Mềm hóa giáo dục để dạy học tốt hơn

Thứ Bảy, 01/10/2016, 08:11
Trong lúc những tranh cãi xoay quanh chuyện thi trắc nghiệm đang nóng lên trên các diễn đàn chính thống lẫn không chính thống thì có hai câu chuyện rất nhỏ liên quan đến ngành Giáo dục lại ít nhận được sự quan tâm đúng mức. Câu chuyện thứ nhất là tấm bảng nội quy ở trường chuyên Lê Quý Đôn, Đông Hà, Quảng Trị và câu chuyện thứ hai là một bài tập nhóm của những học sinh lớp 9G trường Phổ thông liên cấp Olympia, Hà Nội.


Ở câu chuyện thứ nhất, một thầy giáo trẻ, phụ trách môn thể dục, đã làm một bảng nội quy căng tin dành cho học sinh và bảng nội quy đó đã được học trò của anh hưởng ứng nhiệt liệt. Lý do rất đơn giản. Nó dí dỏm, gần gũi, quy định rõ ràng nhưng không cứng nhắc như những nội quy thường gặp.

Đại loại, nó có những câu kiểu như "Các em không bỏ giờ học xuống căng tin để ăn, uống hay ngồi chơi, như vậy căng tin sẽ bị phê bình, khiển trách... Tội căng tin" và với 8 điều được "dí dỏm" hoá như thế, tấm bảng nội quy không những dễ gần, dễ nhớ, dễ hiểu với học sinh mà còn nhắc nhớ các em về việc cần phải quan tâm đến những người xung quanh mình trước khi hành động.

Rèn cho học sinh thói quen quan tâm đến mọi người là một việc không dễ nhưng chính cái cách đưa ra một bảng nội quy mềm mại như vậy đã khiến các em tập quen hơn với thái độ sống tích cực cần phải có ấy.

Thí sinh lo lắng trước những thay đổi trong Kỳ thi chung Quốc gia năm 2017 sắp tới. (Ảnh chỉ mang tính minh họa).

Ở câu chuyện thứ hai, trong một bài tập nhóm tìm hiểu tác phẩm "Hoàng Lê nhất thống chí", cô giáo đã khuyến khích học sinh phá bỏ lối tư duy cũ kỹ, đóng khung để tiếp cận bài học một cách thú vị hơn. Và các em trong nhóm đã xây dựng phần tìm hiểu về vua Quang Trung bằng cách thể hiện nó như một giao diện trên facebook, với việc mô phỏng một tài khoản cá nhân của vua Quang Trung ở thời điểm người đánh đuổi quân Thanh.

Thậm chí, trong giao diện được vẽ một cách rất sinh động ấy, các em còn tạo ra cả các phản ứng của các nhân vật cùng thời đại theo hơi thở của ngày hôm nay như "like", "comment" của những Ngô Thời Nhậm, Nguyễn Thiếp, Tôn Sỹ Nghị... Nhìn vào bài tập đó của các em, rất nhiều người đã ngạc nhiên và thú vị. Thậm chí, có người còn ước rằng mình được quay lại tuổi đi học, để cũng sẽ có những bài tập sinh động tương tự như vậy.

Bài tập kể trên và bảng nội quy ở Đông Hà, Quảng Trị cho chúng ta một bài học rất lớn. Đó là việc giáo dục không thể được thực hiện một cách cứng nhắc, khô khan và rập khuôn mà cần phải được mềm hóa để gần gũi hơn với học sinh, cuốn hút hơn với học sinh và khơi gợi nguồn cảm hứng của các em đối với môn học. Chúng ta ai cũng nhận ra rằng, ở một giai đoạn nào đó của tuổi niên thiếu, vào khoảng từ 13 tuổi trở lên, học sinh bắt đầu mơ mộng hơn, thậm chí bắt đầu có xu hướng hơi "lãng mạn".

Chính chúng ta cũng từng như vậy thôi, từng có lúc thấy hào hứng khi được đọc những bài văn, bài thơ lãng mạn học trò và mong mỏi rằng những tác phẩm ấy được đưa vào giáo trình chính thức. Nhưng thực sự, những người làm công tác giáo dục đã lắng nghe ước muốn ấy của học sinh hay chưa, hay chúng ta chỉ đơn thuần suy nghĩ lý tính, lập luận khoa học cứng nhắc để chỉ mặc định rằng làm cái này, cái kia thì có lợi cho học sinh.

Cái lợi ích đơn thuần có suy tính đó nếu không song hành với khát vọng của học sinh rất có thể khiến học sinh mất thiện cảm với môn học, coi việc học như một cực hình và vì thế, ngày càng xa rời tri thức hơn.

Quay trở lại với những gì chúng ta tranh cãi gần đây, về học thêm; về thi trắc nghiệm…, chúng ta có thể giật mình nhận ra rằng người lớn đang áp đặt trẻ quá nhiều theo thiên kiến của riêng mình. Chưa một lần nào các em học sinh được hỏi "các em muốn thi trắc nghiệm hay làm bài luận, hay làm bài thi như bình thường?" mà thay vào đó, các em trở thành những thế hệ để chúng ta thí nghiệm ý tưởng tạm thời được coi là chân lý của người lớn.

Và như thế, chúng ta đang xây dựng một nền giáo dục khép kín, một nền giáo dục khiến học sinh khó có thể cởi mở, khó có thể hướng ngoại hơn, hạn chế sức sáng tạo của những người bắt đầu ở vào độ tuổi sung mãn của sáng tạo. Chính vì lẽ đó, ở Việt Nam lâu nay vẫn có chuyện những người trẻ, tốt nghiệp đại học rồi nhưng vẫn bị coi là thiếu chín chắn.

Đúng, họ thiếu chín chắn là bởi nền giáo dục ấy đã không cho họ cơ hội tự tìm hiểu, tự thử nghiệm, tự bộc lộ bản thân mình theo đúng những gì mình đam mê nhất. Các thế hệ lần lượt ra đời dưới những định dạng chung được công thức hoá một cách khô cứng sẽ hoàn toàn chỉ là những bộ nhớ lưu trữ lý thuyết một cách vô hồn, thậm chí lưu trữ mà không hiểu được thứ mình đang lưu trữ là để làm gì, có lợi ích gì và phục vụ điều gì.

Mềm hoá giáo dục để dạy tốt hơn, học tốt hơn, tại sao không thực hiện điều đó, nhân rộng nó, với mức độ và biên độ sáng tạo đa dạng, nhiều khác biệt do mỗi ngôi trường tiến hành theo mỗi cách khác nhau. Việc học muốn có hiệu quả, việc dạy muốn có thành quả rất cần đến sự mềm hóa ấy, để dạy và học tạo được niềm hứng khởi cho những người tham gia vào đó. Hơn thế nữa, tôn trọng ý muốn của học sinh cũng chính là tôn trọng chính chúng ta, những người lớn văn minh, biết đặt thế hệ nối tiếp mình vào một vị thế bình đẳng hơn và dân chủ hơn.

Hà Quang Minh
.
.