Không gian nào cho mỹ thuật đương đại?

Thứ Năm, 08/02/2018, 08:54
Cách đây gần 1 tháng, tại TP Hồ Chí Minh có diễn ra một triển lãm mỹ thuật gồm các tác phẩm của những sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh. 


Không ít người sau khi ghé thăm triển lãm kể trên đã cảm thấy thất vọng. Không phải họ thất vọng về chất lượng tranh mà cơ bản, họ thất vọng về không gian để tôn vinh những bức tranh rất đẹp ấy. Nhà triển lãm của Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh nằm ở 218 Pasteur, quận 3, nơi có địa thế rất đẹp, không gian cũng rộng rãi, gian trưng bày sạch sẽ đúng tiêu chuẩn của một gallery. Nhưng ở phía trước của nó thì là một thế giới khác, với sự lộn xộn của quán cơm bình dân ngay trong sân trước của nhà triển lãm. Chính vì sự lộn xộn ấy, cùng với những pano quảng cáo lem nhem, đã khiến nhiều người lướt qua đó mà không hề có suy nghĩ rằng “đây là nơi dành cho mỹ thuật”.

Trong bối cảnh hội họa Việt Nam đang có dấu hiệu hồi sinh thời gian gần đây, nhu cầu cho những không gian chuẩn dành cho mỹ thuật đang rất lớn. Chúng ta nếu quan tâm sẽ nhận thấy số lượng các buổi đấu giá mỹ thuật thành công ở Việt Nam trong năm 2017 vừa rồi đã tăng đột biến, với các nhà đầu giá điển hình như Chọn, Lý Thị…

Và điều đáng mừng là số lượng những nhà sưu tầm người Việt đã bắt đầu chiếm đa số, chứng tỏ rằng nhu cầu sở hữu tác phẩm mỹ thuật của người Việt đã hình thành. Nếu thị trường tranh trước kia vốn dĩ hướng ngoại nhiều hơn thì bây giờ đã cân bằng giữa nhà sưu tầm nước ngoài và trong nước. Nhưng các buổi trưng bày, đấu giá đã không thể tìm được không gian đẹp, đúng nghĩa dành cho mỹ thuật mà thay vào đó, phải thuê khán phòng của các khách sạn sang trọng, với chi phí rất cao.

Cũng chính không gian sang trọng ấy đã một phần tạo nên thành công cho các buổi đấu giá. Thử hỏi, nếu các buổi đấu giá được tổ chức ở một không gian, bối cảnh lem nhem như Nhà triển lãm của Hội Mỹ thuật thành phố thì chúng có đủ sức thu hút những nhà đầu tư, sưu tập vốn dĩ rất giàu có và trọng hình thức?

Điều đáng nói là trong hoàn cảnh như vậy, các không gian mỹ thuật tư nhân lại bắt đầu nổi lên chiếm ưu thế, từ không gian lớn được đầu tư bởi các tập đoàn cho tới không gian mang tính cá nhân, do chính những họa sỹ có tên tuổi tạo dựng. Như vậy, câu trả lời của vấn đề này đã quá rõ. Khi mỹ thuật được đặt vào tay những người trân trọng mỹ thuật, nó sẽ được chăm bẵm đúng cách. Còn khi nó vẫn ở tình trạng lạc hậu kiểu cha chung không ai khóc, nó sẽ không thể phát huy hết nội lực của mình.

Vẫn biết, một trung tâm triển lãm như nhà triển lãm Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh là một cơ quan nhà nước, với bộ máy nhân viên cồng kềnh, luôn cần ngân quỹ để trả lương nên tận dụng không gian để làm thêm dịch vụ là điều phải làm, dù người trong cuộc không hề muốn thế. Nhưng lựa chọn dịch vụ nào để cân bằng được cả lợi ích lẫn mỹ quan không gian lại là câu chuyện khác, đòi hỏi sự tính toán, cân nhắc và cả sự khắt khe.

Vấn đề quan trọng nhất chỉ là cách làm, mà cụ thể là tự trả lời câu hỏi “nếu giao khoán không gian ấy cho nhà đầu tư tư nhân, chắc chắn họ sẽ làm hiệu quả hơn, và họ sẽ làm theo cách nào?”. Tìm hiểu cách làm đúng, thực hiện nó là bài toán không khó. Thậm chí, nếu lo ngại về khả năng thành công của việc tự đầu tư, tự thực hiện, thì cổ phần hoá hoặc kêu gọi hợp tác đầu tư từ thành phần tư nhân cũng là một hướng đi có thể giải quyết được những khúc mắc được coi là lâu dài này. 
Hà Quang Minh
.
.