Một biểu tượng vĩnh cửu
Người Việt có một triết lý tuyệt vời: "Người ta là hoa đất!". Con người là quý nhất, đẹp nhất, thiêng liêng nhất nên lấy cái gì để so sánh cũng không thể bằng "đất". Và chỉ so sánh với "hoa đất" mới đích đáng nhất. Người Việt coi trọng tính cách hiền lành nên lại có một so sánh đáng ngẫm: "Hiền như đất!". Được như vậy ắt hẳn là người có phúc có đức!
Với con người, có gì quý hơn tình yêu, tình nghĩa đâu. Thời Hùng Vương, trong lễ cưới người ta trao nhau nắm đất và gói muối. Cũng là những biểu tượng không thể thay thế. "Muối ba năm muối đang còn mặn". Muối nói thay cho tình nghĩa mặn mà, nồng hậu, chung thủy. Với nghề làm ruộng thì có gì quý hơn đất đâu nên đất là những gì vĩnh cửu, quý giá nhất, gắn bó nhất. Ngày nay có đám cưới cô dâu đeo vàng đầy người, dĩ nhiên vàng rất quý (và rất không nên phê phán) nhưng liệu ý nghĩa có được như ngày xưa!?
Cày đồng đang buổi ban trưa! |
Người Việt quý đất đai, yêu xứ sở. Người ta nhắc nhau: "Ai ơi đừng bỏ ruộng hoang/ Bao nhiêu tấc đất, tấc vàng bấy nhiêu". Triết lý cổ xưa của họ là: "Cha trời mẹ đất", tức quý trọng, yêu mến đất đai như bậc sinh thành. Tục thờ Thổ Công xét đến cùng chính là thờ Đất: "Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá" là vậy! Người xưa làm ruộng phải dựa nhiều vào thiên nhiên nên mới có bài ca dao: "Trông trời, trông đất, trông mây/ Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm". Bao nhiêu dự cảm, lo âu và hy vọng dồn vào chữ "trông" này, thì "trông đất" chỉ sau "trông trời"...
Không phải chỉ ở xứ mình mới quý đất như vậy. Đất trở thành mẫu số chung của văn hóa nhân loại, bất cứ ở đâu, bất kỳ thời đại nào cũng đều coi đất là thiêng liêng, là những gì quý giá nhất, tất nhiên các lớp nghĩa sẽ dày mỏng khác nhau.
Dũng sĩ Asin là con của thần thánh nên tất nhiên bất tử vì chàng đúng nghĩa "mình đồng da sắt". Trận đánh nào có chàng tham dự đều chiến thắng. Kẻ thù chỉ nghe tên chàng đã rụng rời chân thay mà tự thua trận. Nhưng kẻ thù, bao giờ cũng vậy, luôn cố tìm ra điểm yếu của đối phương.
Thế là lần đánh ấy đối thủ của Asin giả vờ thua mà bay lên trời chạy trốn. Asin dũng mãnh bay theo... Than ôi, ở dưới đất hàng ngàn mũi tên độc bay lên nhằm vào gót chân chàng. Asin rơi xuống mà chết tức tưởi. Thì ra khi đứa con của thần thánh ra đời, các bà mụ đã nhúng cậu chàng xuống dòng sông thiêng nhưng còn để hở hai gót chân. Từ đó câu chuyện đọng lại thành khái niệm "gót chân Asin" dành cho hậu thế để chỉ điểm yếu chí tử của bất kỳ ai...
Chuyện tày trời ấy vọng ngay đến thiên đình, trên đỉnh cao Ôlanhpơ quyền năng, thần Dớt vĩ đại thở dài mà rằng: "Hỡi thiên hạ trước nay hãy nhớ: đừng bao giờ rời khỏi Đất Mẹ. Hãy bám chặt vào Đất, Đất sẽ truyền cho sức mạnh. Đừng như Asin!". Thì ra để gót chân Asin không tắm nước thiêng là chủ ý của Dớt...
Vẫn thần thoại Hy Lạp, La Mã kể chuyện một ông vua tên Miđát, vì xử thần Gió thua thần Lửa trong cuộc đọ tài nên bị thần Gió cầm hai tai kéo dài ra cùng lời nguyền: "Ngươi là một con lừa!!!". Từ đó vua có đôi tai lừa. Vua phải để tóc dài che tai. Nhưng trời nắng nóng thì khổ lắm. Vua phải nghĩ chuyện cắt tóc.
Vua bèn vời người thợ giỏi nhất, nổi tiếng đạo đức ngoan ngoãn nhất kinh thành đến và yêu cầu: cắt tóc cho ta nhưng nếu để lộ bất kỳ bí mật gì ngươi sẽ bị trả giá bằng cái chết. Đổi lại ta sẽ trả ngươi rất nhiều vàng. Đơn giản quá! Người thợ ký ngay vào bản cam kết.
Trở về, một ngày, hai ngày, người thợ ấy cứ thấy ngày thêm khó chịu vì cái bí mật kỳ lạ của vua mà không được nói cho ai biết. Ngày nay thiên hạ gọi là "chia sẻ" có gì bức bối "chia sẻ" ngay sẽ dịu đi nỗi ẩn ức. Nhưng ngày ấy lại chưa có facebook, zalo...
Người thợ thông minh bèn nghĩ cách mà anh ta cho rằng sẽ khôn hơn cả Thượng đế là lên ngọn đồi cao nhất kinh thành, đào ba thước đất, ngồi xuống hố mà nói cho thật thỏa, thật hết cái bí mật lâu nay: "Vua Miđát có đôi tai lừa!".
Sau đó anh ta lấp hố rồi chôn chặt. Nhưng từ vị trí ấy mọc lên một cây liễu. Nó lớn nhanh kỳ lạ, mỗi lần có gió cây liễu lại thì thào nhờ gió thổi cái sự bí mật đi khắp mọi nơi: "Vua Mi-đát có đôi tai lừa!"...
Tranh minh họa thể hiện cảnh Asin tắm ở dòng sông thiêng! |
Thật là một triết lý tuyệt vời: dù có đào sâu ba thước đất nhưng không chôn giấu được sự thật!
Văn hóa Việt có những triết lý không kém phần sâu sắc như thế. Là một biểu tượng mở, nên "đất" trong tục ngữ ca dao luôn chứa đựng những ý nghĩa phong phú. "Đất lành chim đậu" là nói về một vùng quê, một cộng đồng, một gia đình hiền lành, phúc hậu sẽ có nhiều người ghé thăm...
"Đất lề quê thói" là vùng quê nào cũng có phong tục, tập quán riêng cần được tôn trọng. "Đất chẳng chịu trời, trời chẳng/ phải chịu đất", là chỉ những mối quan hệ khó/ chấp nhận giải quyết mâu thuẫn. Để chỉ những người ăn may nhờ cơ hội, có câu: "Để là hòn đất, vật (nặn) nên ông Bụt/ tượng".
Ca ngợi những người có chí có tài sống ở nơi khó khăn nhưng vượt lên hoàn cảnh, có câu: "Đất sỏi chạch vàng". Nhắc nhở răn dạy người ta dù có là người hiền, người tốt nhưng làm gì cũng phải có mục đích, có hiệu quả. Nếu không có khi chính mình phải chịu hậu họa: "Đất bụt mà ném chim trời/ Chim thì bay mất, đất rơi xuống đầu"...
Học tập ngôn ngữ dân gian, Nguyễn Du trong "Truyện Kiều" với biểu tượng "đất" đã kiến tạo nên những bức tranh thật giàu sắc thái biểu cảm. Một câu thơ nhưng người đọc hình dung ra cả một số phận lênh đênh: "Sè sè nấm đất bên đường"; một không gian hoang vắng: "Cỏ lan mặt đất, rêu phong dấu giày"; một gia đình ly tán: "Một sân đất cỏ dầm mưa";...
Chỉ truyền thống một dòng họ, một vùng văn hóa: "Văn chương nết đất, thông minh tính trời". Chỉ một thân phận nổi trôi: "Sống nhờ đất khách, thác chôn quê người". Chỉ sự thay đổi đến bất ngờ của một xã hội: "Đất bằng nổi sóng đùng đùng"...
Chắc chắn, đối sánh với văn học thế giới cùng thời điểm thì văn học Việt Nam thời gian qua giàu có về đề tài/ chủ đề "Đất". Vì chúng ta phải qua 40 năm chiến tranh vệ quốc. Kẻ thù đến chiếm đất buộc mọi người dân chân chất hiền lành phải đứng lên cầm vũ khí để đòi lại đất và giữ đất. Chỉ kể sơ tên tác phẩm văn xuôi cũng có: "Đất miền Đông" (Nam Hà); "Đất mới vỡ" (Trần Thanh Giao); "Đất trắng" (Nguyễn Trọng Oánh"; "Đứa con của đất" (tiểu thuyết) và "Đất" (truyện ngắn) của Anh Đức...
Tình yêu là sự hóa thân, nhập thân. Thời chống Mỹ, những người yêu nhau nhập thân vào trong nhau rồi cùng nhập tình yêu vào đất nước. Đất và nước hoá thân vào tình yêu hay tình yêu hoá thân vào đất nước thật khó phân biệt: "Đất là nơi anh đến trường/ Nước là nơi em tắm/ Đất nước là nơi ta hò hẹn".
Điều băn khoăn của cô gái trong thơ Lâm Thị Mỹ Dạ cũng là mối băn khoăn của trăm ngàn cô gái ngoài đời: "Gió anh bao la/ Cây em ve vuốt/ Đất anh thẳm sâu/ Lúa em cúi đầu/ Nhưng sao vẫn hỏi/ Day dứt trong lòng/ Anh có tốt không" (Anh có tốt không). Ví "anh" là "đất" thì tin "anh" thật tốt rồi. Thế nên "em" cũng hóa thân vào "đất": "Đất như cô gái yêu/ Giấu bao điều chưa nói/ Bỗng nhú những mầm non/ Khi nghe mùa xuân gọi" (Lâm Thị Mỹ Dạ). "Đất" hiền lành và thủy chung. "Đất" cũng nhiều xôn xao bao khát vọng như cô gái đang yêu ấy!
Ngoài chiến trường có người lính ngã xuống khi giữ đất: "Chúng mình có ở cách xa nhau/ Một thước đất sao Hùng không nghe mình gọi?/ Một thước đất hoá khoảng trời vời vợi…". Đó là tình đồng chí thiêng liêng trong bài thơ "Nấm mộ và cây trầm" của Nguyễn Đức Mậu đau đớn nói về một chiến sĩ tên Hùng vừa hy sinh. Máu người lính thấm vào đất: "Máu thấm cỏ, lời ca bay vào đất". Họ đã nằm trong "Đất Mẹ": "Hùng nằm trong nôi của đất rộng vô cùng"...
Trong thơ ca đương đại, Mai Văn Phấn là tác giả thường sử dụng hình tượng này để chuyên chở ý nghĩa ca ngợi sự phồn sinh nảy nở, phát triển. Mô tip "Đất Mẹ" được biến thể thành nhiều những "lòng đất", "thớ đất", "đất mỡ màu", "đất hồi sinh", "đất mang thai", "mặt đất vừa qua phút lâm bồn"…
Có những câu thơ căng tràn sự sống: "Nụ hôn nín thinh, tỏa nhiệt, khoan vào lòng đất/ chạm những mạch ngầm ứ căng huyền bí thuở xưa/ Đất mỡ màu quyện rạng đông dâng lên khuôn mặt/ dâng lên cỏ cây phồn thực bời bời". (Bài hát mùa màng)...