Nghĩ về giá trị vĩnh hằng của tác phẩm văn nghệ

Thứ Sáu, 26/03/2021, 14:32
Một nhà xuất bản từng đặt hàng tôi tuyển chọn 100 ca khúc Việt Nam có giá trị nhất của thế kỷ 20. Tôi nhận lời và thống nhất trước với họ thế nào là “có giá trị”. Bởi mỗi người nhìn nhận mọi sự vật, sự việc trong thế giới một khác, hoàn toàn theo cảm quan riêng của mình.


Điều thứ hai là tập sách chỉ giới hạn trong dòng nhạc cách mạng, chứ không hàm chứa mọi tác phẩm của các nhạc sỹ người Việt sống ở mọi miền, sáng tác ở mọi thời điểm, tức là chỉ bao gồm những tác giả mà sáng tác của họ đi suốt chiều dài của cách mạng, kháng chiến và xây dựng đất nước.

Như vậy, tác phẩm của những nhạc sỹ ở vùng địch tạm chiếm cũ (trước năm 1954), vùng Mỹ và chính quyền Sài Gòn kiểm soát (trước 1975) đã không có mặt trong tập sách mặc dù có không ít bài rất có giá trị. Không phải vì tính “chính trị” gì mà đơn giản chỉ là để cho tập sách không quá dày. Những bài hát có giá trị nhưng được loại ra trong khuôn khổ tập sách này sẽ được chọn trong một tập khác, xuất bản dịp khác.

Tiêu chí về giới hạn tuyển chọn như trên đã dễ thống nhất. Nhưng về giá trị tác phẩm thì quả là rất khó như đã nói. Cuối cùng, họ đã thống nhất với tôi: Hoàn toàn cho tôi quyền lựa chọn tác phẩm và “có giá trị” là theo quan niệm của riêng tôi - người tuyển chọn. Tôi đã chọn theo tiêu chỉ duy nhất là HAY. Cứ bài hay là chọn, xếp theo thứ tự từ số 1 đến 100 (Tất nhiên hay là theo “gu” của tôi). 

Chúng tôi đã thỏa thuận: Vì đã thống nhất là cho tôi quyền cá nhân lựa chọn nên không có việc đem bản thảo đến “tham khảo” bất cứ đâu, bất cứ ai, vì như vậy sẽ “lắm thầy nhiều ma, nhiều cha con khó lấy chồng”. Khi cuốn sách in ra, người tán dương cũng nhiều mà người phản bác cũng lắm. Chỉ bởi những người thuộc dòng ý kiến thứ hai cho rằng tôi đã chọn không “chuẩn”, bài nổi tiếng thì bỏ qua, bài thường hơn thì lại được chọn. Vụ này hồi đó khá vui, rôm rả. 

Văn Cao và Trịnh Công Sơn là hai trong những nhạc sỹ đã đạt được tính vĩnh hằng trong một số tác phẩm.

Trong một lần trả lời phỏng vấn trên báo, tôi nói: “Bài hay không hẳn đã nổi tiếng và ngược lại. Và theo tôi, hay là phải có giá trị vĩnh hằng, chứ không phải chỉ rộ lên một thời, lây lan khắp nơi trở thành nổi tiếng rồi lại nhanh chóng lịm tắt để chẳng ai muốn nghe và hát nữa”.

Trong tập sách đó, đã không có một ca khúc nào của một nhạc sỹ thuộc hàng gạo cội, rất nổi tiếng mặc dù ông được nhiều người coi là “nhạc sỹ lớn” và nhiều bài của ông gần như ai cũng biết, cũng thuộc. Phóng viên phỏng vấn tôi đặt câu hỏi về việc này. Họ còn nói liệu có chuyện tôi vì một thành kiến cá nhân nào đó mà bỏ quên nhạc sỹ này? Tôi trả lời không bao giờ như vậy. Không thể để quan hệ riêng tư xen vào công việc. Tất cả là “chân lý khách quan” (tất nhiên, lại xin nhắc lại là theo quan niệm của tôi - người tuyển chọn). 

Một tác phẩm văn nghệ nói chung, âm nhạc nói riêng chỉ có thể coi được là hay, có giá trị khi tác phẩm đó có tính vĩnh hằng. Tức là phải có khả năng trường tồn mãi mãi, phải được con người của mọi thời đại, mọi tầng lớp xã hội ưa thích chứ không thể chỉ ở một giai đoạn lịch sử nhất định, trong một xã hội, số người nhất định. Muốn đạt được điều này, tác phẩm phải làm nổi rõ con người với tất cả mọi trăn trở, buồn vui, ước mơ, khát vọng… Tóm lại là mọi ngóc ngách trong đời sống tâm hồn của họ phải được miêu tả, phản ánh một cách sâu sắc nhất với tính khái quát cao. 

Một bài thơ, vở kịch, cuốn truyện, bài hát… có thể được công chúng đón nhận, thậm chí là rất nồng nhiệt nhưng chỉ rộ lên một thời rồi chính họ đã thờ ơ, quên lãng thì không thể có giá trị. Dễ hiểu bởi những tác phẩm đó chỉ đón bắt phản ánh những sự kiện lịch sử được số đông người quan tâm mà sao nhãng việc miêu tả đời sống tinh thần của con người với những số phận và tất cả những điều như đã nói. 

Tất nhiên, không có một con người chung chung mà mang dấu ấn thời đại nhưng có những địa hạt là vĩnh hằng. Đó là tình yêu con người (rộng hơn lứa đôi), yêu quê hương xứ sở, yêu cái thiện, ghét cái ác, khát vọng sống, khát vọng vươn lên, đạt đến sự viên mãn. 

Trên thế giới, kịch Sếchspia, Sêkhốp, Raxin, Coócnây, tiểu thuyết của LépTônxtôi, VíchtoHuygô, thơ của Pútskin, Tago, Lamáctin, nhạc của Sôpanh, Béttôven, Sube, Traicốpsky, tranh của Vangốc, Lêvitan, Picátxô và nhiều tác giả lớn khác đạt được tính vĩnh hằng rất cao, muôn đời người ta sẽ vẫn còn ngưỡng mộ, tán thưởng. Đó là những nghệ sỹ có thể nói là vĩ đại của loài người, không bao giờ bị cũ theo thời gian. 

Ở Việt Nam, Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Công Trứ… là những nhà thơ của văn học quá khứ mà tác phẩm của họ đã có giá trị vĩnh hằng rất cao. Trong nền văn học hiện đại, xem ra chưa có nhiều tác giả đạt được điều này. Tuy nhiên, một số tác phẩm cũng có giá trị trường tồn bền lâu tuy có thể tác giả chưa so được với những nghệ sỹ lớn trên thế giới đã nhắc ở trên.

Trở lại sự việc vắng bóng ca khúc của nhạc sỹ vẫn được nhiều người coi là lớn, nổi tiếng trong tập nhạc do tôi tuyển lựa. Sở dĩ như vậy vì tôi cho rằng mặc dù nhạc sỹ này có nhiều bài quen biết nhưng không có được một bài nào mang tính vĩnh hằng. Ông như một họa sỹ giỏi chuyên vẽ tranh cổ động (áp phích) bằng âm nhạc. Mọi sự kiện thời sự, chính trị đều được ông đề cập kịp thời bằng những ca khúc mang tính quần chúng khá hoành tráng (chanson populaire). Nhưng rồi thì cũng qua đi theo thời gian. Và nhạc của ông chỉ nổi rõ các sự kiện xã hội mà mờ nhạt yếu tố con người nhân bản. 

Nhưng cần thấy một khía cạnh khác của vấn đề: Tính vĩnh hằng của tác phẩm văn nghệ đang nói không có nghĩa là tác giả né tránh đề cập đến những đề tài, sự việc mang tính thời sự, nhất thời và cứ nói đến con người là có được tính vĩnh hằng. Vấn đề là đề cập đến như thế nào. 

Trong âm nhạc, có nhiều tác phẩm đạt được yếu tố này của những nhạc sỹ lớn: Đỗ Nhuận, Văn Cao; Lưu Hữu Phước; Hoàng Vân; Huy Du; Phan Huỳnh Điểu; Hoàng Việt; Hoàng Hiệp; Doãn Nho; Văn Ký; Trịnh Công Sơn… “Việt Nam quê hương tôi” (Đỗ Nhuận); “Hà Nội - Huế - Sài Gòn” (Hoàng Vân); “Tình em” (Huy Du); “Chiếc khăn Piêu” (Doãn Nho); “Bài ca hy vọng” (Văn Ký)…là những ca khúc sẽ sống vĩnh hằng là dễ hiểu. 

Nhưng những ca khúc “Chiến thắng Điện Biên”; “Hò kéo pháo”; “Nhạc rừng”; “Anh vẫn hành quân”; “Tiếng gọi thanh niên”; “Tiến về Hà Nội”; “Người con gái sông La”… của họ cũng sẽ không có tuổi thọ ngắn hơn mặc dù những tác phẩm này đề cập đến những sự việc, mốc thời gian cụ thể. Bởi lẽ thế giới tinh thần của con người được các nhạc sỹ khắc họa thật phong phú, sinh động bằng những giai điệu đặc sắc, giàu hình tượng mang đậm yếu tố dân tộc trong ngôn ngữ âm nhạc. 

“Hò kéo pháo” của Hoàng Vân phản ánh một sự việc rất cụ thể: Kéo pháo vào Điện Biên Phủ để tiêu diệt địch. Nhưng bài hát bất hủ đã nói sâu sắc được tính hiệp đồng, ý chí đoàn kết và khát vọng chiến thắng của người Việt Nam khi ấy. Chiến thắng ở một trận đánh cụ thể đồng thời cũng là chiến thắng mọi gian khổ, khó khăn, trở lực trong cuộc sống phải đương đầu với mọi thế lực hắc ám, kể cả thiên nhiên khắc nghiệt. 

Chiến dịch Điện Biên Phủ là một sự việc cụ thể trong một thời điểm lịch sử cụ thể. Rồi sẽ trôi đi theo thời gian. Nhưng niềm vui chiến thắng, sự kết tinh của ý chí vượt lên chính mình với sức mạnh đoàn kết của nhiều dân tộc, của quân và dân, của niềm tin và khát vọng hòa bình đã được Đỗ Nhuận biểu hiện rất sâu sắc trong bài hát “Chiến thắng Điện Biên Phủ”. 

Sự hòa quyện nhuần nhuyễn giữa điệu Sắp qua cầu – một làn điệu chèo quen thuộc với điệu xòe Thái đã tạo nên một giai điệu phong phú, hấp dẫn, thể hiện sinh động mối gắn kết giữa đồng bào miền xuôi và Tây Bắc trong việc đoàn kết chống giặc và chiến thắng vẻ vang làm nên một Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. 

Trịnh Công Sơn là một hiện tượng đặc biệt. Phần lớn ca khúc của ông đều đề cập đến thân phận và tâm trạng con người trong cuộc sống biến động và nhiều loạn lạc. Bất cứ ai ở bất cứ thời điểm nào cũng dễ dàng tìm thấy sự đồng cảm từ những giai điệu rất giản dị mà sâu lắng, độc đáo, đậm chất Thiền của ông. Ai ở tầng lớp xã hội, xu thế chính trị nào cũng dễ dàng cảm thấy được an ủi khi nghe những ca khúc của ông mỗi khi thấy lòng mình chơi vơi, chống chếnh.

Tính vĩnh hằng chính là yếu tố làm nên giá trị bất hủ của tác phẩm văn nghệ. Nhưng đạt được quả là rất khó. Sẽ dễ dàng công nhận điều này nhưng phấn đấu để có được thì không phải người sáng tác nào cũng có thể vươn tới. Bởi nó đòi hỏi một “phông” văn hóa, trình độ tư duy, sự hiểu biết sâu rộng về thế giới, nhất là về con người, khả năng phân tích con người và xã hội, khả năng khái quát cao, triết lý sâu sắc.

Nguyễn Đình San
.
.