Tài hoa để lại

Thứ Bảy, 14/05/2016, 08:00
Nhân đọc tập truyện ngắn “Về lại Gò Công” của nhà văn Đoàn Minh Tuấn, NXB Thanh Niên, tháng 4-2016


Trong làng văn chương chữ nghĩa, trong giới bạn đọc yêu văn học, không mấy người không biết đến cây bút văn xuôi Đoàn Minh Tuấn. Nhắc đến ông, bạn đọc nhớ đến “Thầy giáo vùng cao”; “Em đội viên mắt sáng”; “Núi sông hùng vĩ”… một thời làm nức lòng bạn đọc.

Số đầu sách ông cho xuất bản đã có hàng chục. Nhiều cuốn tái bản 5 - 6 lần. Đặc biệt cuốn sách “Bác Hồ - cây đại thọ” hiện đã tái bản tới 19 lần. Tác phẩm của Đoàn Minh Tuấn phong phú về thể loại. Có cả tiểu luận chân dung, có cả kịch bản rối, kịch bản phim tài liệu… nhưng tập trung và thành công nhất vẫn là thể loại truyện - ký.

Ông sáng tác cho cả người lớn và trẻ em. Nhiều tác phẩm được tuyển vào sách giáo khoa Tiếng Việt giảng dạy trong nhà trường bao năm nay. Vừa qua, tháng 4-2016, nhà văn Đoàn Minh Tuấn đã cho ra mắt bạn đọc tập truyện ngắn với nhan đề “Về lại Gò Công” gồm 14 truyện, trong đó có 3 truyện ngắn lịch sử khiến Chủ tịch Hội Nhà văn Hữu Thỉnh phải tấm tắc: “Lần đầu tiên trên văn đàn, đọc truyện Ông tướng làng Tả Thanh Oai, viết về Ngô Thời Nhậm chưa có tác giả nào khái quát thành công như vậy?”.

Lời nhận xét trên tập trung vào từ “khái quát”. Tuy nhiên bạn đọc nếu chưa đọc chưa thể hình dung: Những truyện lịch sử trong “Về lại Gò Công” chỉ trên dưới hai ngàn chữ thôi mà là cả một sự kiện lịch sử, cả một thân phận lịch sử được phản ánh đầy đủ dưới ngòi bút tài hoa của tác giả. Nhãn quan nhà văn biết tập trung, hội tụ vào cốt lõi của vấn đề, biết chọn đại diện, lấy một mốc son trong đời nhân vật để khắc họa bằng ngôn từ ngắn nhất, khái quát nhất nhưng người đọc vẫn hình dung đầy đủ và cụ thể về một nhân cách cao đẹp.

Ấy là một Bình Tây Đại Nguyên Soái Trương Công Định kiên trung bất khuất, thà chết không đầu hàng giặc Pháp; một ông quan Thị lang Ngô Thì Nhậm tài cao chí lớn dám bỏ vua theo Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ; một Lê Trung Đình tài giỏi ngang tàng đứng lên dấy binh khởi nghĩa chống Pháp và uy nghi lẫm liệt trước lưỡi gươm của quân thù…

Bên cạnh đó, ta cũng gặp những vĩ nhân lịch sử như Đại tướng quân Nguyễn Tri Phương - người biết trân trọng hiền tài; Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ - một minh quân sáng láng biết “chiêu hiền đãi sĩ” làm nghĩa lớn… Truyện lịch sử của Đoàn Minh Tuấn dù ngắn nhưng trang viết vẫn đủ để ta nhận thức một vấn đề, chiêm nghiệm một nhân cách. Hơn thế ông vẫn đủ thời lượng cho văn chương tung tẩy. Ví dụ những đoạn văn tả cảnh thiên nhiên rất gợi tình, rất đúng không gian cảnh quan thời đại.

Hoặc những đoạn ông viết về các bà vợ của các bậc anh hùng lịch sử tuy là nhân vật phụ nhưng tài đức của họ đã góp phần ảnh hưởng không nhỏ tới sự nghiệp của người chồng. Điển hình là đoạn mô tả tâm trạng của bà Hoàng Thị Yến - vợ của quan Thị lang Ngô Thời Nhậm trong đêm ông uống rượu ngắm trăng đau buồn thế sự. Những người phụ nữ trong truyện lịch sử của Đoàn Minh Tuấn chỉ hiện ra đôi nét phác thảo mà nết na gia giáo, mà trang trọng, mà điển hình cho người phụ nữ truyền thống trong gia đình Việt Nam, xưa khiến người đọc không thể không ấn tượng.

Nhìn chung, những truyện ngắn lịch sử của Đoàn Minh Tuấn viết ngắn gọn, xúc tích nhưng sức chứa thông tin lớn. Nó như là thể loại kể chuyện lịch sử nhưng thấm đẫm chất văn chương nghệ thuật bởi tài hư cấu, tưởng tượng của tác giả. Ông đã kết hợp khéo léo giữa sự kiện chính sử và tình tiết giã sử để làm nên sự hấp dẫn tin cậy của cốt truyện.

Nếu các truyện lịch sử là những sự kiện được viết trang trọng, có phần nghiêm cẩn thì những truyện khác lại là những câu chuyện giản dị rất đời thường. Một chiến sĩ Việt Cộng về hoạt động trong vùng địch còn thiếu kinh nghiệm sống phải nhờ dân che chở; một đôi trai gái Campuchia - Việt Nam yêu nhau tha thiết, tuy không đến được hôn nhân nhưng họ vẫn giữ được tình bạn tốt đẹp, sáng trong, gắn bó muôn đời; một tổ địa chất Sao Đỏ gian nan thầm lặng đi tìm quặng làm giàu cho đất nước; một ông hiệu trưởng già dẫn đầu đoàn giáo viên học sinh bãi khóa phản đối chế độ Mỹ ngụy đáp áp học đường; một em thiếu niên làm Công an giữ trật tự giao thông đường phố Thủ đô; một bác sĩ phẫu thuật với ý thức trách nhiệm lớn đã quyết tâm mổ cứu người trong đêm bom đạn.

Rồi một em đội viên người dân tộc bị khiếm thị nhưng vẫn vót đủ số chông chống Mỹ. Một cô gái trồng hoa vượt lên làm giàu trên vườn xuân Đà Lạt… tất cả đều từ hiện thực sinh động của cuộc sống mà tác giả nắm bắt nhanh nhạy, kịp thời để viết thành truyện.

Nhiều truyện tưởng không có gì nhưng tác giả gửi gắm nhiều ý tưởng sâu sắc như “Sau cơn mưa”; “Bên gốc thông già”; “Chị Thanh thổi còi đi”. Có truyện giống truyện  ký như “Tấm áo ngự hàn”; “Căn nhà nhỏ trong vườn nhãn”, “Bên gốc thông già” trong đó tác giả phải chăng là nhân vật Tôi, Duy, Tạo, là cụ Tuân? Có chuyện cực ngắn như “Căn phòng nhỏ hẹp”, “Em đội viên mắt sáng” nhưng đủ cho ta rưng rưng xúc động bởi vẻ đẹp thánh thiện của con người hiện lên bằng tinh thần bất khuất, không chịu lùi trước hoàn cảnh, bằng hành động yêu nước thương nòi rất cụ thể chứ không chung chung.

Và hầu hết trong tập truyện của Đoàn Minh Tuấn không có nhân vật phản diện, không có mâu thuẫn giằng xé theo lý luận “thắt nút – mở nút”, cũng không có các tuyến nhân vật cọ xát nặng nề… tất cả chỉ là những con người bình thường, giản dị nhưng nhân cách thật đáng trân trọng. Vì thế mỗi truyện ngắn của nhà văn như một bức tranh đóng khung xinh xắn nhưng sống động chứa đựng nhiều hàm ý sâu xa, kín đáo phải “ngắm nghía” mới ra ý tưởng.

Đọc “Về lại Gò Công” của nhà văn Đoàn Minh Tuấn ta còn nhận ra ông có một vốn sống, vốn văn hóa thật phong phú. Ấy là sự hiểu biết về thiên nhiên, địa lý, cây cối, việc chuyên môn ngành nghề, kể cả làm ăn kinh doanh thời mở cửa. Ấy là cái nhìn tinh tế về nhân tình thế thái, hiểu được cái đúng trong ứng xử của tình người, nhìn được vẻ đẹp bên ngoài để nhận ra vẻ đẹp nội tâm, miêu tả đúng tâm lý nhân vật (nhất là nhìn người phụ nữ). Ngoài ra ông cũng hiểu biết khá nhiều về văn thơ cổ kim khi đưa vào tác phẩm làm mềm mại những trang văn tài hoa.

Thật lạ, tập sách có cả chuyện thời quá khứ lịch sử xa xôi, có cả chuyện thời chiến tranh chống Mỹ, qua thời kỳ bao cấp trở lại chuyện thời hiện đại ngày nay nhưng được sắp xếp đan xen chứ không thứ tự thời gian, vậy mà người đọc vẫn tỉnh táo, vẫn hòa nhập được tâm trạng vào văn cảnh từng thời đại. Phải chăng đây là một dụng công bố cục để người đọc đỡ nhàm chán? Nhưng ý nghĩa quan trọng hơn, đó là tác giả muốn dùng sợi chỉ đỏ về phẩm chất tốt đẹp trong nhân cách con người Việt Nam để xâu chuỗi quá khứ đến hiện tại và dự báo tương lai về một chặng đường phát triển của lịch sử dân tộc.

Văn phong thong thả, khoan thai như người. Mỗi câu chuyện của nhà văn Đoàn Minh Tuấn là một bức chân dung về cuộc sống, về con người trong khung tranh đẹp treo trên cao cho ta ngắm nhìn theo năm tháng. Ông xứng đáng là cây cao bóng cả cả về tuổi tác lẫn sáng tạo văn học. Tác phẩm của ông là tài hoa để lại cho đời. Thanh Xuân, ngày 8-5-2016

Nguyễn Thị Mai
.
.