Đọc "Chạm nẻo người dưng", tập thơ của Đại Ngàn, NXB Hội Nhà văn, 2017

Tâm thế con người đương đại qua một tập thơ

Thứ Sáu, 23/11/2018, 08:12
Khi đọc các tập thơ của Nguyễn Thành Tâm được ký bút danh Đại Ngàn, tôi không khỏi có chút tò mò. Đại Ngàn không phải là một danh từ mà là một tính từ; dùng tính từ làm bút danh xưa nay không nhiều văn nghệ sĩ làm, nhưng khi đọc thơ và tìm hiểu "nguồn cội" của tác giả thì tôi lại thấy chị có lý khi làm như vậy.


Ta tìm ta giữa đại ngàn
Mênh mông nắng gió nhân gian kiếp này

(Chùm thơ hai câu)

Nguyễn Thành Tâm quê ở huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, một huyện đồng bằng, chỉ riêng cái xã Vĩnh Long của chị là có dãy núi bao ba mặt, với những miệt rừng già ngàn tuổi. Thuở ấu thơ chị tắm táp trong cái mưa cái gió của đại ngàn rừng già.

Rừng già, núi cao, suối sâu… đã thành một phần máu thịt của chị. Thuở cắp sách đến trường phổ thông, chị là học sinh chuyên toán ở quê. Hết phổ thông, chị ra Hà Nội học Đại học Bách khoa. Ra trường, vì duyên nợ với toán mà chị trở thành giáo viên toán đến giờ.

Một số bạn trẻ thời nay hay tìm cách giấu cái nguồn gốc thôn quê của mình, đánh bóng mạ kền để chứng tỏ mình là người thành thị sang chảnh ngẩng mặt lên với đời, thậm chí còn đặt cho mình một cái tên Tây Tây bên cạnh cái tên Việt từa tựa như một vị Việt kiều nào đó.

Nhưng Nguyễn Thành Tâm không thế. Trong tập thơ, không ít lần chị ví mình như một cánh cò: "Cánh cò nhớ thuở nồng nàn/ Cõng theo tiếng sáo non ngàn thuở xưa/ Cánh cò lặn lội giữa mưa/ Hà Thành chẳng có ai đưa cò về…".

Nói như thế còn bóng bẩy, ẩn ẩn hiện hiện. Nhưng đến cuối bài thì chị nói thẳng ngay ra cái căn nguyên tự ví mình như cánh cò: "Thị thành nhớ nhớ quên quên/ Cò ôm khát vọng một miền gió quê…" (Cánh cò khát vọng).

Không những thế, nhiều lần tác giả tự dặn mình không được quên quê hương xứ sở: "Dô khoan nào/ Sông Mã anh hùng/ Thanh Hóa dấu yêu/ Xin đừng quên nhé/ Dù ta đi xa/ Vạn ngàn dâu bể/ Lưng mẹ còng/ Khắc khoải triền đê/ Dô khoan nào…/ Đừng quên lối về…" (Ai nợ lời thương)

Tôi viết văn xuôi, nhưng những năm gần đây được tặng rất nhiều thơ. Vì quý trọng người viết, ai tặng tôi cũng đọc. Tập thơ "Chạm nẻo người dưng" của Nguyễn Thành Tâm (Đại Ngàn) có những bài, những câu hay cuốn hút tôi: "Tháng năm em về anh vui không/ Lúa chín trĩu bông nhuộm cánh đồng/ Óng vàng như buổi ta hò hẹn/ Ai nép tình ai giữa mưa giông/ Tháng năm em về thăm bến sông/ Còn ai thổi sáo ấm men nồng/ Sắc tím lục bình còn ai tặng/ Trăng còn đỏ mặt chốn mây không?" (Tháng năm em về).

Tôi nghĩ câu thơ như "Trăng còn đỏ mặt chốn mây không?" chắc không chỉ riêng tôi thích!

Có thể nhặt ra một số câu hay trong tập để bạn đọc thưởng thức: "Đốt chi cho cháy chiều tà/ Tro tàn tình tội bao la nỗi buồn"; "Chỉ có ánh nhìn mà như dao cứa/ Nửa đời người vây bủa nửa lời yêu";  "Lời yêu người để trên bờ/ Mà ta đuối sức bơ vơ giữa dòng"; "Cánh cò úp mặt trên đồng/ Để tìm hương cỏ ngày không có người".

Trong tập thơ còn nhiều câu ấn tượng, ám ảnh như thế. Cái hay của thơ Nguyễn Thành Tâm không phải sự ẩn tàng lấp lánh mà nó ở sự bộc trực. Như nhiều phụ nữ làm thơ, tác giả cũng từng gặp những hệ lụy, bị người thân nghi ngại, ghen tuông. Nguyễn Thành Tâm xử sự theo cách làm thơ thổ lộ nỗi niềm. Trạng huống này không thể úp mở được, thôi thì cứ bộc trực nói ra cho nhẹ lòng: "Buông tay ra cho mãi là cách biệt/ Người tình trong thơ chẳng là ai hết/ Chỉ nửa lời thương ai mê mải dệt/ Mảnh chung tình không có giữa nhân gian/ Chỉ ảo vọng thôi nên anh đừng ghen/ Đừng bận lòng những câu thơ em viết" (Đừng ghen).

Có khi Nguyễn Thành Tâm càng bộc trực, thậm chí bộc trực một cách dữ dội: "Này anh, lối cũ cạn thương/ Tránh em ra, để con đường hồi sinh/ Trả em về lại chính mình/ Trái tim phá ngục nguyên trinh thuở nào" (Ngày mồng 8 tháng 3), "Người thân đẩy ta về phía người lạ/ Phía ấy mưa giăng mọi ngả đường/ Ta đông cứng từng tế bào huyết quản/ Tỉnh lại trên vùng ngực người dưng…" (Cuộc hoán vị).

Nhưng có lẽ "Chạm nẻo người dưng" neo đậu được trong lòng người đọc, có tính quán xuyến  toàn bộ tập thơ, ấy là mô tả được cái tâm thế chân xác của con người Việt Nam đương đại, tâm thế của con người sống giữa thời đại ngổn ngang phát triển, rất nhiều cơ hội, nhưng cũng không thiếu những bụi bặm, thách thức, hệ lụy: "Ta ngược lối giữa lo toan cơm gạo/ Trên đường đua bỏng rát những công danh/ Ta giật mình nước mắt chạy vòng quanh/ Vỡ giấc mơ, dịu dàng hương mùa cũ" (Hương mùa cũ).

Phải, sống trong cơn bão lốc của thời kì đầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa, tác giả không thể không bị cuốn vào cái guồng quay của nó, nhưng may cho tác giả vẫn còn lưu giữ cái "hương mùa cũ", ấy là cái bản chất ân tình hiếu nghĩa vốn cỏ được nuôi trồng, bồi đắp từ cái thuở còn sống nơi đại ngàn, như một thứ thuốc miễn dịch, để chị không đánh mất mình.

Cái nhịp sống đương đại ở thị thành gấp gáp đến độ làm cho tình yêu đôi lứa cũng vội vội vàng vàng: "Lời anh hát rất hay/ Sao tim em đau nhói/ Bài thơ tình viết vội/ Tan trong chiều gió bay…" (Bài thơ tình phổ nhạc). Tình yêu thời mở cửa hội nhập tưởng thênh thang, thoáng đãng nhưng thực tế lại chật chội và đầy những ảo tưởng: "Người còn nghe tôi nói không?/ Chữ yêu vụn vỡ đớn đau lòng/ Tôi yêu người nồng trong ảo vọng/ Bởi nhân gian chật đến khôn cùng…" (Ảo vọng).

Và đầy những bất an, bất trắc: "Em muốn gói chiều nay/ Cài lên ngàn mắt lá/ Nhỡ ngày mai xa lạ/ Dắt thu qua bồi hồi" (Mắt lá); "Có gì đâu/ Nhân gian dễ dãi/ Câu yêu đương chưa đọng đã rơi rồi" (Vu vơ). Chật chội, bất an, bất trắc, đương nhiên là sẽ không tránh khỏi nỗi cô đơn, khắc khoải và hoài nghi: "Biết là không đến được/ Biết là mãi không nhau/ Đêm xiết ghì hư ảo/ Mênh mang đến bạc đầu" (Đêm), "Rồi từ bữa ấy dần xa cách/ Ta yên tâm phía ấy lãng quên rồi/ Ta đâu biết chiều tràn trên khóe mắt/ Họ dằn lòng im lặng để ta vui" (Lặng im), "Vòng run/ Rối giữa đôi bờ/ Người quên/ Ta dỗ/ Những ngờ ngợ vương" (Ngợ vương). Nguyễn Thành Tâm mô tả nỗi cô đơn khiến ta rất dễ đồng cảm, nó đánh thức nhân tính trong ta: "Chiều nghiêng/ ở phía hoàng hôn/ Ta chênh chao/ phía đoạn đường vừa qua/ Hình như ta giẫm bóng ta/ Nụ cười đông cứng là là phù vân" (Chiều nghiêng).

Cái câu: "Hình như ta dẫm bóng ta" là một câu thơ thể hiện sự cô đơn đến lạnh người!

Hẳn vì thế mà đôi khi tác giả phải cầu viện đến Cửa Thiền: "Nhân gian ơi cõi tạm chúng sinh/ Tự kiếp nào nợ luân hồi tìm trả/ Nếu vô cớ người làm ta đau quá/ hãy nhân văn hóa giải ở kiếp này" (Kiếp nào ta đã nợ nhau). Và nhân ngày lễ Giáng Sinh thỉnh cầu cả Chúa trong Ki-tô giáo, trách yêu Chúa nữa: "Nụ hồng lặng khép hương/ Treo khô từ dạo ấy/ Chúa muộn màng đến vậy/ Để em mãi thỉnh cầu/ Năm nào em cũng hỏi/ Noel này anh đâu" (Noel). Đa cảm, nhân hậu trong từng câu thơ: "Trên đường đời thương nhé cả cỏ cây/ Bởi bao kiếp luân hồi ta đâu tỏ/ Sỏi đá dưới chân biết đâu nghe ta thở/ Lặng im thương trên mỗi lối ta về " (Kiếp nào ta đã nợ nhau).

Song, cái nơi che chở cuối cùng vẫn là quê hương nguồn cội. Dù rất yêu quê hương, nhưng có lúc đau khổ đến tột cùng, tác giả đã phải thốt lên tự hỏi: Liệu quê hương nguồn cội có còn là nơi nương tựa, cứu rỗi  tâm hồn ta: "Sông còn không bến cũ?/Ta xin phút nương lòng/ Lau sậy còn che được?/ Cho ta òa nhớ mong/ Con cua càng ngày cũ/ Có còn giương mắt trong?/ Cỏ có còn mướt mát?/ Ta gục vào mênh mông!"  (Cho ta phút nương lòng).

Nguyễn Thành Tâm bắt đầu làm thơ từ thời sinh viên. Cuộc sống 20 năm qua cuốn vào bao trách nhiệm nên gần đây chị mới quay lại với thơ.

Không sớm, cũng không quá muộn. Năm nay chị ở tuổi 44, trong vòng hai năm chị cho xuất bản 3 tập: "Tràn trong nỗi nhớ" (2016), "Qua vùng bão nổi" (2017), "Chạm nẻo người dưng" (2017). Trong 3 tập ấy, tôi đánh giá cao "Chạm nẻo người dưng". Chỉ một tập thơ này, chị đã xứng đáng là một tác giả.

Tuy nhiên, cũng giống như nhiều tác giả mới cầm bút, Nguyễn Thành Tâm cũng còn những điều cần khắc phục, ấy là khi chị cần phải viết nhanh cho một sự kiện nóng bỏng tính thời sự hoặc cần thể hiện trách nhiệm công dân trước một hiện tượng có khả năng gây tổn hại tới lợi ích quốc gia… thì chị thường tỏ ra dễ dãi, đôi khi hơi cao giọng mà thiếu đi cái trau chuốt, trầm sâu, thâm hậu cần thiết của thi ca. Tuy vậy, những bài thơ như thế chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tập sách.
Lê Hoài Nam
.
.