Tây dịch thơ ta

Thứ Ba, 20/08/2019, 08:24
Thời Pháp thuộc, ở Huế có một thầy giáo người Việt làm luận văn bằng tiếng Pháp về đề tài "Tục ngữ, ca dao Việt Nam". Bấy giờ, có một viên chức người Pháp làm việc ở thành phố này, lúc nào cũng huênh hoang, tự phụ cho mình là người nước ngoài rất thông thạo bản xứ...


Biết vậy, thầy giáo này liền tìm gặp ông ta, nhờ dịch hộ hai câu thơ sau ra tiếng Pháp:

Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương

Không ngờ, vị quan Tây này nói tiếng Việt thì tàm tạm, nhưng còn lâu mới có thể hiểu hết cái diệu vợi và tinh tế trong tiếng Việt! Bởi thế khi dịch, bí chỗ nào ngài lại lấy từ điển ra tra rồi dịch nguyên xi. Ví như: "Cành trúc" dịch là "roi tre"; "la đà" là "con la và con lạc đà"; "Thiên Mụ" là "vợ Trời"; "canh gà" là "canh thịt gà" và "Thọ Xương" dịch là "khúc xương nấu kỹ"... Cuối cùng ngài hì hục ghép chữ vần thành một bài thơ đem tặng lại ông giáo.

Đọc xong, ông giáo nảy ra một ý ngồ ngộ, liền đem "bài thơ" tiếng Pháp này nhờ một tay thông ngôn (phiên dịch) dịch ra thành bài thơ tiếng Việt. Rất trung thành với nguyên bản Pháp văn, lại cũng giàu tâm hồn nghệ sĩ, anh thông ngôn đã dịch thành bài lục bát sau đây:

Roi tre vun vút vung ra
Lũ lạc đà với lũ la chạy cuồng
Vợ Trời gióng một hồi chuông
Gọi về ăn bát canh xương gà tần.

Dịch xong, tên Pháp nghe câu được câu chăng nhưng cũng đủ hiểu ý xỏ xiên, đã tím mặt vì biết là tay thông ngôn chửi mình. Thật là Tây dịch thơ ta... không ra gì thì bị ta chửi. Buốt đến tận tim mà hắn đành ngậm tăm.
Lê Hồng Bảo Uyên
.
.