Dịch thơ: nói dễ, làm khó!

Thứ Ba, 21/01/2014, 08:00

Dịch thơ là một công việc vô cùng khó khăn. Vì thế, khi dịch giả chuyển tải được 70-80% nội dung của tác phẩm và đồng thời bản dịch vừa thoát ý lại vừa có chất thơ nữa thì đã là đáng quý, đáng trân trọng lắm rồi. Còn như cố dịch cho sát nghĩa, gò vào cho đúng niêm luật, câu chữ của nguyên tác thì bản dịch thơ chưa chắc đã được bạn đọc chấp nhận.

Vừa rồi, đọc bài của tác giả Lê Tiến Thức trên Báo Văn nghệ số 43 (26/10/2013), tôi thấy tác giả chê các bản dịch thơ của Tương Như (tức nhà thơ Nam Trân) là "chưa đúng, chưa ổn, không chuyển tải được ý và nghĩa trong bản gốc…". Và ông Lê Tiến Thức "mạnh dạn đưa ra bản dịch" mới của mình trên cơ sở "mạo muội chỉnh sửa bản dịch" đã có trước đó (ở đây là các bản dịch của Nam Trân) để bạn đọc so sánh. Điều này là đáng ghi nhận. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó để mọi người tham khảo thôi, thì cũng chẳng có gì đáng nói. Bản dịch đó hay hay chưa hay thì để bạn đọc và thời gian trả lời. Song đáng trách là trong bài viết của mình, ông Lê Tiến Thức có những nhận xét, đánh giá thiếu khách quan, nếu không muốn nói là quá tự phụ, khiến tôi không thể không lên tiếng. Ở bài viết của mình, ông Lê Tiến Thức chia làm hai phần. Tôi cũng xin theo đó mà trao đổi lại.

1. Từ những bài thơ Đường nổi tiếng…

Trong phần này tác giả lấy hai bài để làm dẫn chứng: "Vọng Lư Sơn bộc bố" (Xa ngắm thác Núi Lư) và "Tĩnh dạ tứ" (Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh) đều của "thi tiên Lý Bạch".

Ở bài "Vọng Lư Sơn bộc bố", sau khi chê bản dịch của Nam Trân là chưa chuẩn, chưa đúng, tác giả đưa ra bản dịch mới của mình "mong được trao đổi". Tôi xin chép lại các bài thơ đó, bao gồm cả phiên âm chữ Hán, dịch nghĩa và dịch thơ để mọi người tiện theo dõi.

Bài "Vọng Lư Sơn bộc bố":

Phiên âm:

Nhật chiếu Hương Lô sinh tử yên
Dao khan bộc bố quải tiền xuyên
Phi lưu trực há tam thiên xích
Nghi thị Ngân Hà lạc cửu thiên

Dịch nghĩa:

Mặt trời chiếu núi Hương Lô, sinh làn khói tía
Xa nhìn dòng thác treo trên dòng sông phía trước.
Thác chảy như bay đổ thẳng xuống từ ba nghìn thước
Ngỡ là sông Ngân rơi từ chín tầng mây.

Bản của dịch giả Nam Trân:

Nắng rọi Hương Lô khói tía bay
Xa trông dòng thác trước sông này
Nước bay thẳng xuống ba nghìn thước
Tưởng dải Ngân Hà tuột khỏi mây.

Còn đây là bản dịch của Lê Tiến Thức:

Nắng chiếu Hương Lô bừng khói tía
Thác treo thẳng đứng trước sông này
Vút bay từ độ ba ngàn thước
Ngỡ dải Ngân Hà tuột khỏi mây.

Tác giả Lê Tiến Thức cho động từ "rọi" của Nam Trân "không tương thích với không gian nghệ thuật trong nguyên tác" bằng động từ "chiếu" của mình. Rồi từ "tưởng" của Nam Trân cũng "không có được sắc thái biểu cảm" như từ "ngỡ" của Lê Tiến Thức. Tôi cho rằng nói điều này tác giả Lê Tiến Thức quá chủ quan rồi. Hai bản dịch đều có những cái được và cái chưa được. Song với riêng tôi, bản dịch của Nam Trân hay hơn, thần thái hơn bản dịch của Lê Tiến Thức nhiều. Câu thứ ba của Nam Trân hơn hẳn câu thứ ba của Lê Tiến Thức: Vì có được hình ảnh dòng thác nước bay thẳng xuống từ độ cao ba nghìn thước ở câu trên thì thi nhân mới "Tưởng dải Ngân Hà tuột khỏi mây" chứ. Còn dịch như Lê Tiến Thức "vút bay" (chỉ có thể hiểu là bay lên) ở câu trên thì sao hợp với từ tuột (xuống) ở câu dưới được! Hơn nữa, chữ "thẳng" (tức chữ " trực" trong nguyên tác) ở câu thứ ba của Nam Trân mới hay, mới tạo cảm giác mạnh của thác nước. Nếu đem chuyển chữ "thẳng" lên câu hai như của Lê TiếnThức lại làm phân tán hình tượng thơ. Như vậy, bản dịch của Nam Trân hay hơn bản của Lê Tiến Thức là cái chắc! 

Quang cảnh Hội nghị Quốc tế về dịch thuật và ngôn ngữ tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc tế - 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội ngày 13/12/2013.

Còn đây là bài "Tĩnh dạ tứ":

Phiên âm:

Sàng tiền minh nguyệt quang,
Nghi thị địa thượng sương.
Cử đầu vọng minh nguyệt,
Đê đầu tư cố hương.

Dịch nghĩa:

Ánh trăng sáng đầu giường,
Ngỡ là sương trên mặt đất.
Ngẩng đầu ngắm vầng trăng sáng,
Cúi đầu nhớ quê cũ.

Bản dịch thơ của Nâm Trân:

Đầu giường ánh trăng rọi,
Ngỡ mặt đất phủ sương.
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng,
Cúi đầu nhớ cố hương.

Bản dịch thơ của Lê Tiến Thức:

Đầu giường trăng sáng tỏ,
Ngỡ mặt đất mù sương.
Ngẩng đầu ngắm trăng sáng,
Cúi đầu nhớ cố hương.

Cũng tương tự như cách lập luận chủ quan ở phần trên, sau khi chê Nam Trân tự ý "thêm hộ Lý Bạch hai động từ nữa vào bản dịch của mình", Lê Tiến Thức vẫn cho rằng từ "ngắm" của mình hơn hẳn từ "nhìn" của Nam Trân bởi nó "tỏ tâm trạng của Lý Bạch đúng hơn". Điều này chưa hẳn ai cũng nghĩ như vậy. Chưa kể trong năm động từ mà Lê Tiến Thức liệt kê, có hai chữ không phải là động từ mà là tính từ thì đúng hơn. Đó là hai chữ "nghi" (ngỡ là) và "tư" (nhớ).

2. Đến Hồ Chí Minh với "Ngục trung nhật ký":

Trong phần này, dịch giả Lê Tiến Thức lấy ra ba bài của Bác để làm dẫn chứng cho những lập luận của mình.

Bài "Đi đường":

Phiên âm:

Tẩu lộ tài tri tẩu lộ nan,
Trùng san chi ngoại hựu trùng san.
Trùng san đăng đáo cao phong hậu,
Vạn lý dư đồ cố miện gian.

Dịch nghĩa:

Có đi đường mới biết đường đi khó,
Hết lớp núi này lại tiếp đến lớp núi khác.
Lên đến đỉnh cao chót của rặng núi điệp trùng ấy.
Thì muôn vạn non sông đã thu cả vào tầm mắt.

Bản dịch thơ của Nam Trân:

Đi đường mới biết non cao
Núi cao rồi lại núi cao trập trùng
Núi cao lên đến tận cùng
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non.

Bản dịch của Lê Tiến Thức:

Đi đường mới biết đường đi khó
Qua dãy núi này còn dãy nọ
Lên đỉnh non cao chót tận cùng
Thu vào tầm mắt cả non sông

Cũng vẫn cách suy nghĩ đơn giản như trên, ông Lê Tiến Thức chê bản dịch của Nam Trân "chưa gần gũi với nguyên tác", chuyển bản dịch từ thất ngôn tứ tuyệt sang lục bát làm "giảm đi giọng điệu rắn rỏi trong nguyên tác". Nói như vậy là ông Lê Tiến Thức đã tự mâu thuẫn với chính mình rồi. Bằng chứng là: Mặc dù cố giữ cho được thể thất ngôn tứ tuyệt trong bản dịch, song nếu theo trình tự Khai - thừa - chuyển - hợp thì bản dịch mới của Lê Tiến Thức cũng chưa đạt độ chuẩn về vần (mặc dù thất ngôn tứ tuyệt cũng có biến thể).

Lại nữa, câu thứ hai ở bản dịch của Nam Trân là một hình ảnh đẹp, hùng vĩ với cách điệp vần khá thú vị "Núi cao rồi lại núi cao trập trùng". Còn ở bản dịch của Lê Tiến Thức thì câu này chỉ có ý và đơn giản như một câu kể "Qua dãy núi này còn dãy nọ". Còn nữa, câu thứ ba trong bản dịch của Lê Tiến Thức chữ bị lặp lại quá nhiều: Đã lên "đỉnh" lại còn "chót", đã "chót" lại còn "tận cùng"!

Bài "Tự khuyên mình":

Phiên âm:

Một hữu đông hàn tiều tụy cảnh,
Tương vô xuân noãn đích huy hoàng;
Tai ương bả ngã lai đoàn luyện,
Sử ngã tinh thần cách kiện cường

Dịch nghĩa:

Không có cảnh mùa đông tiêu điều rét mướt,
Sẽ không có mùa xuân ấm áp huy hoàng.
Tai ương rèn luyện ta,
Khiến cho tinh thần ta càng thêm vững.

Bản dịch thơ của Nam Trân:

Ví không có cảnh đông tàn
Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân,
Nghĩ mình trong bước gian truân,
Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng.

Bản dịch của Lê Tiến Thức:

Không có cảnh mùa đông lạnh giá,
Sao hay xuân ấm áp huy hoàng;
Trong gian khổ tai ương rèn luyện,
Vượt chính mình mới thật vẻ vang.

Hai câu đầu ở bản dịch của Nam Trân hơn đứt hai câu đầu của Lê Tiến Thức về sự nhuần nhuyễn và lôgic. Còn câu kết của Lê Tiến Thức "Vượt chính mình mới thật vẻ vang" thì lại có điều phải bàn: Cụm từ "vượt chính mình" hiện đại quá, mới quá, sai ý tác giả. Hai chữ "vẻ vang" lạc vào đây không đúng chỗ. Có gì đó như sự tự kiêu hơi quá không hợp với tính cách của Hồ Chủ tịch!

Nhân tiện cũng xin có đôi lời về chuyện dịch thơ Đường của Bác. Hẳn những ai yêu thơ cũng đều biết và ưa thích bài "Nguyên tiêu" của Hồ Chủ tịch và bản dịch "Rằm tháng giêng" của Xuân Thủy. Mặc dù cũng phải chuyển từ thất ngôn tứ tuyệt sang lục bát, mặc dù cũng phải bỏ đi một chữ "xuân" trong nguyên tác, nhưng có thể nói cho đến hôm nay chưa có bản dịch nào hay hơn bản dịch của Xuân Thủy! (cho dù khá nhiều người cũng cố công tìm cách dịch lại nhưng xem ra cũng chỉ được cái nọ hỏng cái kia thôi).

Không chịu bằng lòng với cái cũ, muốn thay đổi, muốn đổi mới, đó là điều nên làm của người sáng tác. Song đừng nhân danh đổi mới mà phủ định những giá trị sáng tạo đích thực của người đi trước, với một thái độ thiếu tôn trọng! Sự đời, nói thì dễ, chê thì dễ, nhưng làm thì khó lắm thay!

Thái Bình, 15/12/2013

Đặng Toán
.
.