Sự đời trong "Bước thời gian"
- Tâm thế con người đương đại qua một tập thơ
- Thơ “phảng phất cách nói của người xưa”
- Bất chợt một miền thơ
Nhận được tập thơ "Bước thời gian" (NXB Hội Nhà văn, 2018) của Tùng Bách gửi tặng, tôi đọc liền một mạch, rồi cứ đọc đi, đọc lại một số bài trong đó. Khi đọc đến câu thơ: "Không ngờ "Con cóc bôi vôi" cũng tình!" trong bài thơ "Ngày tình yêu", tôi có cảm tưởng như thời của Bà Chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương đang hiện hữu!
Hầu hết những bài thơ trong tập "Bước thời gian" đều ngắn, lời thơ có vẻ nôm na, mộc mạc nhưng lại ẩn chứa nhiều điều sâu xa về cuộc đời này. Tôi thấy nhà thơ, nhà giáo, nhà phê bình Hà Quảng nhận xét rất đúng: "Bao tháng ngày từng trải, ông đã chiêm nghiệm nhiều nghịch lý đời sống chắt thành thơ. Thoáng nghe, có vẻ nhẹ tênh như một cái nhếch mép, nhưng lắng sâu những giọt đời".
Tôi thích cái tự trào trong thơ Tùng Bách. Tự giễu mình để giễu đời. Tự cười mình để cười những điều đáng cười trong cuộc đời này:
Lá xanh tự vàng
Chả cần phấn đấu
Lá vàng tự rụng
Chẳng thể cản ngăn
Rét thì trùm chăn
Nóng thì bật quạt ...
...Ngồi triết lý vặt
Tự vỗ tay mình
(Triết lý vặt).
Trong bài "Hiện Hữu", tác giả viết:
Lúc trẻ thuộc diện xấu trai
Về già không ngờ đẹp lão
Lúc trẻ dọc ngang giông bão
Về già, nhếch mép cười trừ
Vợ bảo: ông ngày càng hư
Không hư, có mà ăn cám!...
Phải là người thông minh, từng trải, tự tin, tự hiểu mình mới có thể tự trào trong thơ như cụ Tú Xương ngày xưa chứ. Theo tôi, tự trào cũng là một phẩm chất của người nghệ sỹ. Bởi, khi người thơ sống hết mình, yêu hết mình, dám bày tỏ hết mình, không giấu giếm, không lên gân, không làm ra vẻ thế này thế khác, ấy là lúc hồn thơ thực sự thăng hoa.
Trước đây, có người nói với tôi rằng, văn thơ viết như chơi nó mới hay! Buổi đầu tôi không hiểu. Nhà văn, nhà thơ phải mang nặng, đẻ đau mới có được đứa con tinh thần cường tráng! Nhưng, khi đọc hàng trăm tập thơ Đông - Tây - Kim - Cổ và qua thời gian chiêm nghiệm hàng chục năm, tôi mới thấy là đúng.
Nghệ thuật là sáng tạo, nhà văn, nhà thơ trước hết phải có tài văn, tài thơ, phải sống hết mình trong sự vui, buồn, sướng, khổ cùng đồng loại thì đến một lúc nào đó, tự nhiên những áng văn, những câu thơ sẽ trào dâng như dòng suối tuôn chảy. Văn chương, nghệ thuật không phải là thứ mà ai cũng có thể ngồi xoay trần, đánh vật với con chữ toát mồ hôi mà làm ra được!
Ấy là tôi muốn nói đến thơ Tùng Bách. Viết như chơi. Và chơi để viết. Những bài thơ, những câu thơ tưởng như chơi chơi ấy, nhưng, sau con chữ là những ý tưởng, những cảm nhận về cuộc đời, về kiếp người...
Nhiều khi dắt xe ra ngõ
Loay hoay hoài...
Chẳng biết đi đâu!
Ngước sang Ngàn Hống - Mây như khói
Ngó xuống Lam Giang - Nước đỏ ngầu
Xắm nắm xuôi về niềm Cổ Đạm
Ả Đào - vãn cuộc phắn từ lâu...
(Nhiều khi).
Những câu thơ tưởng viết như chơi ấy, nhưng ẩn chứa cuộc đời dâu bể của những miền quê, những con người, những bước đi của thời gian không thể không làm ta nao lòng...
Cái cảm thức về sự hữu hạn của đời người trước sự vô hạn của thời gian vốn là cảm thức muôn đời của thi nhân. Nhưng, mỗi thời, mỗi người, cảm thức mỗi khác. Nhìn ngắm hoa hướng dương, ta thường nghĩ đến mặt trời, nghĩ đến những điều tươi sáng, nhưng trong con mắt thi nhân lại khác: "Ta hướng về hoa / Hoa hướng dương / Ong bay lạc lối / Bướm quên đường / Rồi ra tất cả đều hư ảo / Mỏng mảnh duyên tình chút khói sương" (Hoa hướng dương). Nhìn hoa hướng dương mà nghĩ đến sự mong manh, hư ảo của đời người, ấy là nhà thơ đã cảm nhận được "Bước thời gian" trong tâm thức của chính mình.
Bây giờ, hình như nhiều người làm thơ đang muốn từ bỏ những bài thơ có vần, có điệu, muốn từ bỏ loại thơ mà họ gọi là thơ "ướt át", một thời. Ấy, nhiều người làm thơ đang muốn "cách tân" thơ theo kiểu kéo dài câu thơ, đảo ngược, đảo xuôi, xoay ngang, xoay dọc, nhiều bài thơ tôi đọc trên báo quả thực là khó hiểu, nhiều khi ý nghĩa tù mù, rối rắm, khiên cưỡng...
Quả thực, bây giờ, nếu viết như ngày xưa, theo những lối mòn cũ thì khó mà đến được với người đọc. Nhưng, tôi thiển nghĩ muôn đời nay, thơ hay vẫn là thơ dễ đọc, dễ thuộc, dễ đi vào lòng người như những câu KIỀU của cụ Nguyễn Du; vẫn là sự rung động, thăng hoa của thi nhân trong sự biến hóa của ngôn ngữ đời sống thường ngày...
Một điều nữa mà tôi thích ở tập thơ "Bước thời gian" của Tùng Bách ấy là lối viết dễ hiểu, giản dị. Đọc qua, tưởng ai cũng có thể viết được, nhưng ngẫm kỹ, thấy không hề đơn giản, thấy phía sau con chữ bình thường là những ý tưởng sâu xa: "...Ngày lại ngày... mọi thứ sẽ qua đi/ Lũ nòng nọc lên bờ thành nhái bén/ Sâu hóa bướm, trăng lại rằm đúng hẹn/ Câu thơ buồn, chợt đến giữa ngày vui (Chiều cuối năm).
Đọc hầu hết những bài thơ trong "Bước thời gian", người đọc thấy sự được sự nhất quán trong ý tưởng, phong cách, cấu tứ, cũng như các thủ pháp nghệ thuật tạo nên cái riêng trong thơ Tùng Bách, theo tôi đó là điều cần thiết để một tập thơ, một người thơ không bị hòa lẫn trong biển thơ hiện nay.
Tùng Bách có lẽ cũng xấp xỉ tuổi tôi, cũng đã trải qua bao thăng trầm của cuộc đời và có lẽ cũng như tôi, luôn tôn thờ những bậc tiền nhân của miền đất núi Hồng, sông Lam, một cụ Nguyễn Du tài hoa hết mực; một cụ Nguyễn Công Trứ ngang tàng, một Xuân Diệu đắm say; một Huy Cận sầu thiên cổ...
Đọc "Bước thời gian", tôi thường ngẫm về sự đời - sự đời mà có lần tôi đã viết: "Sự đời cái lá mồng tơi/ Tả tơi xanh, xanh tả tơi cuối vườn...".
Viết tại nhà vườn Sóc Sơn, 11-2018