấp thiết là cần phải bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt, chúng ta cần thẳng thắn xác tín: Những cải cách nói trên hoàn toàn không thể coi là khoa học, di sản văn hóa dân tộc không phải là những con chuột bạch trong phòng thí nghiệm.

Mọi phát kiến đều có thể đúng, có thể sai, nhưng nó chỉ được chấp nhận như là phát kiến để xem xét khi hợp lý và có ích. Ngay cả tác giả Bùi Hiền cũng tự nhìn nhận rằng cải cách mà ông đề xuất mới chỉ là một nửa công trình (mới ở phần phụ âm, chưa đề cập đến thay đổi giá trị các nguyên âm). Đó chỉ là cách nói để bao biện cho yếu tố chưa/không hoàn chỉnh của vấn đề. Nhưng cốt lõi, điều đáng nói lại nằm ở sự vô tác dụng kèm vô vàn tác hại có thể thấy trước của việc ứng dụng “cải cách” này. Vì thế, cần dứt khoát, minh bạch ngay từ đầu, loại bỏ việc thay đổi tiếng Việt từ trong ý nghĩ, trước khi quá muộn.

Tôi yêu tiếng nước tôi

Dịch giả Mạnh Kim

Không còn nhớ ai là người đầu tiên dịch “Gone with the wind” thành “Cuốn theo chiều gió” nhưng vị nào dịch câu này hẳn nhiên là bậc thượng thừa về ngôn ngữ nói chung và rất giỏi tiếng Việt nói riêng. Ông Huỳnh Phan Anh cũng khắc tên mình vào bảng mạ vàng khi dịch “For whom the bell tolls” thành “Chuông nguyện hồn ai” (phải là “nguyện”, chứ không phải “gọi” – như các bản dịch sau 1975, nghe mới “đã” và mới đúng với ý như câu chuyện của tác phẩm Hemingway). Thi sĩ Bùi Giáng cũng thuộc vào nhóm người “giáng thế” khi dịch “Terre des Hommes” (Vùng đất của người) thành “Cõi người ta”.

Nhạc sĩ Phạm Duy, không bàn về những bất đồng, khen chê trong quan điểm và thiên kiến chính trị, cũng là một tài hoa xuất chúng nữa với các tác phẩm chuyển ngữ lời Việt. Ca khúc “The house of the rising sun” đã được ông chuyển thành “Chiều vàng dưới mái nhà tranh”. So sánh từng câu từng từ trong các ca khúc chuyển ngữ của Phạm Duy, không thể nói gì hơn ngoài sự khâm phục.

Trong “Love Story”, ca khúc rất phổ biến ở Sài Gòn thập niên 70 mà Phạm Duy chuyển ngữ, có những từ được diễn đạt mà chỉ những bậc thượng thừa tiếng Việt mới thể hiện nổi, chẳng hạn “this empty world” (thế giới này trống rỗng) thành “cuộc đời vắng ngắt”; hoặc “wild imaginings” (hình ảnh hoang sơ) thành “mộng huyền mênh mang”...

Có một điểm chung giữa những tài hoa như Phạm Duy, Bùi Giáng hoặc vô số văn sĩ, nhạc sĩ cùng thời với họ, là: “Tôi yêu tiếng nước tôi!”. Chỉ những người thật sự yêu quý tiếng nói của dân tộc mình mới biết cách làm đẹp ngôn ngữ. Họ nhảy múa với ngôn ngữ. Họ thăng hoa với ngôn ngữ. Họ bay bổng với ngôn ngữ. Sự cuồng nhiệt trong tình yêu ngôn ngữ của họ đã tạo ra một nền văn hóa, trong đó tiếng Việt vượt qua cả khái niệm ngôn ngữ như là ký hiệu giao tiếp thuần túy mà vươn lên đến chóp đỉnh của một thứ trừu tượng hơn: Linh hồn dân tộc. “Tôi yêu tiếng nước tôi”. Tình yêu của họ với tiếng Việt đã làm đẹp tiếng mẹ đẻ, làm sang trọng tiếng mẹ đẻ, và cuối cùng làm nên một nền văn hóa đẹp đẽ.

Chỉ những giai đoạn tiếng Việt bay bổng thì nền văn hóa mới thăng hoa, hay là ngược lại, thật khó có thể nói chính xác. Nhưng, có thể đoán chắc rằng một nền văn hóa xuống cấp luôn đi đôi với việc ngôn ngữ và cách dùng ngôn ngữ xuống cấp. Nó bị dùng sai là một chuyện. Nó bị xem thường mới là điều đáng nói. Khi tiếng Việt không còn được tôn trọng, văn hóa và xã hội sẽ không còn được tôn trọng. Con người cũng không còn được tôn trọng. “Tiếng Việt còn, nước ta còn”. Nhưng tiếng Việt bầy hầy, như đang thấy trên báo chí hàng ngày, trong các ca khúc được hàng triệu người nghe, thì “nước ta” còn gì?

Đừng trông chờ ở những khẩu hiệu “giữ gìn tiếng Việt” hay “làm trong sáng tiếng Việt” hô hào chiếu lệ trong nền giáo dục hiện tại. Tiếng Việt đang bị hỏng không chỉ bởi các MC tung hứng bừa bãi với những câu chữ làm màu “cho sang”, như “điểm trang” thay vì phải nói cho đúng là “trang điểm”; không chỉ bởi các phát thanh viên truyền hình học nhau cách nói rập khuôn, hay các nhà báo viết bài không bao giờ xem lại lỗi chính tả; không chỉ bởi những cách dùng sai như “cặp đôi” hay “fan hâm mộ”; không chỉ bởi các từ ghép Hán-Việt vô nguyên tắc như “phượt thủ”…

Nguồn gốc khiến tiếng Việt hư chính là từ giáo dục. Không ngôn ngữ nào có thể bay bổng trong một mô hình giáo dục giáo điều. Chẳng ai có thể sửa lại tiếng Việt với đà tuột dốc của nền giáo dục hiện nay. Muốn “làm trong sáng tiếng Việt”, hệ thống giáo dục phải tự làm trong sáng mình. Giáo dục không có những thay đổi tích cực, tiếng Việt sẽ tiếp tục bị hành hạ và văn hóa sẽ tiếp tục bị tra tấn.

Tiếng Việt có thể được cứu nếu mỗi người trong chúng ta cùng quay lại với con đường “tôi yêu tiếng nước tôi”. Tìm kiếm và đọc lại những quyển sách của một thời làm nên sự kỳ vĩ một nền văn hóa, như một cách thức tự giải độc khỏi những luồng khí đen đang bủa quanh, có thể được xem là một cách thức. Nhiều giá trị hiện bị mất đi đang nằm trong những quyển sách đó. Văn hóa sẽ đi lạc vĩnh viễn nếu chẳng có ai tìm. Con đường đi tìm văn hóa đã mất có thể sẽ giúp tìm lại ánh hào quang của tiếng Việt, và cuối cùng, dẫn đến việc nhìn lại sự cần thiết phải tôn trọng tiếng Việt.

Không người dân nào có thể thay đổi được hệ thống giáo dục hiện tại. Họ không có quyền hạn để làm điều đó. Tuy nhiên không ai có thể ngăn chặn sự chọn lựa để dung nạp một nền văn hóa khác tích cực và cởi mở hơn. Cũng không ai có thể ngăn chặn sự chọn lựa đọc gì bên ngoài phạm vi những bài văn mẫu hay nên đọc gì trên những trang mạng xã hội. Đó là sự chọn lựa cần thiết, và cấp bách, để “tôi yêu tiếng nước tôi” có thể còn tồn tại và còn có cơ may truyền lại cho hậu sinh.

Trách nhiệm của cơ quan truyền thông

Nhà nghiên cứu lịch sử Lê Nguyễn

Mấy ngày qua, dư luận lên tiếng rất nhiều về lời phát biểu của nữ tiến sĩ Đoàn Hương trên truyền hình. Phần cuối lời phát biểu, bà Đoàn Hương đã nói: “Đây là công trình khoa học. Phải có những nhà khoa học định đoạt, chứ không thể nào để một đám quần chúng không hiểu gì cả ào ào vào ném đá".

Không ai lạ gì kiểu ăn nói sống sượng của bà tiến sĩ này trong những ngữ cảnh riêng biệt nào đó, người từng mệnh danh các facebooker là “những kẻ vô công rỗi nghề”, trong khi chính mạng xã hội Facebook, bên cạnh những bất cập không thể tránh, đang trở thành một lợi khí hết sức quan trọng của xã hội dân sự nhằm đóng góp vào công cuộc cải thiện  đất nước.

Lần này, bà tiến sĩ lại có những lời nói khá coi thường đối với cộng đồng xã hội, trong đó có cộng đồng Facebook, khi cho họ là "một đám quần chúng không hiểu gì cả…”! Thật không biết nói gì hơn với một người thường xuyên xuất hiện trước công chúng...

Nếu chỉ là tranh luận trong không gian hẹp, nghe rồi để đó thì không có gì đáng nói. Đằng này truyền thông bê nguyên xi câu nói của tiến sĩ lên phát sóng, vô hình đẩy tiến sĩ vào làm mồi cho các trang mạng xã hội xâu xé.

Vì thế điều mà chúng ta muốn bàn ở đâu là vai trò của phương tiện truyền thông, nhất là một trong những phương tiện truyền thông cao cấp của nhà nước như thế nào mà lại có thể dễ dàng truyền đi những phát ngôn nặng lời với cả một “đám quần chúng”, trong đó chắc chắn có cả cha mẹ, vợ chồng, anh em, con cháu của quý vị ở “nhà đài”? Đành rằng khi phát biểu, mỗi người phải tự chịu trách nhiệm về những lời nói của mình, song không thể không đề cập đến tính cách liên đới của cơ quan truyền thông đã ghi âm, ghi hình, chỉnh sửa kỹ thuật, lên chương trình và phát đi những lời nói đó trên sóng truyền hình.

Chính những bất cập nhan nhản trong đời sống như thế chứng tỏ rằng mạng xã hội là phương tiện không thể thiếu của một đất nước đang cần đến tiếng nói của những con người có lương tri - không cần đến bằng cấp gì gì đó – mà cần có một tấm lòng đau đáu đến lẽ hưng suy của Tổ quốc và biết trân trọng những đóng góp vì lợi ích chung của mọi người.

Khi sự thiếu hiểu biết nhân danh khoa học

 TS Châu Minh Hùng –  Đại học Quy Nhơn

Tôi không cổ súy thiên hạ chửi một ông già trên tám mươi như ông Bùi Hiền khi công bố một  “công trình khoa học” đe dọa và gây tổn thương cho cả cộng đồng. Sự thực, ông ấy gốc học tiếng Trung, tiếng Nga và chỉ làm cái việc dạy tiếng, không phải là chuyên gia ngôn ngữ học đích thực nên việc hiểu sai làm sai là chuyện thường tình.

Nhưng tôi phải bất bình mà viết bài này dành cho những chuyên gia có danh vị khoa học cao như các ông Phạm Văn Tình, Trần Ngọc Thêm, Lê Đức Luận… kể cả ông Ngô Như Bình đang dạy tiếng Việt bên Đại học Harvard.

Những nhà khoa học có bằng cấp này vẫn khăng khăng cái lý thuyết chữ ghi âm thì nhất thiết chữ phải ghi đúng âm, tức phải “nói sao viết vậy” là hợp lý khoa học. Cứ cho lý thuyết này là đúng thì thử hỏi các ông mấy điều:

1) Nếu lấy âm Hà Nội làm chuẩn, theo PGS. TS Bùi Hiền, thì thử dẫn xem người Hà Nội nào đọc âm /ng/ thành /q/, âm /th/ thành /w/, âm /kh/ thành /x/, /ch/, /tr/ thành /c/? Trừ phi đó là người nói ngọng, thụt lưỡi, méo mồm, hoặc mấy ông Nga, ông Hán đang ở Hà Nội muốn làm cách mạng Hán hóa, Nga hóa dân Việt.

2) Còn nếu không lấy âm Hà Nội làm chuẩn thì mỗi địa phương có một cách phát âm khác nhau, chữ viết nào ghi cho hết các dạng âm thanh ở các vùng miền? Hay là chấp nhận mỗi địa phương một cách viết? Người khu Bốn đọc “âu” thành “u”, “ước” thành “ác”, không phân biệt thanh hỏi và nặng, chữ “trâu” buộc phải viết thành “tru”, chữ “nước” buộc phải viết thành “nác”? Người Huế không phân biệt huyền và nặng. Người Quảng không phân biệt vần “am” với vần “ôm”, chữ “làm” buộc phải viết thành “lồm”? Người Bình Định, Phú Yên không phân biệt âm cuối “ng” và “n”, “t” và “c.

Hai câu hỏi đó đủ thấy cái sáng kiến kia thiếu, nếu không nói là phản khoa học, không cần đến cỡ hàng chuyên gia ngôn ngữ mới nhìn thấy: 1) Âm đọc không bao giờ thống nhất, nhưng chữ viết phải đóng vai trò trung gian để thống nhất các âm đọc khác nhau. 2) Chỗ nào âm đọc không có tính khu biệt thì chính chữ viết khắc phục bằng những dấu hiệu khu biệt. Cái mà các ông tưởng bất hợp lý lại chính là cái hợp lý của chữ viết tiếng Việt hiện hành. Sự hợp lý hóa ấy đã diễn ra cả một quá trình kéo dài mấy thế kỷ mà sáng kiến của các ông chừng như cố tình quay lại điểm xuất phát. Tất nhiên đến thời điểm này tôi không nói nó hợp lý hoàn toàn, nhưng sự bất hợp lý không đáng kể bởi chữ viết nào cũng phải có.

Chính sự khu biệt rất lớn của chữ viết đã làm cho tiếng Việt giàu có và trong sáng. Viết, như tôi đã nói, khác với phát âm. Phát âm có thể dễ dãi nhờ có ngữ cảnh giao tiếp khu biệt, còn viết với tư cách là văn bản luôn tách ra khỏi ngữ cảnh nên cái chữ buộc phải tạo ra các khu biệt bởi dấu hiệu trong bản thân nó. Nói thuộc hoạt động bắt chước, có khi không cần phải học, nhưng viết thì phải học nghiêm túc chứ không đòi hỏi phải dễ dãi như phát âm với phương châm lười nhác “nói sao viết vậy”!

Chữ viết, vì thế, là cả một vấn đề văn hóa lớn lao. Nó dung hòa tình cảm và thống nhất ý chí giữa các địa phương, vùng miền, giữa hiện tại và quá khứ, nâng cao trình độ dân trí chứ không đơn thuần chỉ là ký hiệu phục vụ nhất thời cho những kẻ lười nhác biếng học.

Hội nhập thì chữ Việt phải giống chữ Tây ư? Lý luận này không chỉ là mặc cảm thuộc địa mà còn thể hiện sự mù văn hóa nghiêm trọng khi không biết thế giới đang chủ trương hòa điệu những khác biệt mà chữ viết là một trong những nhân tố quan trọng của bản sắc.

Cải cách chữ viết theo sáng kiến của PGS. TS Bùi Hiền làm nghèo nàn, dị dạng, lai căng, đồng hóa tiếng Việt và hủy hoại vẻ đẹp văn hóa Việt chứ không phải tiết kiệm, tiện lợi như các ông nghĩ. Đó là sự thiếu hiểu biết gây hậu quả nghiêm trọng.

Xem chừng sau khi các nhà ngôn ngữ học uy tín tầm Cao Xuân Hạo mất đi, trừ một ít kế thừa và chịu khó học hỏi, còn lại đa số là những nhà ngữ học mang hàm giáo sư tiến sĩ nhai chữ như nhai kẹo cao su. Nhiều ông ngạo nghễ tưởng đó là của thật nên không bao giờ chịu khó đọc sách hay động não nên mới cứ phô hiểu biết nghèo nàn ra cho thiên hạ chê bai! 

PV
.
.