Nhà văn Đoàn Minh Tuấn: Tuổi nào cũng… “chơi” được

Thứ Tư, 22/10/2008, 13:30
Mỗi khi nhắc tới mối quan hệ của mình với các văn nghệ sĩ lão thành, nhà văn Đoàn Minh Tuấn thường khiêm tốn xếp mình vào dạng "tiểu đồng", là "chân điếu đóm" cho các cụ.

Kỳ thực, ông đã làm được những điều mà rất hiếm nhà văn làm được: Có thể chơi được với những người cá tính rất khác nhau (và cũng khác với ông), trong đó một số người trước khi mất ít giờ còn biên thư tâm tình với Đoàn Minh Tuấn.

Về tuổi tác, Đoàn Minh Tuấn kém bậc trưởng lão Nguyễn Tuân tới 22 tuổi, bình thường phải xếp vào hàng "cháu con". Bản thân Đoàn Minh Tuấn, khi lần đầu diện kiến cụ Tuân, ông cũng chỉ dám gọi "bác" xưng "cháu".

Có lẽ, linh giác đã cho nhà văn bậc cha chú nhận thấy đây là một cậu chàng "chơi được", thậm chí còn "rất hay là khác", nên ngay từ lần gặp đầu tiên đó, cụ đã kêu cây bút trẻ phải đổi cách xưng hô ra thành "anh em".

Mối quan hệ khăng khít giữa hai nhà văn cứ vậy kéo dài gần ba chục năm, để rồi cuối cùng, vài ba giờ trước khi mất, từ Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô, Nguyễn Tuân đã lại nhớ tới Đoàn Minh Tuấn và cầm bút viết thư cho nhà văn đàn em bấy giờ đang ở mãi tận phương Nam xa xôi (đây cũng là những dòng di bút cuối cùng của ông).

Xin trích mấy câu trong đoạn kết bức thư: "Thấy cái sự đời chả có gì vui lắm và cũng chả nên buồn về cái gì. Cho mình hỏi thăm tất cả nhé. Sống rồi chết (có) nhiều cách nhưng không nên ốm đau". Có thể xem đây là những tâm sự sâu kín mà phải là người thật chí cốt mới có thể giãi bày với nhau.

Với nhà văn Đoàn Giỏi, Đoàn Minh Tuấn cũng được xem là người bạn vong niên. Cái tết cuối cùng của Đoàn Giỏi (Kỷ Tị -1989), ông đã đến ăn tết ở nhà Đoàn Minh Tuấn. Sau đó mấy tuần, ông trở bệnh, phải nhập viện. Cũng giống như Nguyễn Tuân, tại bệnh viện, một trong những người mà Đoàn Giỏi nhớ tới nhiều là Đoàn Minh Tuấn.

Trước khi mất vài ngày, ông gọi Đoàn Minh Tuấn đến bên giường, nắm tay Đoàn Minh Tuấn và nói những lời như trăng trối: "Cuốn sách này (tức cuốn "Núi cả, cây ngàn") mình thai nghén gần ba năm rồi, ước mong nó là thông điệp lịch sử đấu tranh trong buổi sơ khai của Nam Kỳ lục tỉnh".

Được biết, trước khi bắt tay thực hiện cuốn sách, Đoàn Giỏi từng nhờ Đoàn Minh Tuấn tìm kiếm giúp một số tư liệu lịch sử ở Thư viện Quốc gia cũng như thư viện cá nhân của ông…

So với nhà văn Nguyễn Đình Thi, Đoàn Minh Tuấn cũng thuộc diện "sinh sau đẻ muộn" (ông thua Nguyễn Đình Thi tới 8 tuổi), và cách sinh hoạt thì thực khác nhau. Đoàn Minh Tuấn có thể đánh bạn với nhiều kiểu người. Ăn uống, cười nói xô bồ, ngồi quán nào cũng được. Nguyễn Đình Thi thì bình sinh rất hiếm khi ăn hàng ăn quán. Bạn bè quan hệ cũng chừng mực, vừa phải.

Ấy thế nhưng, hễ có dịp ghé thành phố Hồ Chí Minh dài ngày là thể nào ông cũng ghé chơi chỗ Đoàn Minh Tuấn. Trước khi mất chừng 10 ngày, trong cuộc trò chuyện qua điện thoại, mặc dầu bệnh tình đã nặng, Nguyễn Đình Thi vẫn hẹn với Đoàn Minh Tuấn là khi ra viện, ông sẽ vào thành phố Hồ Chí Minh chơi với Đoàn Minh Tuấn, sẽ nằm ở nhà ông nửa tháng và hai người "sẽ trò chuyện, đàm đạo với nhau, vừa chơi vừa viết".

Phải nói, đây là một điều rất hiếm gặp ở Nguyễn Đình Thi bởi ông vốn dĩ là người rất ý tứ ngay cả với con cháu trong nhà. Nhà văn Nguyễn Đình Chính chẳng đã kể: Có lần ông mời cha mình đến ở cùng vợ chồng mình, song Nguyễn Đình Thi "không muốn nhờ vả làm phiền" gia đình con trai, ông chỉ muốn nhờ con tìm thuê cho ông một căn hộ gần đấy thôi…

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng là một người bạn gần gũi của Đoàn Minh Tuấn. Ông nhỏ hơn Đoàn Minh Tuấn dăm bảy tuổi song Đoàn Minh Tuấn luôn nhìn ông với con mắt ngưỡng vọng. Mặc dù phút lâm chung của Trịnh Công Sơn không có Đoàn Minh Tuấn ở cạnh bên, song một điều rất đáng nói là, trong ngày hôm ấy và những ngày tiếp theo, nhà riêng của Đoàn Minh Tuấn gần như là "trạm trung chuyển" những tin tức về người nhạc sĩ tài hoa này.

Đoàn Minh Tuấn nhớ lại: "Nhà tôi từ hôm qua đến nay, điện thoại từ Hà Nội của anh Nguyễn Đình Thi, của Giáo sư Nguyễn Xuân Đào, điện thoại từ Đồng Nai của nhà thơ Xuân Bảo, điện thoại miền Tây, từ Ba Lan, Thụy Điển, Nga… của các anh chị sinh viên, và các tòa đại sứ cùng bè bạn Việt Nam tới tấp gọi; có người xác minh nguồn tin, có người nhờ đến thắp hương chia buồn, chia đau thương cùng các em của Sơn…".

Ngạn ngữ phương Tây có câu: "Hãy nói cho tôi biết bạn của anh là ai, tôi sẽ nói cho anh biết anh là người như thế nào". Suốt mấy mươi năm làm văn, làm báo, Đoàn Minh Tuấn đã kết thân với rất nhiều người, thuộc đủ thành phần và lứa tuổi.

Riêng giới văn nghệ sĩ, từ các nhà văn, nhà thơ lớp tiền chiến như: Hoài Thanh, Nguyễn Tuân, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Tế Hanh, Tô Hoài, Mộng Tuyết, đến lớp nhà văn chống Pháp, chống Mỹ như: Nguyễn Đình Thi, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Quang Sáng, Phan Tứ, Nguyễn Duy, Phượng Vũ, các nhà văn lứa sau 1975 như: Trương Nam Hương, Nguyễn Hồng Thái,  rồi các họa sĩ, nhạc sĩ: Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Sáng, Trịnh Công Sơn v.v và vv... tất cả đều yêu mến, quý trọng Đoàn Minh Tuấn, đều dành cho ông những cách hành xử "ngoại lệ". Mà như chúng ta đã biết, trong số các tác giả này, không phải ai cũng "chịu" nhau, cũng "chơi" được với nhau.

Điều này cho thấy khả năng hòa đồng của Đoàn Minh Tuấn rất cao. Lại nhớ, hồi Đoàn Minh Tuấn còn làm việc ở Đài Tiếng nói Việt Nam, đã có lần ông bị lãnh đạo Phòng Tổ chức gọi lên nhắc nhở vì người ta không thể ngờ là ông "thiệt thà" thế mà sao lại "chơi với kẻ xấu".

Ý kiến này đúng, nhưng chỉ đúng một nửa. Nghĩa là, Đoàn Minh Tuấn "thiệt thà" có thể chơi với một ai đó "khôn ngoan", chứ nhất quyết ông không chơi, không kết bạn với "kẻ xấu". Và sự thật, cái người bị ông Trưởng phòng Tổ chức coi là "kẻ xấu" năm ấy, sau này đã được minh chứng là người trong sáng, đôn hậu.

Tuy nhiên, như ta đã biết, để chơi được với những người dẫu tốt - nhưng không hợp "cạ", không hề là điều đơn giản. Và bởi vậy, như ở phần mở bài đã nói, trong các nhà văn Việt Nam, không phải ai cũng làm được như Đoàn Minh Tuấn

Tường Duy
.
.