(Đọc tiểu thuyết "Vùng xoáy" của Vũ Quốc Khánh, NXB Hội Nhà Văn)

Một tiểu thuyết hiếm hoi viết về cổ phần hóa

Thứ Hai, 30/11/2020, 13:21
Với "Vùng xoáy", Vũ Quốc Khánh đã xây dựng hình tượng những người lính chiến đấu, hy sinh trên mặt trận biên giới phía Bắc để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Đối lập với họ là những phần tử cơ hội, cấu kết với nhau trong "lợi ích nhóm", đang tâm lợi dụng việc cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước để bòn rút tiền của của nhân dân.

Hiện thực đất nước ta trong giai đoạn hiện nay cực kì phong phú và có nhiều đề tài nếu được viết thành những tác phẩm văn học với một bút pháp phù hợp, sẽ tạo ra nhiều sức hút đối với người đọc. 

Trong những hiện thực có thể coi là trung tâm của cuộc sống hôm nay là những mảng thực tế nóng bỏng đang được đông đảo nhân dân quan tâm như: Sự băng hoại đạo đức cổ truyền; cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chỉ ra những kẻ có chức, có quyền tham lam, lợi dụng khe hở của luật pháp để kiếm lợi cho mình. Đáng tiếc các loại hình văn học, nghệ thuật của ta, từ sân khấu đến văn học, đều quá vắng bóng những tác phẩm loại này. 

Bạn đọc cho rằng, sở dĩ thiếu vắng những tác phẩm phản ảnh những mảng hiện thực mang tính khốc liệt nhưng được nhân dân quan tâm, đó là sự né tránh của các nhà sáng tác văn học, nghệ thuật trước các đề tài thường được xem là nhạy cảm, để an toàn cho người viết (đối với văn học), cho người dàn dựng (đối với sân khấu). 

Ngoài ra, một nguyên nhân nữa là sự thiếu am hiểu các lĩnh vực ở mặt trận chống tham nhũng diễn ra khốc liệt mà đa phần trong mảng hiện thực này hàm chứa rất nhiều chuyên môn, thực tế mà nhà văn cần nắm bắt thật kĩ càng mới dám đụng đến. Nhà tiểu thuyết còn xa lạ, hoặc không mấy am hiểu thực tế cần phản ảnh thì làm sao có thể sáng tạo nên một thế giới có thể gửi gắm những thông điệp của mình, thuyết phục được người đọc.

Tiểu thuyết "Vùng xoáy" của Vũ Quốc Khánh có thể là một minh chứng. Thực tình khi đọc "Vùng xoáy", tôi không bị hút vào bút pháp nghệ thuật. Nhưng càng đọc tôi càng bị hấp dẫn bởi tính chân thực của những điều Vũ Quốc Khánh phản ảnh. 

Và lớn hơn là anh đã bóc trần, làm ngày càng rõ một thực tế mà nếu không am hiểu sẽ không phản ảnh, hoặc phản ảnh một cách hời hợt. Đó là quá trình cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước ở một doanh nghiệp chè với một sự hiểu biết gần như nằm lòng của một cây bút đã sống và thực sự nếm trải chính thực tế đó.

Cũng qua sự phản ảnh thực tế, chứa đựng những điều cốt lõi trong "cổ phần hóa", Vũ Quốc Khánh đã vẽ lên hàng loạt chân dung những con người cả về hai phía. Những người tốt, dũng cảm, sẵn sàng hi sinh cho Tổ quốc, hết lòng vì công việc chung, chấp nhận sự thiệt thòi được xây dựng và những kẻ ma quái, tinh ranh, có chức, có quyền, biết lợi dụng khe hở của luật pháp hiện hành để luồn lách kiếm lợi. Hai tuyến nhân vật này được "Vùng xoáy" khắc họa cụ thể. 

Tuyến chính diện gồm Huấn, Quang, Seo La và những nhân vật gắn bó với tập thể người lao động chân chính. Tuyến phản diện là Giám đốc Cấn Tùng Lâm, Vụ phó Nguyễn Thế Hiệp, Thy Xuân và những kẻ ẩn nấp đằng sau họ chuyên tìm bằng mọi cách vụ lợi cho bản thân… Câu chuyện trung tâm là sự chuyển đổi phương thức quản lý ở Công ty chè Bảo Đường qua các giai đoạn "Kế hoạch hóa tập trung","giao quyền tự chủ cho Giám đốc doanh nghiệp", "cổ phần hóa" và "thoái vốn Nhà nước".

Các sự kiện dần dần được mở ra. Sự gay cấn của tiểu thuyết cũng tăng dần đến mức đôi khi giống như một vụ án. Tất cả được đan xen với những câu chuyện đầy cảm động của Hà Tuấn Quang, người đồng đội thời chiến tranh bảo vệ biên giới trong việc chăm lo đời sống vợ con của liệt sỹ; Chính trị viên Nguyễn Hồng Lam và công việc đi tìm hài cốt của đồng đội đã ngã xuống trên mặt trận biên giới.

Bám sát thực tế, tác giả đã dựng lên khá nhiều chân dung những con người cả xấu lẫn tốt, có những đoạn đã đạt đến mức độ điển hình hóa. Một Giám đốc Cấn Tùng Lâm hám gái, ma lanh; một Vụ phó Nguyễn Thế Hiệp khôn ngoan, chuyên ném đá giấu tay; một nhân viên hành chính Thy Xuân bất tài, biết phát huy "vốn tự có" của mình để trục lợi; một Bí thư Huyện ủy Bùi Trần Huấn tình nghĩa; một cô Phiên cần cù, chịu khó; một Công an Quang điều tra có tay nghề, có trách nhiệm và lương tâm… 

Qua những nhân vật ấy, tiểu thuyết "Vùng xoáy" đã dắt dẫn bạn đọc hiểu kỹ hơn về cơ chế quản lý trong các doanh nghiệp Nhà nước, từ "Kế hoạch hóa tập trung" đến "Cổ phần hóa" và "thoái vốn Nhà nước". Đó quả là một công việc không dễ dàng. Trong phương thức quản lý của mình, khi Nhà nước nhận ra sự yếu kém ở mô hình này đã sửa sai bằng mô hình khác. Nhưng những cố gắng đó vẫn bị những kẻ cơ hội được chính Nhà nước giao quyền quản lý doanh nghiệp bằng mọi cách lợi dụng để "biến công thành tư". "Vùng xoáy" đã vạch trần các việc làm bẩn thỉu của những kẻ ấy.

"Chuyện là ngày trước, cổng làng Chùa có một cây cọ to lắm… Thế nhưng, bất ngờ trên nách tầu lá cọ xuất hiện một cây đa con, chắc là do con chim nào đó tha quả về ăn rồi rơi hạt xuống. Cây đa ấy ban đầu còn lả lướt, nép mình trong bóng cọ. Hàng ngày nó được những tầu cọ che nắng, che gió, hứng mưa, xé những vụn lá, vụn tơ đã già cỗi của mình tạo thành mùn, làm thức ăn, chắt chiu từng giọt sương làm nước uống, cho nó lớn lên. Chẳng mấy chốc, cây đa đã buông những chùm rễ dài, khỏe khoắn bao quanh thân cọ suốt từ ngọn đến gốc, lấn xuống đất, tranh chấp thức ăn với rễ, vít ngọn không cho cọ trổ búp để cao lên.

Mười năm sau cây đa ấy đã trở thành lực lưỡng, bao kín thân cọ. Nó đã bóp chết cái cây đã nuôi nó lớn khôn và một thời là biểu tượng của làng Chùa.

Bây giờ, xem vào đó mà học, Cán phải thông qua thể chế Nhà nước giao quyền tự chủ công ty cho bố anh, để tạo cho mình một vỏ bọc, có sức mạnh nuốt chửng cơ chế tập thể trong công ty, giống như cây đa đã nuốt chửng cây cọ làng Chùa kia vậy".

Với bút pháp tinh tế, qua hình tượng trên, "Vùng xoáy" đã mở ra cho độc giả thấy cuộc đấu tranh với những kẻ biến chất thoái hóa, đội lốt Giám đốc Công ty trong việc chuyển đổi các mô hình quản lý gay cấn đến thế nào.  

Một thực tế nữa cũng được "Vùng xoáy" bóc trần. Chúng ta ai cũng biết rằng, đất đai là một tài sản vô giá của nhân dân. Đất đai là kết tinh của máu xương bao thế hệ dân tộc Việt Nam đã phải đổ ra để gìn giữ cho muôn đời con cháu. Vì vậy pháp luật không cho phép một thế lực nào, không một ai được dùng quyền lực, dùng mưu mô để chiếm đoạt đất đai. Thế nhưng, quá trình quản lý đất đai hiện nay, chúng ta còn để một bộ phận có thế lực trong xã hội lách luật, lạm dụng quyền lực, xâu xé tài sản vô giá đó.

Với "Vùng xoáy", Vũ Quốc Khánh đã xây dựng hình tượng những người lính chiến đấu, hy sinh trên mặt trận biên giới phía Bắc để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Đối lập với họ là những phần tử cơ hội, cấu kết với nhau trong "lợi ích nhóm", đang tâm lợi dụng việc cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước để bòn rút tiền của của nhân dân. 

Tác giả đã chỉ rõ "Có Tổng Công ty người ta đem 4 ô đất vàng ở Hà Nội, 1 ô ở Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi ô hàng nghìn m2 với những tòa nhà cao tầng, lại 4,5 công ty với hàng nghìn héc ta chè năng suất cao và nhiều nhà máy chế biến chè đồng bộ là tài sản Nhà nước thoái vốn với giá trị có hơn 300 tỷ cho tư nhân, trong khi giá trị thực tế của khối tài sản đó phải có giá hàng nghìn tỷ đồng. Liệu những việc làm của Tổng Công ty ấy có minh bạch không?".

Vũ Quốc Khánh đã từng tâm sự: "Trách nhiệm của nhà văn phải bóc trần những thủ đoạn đó để độc giả thấy được, hiểu được và tham gia vào cuộc đấu tranh bảo vệ tài sản đất đai của nhân dân". 

Với cách nhìn của nhà quản lý, qua "Vùng xoáy", Vũ Quốc Khánh đã gióng lên hồi chuông báo động về sự bất hợp lý ở tầm vĩ mô, tạo ra những câu hỏi xoáy vào lòng độc giả, buộc người đọc có lương tâm phải suy nghĩ. Nhà văn không chỉ dùng ý thức để phản biện xã hội, mà còn phải cùng các nhà quản lý tìm ra lối thoát cho việc quản lý xã hội.

*

Tiểu thuyết "Vùng xoáy" Vũ Quốc Khánh cũng không tránh khỏi một số nhược điểm. Dường như anh chưa chú trọng đến sự cách tân trong bút pháp tiểu thuyết. Một giọng văn chậm rãi, tỉ mỉ đôi khi làm mất sự theo dõi của người đọc. Anh có thể rất rành rẽ chuyên môn và chi tiết, lôi cuốn khi kể các mẹo mánh của bọn người xấu nhưng cũng bộc lộ điểm yếu trong bút pháp của mình khi chưa tạo ra sự cá biệt hóa tính cách các nhân vật. 

Tuy về hình thức anh đã vẽ được hình dạng bề ngoài thô sần, bất nghĩa của Giám đốc Lâm, sự bóng lộn, giảo quyệt của Vụ phó Hiệp, sự cam chịu, ngại đấu tranh của Phó giám đốc Năm, sự kiên định của Bí thư Huyện ủy Huấn… Song người đọc vẫn thấy, tác giả chưa tạo ra sự riêng biệt trong ngôn ngữ cho các nhân vật.

Nhưng kể cả những nhược điểm nói trên thì bằng sự chân thực đến từng chi tiết do am hiểu đến tận cùng hiện thực nên Vũ Quốc Khánh vẫn sáng tạo ra những trang viết thuyết phục về thực tế một vùng quê, thực tế sản xuất của người lao động làm chè, của đồng bào dân tộc ở vùng rừng núi.

Phản ảnh về sự chuyển đối mô hình quản lý của một doanh nghiệp, điều mà những nhà văn tài ba đến đâu cũng khó hư cấu ra nếu thiếu một sự hiểu biết kĩ càng, khiến "Vùng xoáy" được xem là cuốn tiểu thuyết hiếm hoi về đề tài "cổ phần hóa" đáng đọc vì hiện thực nó phản ảnh, xung đột nó mô tả, cảnh báo được những kẽ hở luật pháp mà kẻ xấu có thể lợi dụng.

Chính sự phát hiện rành rẽ, thấu hiểu thực tế ấy đã nâng tầm tiểu thuyết "Vùng xoáy" lên một bậc.

Chèm 7- 12/8/2020

Nguyễn Hiếu
.
.