Xung quanh việc dịch tên tác phẩm văn nghệ nước ngoài

Thứ Ba, 21/04/2009, 08:00
Tên sách ngoại quốc không phải danh từ riêng. Việc lấy tên nào cho bản tiếng Việt phụ thuộc trước hết và chủ yếu vào người dịch. Người dịch hiểu tác phẩm ra sao, nhất là có cảm nhận đúng được hồn cốt của nó không, hơn nữa có nắm được cái tạng của nhà văn nước ngoài hay không, tên tác phẩm được dịch sẽ đạt chừng ấy.

Những tác phẩm văn học nghệ thuật ngoại quốc đương nhiên phải "ăn khách" hoặc có giá trị cao mới được dịch ra tiếng Việt. Đã là tác phẩm nổi trội, tên của nó thường "ôm trùm" nội dung dưới nhiều dạng thức khác nhau. Chuyển ngữ  những tên ấy nói chung không đơn giản. Về đại thể, xảy ra mấy trường hợp chuyển ngữ như sau:

Thứ nhất, người dịch có thể cứ việc giữ nguyên tên tác phẩm gốc, nếu đấy là tên một hay hai nhân vật trong tác phẩm. Ví dụ của William Shakspeare, ta có các vở kịch "Hamlet", "Vua Lear", "Romeo và Julilette"…Của Alexandre Pouchkine có trường ca "Rouslan và Lioudmila", truyện vừa "Doubrovski", vở kịch "Boris Godounov", tiểu thuyết bằng thơ "Evgenij Onegin"…Của Vladimir Nabokov có "Lolita"…Của Lỗ Tấn có "Khổng Ất Kỷ",…

Thực tế, có những tên sách nước ngoài vì những lý do khác nhau được thay đổi bằng những tên khác trong tiếng Việt. Ví dụ, kiệt tác "Don Segundo Sombrra" của nhà văn Achentina Ricardo Guiraldez có thể đề là "Segundo Sombra" - tên một nhân vật chính, bỏ "Don", nghĩa là "ông" hay "ngài". Do yêu cầu của nhà xuất bản, dịch giả đổi thành "Đẹp lắm, gô sô!" (gaucho - người chăn bò Nam Mỹ).

Sau đó, biên tập viên định đổi thành "Chiến binh đồng cỏ", vì câu chuyện diễn ra chủ yếu trên đồng cỏ Achentina. Song Segundo Sombra là bậc thầy chăn bò, chứ không phải lính chiến, vả chăng chuyện là chuyện chăn bò trên đồng cỏ chứ không phải chiến tranh, người chuyển ngữ sửa lại là "Cao bồi đồng cỏ". Cao bồi là từ Anh "cowboy" đã Việt hóa từ lâu, hiểu theo nghĩa xấu (ngang tàng, lưu manh…), nay ít dùng.

Cuối cùng, để dung hòa hai ý kiến, dịch giả đề nghị cơ quan xuất bản ấn định tên sách là "Đẹp lắm, gô sô!", vừa ca ngợi người chăn bò, vừa ca ngợi lao động của họ, hợp với ý đồ tác giả.

Thứ hai, tên sách gồm tên riêng kèm thêm một tính từ hay một biệt hiệu. Xin đơn cử một trường hợp của người viết bài này. Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, chúng tôi dịch tiểu thuyết "Le Grand Meaulnes", của nhà văn Pháp Alain-Fournier. Đây là chuyện học hành, vui chơi, phiêu lưu và yêu đương của cậu học sinh phổ thông trung học Meaulnes.

Từ Meaulnes có thể chuyển thành Môn, vừa đồng âm với từ gốc, vừa dễ đọc dễ nhớ đối với người không biết tiếng Pháp. Từ "grand" có thể dịch là cao lớn, cao lêu đêu, mảnh khảnh. Theo miêu tả của nhà văn, Môn cao nhưng không béo, vả chăng, đầu thế kỷ XX, chưa có bệnh béo phì như bây giờ. Chúng tôi chọn tên Việt cho cuốn sách là "Môn sếu".

Thời ấy, khoảng năm 1986, xuất bản mới được bung ra, tìm cách câu khách đang là thời thượng. Nhà xuất bản muốn tôi tìm một tên giật gân thay cho cái tên hiền lành vừa nêu. Suy đi tính lại, tôi đề xuất "Lâu đài huyền bí". Chả là, một lâu đài bí hiểm mà Môn lạc vào là khởi nguồn cho một cuộc tình, một cuộc phiêu lưu hồi hộp, một kết cục lãng mạn và khác thường nhưng không bi quan.

Nhằm tăng thêm độ ly kỳ, họa sĩ vẽ bìa trương hẳn hình một cô gái khỏa thân nằm vắt ngang trang bìa. Nhưng tác phẩm được coi là một bài ca của tuổi trẻ học đường đó không hề có cảnh như vậy và Alain-Fournier không vương vấn chút nào với một ý tưởng như vậy. Chúng tôi thảo luận lại và Nhà xuất bản gỡ bỏ hình ảnh khêu gợi lộ liễu, tên sách giữ nguyên. Mấy năm sau, khi sách được tái bản, tôi chuyển tên sách thành "Meaulnes cao kều". 

Thứ ba, tên sách ngoại quốc không phải danh từ riêng. Việc lấy tên nào cho bản tiếng Việt phụ thuộc trước hết và chủ yếu vào người dịch. Người dịch hiểu tác phẩm ra sao, nhất là có cảm nhận đúng được hồn cốt của nó không, hơn nữa có nắm được cái tạng của nhà văn nước ngoài hay không, tên tác phẩm được dịch sẽ đạt chừng ấy.

Điển hình cho chuyện này hẳn là trường hợp dịch giả Dương Tường dịch "L'étranger" (tiếng Pháp) của Albert Camus thành "Người dưng", với chủ ý đưa cái riêng của ông vào bản dịch, trong khi các dịch giả khác trong đó có người viết bài này, chỉ dịch đơn giản là "Người xa lạ" và cho dịch như thế mới thật chuẩn.

Cách đây vài năm, tiểu thuyết "La pianiste" của nữ nhà văn Áo Elfried Jelinek, Nobel văn chương 2004, được chuyển ngữ sang tiếng Việt "Tình ơi là tình". Dịch như thế, độc giả sẽ hiểu mối tình trong chuyện là đáng chê trách. Thực ra, tình yêu trái khoáy giữa một chàng trai trẻ học đàn và nghệ sĩ piano luống tuổi dạy pinano cho cậu là một bi kịch, không nên cảm nhận theo cách nhìn nhận thông thường.

Nó phơi bày một vấn đề lớn của thời đại. Một vấn nạn thì đúng hơn: tình dục không còn được tôn thờ như một hạnh phúc trong sáng thiêng liêng, nó trở thành một vũ khí nô dịch và chứng tỏ sức mạnh. Nó phá hoại nền tảng của tình yêu đích thực và đảo lộn các giá trị tưởng đã vĩnh viễn an bài. Vì vậy, nên dịch thẳng là "Nữ nghệ sĩ dương cầm" hay "Cô giáo dương cầm", như có người từng viết trên báo.

Gần đồng thời với bản dịch "Tình ơi là tình", xuất hiện trên thị trường sách nước ta cuốn "Tình ruột thịt". Cuốn này của cây viết nữ trẻ Hoa Kỳ Alice Sebold, tên nguyên bản tiếng Anh là "The lovely bones", kể chuyện một cô bé bị cưỡng hiếp và bị giết, thân thể bị chặt thành nhiều đoạn. Mãi sau, cha mẹ bé mới tìm thấy những khúc xương của bé. Họ muốn truy nã kỳ được thủ phạm và trả thù. Song, linh hồn cô bé trên trời thường xuyên trao đổi với cha mẹ và người thân dưới trần gian, không bao giờ đả động đến chuyện "nợ máu phải trả bằng máu", mà chỉ luôn bày tỏ bao yêu thương và trân trọng tình cảm gia đình, bạn hữu. Vượt lên đau thương không thốt nên lời, cô bé lảy ra được từ thảm cảnh u buồn niềm vui, niềm hy vọng.

Đáng ngạc nhiên, đáng lẽ xoáy sâu và mở rộng chuyện hiếp dâm và giết người, để được một truyện vụ án hình sự rùng rợn và mùi mẫn, nhà văn lại chỉ nhắc qua chuyện đó và tập trung vào những ý nghĩ và cảm xúc thần tiên của cô bé bị hại, tuồng như cô là một thiên thần. Hẳn vì lý do vừa nói, bản dịch tiếng Pháp được đặt tên là "Một thiên thần", một hiện tượng trên văn đàn Pháp suốt hai năm.

Ở quê hương Hoa Kỳ của nó, nó đứng đầu bảng sách bán chạy 62 tuần. Sự hoan nghênh ấy chỉ có thể lý giải bằng tư tưởng mới mẻ của Alice Sebold, nạn nhân thực của vụ cưỡng hiếp: nếu cõi thế có phép mầu, phép mầu đó là sự bao dung. Tính thời sự ấy liên quan chặt chẽ với vụ khủng bố 11 tháng 9/2001 khiến cuốn sách được hàm ơn như một sự an ủi vĩ đại dành cho toàn dân Mỹ.

Từ những điều vừa được đề cập, ta thấy rằng cái tên "Tình ruột thịt" hơi xa chủ đề nguyên tác. Một số dịch giả chuyển "The lovely bones" thành "Bộ xương tuyệt đẹp" hay "Những chiếc xương thân yêu" hoặc "Những khúc xương hút hồn".

Thứ tư, việc người dịch tra cứu cẩn thận là tối quan trọng. Chuyện này rơi vào tên những tác phẩm là trò chơi chữ hay thành ngữ. Dĩ nhiên, nếu người dịch ngại tốn công thì có thể chuyển ngữ đại khái như phần lớn các bản dịch phim "ngoài luồng". Và cái hay cái đẹp của nguyên bản cũng mất đi rất nhiều.

Những năm 1980, kiệt tác điện ảnh Pháp "Les quatre cents coups" của Francois Truffaut được chiếu nhiều trong các cơ quan Pháp ngữ ở Việt Nam. Nó kể chuyện một chú nhóc thiếu thốn tình cảm, hay trốn học, rồi cùng bạn đi ăn cắp, phải vào nhà giáo dưỡng, vượt trại lần tìm tới bờ biển để ngắm đại dương mà chú chưa thấy bao giờ…Tên phim được dịch đúng nguyên văn là "Bốn trăm cú đánh". Người xem chẳng thấy cảnh chú nhóc hay ai bị đánh tới tấp đến như vậy. Thực ra, thành ngữ được dùng làm tên phim, lối nói cô đọng và đúng nhất với nội dung vừa kể, chỉ đơn giản là "Bê tha rồ dại".

Trên văn đàn Việt Nam, được chú ý từ lâu là một tiểu thuyết tình của Boris Vian, Cộng hòa Pháp, với tên nguyên bản khá lạ "L'écume des jous", thường được dịch sang tiếng Việt là "Bọt ngày" hay "Bọt của tháng ngày". Song căn cứ vào dụng ý của tác giả và nội dung cuốn truyện hiện nay vẫn được đọc nhiều nhất cùng với "Hoàng tử nhỏ" và "Người xa lạ", cần xem xét lại để dịch tên nó, ví như "Cặn bã cõi đời" hoặc "Điều tồi tệ nhất của trần gian". Nhân tiện, xin nói luôn, đôi khi không nên dịch nguyên từng từ nguyên tác. Trần Đình Hiến đã không dịch thẳng "Phong nhũ phì đồn" của Mạc Ngôn thành "Vú to mông nở", mà đổi ra "Báu vật của đời".

Để tránh những nhầm lẫn đáng tiếc, trong nhiều trường hợp, người dịch nên cố gắng nắm được cốt truyện. Đòi hỏi gay gắt về sự sốt dẻo của bản tin hay bài viết buộc người ta dịch vội, thậm chí dịch lấy được.

Mùa Oscar vừa qua, phim "Harvey Milk" do một số cơ quan truyền thông nước ngoài nói gọn là "Milk", không ít nhà báo Việt Nam dịch ngon lành là "Sữa" hoặc "Dòng sữa", trong khi tên phim là tên nhân vật chính. Phim đoạt Oscar phim hay nhất, "Slumdog Millionaire", được đa phần báo chí Việt Nam chuyển thành "Triệu phú ổ chuột". Tên này dễ gây hiểu nhầm (thành triệu phú do đào và bán được nhiều ổ chuột). Do đó, đôi tờ ghi là "Triệu phú khu nhà ổ chuột", song vẫn lờ đi từ "dog" trong "slumdog". "Slumdog" vốn được thực dân Anh dùng để gọi khinh miệt cư dân các khu phố ổ chuột tại Ấn Độ. Nếu ta dịch là "Chó triệu phú xứ nhà ổ chuột" hoặc "Chó xứ nhà ổ chuột trở thành triệu phú" nghe dễ hiểu hơn nhưng lại trúc trắc và hơi... thô

Nguyễn Văn Quảng
.
.